Phát triển bền vững nghề cá,

vnapotalbi-1585013335-65.jpg

LỜI NÓI ĐẦU

Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản trên biển ở Việt Nam có những bước tiến đáng kể, diện tích và sản lượng không ngừng tăng lên. Đây là dấu hiệu khả quan để nghề nuôi cá biển ở Việt Nam có thể thay thế việc khai thác gần bờ, khai thác theo kiểu “tận diệt” sang hình thức nuôi trồng trên biển bền vững hơn.

Hình thức chuyển đổi này cũng góp phần đưa ngành khai thác, chế biến tiến gần đến việc tuân thủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU của Ủy ban châu Âu. Từ đó, giúp Việt Nam sớm được gỡ bỏ “thẻ vàng IUU.”

Giá trị kinh tế cao

Hồng Nhung–Thanh Trà

Nghề đánh bắt hải sản bao năm qua đã mang lại nguồn sống, giúp ngư dân ven biển của Việt Nam ổn định đời sống. Thế nhưng, với xu thế phát triển của thế giới, tiêu dùng gắn liền với bảo vệ môi trường, khai thác quá mức trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc khai thác bền vững gắn với nuôi trồng đang là đòi hỏi bức thiết để phát triển bền vững hơn cho nghề cá ở Việt Nam.

Sử dụng lợi thế mặt nước biển

Các địa phương ven biển như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau… đang tận dụng tối đa mặt nước biển ven bờ vào việc nuôi trồng hải sản. Tính đến hết năm 2019, thống kê của Tổng cục thủy sản cho thấy, Việt Nam có khoảng  500.000ha mặt nước giàu tiềm năng nuôi trồng hải sản. Từ năm 2010 đến nay, diện tích và sản lượng nuôi biển tăng trên 20%/ năm. Năm 2019, có trên 5 triệu m3 lồng nuôi với sản lượng hơn 500.000 tấn hải sản. Hiện nay, đa số diện tích nuôi biển là nhuyễn thể và giáp xác, các loại cá biển…

Việc khai thác bền vững gắn với nuôi trồng đang là đòi hỏi bức thiết để phát triển bền vững hơn cho nghề cá ở Việt Nam.

Trước tình trạng khai thác gần bờ quá mức trong nhiều năm liền làm cho đa dạng loài trên biển không còn phong phú như trước. Cùng với tiềm năng mặt nước hiện có, nhiều ngư dân Cà Mau, Kiên Giang đã chuyển sang nuôi hải sản lồng, bè trên biển.

Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 4.300 lồng bè nuôi cá trên biển. Đối tượng nuôi phổ biến là cá bóp, cá mú, cá chim, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng, ngọc trai và một số loài nhuyễn thể.

Qua tìm hiểu, đa số người nuôi đều sử dụng lồng bè kiểu truyền thống, cho ăn bằng thức ăn tươi sống (cá tạp). Tận dụng môi trường sinh thái biển thuận lợi, người dân thả nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá bóp, cá mú đen, cá mú sao…

Nuôi các lồng bè trên vùng biển An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Nuôi các lồng bè trên vùng biển An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ông Phan Nhâm Dần, ấp Bãi Chướng, xã Hòn Thơm, huyện Phú Quốc, Kiên Giang hiện có 10 bè nuôi cá bóp trên biển (16m2/bè nuôi 100 con).

Theo ông Dần, điều kiện môi trường nước trong lành, không bị ô nhiễm nên cá lớn rất nhanh, nguồn thức ăn tự nhiên cho cá khá rẻ được mua trực tiếp từ các tàu đánh bắt trên biển.

Từ lúc thả nuôi đến khi thu hoạch là 12 tháng, cá sinh trưởng tốt đạt 9-10kg/con, tỷ lệ hao hụt thấp. Nhờ đầu ra ổn định, với giá bán 110.000-120.000 đồng/kg, lợi nhuận mỗi bè khoảng 50 triệu đồng/vụ.

Tính đến hết năm 2019, thống kê của Tổng cục thủy sản cho thấy, Việt Nam có khoảng  500.000ha mặt nước giàu tiềm năng nuôi trồng hải sản.

Khác với Kiên Giang, diện tích các đảo ở Cà Mau không lớn, khó phát triển nuôi trồng thủy sản, riêng đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời có điều kiện nguồn nước trong lành có thể nuôi trồng hải sản.

Ông Lê Văn Phương sinh sống trên đảo Hòn Chuối trước kia sống bằng nghề đánh bắt, nhưng nay chuyển sang nuôi cá lồng bè. Là một trong những ngư dân đầu tiên trên đảo thử nghiệm mô hình nuôi cá bóp lồng, sau thời gian đầu thả nuôi, cá lớn rất nhanh, tỷ lệ cá sống đạt trên 98%.

Tuy nhiên, theo ông Phương, để đầu tư một bè nuôi cá diện tích 16m2, chi phí khoảng 150 triệu đồng, nguồn vốn là trở ngại đối với người nuôi cá muốn mở rộng quy mô.

Gắn liền với tiêu thụ ổn định

Là địa phương đầu tiên trong 28 tỉnh có biển, tỉnh Kiên Giang đã có bước chuyển biến đột phá trong chuyển đổi sang nuôi biển. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển khai thác tiềm năng nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tăng thu nhập cho người dân vùng biển đảo, góp phần phát triển kinh tế biển.

Tàu cá neo đậu trên vùng biển đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Tàu cá neo đậu trên vùng biển đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chia sẻ, trước mắt, tỉnh lập đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, hiệu quả đến năm 2030, đánh giá đúng, đủ các nguồn lực phát triển nuôi biển của địa phương trong mối liên hệ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển đảo. Xây dựng các phương án nuôi biển cụ thể, hiệu quả gắn với những giải pháp đồng bộ khả thi; kết hợp phát triển nuôi biển với dịch vụ thủy sản và du lịch.

Trong nhiều loại thủy sản được nuôi trên biển, cá biển là đối tượng nuôi chính theo hình thức nuôi lồng bè trên biển. Vùng nuôi tập trung quanh các đảo thuộc các huyện Phú Quốc, Kiên Hải và một số xã đảo của huyện Kiên Lương, thành phố Hà Tiên, với các loại như: cá bóp, cá mú, cá chim trắng, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá cam… Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 3.464 lồng nuôi cá trên biển, với sản lượng hơn 3.500 tấn, đạt hơn 80% kế hoạch năm và tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Phát triển khai thác tiềm năng nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Để có thể phát triển nghề nuôi biển, người nuôi cần có nguồn thu nhập ổn định; trong đó, khâu thu mua sản phẩm, liên kết tiêu thụ là một khâu không thể thiếu.

Theo ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi–Thú y Kiên Giang, để giúp nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát huy hiệu quả, tỉnh Kiên Giang đã triển khai áp dụng công nghệ nuôi mới của các nước phát triển, kết hợp với lợi thế mặt nước biển sẵn có.

Bên cạnh đó, triển khai chính sách khuyến khích, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư ngành thủy sản, mở rộng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ đồng thời, phát triển thủy sản phải gắn với tái cấu trúc lại ngành, tuyệt đối không khai thác thủy sản bất hợp pháp, đảm bảo năng suất, hiệu quả, đủ sức cạnh tranh trên thị trường…

Cụ thể, tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện về cơ chế, chính sách vận hành cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư nuôi biển số lượng lớn thuận lợi trong khâu vận chuyển, tiêu thụ cá thương phẩm, liên kết thu mua cá thương phẩm của người nuôi biển.

Các doanh nghiệp và người nuôi cũng đề xuất nguyện vọng các ngành chức năng tạo điều kiện cho tàu thu mua của nước ngoài vào vùng biển Kiên Giang, thu mua cá thương phẩm còn sống, vận chuyển đi tiêu thụ ở các nước trong khu vực và các thị trường lớn, khó tính. Bởi khi thực hiện nuôi biển, ngư dân thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, đáp ứng đúng tiêu chí chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp theo quy định của Ủy ban châu Âu.

(Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
(Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Chuyển hướng sản xuất

Hồng Nhung–Thanh Trà

Mặc dù nghề nuôi biển chỉ mới phát triển và mở rộng trong 10 năm trở lại đây, nhưng nhiều ngư dân nhận thấy tiềm năng, triển vọng và lợi nhuận mang lại từ nuôi biển là rất tốt.

Từ đó, các ngư dân khai thác xa bờ nhưng có hiệu quả thấp cũng dần chuyển hướng để có thể sản xuất ổn định, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, chính vì sự mới mẻ này mà nuôi biển vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.

Vẫn còn những khó khăn

So với tiềm năng mặt nước hiện có, nghề nuôi biển của Việt Nam còn khá khiêm tốn.

Theo Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước tính đến hết năm 2019, tổng diện tích nuôi hải sản trên biển và quanh vùng nước quanh các hải đảo khoảng 250.000ha. Trong tổng diện tích này, có hơn 150.000ha nuôi vùng bãi triều ven biển, nuôi vũng vịnh, eo ngách hơn 80.000ha, nuôi vùng biển hở gần 20.000 ha.

Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, các địa phương ven biển ở nước ta có tiềm năng nuôi thủy sản biển rất lớn, song hiện các địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này.

Ông Nguyễn Bá Sơn, Vụ Nuôi trồng thủy sản, cho biết, khó khăn nhất hiện nay đối với nuôi biển là đa số còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết. Điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trình độ kỹ thuật của người nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu, mật độ lồng nuôi ngày càng gia tăng dẫn tới phá vỡ quy hoạch tại các vùng nuôi.

Các địa phương ven biển ở nước ta có tiềm năng nuôi thủy sản biển rất lớn, song hiện các địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này.

Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, hiện nghề nuôi biển của tỉnh Kiên Giang vẫn còn nhỏ lẻ, với công nghệ lạc hậu. Các hộ nuôi biển chủ yếu tự chế khung, lồng bằng cây, không đảm bảo độ an toàn khi có sóng to, gió lớn.

Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất giống thủy sản nuôi biển còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm, đặc biệt là chưa sản xuất được giống tôm hùm. Nguồn tôm hùm giống chủ yếu khai thác từ tự nhiên, song sản lượng khai thác ngày càng giảm.

Nếu năm 2015 chỉ khai thác được khoảng 1,4 triệu con, đến năm 2018 còn khoảng 270.000 con. Do lượng con giống tôm hùm khai thác giảm, trong khi nhu cầu giống để nuôi tăng cao nên những năm gần đây, tôm hùm giống chủ yếu nhập từ các nước Philippines, Malaysia, Indonesia.

Trong khi đó, công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè chưa thích ứng với điều kiện thời tiết, sóng biển. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm. Đối với thức ăn cho thủy sản nuôi, hầu hết người nuôi sử dụng cá tạp nên rất dễ gây ô nhiễm môi trường. Dịch bệnh tại hầu hết các vùng nuôi chưa được kiểm soát. Trong khi hiện nay, môi trường vùng ven biển ở nhiều địa phương bị ô nhiễm nặng do tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Ngư dân thị xã Sông Cầu lặn thu hoạch tôm hùm nuôi trên vịnh Xuân Đài. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)
Ngư dân thị xã Sông Cầu lặn thu hoạch tôm hùm nuôi trên vịnh Xuân Đài. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Theo ý kiến của một số chuyên gia trong và ngoài nước, để tăng mạnh được sản lượng, phải mạnh dạn phát triển nuôi xa bờ thay vì chỉ nuôi ven bờ như hiện nay. Ông Lucas Manomaitis, Giám đốc Kỹ thuật nuôi khu vực Đông Nam Á thuộc Hiệp hội xuất khẩu đậu tương Hoa Kỳ – chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi thuỷ sản cho hay, nuôi ven bờ đang ngày càng chịu áp lực bởi ô nhiễm môi trường, sự phát triển của các khu dân cư ven biển… nên sẽ không còn phù hợp trong tương lai.

Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển nuôi xa bờ và có thể tiến hành nuôi quanh năm. Xa bờ không có nghĩa là nuôi giữa đại dương mênh mông mà là xác định vị trí đủ xa để có độ sâu và dòng chảy cần thiết, đủ gần với các hỗ trợ hậu cần trên đất liền và nên ở những vùng đã được định sẵn cho thủy sản.

Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư

Các doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư công nghệ, thúc đẩy chuyển hướng để nghề nuôi biển phát triển mạnh.

Nhận thấy việc chuyển hướng từ khai thác, đánh bắt hải sản trên biển sang nuôi trồng trên biển mang lại nhiều lợi ích kinh tế, góp phần phát triển nghề cá bền vững, đảm bảo an toàn sinh thái biển, cốt lõi nhất là để ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài trong hoạt động khai thác, đánh bắt, các doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư công nghệ, thúc đẩy chuyển hướng để nghề nuôi biển phát triển mạnh.

Nuôi tôm trên cát ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Nuôi tôm trên cát ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Là một trong những doanh nghiệp đầu tư chuyển hướng sang nuôi biển, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Trấn Phú (Kiên Giang) đã mạnh dạn đầu tư nuôi với 6 lồng ương cá giống và 4 lồng nuôi cá thương phẩm, tại vùng biển thuộc xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc.

Ông Thái Tổ Trấn, Giám đốc Công ty Trấn Phú cho biết, toàn bộ lồng nuôi được nhập khẩu từ Na Uy; trong đó, lồng ương loại vuông có diện tích 5 x 5m, còn lồng nuôi cá thương phẩm loại tròn có đường kính 20m. Mỗi lồng tròn có thể nuôi được từ 25-30 tấn cá thương phẩm. Ưu điểm của loại lồng này là chịu được thời tiết khắc nghiệt trên biển, khung lồng bằng ống nhựa có tuổi thọ trên 35 năm, độ an toàn nuôi trên 20 năm.

Lồng nuôi chịu được sóng, gió cấp 10 và có thể xả van nhận chìm để đảm bảo an toàn khi có bão lớn. Chi phí đầu tư toàn bộ khung, lưới và dây neo… khoảng 700 triệu đồng/lồng nuôi cá thương phẩm. Với loại lồng nhập khẩu từ Na Uy, người nuôi có thể đầu tư nuôi ngoài khơi xa, hạn chế nguồn ô nhiễm. Hiện Công ty Trấn Phú đang đầu tư nuôi 2 loại cá là chim trắng vây vàng và Hồng Mỹ, với thời gian ương vèo từ 60 đến 75 ngày, sau đó chuyển lồng nuôi tiếp 6 đến 7 tháng là thu hoạch.

Việc chuyển hướng từ khai thác, đánh bắt hải sản trên biển sang nuôi trồng trên biển mang lại nhiều lợi ích kinh tế.

Cùng với Công ty Trấn Phú, Công ty Cổ Phần Tập đoàn Mavin (Hà Nội) cũng đã nắm bắt được xu hướng phát triển nuôi trồng biển, tiến hành triển khai dự án nuôi cá biển quy mô lớn tại Kiên Giang, ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại của châu Âu để sản xuất các loại cá biển chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo đại diện Tập đoàn Mavin, Mavin đầu tư nuôi biển tại Kiên Giang trên tổng diện tích là 2.000ha mặt nước, với sản phẩm nuôi trồng là các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá song, cá chim vây vàng… Với mức đầu tư này, Mavin có thể sản xuất 30.000 tấn cá biển các loại mỗi năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 30 triệu USD, dự kiến sẽ chính thức đi vào vận hành ổn định từ năm 2021.

Tập đoàn Mavin sẽ sử dụng toàn bộ công nghệ nuôi biển hiện đại của thế giới với công nghệ lồng nuôi biển của Na Uy, công nghệ cho ăn, kiểm soát nuôi của Pháp và công nghệ thu hoạch cá của Australia. Đây là dự án nuôi biển phục vụ xuất khẩu, nên Tập đoàn Mavin cũng đặc biệt chú trọng vào việc kiểm soát môi trường nuôi và truy xuất nguồn gốc xuất xứ, giúp việc xuất khẩu cá của dự án được thuận lợi, đáp ứng được đầy đủ các khuyến nghị của Cộng đồng châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).

Quy hoạch chặt chẽ

Hồng Nhung–Thanh Trà

Nuôi biển đang trở thành sự lựa chọn đầy triển vọng của nghề cá Việt Nam nói chung và của những ngư dân đánh bắt xa bờ chuyển đổi sản xuất nói riêng.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng chuyển đổi ồ ạt, vỡ trận khi sản phẩm cung vượt cầu, không đáp ứng được các tiêu chuẩn của người tiêu dùng quốc tế,… sự chuyển đổi cần một quy hoạch chặt chẽ, rõ ràng và đồng bộ ở các địa phương giữa người nuôi, nhà thu mua, nhà chế biến xuất khẩu và các tiêu chuẩn khắt khe của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Hướng đến quy mô công nghiệp

Phát triển nuôi biển là hướng đi được các chuyên gia kinh tế và môi trường đánh giá cao. Hướng đi này tạo điều kiện cho Việt Nam đến gần với các quốc gia tiên tiến đang đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường; trong đó, có bảo vệ môi trường sinh thái biển. Tuy nhiên, để hướng đi này bền vững, nhiều chuyên gia nhận định, ngành nuôi biển cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu, hướng đến quy mô công nghiệp để tồn tại.

Theo tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, để có thể đáp các yêu cầu của người tiêu dùng, nguồn hàng phải đảm bảo đủ, đều và chất lượng vào bất kỳ thời điểm nào mà người tiêu dùng yêu cầu.

Ngành nuôi biển cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu, hướng đến quy mô công nghiệp để tồn tại.

Do đó, các địa phương ven biển cần tổ chức lại sản xuất, cải tiến công nghệ nuôi thích ứng với điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu; phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, theo quy mô công nghiệp, có liên kết chuỗi giữa người nuôi và thu nhà thu mua, cung ứng ra thị trường, có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ đồng thời, cần có chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để có thể truy xuất nguồn gốc.

Các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi biển cần áp dụng công nghệ nuôi hiện đại như công nghệ nuôi tuần hoàn, công nghệ tạo dòng chảy, sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi kết hợp các loài hải sản theo hình thức hữu cơ, sinh thái, bảo đảm sức tải môi trường, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Mô hình nuôi biển ở Bãi Nam, xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Mô hình nuôi biển ở Bãi Nam, xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cùng với nỗ lực của người nuôi, nhà tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy chuẩn quốc gia về trại giống hải sản; ban hành quy định cụ thể về kiểm soát giống hải sản; bổ sung trại sản xuất mang tính công nghiệp vào đối tượng được vay vốn theo chính sách phát triển thủy sản. Ngoài ra, ngành nông nghiệp và các địa phương cũng có chính sách hỗ trợ thiết lập trại giống hải sản hiện đại; xây dựng sàn giao dịch giống hải sản, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ.

Vấn đề cốt lõi để thực hiện nuôi biển theo quy mô công nghiệp chính là từng bước thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Quy hoạch bền vững

Trong chuyến khảo sát về phát triển nuôi biển tại tỉnh Kiên Giang là địa phương có bước đột phá về chuyển đổi nuôi biển mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tỉnh Kiên Giang tập trung tái cấu trúc lại ngành thủy sản, giảm cơ cấu khai thác và tăng sản lượng nuôi trồng, tạo việc làm cho lao động nuôi trồng, giảm lao động khai thác. Để làm được điều này, các đơn vị nghề cá Việt Nam và nghề cá Kiên Giang cần có một quy hoạch cụ thể, cùng chính sách đi kèm để tạo điều kiện cho sự chuyển đổi này thuận lợi phát triển.

Tập trung tái cấu trúc lại ngành thủy sản, giảm cơ cấu khai thác và tăng sản lượng nuôi trồng, tạo việc làm cho lao động nuôi trồng, giảm lao động khai thác.

Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng nhìn nhận, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu kỹ những xu hướng chuyển dịch của lĩnh vực nuôi biển trên thế giới, bao gồm chuyển từ các trại nuôi quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại; chuyển từ vùng nước ven bờ, nơi có hệ sinh thái nhạy cảm và dễ chồng lấn với các hoạt động kinh tế khác ra vùng biển xa bờ và tiến dần ra nuôi ngoài đại dương.

Bên cạnh đó, chuyển từ mô hình hộ gia đình sang doanh nghiệp nuôi biển, nhờ các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư có vai trò của nhà nước;  thiết lập quy hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, tăng cường công cụ quản lý nhà nước và cơ chế đồng quản lý theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Ngoài ra, xây dựng hệ thống cảnh báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh nuôi biển; thiết lập và phát triển chuỗi giá trị, liên kết trại nuôi với hệ thống mạng lưới cung cấp thức ăn, con giống, các cơ sở chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Huỳnh Văn Chiều, ở xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang)  với mô hình nuôi cá mú sao quy mô 44 lồng, đạt lợi nhuận hơn 8 tỷ đồng/vụ. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Ông Huỳnh Văn Chiều, ở xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) với mô hình nuôi cá mú sao quy mô 44 lồng, đạt lợi nhuận hơn 8 tỷ đồng/vụ. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Song song với những yêu cầu về quy hoạch tổng thể chuyển đổi sang nuôi biển, mỗi địa phương có biển cũng có những quy hoạch riêng, phù hợp với đặc trưng của từng nơi.

Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi–Thú y Kiên Giang cho biết, đối với các địa phương có quy hoạch nuôi cá lồng bè ven biển, đảo, cần thực hiện đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về vị trí đặt lồng, số lượng lồng, bảo vệ môi trường khu vực nuôi.

Người nuôi phải giám sát chặt chẽ tình hình môi trường nước vùng nuôi, thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá. Phân công người trực canh trên bè 24/24 giờ để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường của môi trường nước và đưa ra các giải pháp ứng phó thích hợp.

Từ năm 2012, Việt Nam đã có mặt trên bản đồ những nước nuôi cá biển hàng đầu thế giới.

Không những vậy, các địa phương thực hiện chuyển đổi từ khai thác, đánh bắt hải sản sang nuôi biển tập trung thực hiện hiệu quả quy trình phòng bệnh tổng hợp đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tập huấn, như chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch, kích cỡ đồng đều, cá khỏe mạnh…

Theo tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, từ năm 2012, Việt Nam đã có mặt trên bản đồ những nước nuôi cá biển hàng đầu thế giới. Nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư thì sản lượng nuôi biển hàng năm bao gồm tôm và tôm hùm, cá biển, trai ngọc, nhuyễn thể khác, tảo và rong biển, các hải sản khác sẽ có thể tăng mạnh trong những năm tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trong thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Hiện nay, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ,…

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu như trên, ngành nuôi biển không thể tiếp tục phát triển theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, mà phải chuyển sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với sinh thái và môi trường biển, đảm bảo phát triển bền vững./.

Nuôi cá lồng bè trên biển tại xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Nuôi cá lồng bè trên biển tại xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)