Giới công nghệ trong ‘bão’ COVID-19:

1198350755j-1582637833-71.jpg

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) quần thảo Trung Quốc và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đang làm lộ rõ những điểm yếu của ngành công nghiệp công nghệ điện tử tiêu dùng khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường đông dân nhất thế giới từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Một loạt các đại gia công nghệ hàng đầu thế giới như Apple đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch sản xuất, chậm ra mắt và phát hành các sản phẩm mới, khi nguồn cung ứng lắp ráp gia công chủ yếu nằm ở Trung Quốc.

Người ta đã bắt đầu cảm nhận được “hơi thở” của các gã khổng lồ công nghệ đang bị con virus chết người tấn công.

Ngay tại Trung Quốc, các gã khổng lồ công nghệ như Huawei cũng phải thay đổi lịch trình các sự kiện của mình.

Người ta đã bắt đầu cảm nhận được “hơi thở” của các gã khổng lồ công nghệ đang bị con virus chết người tấn công.

Tuy nhiên, trong “nguy” có “cơ.” Giữa bầu không khí u ám đang bao phủ hầu hết thế giới công nghệ, vẫn có những điểm sáng mà nhiều chuyên gia nhận định đó sẽ là đà để khởi đầu cho những thay đổi lớn.

COVID-19 khiến mọi người bị mắc kẹt ở nhà và cố gắng tránh lây nhiễm, nó cũng thay đổi cách mọi người sử dụng công nghệ. Các công ty công nghệ buộc phải sáng tạo cách cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Nhiều hãng trước đây dựa vào các cuộc tụ họp đông người, giờ đang thử các dịch vụ ảo.

Các đại gia công nghệ lao đao khi virus corona mới tấn công trái tim của công xưởng thế giới

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đồng thời là nhà sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu, và việc đóng cửa các nhà máy ở nước này đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu.

Các chuyên gia sản xuất cho biết các hoạt động kiểm dịch và các biện pháp khác được triển khai để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này ở Trung Quốc có thể tiếp tục phá vỡ hoạt động sản xuất điện tử, ngay cả khi các nhà máy nhanh chóng trở lại sản xuất đầy đủ.

Andre Neumann-Loreck, người sáng lập On-Tap Consulting, một công ty ở Thung lũng Silicon chuyên tư vấn cho các công ty phần cứng và các công ty khởi nghiệp xây dựng ở châu Á, nói rằng khách hàng của ông đã hỏi rất nhiều câu hỏi về cách đối phó với dịch bệnh và đã tích cực lập kế hoạch dự phòng.

“Hiện tại, các công ty xây dựng các sản phẩm phần cứng đang ở chế độ khủng hoảng, và điều đó đúng cho dù họ có nhận được hàng hóa thành phẩm được xây dựng ở Trung Quốc hay dựa vào Trung Quốc để lắp ráp linh kiện và phụ kiện hay không,” ông Neumann-Loreck nói.

Foxconn, nhà lắp ráp gia công hàng đầu thế giới đang mắc kẹt ở Trung Quốc vì COVID-19.(Nguồn: Nikkei)
Foxconn, nhà lắp ráp gia công hàng đầu thế giới đang mắc kẹt ở Trung Quốc vì COVID-19.(Nguồn: Nikkei)

Sự bùng phát của COVID-19 cũng dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung ứng nguyên, vật liệu, hàng hóa khi các nhà máy vẫn đóng cửa, ảnh hưởng đến tất cả từ các nhà sản xuất phụ kiện, nhà sản xuất điện thoại và ôtô cùng các đại gia bán lẻ như Walmart.

Chịu tác động rõ ràng nhất có lẽ là Apple. Apple cho biết hãng này có thể không đạt được mức doanh thu mục tiêu trong quý tài chính kết thúc vào tháng 3 do sự chậm trễ trong sản xuất và nhu cầu thấp hơn bởi ảnh hưởng của sự bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) ở Trung Quốc.

Hãng công nghệ khổng lồ Mỹ cho biết, iPhone, sản phẩm chủ lực tạo ra phần lớn doanh thu của hãng, tạm thời bị hạn chế sản lượng do tiến độ sản xuất chậm hơn dự tính.

Sự bùng phát của COVID-19 dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung ứng nguyên, vật liệu, hàng hóa khi các nhà máy vẫn đóng cửa, ảnh hưởng đến tất cả từ các nhà sản xuất phụ kiện, nhà sản xuất điện thoại và ôtô cùng các đại gia bán lẻ.

“Công việc đang bắt đầu trở lại trên khắp đất nước [Trung Quốc), nhưng chúng tôi đang trải qua một sự trở lại điều kiện bình thường chậm hơn chúng tôi dự tính,” Apple cho biết trong một tuyên bố vào thứ Hai 17/2.

Ngoài ra, Apple cũng cho biết nhu cầu về iPhone đã giảm do các cửa hàng ở Trung Quốc bị đóng cửa hoặc hoạt động với số giờ hạn chế và ít khách hàng.

Trước khi bùng phát dịch COVID-19, Apple đã dự báo quý tài chính kết thúc vào tháng 3 đạt mức từ 63 tỷ USD đến 67 tỷ USD. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các nhà phân tích ước tính trung bình doanh thu quý này của Apple đạt 65,23 tỷ USD.

Hồi tháng 1, Apple dự tính các nhà máy ở Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại bắt đầu từ ngày 10/2. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm chạp khi nhiều công nhân của các nhà máy và đối tác sản xuất bị nhiễm virus corona mới.

“Đây là con dao hai lưỡi đang tồn tại [với Apple] ở Trung Quốc,” nhà phân tích lâu năm của Apple và đồng sáng lập Loup Ventures, Gene Munster.

Apple phải
Apple phải “nếm trái đăng” vì quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc từ sản xuất đến tiêu thụ. (Nguồn: Nikkei)

Các nhà máy công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng lao động của địa phương và với tình trạng  cách ly triệt để hiện nay, COVID-19 sẽ có tác dụng lâu dài đối với ngành sản xuất của đất nước này.

Nhận định về tác động của COVID-19 với hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, Sravan Kundojjala, Phó Giám đốc tại hãng nghiên cứu thị trường Strateg Analytics nói với trang androidcentral.com: “Nhìn chung, quý 1 năm nay là một quý kinh doanh yếu đối với các công ty thiết bị điện thoại thông minh và chip. Bất kỳ sự gián đoạn nào, được kích hoạt bởi virus corona mới, có khả năng dẫn đến kết quả kinh doanh hàng quý yếu hơn cho các công ty thiết điện thoại thông minh và chip.”

Hãng nghiên cứu thị trường TrendForce đã phát hành một báo cáo chi tiết tài liệu về việc COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong ngành công nghiệp công nghệ như thế nào. Hãng này dự báo sản lượng của ngành sản xuất điện thoại thông minh toàn cầu sẽ giảm 12% trong quý này, mức thấp nhất trong năm năm. Đồng hồ thông minh (smartwatch) và phân khúc thiết bị đeo được dự báo đạt 16% và sản lượng máy tính xách tay sẽ giảm 12,3%.

Bất kỳ sự gián đoạn nào, được kích hoạt bởi virus corona mới, có khả năng dẫn đến kết quả kinh doanh hàng quý yếu hơn cho các công ty thiết điện thoại thông minh và chip.

Trung Quốc cũng là nơi sản xuất khoảng một nửa số màn hình LCD dành cho tivi, máy tính xách tay và màn hình máy tính trên thế giới. Có năm nhà máy LCD được đặt tại thành phố Vũ Hán, trung tâm của dịch COVID-19. Hoạt động tại các nhà máy đã bị gián đoạn sau khi chính quyền Trung Quốc đưa toàn bộ thành phố vào diện phong tỏa kiểm dịch vào tháng trước.

Nhà phân tích David Hsieh của IHS Markit cho biết trong một email gửi tới trang tin Quartz rằng công suất tại các nhà máy này có thể giảm tới một nửa trong tháng Hai này. Điều này có thể sẽ buộc các nhà sản xuất Trung Quốc tăng giá để đối phó với sự thiếu hụt.

Facebook hồi đầu tháng 2 cho biết COVID-19 sẽ tác động đến việc sản xuất tai nghe Oculus Quest của họ.

Mặc dù đã được cảnh báo từ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, song có lẽ phải đến khi dịch COVID-19 khóa chặt công xưởng của thế giới và gây tắc nghẽn các chuỗi cung ứng toàn cầu, thì vấn đề phụ thuộc và thúc đẩy dịch chuyển nguồn cung ứng ra khỏi Trung Quốc của các hãng công nghệ mới thực sự được quan tâm đúng mức.

Trong một bài phân tích hôm 17/2, hãng tin Reuters nhận định Samsung đang “hưởng lợi” từ dịch COVID-19 ở Trung Quốc gây khó khăn cho Apple và các đối thủ khác.

Theo Reuters, Samsung bắt đầu “gặt hái” những thành quả sau một thập kỷ chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh ra bên ngoài Trung Quốc, mà cụ thể là Việt Nam.

“Một nửa số điện thoại thông minh Samsung, hiện được sản xuất tại Việt Nam, nơi virus corona mới đã làm tê liệt hoạt động tại Trung Quốc của Apple và nhiều công ty khác cho đến nay chỉ có tác động hạn chế đến việc sản xuất.” – Reuters nhận định trong bài phân tích.

Samsung cũng đã nhường lại phần lớn thị trường Trung Quốc cho các đối thủ của mình trong những năm gần đây. Điều này có nghĩa là họ đã sẽ không phải vật lộn trong việc đóng cửa hàng và giảm nhu cầu từ thị trường đang tấn công Apple và các hãng khác khi COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc.

Samsung bắt đầu “gặt hái” những thành quả sau một thập kỷ chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh ra bên ngoài Trung Quốc, mà cụ thể là Việt Nam. (Reuters)

“Samsung có vị trí tốt hơn để vượt qua sự sụp đổ của virus so với các đối thủ đáng gờm như Huawei và Apple,” một nhà phân tích về chuỗi cung ứng Samsung nói với Reuters. “Con virus này phơi bày những rủi ro ở Trung Quốc. Chúng tôi cảm thấy may mắn vì chúng tôi đã có thể thoát khỏi những rủi ro này.”

Tuy nhiên, hai nguồn thạo tin với các hoạt động của Samsung ở Việt Nam cảnh báo rằng nếu dịch COVID-19 bùng phát kéo dài, Samsung sẽ cảm nhận được tác động, vì công ty này hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiều linh kiện từ Trung Quốc.

“Các chuyến hàng xuyên biên giới cũng bị cắt giảm trong giai đoạn đầu của sự bùng phát virus khi Việt Nam áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn,” theo ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Phòng Kinh doanh Hàn Quốc tại Việt Nam. “Các vấn đề này đã được giải quyết,” ông Sun nói, “nhưng rủi ro vẫn còn nếu các nhà cung cấp linh kiện Trung Quốc không thể quay lại làm việc.”

Samsung cũng dựa vào các nhà lắp ráp hợp đồng của Trung Quốc để sản xuất một số mẫu cấp thấp.

Trong một tuyên bố với Reuters, Samsung cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu mọi tác động đến hoạt động của mình.”

TrendForce gần đây đã cắt giảm dự báo sản xuất quý đầu tiên cho Huawei 15% và Apple 10%. Hãng này cũng hạ dự báo cho Samsung Electronics nhỏ hơn 3%.

Kể từ khi bắt đầu sản xuất điện thoại tại Việt Nam vào năm 2009, Samsung đã tích cực tăng sản lượng thông qua nguồn nhân lực giá rẻ hơn và các ưu đãi của chính phủ. Một số hãng của Hàn Quốc đã làm theo và bước đầu thu được thành công.

(Nguồn: SCMP)
(Nguồn: SCMP)

COVID-19 mang tới một cơ hội cho các công ty công nghệ Trung Quốc

Khi Trung Quốc chiến đấu với virus corona mới, công nghệ sẽ không phải là “yếu tố thống trị” ngăn chặn sự bùng phát, theo ông Daniel Mu, nhà phân tích công nghệ mới nổi có trụ sở tại Bắc Kinh tại Forrester.

Nhưng ông cho biết lĩnh vực này có những công dụng của nó, bao gồm cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số như giao thực phẩm và thanh toán di động giúp mọi người “đối mặt với dịch bệnh tốt hơn.”

Trong tháng 2 này, Tencent đã mở ra các cơ sở siêu máy tính của mình – bao gồm các máy có thể chạy các phép tính nhanh hơn nhiều so với một máy tính cá nhân (PC) thông thường – để giúp các nhà nghiên cứu chạy đua tìm cách chữa trị.

Công nghệ có những công dụng của nó, bao gồm cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số như giao thực phẩm và thanh toán di động giúp mọi người đối mặt với dịch bệnh tốt hơn.

Viện Khoa học Đời sống Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa nằm trong số những đối tác tham gia. Và Didi, nhà cung cấp dịch vụ xe công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, đã hợp tác với các tổ chức y tế và viện trợ để cho phép các công nhân cần thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phân tích dữ liệu, mô phỏng trực tuyến hoặc hỗ trợ hậu cần để sử dụng máy chủ của Didi miễn phí.

Những hãng khác đang triển khai robot để loại bỏ sự tiếp xúc giữa người với người.

“Vâng, bạn có thể gọi chúng là mánh lới quảng cáo,” Eliam Huang, một nhà phân tích tại Coresight Research cho biết. “Nhưng các công ty công nghệ Trung Quốc rất nhạy bén và đa năng.”

Một khách sạn ở Trung Quốc được sử dụng để cách ly những người bị nghi ngờ nhiễm COVID-19 đã thuê một robot để giao thức ăn.

Chẳng hạn, gã khổng lồ giao hàng thực phẩm Meituan Dianping đã giới thiệu robot vào tuần trước tại một số nhà hàng của đối tác ở Bắc Kinh, nơi giúp mang thức ăn từ bếp đến nhân viên giao hàng và cho khách hàng chờ đặt hàng. Meituan muốn mở rộng chương trình sang các thành phố khác nếu thành công.

Trong khi đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com gần đây đã sử dụng robot tự hành để mang hàng hóa đến nhân viên y tế ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nơi khởi phát virus.

Các bot, trông và chạy giống như những chiếc xe cỡ nhỏ, đã chuyển các gói hàng đến bệnh viện chủ yếu điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

“Bạn có thể gọi chúng là mánh lới quảng cáo.Nhưng các công ty công nghệ Trung Quốc rất nhạy bén và đa năng.” (Eliam Huang, một nhà phân tích tại Coresight Research)

Tuyến đường này tương đối ngắn – cách bệnh viện khoảng 600 mét – “nhưng việc rút con người ra khỏi phương trình đã giúp bảo vệ khách hàng và nhân viên,” Qi Kong, người đứng đầu bộ phận xe tự hành tại JD Logistics cho biết. “Khi chúng tôi biết được tình hình ở Vũ Hán, chúng tôi đã bắt đầu xoay vòng các nguồn lực của mình ở đó,” ông Qi nói với CNN Business.

“Thời gian rất ngặt nghèo. Chúng tôi chỉ mất bốn ngày để đảm bảo thuật toán của chúng tôi đã sẵn sàng, từ mô phỏng đến thực hành.”

Và theo truyền thông Trung Quốc, một công ty khởi nghiệp, Shanghai TMIRob, đang gửi hàng chục robot đến các bệnh viện trên khắp Vũ Hán. Ở đó, các robot đang phun thuốc khử trùng tại các khu cách ly, phòng chăm sóc đặc biệt và phòng điều hành.

Thiết bị bay không người lái (drone) cũng đã được đưa vào sử dụng trong thời gian dịch. Công nghệ này cho phép các nhà chức trách quét qua đám đông lớn và phát hiện ra nếu ai đó cần chăm sóc y tế, theo MicroMultiCopter, một công ty khởi nghiệp không người lái có trụ sở tại Thâm Quyến đã triển khai khoảng 100 thiết bị trên cả nước.

Công ty này cũng huy động 200 nhân viên đến các trung tâm chỉ huy để theo dõi hình ảnh theo thời gian thực mà drone truyền về.

(Nguồn: Nikkei)
(Nguồn: Nikkei)

Hãy tưởng tượng bạn đến lớp học thông qua YouTube. Về cơ bản, đây là những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, nơi trang web video Youku đã bắt đầu cung cấp các lớp học cho học sinh tiểu học và trung học sau khi các trường học bị đóng cửa vì COVID-19.

Các công ty giáo dục trực tuyến khác cũng đã cung cấp các lớp học miễn phí trong thời gian xảy ra dịch bệnh, bao gồm Tập đoàn New Oriental, công ty giáo dục tư nhân lớn nhất Trung Quốc và nền tảng học tập tiếng Anh VIPKid.

Tuy nhiên, điều bất thường hơn là các phòng tập thể dục cũng trở nên ảo để giúp khách hàng giữ dáng. Sau khi các câu lạc bộ thể hình bị buộc phải đóng cửa, truyền thông địa phương đã đưa tin về sự gia tăng của các phòng tập thể dục cung cấp các lớp thể dục trực tuyến trên các nền tảng video như Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok.

COVID-19 đã “xóa sổ” với các rạp chiếu phim đông người, và các nền tảng video đang tận dụng nó bằng cách ganh đua cho các tựa phim đình đám mới nhất.

Bộ phim thân thiện với gia đình “Lost in Russia” đã bỏ qua các rạp chiếu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mùa chính cho khán giả xem phim ở Trung Quốc. Thay vào đó, Bytedance đạt được thỏa thuận ra mắt bộ phim trên các ứng dụng của mình, bao gồm cả Douyin. Huanxi Media, công ty sản xuất phim, cũng đang chiếu bộ phim trên nền tảng riêng của mình.

COVID-19 đã “xóa sổ” với các rạp chiếu phim đông người, và các nền tảng video đang tận dụng nó bằng cách ganh đua cho các tựa phim đình đám mới nhất.

Một bộ phim khác bỏ qua các rạp chiếu phim là bản làm lại “Hong Kong Enter the Fat Dragon,” được phát trực tuyến trên nền tảng video của Baidu, iQiyi và Tencent Video.

Các nền tảng video đang được sử dụng nhiều hơn là chỉ giết thời gian. Cư dân Vũ Hán, nơi virus lây lan lần đầu tiên và hiện đang bị phong tỏa, đã tìm đến các ứng dụng video ngắn như Douyin và Kuaishou để chia sẻ những tin tức mới nhất hoặc chia sẻ video về việc họ vui vẻ như thế nào trong suốt thời gian bị cách ly.

Huang, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Coresight Research cho biết, lĩnh vực công nghệ từ lâu đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ “từ trên xuống” của Chính phủ Trung Quốc. Chính phủ trung ương đã phân bổ 3,9% ngân sách quốc gia cho khoa học và công nghệ năm ngoái, tăng 14% so với năm trước.

“Điều này cho thấy chính phủ đánh giá cao sự phát triển của công nghệ và sự cống hiến của lĩnh vực này để thúc đẩy đổi mới công nghệ tiến lên phía trước,” cô Huang nói. “Hỗ trợ của chính quyền giúp mọi thứ diễn ra nhanh hơn,” cô nói thêm./.

Trung Quốc đưa vào sử dụng robot khử trùng thế hệ đầu tiên tại công ty công nghệ Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 11/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trung Quốc đưa vào sử dụng robot khử trùng thế hệ đầu tiên tại công ty công nghệ Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 11/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)