Quan họ cổ Việt Yên

quanho33-1572397869-48.jpg

Nhắc đến quan họ, nhiều người chỉ nghĩ đến Bắc Ninh như một chỉ dẫn địa lý. Thế nhưng, ngay bên kia bờ bắc sông Cầu, mảnh đất Việt Yên cũng được coi là một trong những cái nôi khai sinh ra những câu giao duyên đằm thắm, mặn mà.

Việt Yên cũng là huyện duy nhất của tỉnh Bắc Giang có 5 làng quan họ cổ thuộc danh sách 49 làng quan họ Kinh Bắc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh.

Bởi vậy, “làm thế nào để gìn giữ và trao truyền những câu hát quan họ giao duyên bên dòng sông Cầu cho thế hệ kế cận” vẫn luôn là câu hỏi khiến những liền anh, liền chị ở tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Việt Yên nói riêng trăn trở…

Hành trình “giải mã” quan họ cổ phía Bắc sông Cầu

Từ khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2009), quan họ cổ được chú ý hơn và có sự “trở lại” mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng.

“Dẫu vậy, không phải ai cũng biết, hiểu về không gian sinh hoạt cùng những cách gọi, lối hát… của quan họ cổ,” bà Đàm Thị Mùi (63 tuổi, làng quan họ cổ Nội Ninh, xã Ninh Sơn, Việt Yên) bày tỏ.

Có một xứ quan họ phía Bắc sông Cầu

Ngôi đình của làng Nội Ninh (Việt Yên, Bắc Giang) một sáng mùa thu chợt huyên náo lạ thường. Từ các ngả, những liền anh, liền chị xúng xính áo tứ thân, khăn the, nón lá quai thao… xăm xăm bước về phía khoảng sân rộng. Cuộc hẹn gặp với những khách phương xa muốn tìm hiểu về quan họ khiến họ náo nức và nóng lòng hơn lúc nào hết.

Những liền anh, liền chị xúng xính áo tứ thân, khăn the, nón lá quai thao để chuẩn bị cho một buổi “chơi quan họ
Những liền anh, liền chị xúng xính áo tứ thân, khăn the, nón lá quai thao để chuẩn bị cho một buổi “chơi quan họ”. 

Bỏm bẻm nhai một miếng trầu cánh phượng, liền chị Đàm Thị Ô (làng quan họ cổ Nội Ninh, xã Ninh Sơn, Việt Yên) í a ngâm một câu trong khúc Bạn đến chơi nhà. Mặc dù đã hơn 80 tuổi, nhưng giọng của lão nghệ nhân vẫn da diết, sâu lắng và còn rất… ngọt.

Dừng lại một chút, bà khẽ chép miệng bảo: “Nhiều người hay nhầm lẫn Quan họ chỉ là của riêng Bắc Ninh. Thế nhưng, thật ra, đó là di sản chung của cả hai bờ Bắc và Nam sông Cầu mới đúng.”

Theo bà Ô, hiện nay trong số 49 làng quan họ cổ đã được thống kê từ những năm 1969 – 1971 ở cả bờ bắc và bờ nam sông Cầu thì Bắc Giang có các làng quan họ cổ là Hữu Nghi, Giá Sơn, Nội Ninh, Mai Vũ (xã Ninh Sơn) và Sen Hồ (thị trấn Nếnh).

Câu lạc bộ làng quan họ cổ Nội Ninh. 
Câu lạc bộ làng quan họ cổ Nội Ninh. 

Năm 2006, để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận quan họ là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ Văn hóa Thông tin cũ (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã giao Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia phối hợp Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỉnh Bắc Giang nghiên cứu.

Khi ấy, các cơ quan quản lý và nhà nghiên cứu xác định, ngoài 5 làng trên, huyện Việt Yên còn có 13 làng khác hội tụ các yếu tố của một làng quan họ cổ. Ngoài ra, ở thôn Bùi Kép và Bùi Bến (cùng ở xã Yên Lư, huyện Yên Dũng) và thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm (huyện Hiệp Hòa) cũng phát hiện nhiều người là nghệ nhân quan họ từ lúc trẻ. Những kết quả điều tra đã khẳng định không gian quan họ bờ bắc sông Cầu rất rộng lớn, còn lưu giữ nhiều giá trị của di sản văn hóa quan họ đặc sắc của vùng Kinh Bắc.

Những lớp nghệ nhân già như bà Ô vẫn nhớ không quên những lề lối hát cổ với những cách vang, rền, nền, nảy được truyền lưu. Nó như một thứ mạch máu ngầm chảy dần dật trong họ, nối hai bờ bắc và nam của dòng sông Cầu vốn đã trầm tích cả trăm năm văn hóa quan họ vùng kinh Bắc.

Cái tình qua câu hát

“Mỗi khi khách đến chơi nhà/ Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/ Trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người một chén cho tôi vui lòng…” Ngưng câu hát, bà Đàm Thị Mùi bảo rằng quan họ không chỉ là một hình thức diễn xướng dân gian (hình thức hát giao duyên giữa các liền anh trong trang phục áo the, khăn xếp và các liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bảy, đầu đội nón quai thao) mà còn thể hiện cung cách ứng xử của người Kinh Bắc.

“Từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn truyền nhau câu nói: ‘Trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài.’ Đó chính là cái tình của người quan họ. Cái tình ấy được nâng niu, gìn giữ, đúc kết thành lời ăn nết ở của người dân Kinh Bắc; góp phần quan trọng làm nên sức sống, sức lan tỏa của quan họ trong đời sống đương đại,” bà Mùi bày tỏ.

Người Kinh Bắc nói chung và người Việt Yên nói riêng vốn trọng chữ “tình.” Bởi vậy, mọi cử chỉ, lời nói đều rất cẩn trọng, ý nhị. Điều này được thể hiện một cách tinh tế qua từng câu hát trong tổng số hơn 200 làn điệu quan họ cổ (với hàng ngàn dị bản) đang được lưu giữ, bảo tồn trong đời sống cộng đồng.

Mạch truyện nối dài, bà Mùi bảo, các bậc cao niên trong vùng cũng không nhớ rõ tục hát quan họ có từ khi nào. Những câu chuyện, truyền thuyết về nguồn gốc, thời điểm ra đời của quan họ được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Trong số đó, giả thiết cho rằng quan họ ra đời từ tục kết chạ (kết nghĩa) giữa các làng thờ chung thành hoàng được lưu truyền phổ biến hơn cả.

Ngoài ra, các bậc cao niên cũng chỉ biết rằng, từ hàng trăm năm nay, trải qua bao biến thiên của thời cuộc, lịch sử, quan họ vẫn tồn tại, ngấm sâu trong đời sống người Kinh Bắc.

Từ hàng trăm năm nay, trải qua bao biến thiên của thời cuộc, lịch sử, quan họ vẫn tồn tại, ngấm sâu trong đời sống người Kinh Bắc.

Trong một số giai đoạn cụ thể (thập niên 1950s-1960s), do điều kiện lịch sử, nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống thu hút đông người tham gia (trong đó có quan họ) không diễn ra phổ biến, thường xuyên.

“Ấy vậy mà quan họ chưa bao giờ mất đi. Khi không có những canh hát quan họ, các anh hai, chị hai vẫn ngân vang câu hát trong lúc sản xuất, cấy cày hay mỗi khi có dịp (khách đến thăm nhà, lễ lạt, cưới hỏi…), thậm chí, những bà mẹ vẫn ru con bằng câu quan họ. Bố mẹ tôi vẫn thường kể, trong thời kỳ chiến tranh, những khi từ dưới hầm trú ẩn lên, người dân Kinh Bắc lại chỉ dạy cho nhau những làn điệu được ông cha lưu truyền lại,” ông Nguyễn Văn Đắc (làng quan họ cổ Nội Ninh, xã Ninh Sơn, Việt Yên) bồi hồi.

Ông Nguyễn Văn Đắc (làng quan họ cổ Nội Ninh, xã Ninh Sơn, Việt Yên).
Ông Nguyễn Văn Đắc (làng quan họ cổ Nội Ninh, xã Ninh Sơn, Việt Yên).

Hơn 70 năm gắn bó với loại hình dân ca này, bà Đàm Thị Ô cho biết, cũng như bao liền anh, liền chị sinh ra và lớn lên ở “cái nôi” quan họ, bà được nghe những làn điệu trữ tình sâu lắng ấy từ thuở lọt lòng. Ban đầu, bà học những giọng vặt, để rồi đến năm 10 tuổi, bà đã có thể hát được nhiều câu ca cổ.

Trong ký ức của bà, những thập niên đầu thế kỷ 20, đời sống còn nhiều khó khăn. Người dân chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai… “Thế mà, vì mê quan họ, tôi đã làm hỏng không biết bao nhiêu bữa ăn của cả gia đình. Không ít lần, khi đang nấu cơm trong bếp, nghe tiếng ông nội dạy bố những câu quan họ cổ, tôi vụt chạy lên nhà, nấp sau cánh cửa để ‘học lỏm.’ Khi trong lòng đang mừng vui khấp khởi vì mới nghe, biết thêm và nhớ mang máng được một vài câu ca thì… cả gian bếp đã khét lẹt mùi cơm, khoai cháy,” bà Ô nhớ lại.

Cách “chơi” quan họ

Quan họ cổ không dùng nhạc đệm. “Những đoạn nhấn nhá ‘í…a… ơi…’ chính là những nốt nhạc nối từ câu này sang câu kia. Lời ca quan họ không phải lời ‘chót lưỡi đầu môi’ mà là sự trải lòng của các liền anh, liền chị. Từ âm sắc giọng hát, người nghe có thể hiểu được nỗi lòng, tâm trạng… của người hát,” ông Nguyễn Văn Đắc chia sẻ.

“Chơi” quan họ mang sắc thái thanh tao, nền nã, lời ca vang ngân vừa phóng khoáng, vui thú vừa đắm đuối, nền nã. 
“Chơi” quan họ mang sắc thái thanh tao, nền nã, lời ca vang ngân vừa phóng khoáng, vui thú vừa đắm đuối, nền nã. 

Ngoài việc nhớ lời, người học quan họ còn phải tập lấy hơi, rèn cách luyến láy, ngân nga, sau đó mới trau chuốt theo kỹ thuật “vang, rền, nền, nảy.” Người quan họ phải biết các điệu “hừ la,” “la rằng,” “la bạn”…; tập hát cả giọng vặt, giọng kết, giọng giã, hát lề lối, hát đối, hát canh…

Các nghệ nhân quan họ ở Việt Yên cho biết, trước đây, cổ nhân không gọi là “hát quan họ” như hiện nay mà gọi là “chơi quan họ.” “Hát quan họ thì nhiều người thực hành được, nhưng ‘chơi’ quan họ cho đúng bài bản, lề lối cổ thì không phải ai cũng làm được. Bởi lẽ, ‘chơi’ quan họ mang sắc thái thanh tao, nền nã, lời ca vang ngân vừa phóng khoáng, vui thú vừa đắm đuối, nền nã,” liền chị Đàm Thị Mùi chia sẻ.

Trước đây cổ nhân không gọi là “hát quan họ” như hiện nay mà gọi là “chơi quan họ.

Cũng theo bà Mùi, cổ nhân gọi là “chơi quan họ” còn bởi trước đây các làng thường kết chạ (kết nghĩa), mời các liền anh, liền chị sang chơi, cùng thi hát đối đáp. Từng nhóm liền anh, liền chị trong các làng thường được gọi là “bọn quan họ.” Người đứng đầu mỗi “bọn quan họ” được gọi là “ông trùm” hoặc “bà trùm.”

Một canh hát quan họ cổ thường có ba chặng. Ở chặng đầu tiên, các liền anh, liền chị thường hát theo đúng niêm luật, lề lối cổ. Chặng thứ hai là chặng vặt, người hát sử dụng các làn điệu phổ biến trong đời sống sinh hoạt. Chặng thứ ba được gọi là chặng giã, đòi hỏi cách hát lưu luyến, trữ tình.

Bà Đoàn Thị Mùi (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Nội Ninh).
Bà Đoàn Thị Mùi (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Nội Ninh).

Hơn nữa, người xưa cũng không gọi là “bài” quan họ như hiện nay. Thay vào đó, người quan họ gọi là “câu.” Thông thường, mỗi liền anh, liền chị thuộc từ 50 đến 70 “câu,” mỗi nghệ nhân “nằm lòng” hàng trăm “câu” quan họ.

Một trong những không gian sinh hoạt truyền thống của quan họ cổ là “nhà chứa” (nơi truyền dạy, tiếp đón các anh hai, chị hai từ những nơi xa đến).

“Trước đây, gia đình tôi sinh sống trong một ngôi nhà có bốn gian. Bố tôi đã dành một gian để làm ‘nhà chứa’ quan họ. Ở đó luôn có tráp trầu, lọ vôi và những vật dụng khác được bày biện theo lối cổ. Bao lớp liền anh, liền chị đã tới đây để cùng học và ngân nga câu quan họ. Đặc biệt, mỗi dịp gặp gỡ, các ‘bọn quan họ’ thường tổ chức những canh hát kéo dài nhiều ngày. Từ đó, tục ‘ngủ bọn’ cũng được hình thành và lưu truyền qua nhiều đời,” bà Đàm Thị Mùi chia sẻ.

Ngày nay, những thuật ngữ như “ngủ bọn,” “bọn quan họ,” “ông trùm,” “bà trùm”… ít được sử dụng dẫu rằng chúng phản ánh vẻ đẹp đặc trưng, riêng biệt và những giá trị lâu đời của văn hoá quan họ Kinh Bắc nói chung và quan họ Việt Yên nói riêng./.

Quan họ: Sợi dây gắn kết cộng đồng

Ở quê hương Kinh Bắc nói chung và huyện Việt Yên nói riêng, quan họ tự bao đời nay đã trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng.

Ông Nguyễn Đức Hiền – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho biết dân ca quan họ không chỉ ăn sâu vào tâm thức, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân ở những làng quan họ cổ mà ở khắp các làng, xã bên bờ Bắc sông Cầu. Đặc biệt, ở các lễ hội truyền thống không thể thiếu loại hình văn hóa dân gian này.

“Nghỉ làm về hát quan họ”

Ông Nguyễn Đức Hiền cho biết, hiện nay, Bắc Giang vẫn còn lưu giữ được khoảng 200 làn điệu quan họ cổ. Bên cạnh việc sưu tầm các làn điệu, bài ca xưa cũ, những người truyền dạy quan họ cũng soạn, đặt lời mới cho phù hợp với lứa tuổi để truyền dạy các thế hệ trẻ. Tuy nhiên, tại các làng quan họ cổ như Nội Ninh (xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên), phần lớn thành viên đều học theo lời cổ.

Bà Đoàn Thị Mùi (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Nội Ninh) cho biết, trong khoảng một thập niên vừa qua, quan họ có sự “trở lại” và phát triển mạnh mẽ hơn trong đời sống cộng đồng. Nếu ở thời điểm năm 2000, câu lạc bộ chỉ có bảy thành viên thì đến nay, tổng số thành viên trong câu lạc bộ là khoảng 30 người, thuộc nhiều độ tuổi khác nhau (từ 8 đến 94 tuổi).

Tại làng Nội Lát (xã Yên Sơn, Việt Yên), nghệ nhân Dương Thị Oanh cũng là một người “vác tù và hàng tổng” nhiều năm trong nỗ lực giữ gìn quan họ cổ.
Tại làng Nội Lát (xã Yên Sơn, Việt Yên), nghệ nhân Dương Thị Oanh cũng là một người “vác tù và hàng tổng” nhiều năm trong nỗ lực giữ gìn quan họ cổ.

“Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần theo hình thức người đi trước truyền dạy cho người đi sau, người thuộc nhiều, biết nhiều làn điệu truyền dạy cho người biết ít. Tất cả đều là những người ‘ăn cơm nhà vác tù và… giữ quan họ.’ Không ai nhận một đồng công xá, hỗ trợ nào. Hơn thế, nhiều liền anh, liền chị vốn thường ngày đi công tác xa nhà nhưng khi câu lạc bộ có hoạt động đều sẵn sàng xin nghỉ để về tham gia. Cũng bởi lẽ ấy, quan họ mới bám chặt, bền sâu trong đời sống người Kinh Bắc,” bà Đoàn Thị Mùi cho biết.

Để dẫn chứng, bà Mùi chỉ vào từng liền anh, liền chị đang say mê hát trong đình rồi lẩm nhẩm tính: “Sáng nay nghe có đoàn về, mấy liền anh, liền chị đang ở ngoài đồng cũng về đây hát. Có người còn bỏ cả ngày công làm nhôm kính khoảng 600.000 đồng. Mọi người ‘máu lửa’ với quan họ lắm.”

Nghe bà nói, cả chục nghệ nhân – nông dân bên bờ bắc sông Cầu cùng bật cười rôm rả.

Liền anh Nguyễn Văn Đắc khẽ vuốt lại tà áo xếp cho phẳng phiu rồi góp chuyện: “Mỗi lần có dịp được hát, được chơi, chúng tôi đều háo hức vô cùng. Dù có đang bận thế nào, tất cả cũng í ới gọi nhau để ra lập phường, lập hội cho bằng được. Nếu không hát, cả ngày chúng tôi bứt rứt không sao chịu được.”

Liền anh tóc đã hoa râm ấy thậm chí còn kể, trong làng có cụ già đang ốm nhưng nghe những câu í a văng vẳng ra từ sân đình vẫn phải bắt con cháu dìu ra nghe… cho đã.

“Quan họ như một thứ gây nghiện, gây thương nhớ cho người làng Nội Ninh chúng tôi từ bao đời rồi,” ông Đắc nhấn mạnh.

Quan họ như một thứ gây nghiện, gây thương nhớ cho người làng Nội Ninh chúng tôi từ bao đời.

Tại làng Nội Lát (xã Yên Sơn, Việt Yên), nghệ nhân Dương Thị Oanh cũng là một người “vác tù và hàng tổng” nhiều năm trong nỗ lực giữ gìn quan họ cổ. Liền chị 52 tuổi này hiện đang là chủ nhiệm Câu lạc bộ quan họ của làng. Chị bảo nếu không có đam mêm thì sẽ rất khó vượt qua được đủ thứ áp lực của cuộc sống hàng ngày.

“Công việc ở nông thôn rất nhiều, mà mình có tiếng là chủ nhiệm nhưng cũng… không có lương. Việc quy tụ các thành viên tham gia vào câu lạc bộ vì thế rất khó khăn. Nhưng rất may là quan họ đã thấm vào máu của người Việt Yên nên qua 10 năm, câu lạc bộ vẫn từng bước lớn lên từng ngày,” chị Oanh bày tỏ.

Các liền anh, liền chị đến với nhau bằng tình yêu và niềm đam mê quan họ. “Nếu không có tình yêu ấy thì chúng tôi không thể vượt qua được những áp lực, trở ngại trong cuộc sống. Tham gia câu lạc bộ quan họ đồng nghĩa với việc chúng tôi phải sắp xếp, gác lại nhiều công việc gia đình. Hơn nữa, làm công tác phong trào lại không có trợ cấp,” ông Nguyễn Đức Ước (thôn Hạ Lát, xã Yên Sơn, huyện Việt Yên) cho hay.

Quan họ vẫn đang lớn từng ngày

Để bảo tồn quan họ cổ, những liền anh, liền chị tại Việt Yên đã buộc phải trở thành những nhà… sưu tầm bất đắc dĩ.

Liền anh Nguyễn Văn Đắc trầm ngâm giải thích, đặc thù của quan họ cổ là dùng lời cũ với ngôn ngữ đặc thù mà hiện nay khá ít dùng. Do đó, chỉ những lớp nghệ nhân đi trước mới có thể nhớ và thuộc được.

Sân đình là nơi hò hẹn mỗi tuần của các liền anh liền chị làng quan họ cổ Nội Ninh. 
Sân đình là nơi hò hẹn mỗi tuần của các liền anh liền chị làng quan họ cổ Nội Ninh. 

“Các cụ ngày trước hầu như không biết chữ. Vì vậy chúng tôi buộc phải đến tận nơi, nhờ các cụ hát rồi ghi lại từng dòng,” ông Đắc kể.

Ông Đắc không nhớ được mình đã phải gõ cửa bao nhiêu nhà trong làng để… xin được nghe, được chép lại vốn cổ của cha ông. Chỉ biết, đôi bàn chân ông và nhiều liền anh, liền chị khác đã đi mòn từng ngóc ngách nhỏ của Nội Ninh và nhiều ngôi làng cổ khác của Việt Yên. Hơn 10 năm “giữ quan họ,” nhóm của ông đã ghi được gần 200 làn điệu cổ. Mỗi lần bắt gặp một câu ca cũ chưa từng biết, ông lại “mừng quýnh lên như vớ được vàng.”

Theo nghệ nhân Đàm Thị Mùi, để học một câu quan họ cổ, có khi phải mất đến 10 ngày hoặc nửa tháng mới “vỡ bài.” Và cũng sẽ phải mất chừng ấy thời gian nữa, các liền anh, liền chị mới có khả năng nằm lòng và “chơi” một cách tự tin.

May mắn cho những liền anh, liền chị như ông Đắc là trong vòng 5 năm trở lại đây, phong trào “hát chiếu”- hát đối đáp theo lối cổ giữa các câu lạc bộ, các làng đã phát triển mạnh.

“Đây là hình thức hát cổ, thường được tổ chức để thi tài giữa các làng với nhau. Các cặp từ hai làng sẽ ngồi lại, mỗi bên xướng 1 bài và đợi bên kia đáp lại,” ông Đắc giải thích.

Những nghệ nhân coi hát chiếu là đỉnh cao của quan họ khi những người tham gia buộc phải có một vốn liếng và độ hiểu biết rất dày về quan họ cổ.
Những nghệ nhân coi hát chiếu là đỉnh cao của quan họ khi những người tham gia buộc phải có một vốn liếng và độ hiểu biết rất dày về quan họ cổ.

Những nghệ nhân coi hát chiếu là đỉnh cao của quan họ khi những người tham gia buộc phải có một vốn liếng và độ hiểu biết rất dày về quan họ cổ. Mỗi câu hát sẽ có một vài lối đối đáp tương ứng.

“Nếu vốn của hai phương đều nhiều, có khi canh hát kéo dài qua trọn 1 ngày đêm không dứt. Nhưng nếu một bên yếu hơn thì sẽ phải chịu thua. Người thua sẽ mất ăn mất ngủ vì… buồn. Họ sẽ lại phải đi tìm nhiều câu hát hơn để chuẩn bị cho lần tỉ thí mới,” ông Đắc chậm rãi chia sẻ.

Cũng theo ‘lão nông nghệ nhân’ này, chính hình thức hát chiếu đối đáp đó đã khiến cho kho quan họ cổ mỗi ngày một dày lên. Những liền anh, liền chị buộc phải tự biến mình thành những nhà điền dã, sưu tầm và tìm tòi không ngừng nghỉ.

Bên cạnh việc lưu giữ, câu chuyện truyền lửa cho thế hệ trẻ cũng được đặc biệt lưu tâm. Điều đáng mừng là trong nhiều năm trở lại đây, các câu lạc bộ quan họ như Nội Ninh, Hạ Lát… ngày càng đón nhận thêm nhiều thành viên nhí hơn. Ở các câu lạc bộ, nếu như các bạn nhỏ thường tỏ ra thích thú mỗi khi được học một bài, làn điệu mới và thường nhớ lời rất nhanh thì những các thành viên lớn tuổi lại có thế mạnh trong việc truyền tải được “cái tình” sâu lắng của quan họ bằng chính sự trải nghiệm trong đời sống.

Người Việt Yên cũng bắt đầu quen dần với những ‘liền anh, liền chị tí hon’ xúng xính áo tứ thân, khăn xếp, nón lá… í a giã bạn mỗi tối cuối tuần.

Người Việt Yên cũng bắt đầu quen dần với những ‘liền anh, liền chị tí hon’ xúng xính áo tứ thân, khăn xếp, nón lá… í a giã bạn mỗi tối cuối tuần.

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên cho biết, huyện cũng chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch của huyện; xây dựng website, các tài khoản mạng xã hội giới thiệu về giá trị di tích trên địa bàn đến đông đảo người dân trong và ngoài nước biết về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương (Xây dựng chuyên mục “Việt Yên Miền Di Sản” trên Công thông tin điện tử của huyện; phối hợp với Báo Bắc Giang xây dựng chuyên trang “Việt Yên miền quan họ”).

Một trong những thành tựu nổi bật là Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên định kỳ hàng năm tổ chức liên hoan hát quan họ tại Lễ hội Chùa Bổ Đà. Trong giai đoạn từ năm 2000-2019, liên hoan hát quan họ của huyện đã tổ chức được 19 lần.

Đại diện Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Việt Yên cho biết, địa phương đã tổ chức điều tra, ghi chép thu thanh 19 bài quan họ dị bản tại làng quan họ Trung Đồng. Đây là tư liệu đặc biệt quý cần phải lưu giữ và bảo tồn, phát huy, truyền dạy trong thời gian tới.

Ngoài ra, huyện Việt Yên đã tổ chức và triển khai Đề án “Khôi phục lối hát đối đáp quan họ” tới 100% các làng quan họ ven sông Cầu thuộc các xã Tiên Sơn, Vân Hà, Ninh Sơn, Quảng Minh, Quang Châu, Vân Trung và Thị trấn Nếnh.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cổ truyền cũng là một trong những công việc được các cấp lãnh đạo quan tâm, để tiếp tục thực hiện xây dựng mục tiêu phát triển nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững./.