Vụ 39 thi thể ở Anh

Lời tòa soạn

Vụ phát hiện thi thể 39 người di cư trong chiếc xe chở container đông lạnh ở gần London (Anh) vừa qua là một vụ việc đáng báo động, lặp lại nhiều thảm kịch về nhập cư bất hợp pháp trong những năm gần đây ở châu Âu, mặc dù nhiều nước đã áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn.

Hành trình nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu có thể coi là “hành trình sinh tử,” nơi tính mạng của những người muốn “đổi đời” luôn bị đe dọa, nguy hiểm rình rập từ mọi phía. Kể cả đặt chân được tới châu Âu, số phận của những người nhập cư bất hợp pháp cũng hết sức mù mịt.

Chùm bài “Thảm kịch từ những đường dây buôn người” của nhóm tác giả Linh Hương (phóng viên TTXVN tại Pháp) và Đình Thư (phóng viên TTXVN tại Anh) gồm 2 bài, cung cấp bức tranh tổng quan về vấn đề đang gây rúng động toàn thế giới này.

Hành trình sinh tử

Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) từ năm 2016 ước tính rằng hơn 90% người di cư, trên hành trình đi tìm “miền đất hứa”, đã ít nhất một lần sử dụng “dịch vụ” của những kẻ buôn người. 

Cảnh sát Pháp cho rằng 100% người nhập cư bất hợp pháp đều thông qua các mạng lưới buôn người, được tổ chức chặt chẽ và thay đổi liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu và đối phó với các biện pháp kiểm soát của cảnh sát.

Các con đường chính để vào châu Âu hiện nay không thay đổi nhiều so với trước kia. Số người nhập cư đến bằng đường hàng không vẫn rất ít. Đại đa số tiếp cận châu Âu bằng đường bộ hoặc qua biển Địa Trung Hải, thông qua ba tuyến chính.

Tuyến đường trung tâm, nối Libya và Tunisia đến Malta và đặc biệt là Italy, hoạt động mạnh nhất vào năm 2016 và 2017. Nhưng vì hành trình dài và nguy hiểm, nên số người di cư qua ngả này ngày càng giảm, với khoảng 12.000 người trong 9 tháng đầu năm nay.

Tuyến đường phía Tây, nối Maroc và Tây Ban Nha, được sử dụng nhiều hơn: trên 17.000 người đã đến Andalusia (Tây Ban Nha) từ đầu năm. Tuyến đường phía Đông với Hy Lạp là điểm đến đầu tiên vẫn luôn đông đúc nhất, với con số 40.000 người di cư trong năm 2019.

Một chiếc xe tải di chuyển qua cảng Calais (Pháp), trong hành trình tới Anh ngày 4/8/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một chiếc xe tải di chuyển qua cảng Calais (Pháp), trong hành trình tới Anh ngày 4/8/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài ra có một số ngả đường khác, đi qua Nga hoặc Ukraine để đến Trung Âu, hoặc trực tiếp Bắc Âu và Scandinavia, thường được sử dụng để đưa những người nhập cư bất hợp pháp từ các nước châu Á vào Anh. Hồi đầu năm, tòa án Anh đã kết án 7 thành viên của một băng nhóm buôn người tổng cộng hơn 30 năm tù vì tội “âm mưu đưa các công dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Anh,” trong đó có cả người Việt Nam.

Europol chỉ ra rằng những kẻ buôn người hoạt động mạnh ở trong cũng như bên ngoài châu Âu. Sau Hy Lạp, những người di cư mơ ước đặt chân đến Đức, Thụy Điển và Anh tìm mọi cách vào Liên minh châu Âu (EU) qua ngả Croatia hoặc Bulgaria. Họ nhanh chóng rơi vào tay những đường dây chuyên tổ chức các chuyến vượt biên trái phép đi sâu vào lục địa.

Các đường dây lớn có thể huy động sự tham gia của khoảng 40.000 người, từ lái xe đến người môi giới làm giấy tờ giả hoặc những kẻ dẫn đường.

Những mạng lưới này có nhiều hình thức hoạt động. Đó có thể chỉ là cá nhân nhận tiền để đưa người qua biên giới, cho đến các hệ thống quy mô lớn và được tổ chức chặt chẽ. Các đường dây lớn có thể huy động sự tham gia của khoảng 40.000 người, từ lái xe đến người môi giới làm giấy tờ giả hoặc những kẻ dẫn đường, phần lớn cắm chốt tại Đông Âu như Bulgaria, Hungary hoặc tại Iraq.

Thời gian gần đây, Hy Lạp trở thành trung tâm làm giấy tờ giả mạo tại châu Âu. Được trang bị những máy móc và dụng cụ tân tiến nhất, các nhóm tội phạm có thể cung cấp tất cả các loại giấy tờ như chứng minh thư, hộ chiếu, giấy phép cư trú, giấy chứng nhận kết hôn, giấy công nhận quan hệ cha con, hồ sơ bệnh án, giấy bảo lãnh nơi ở và giấy chứng nhận lương. Cảnh sát Pháp và Hy Lạp mới đây đã phát hiện 500 chứng minh thư và hộ chiếu làm giả như vậy.

Đặc biệt, các đường dây đưa người di cư sang Anh từ Calais (Pháp) và các cảng biển của Bỉ và Hà Lan thực sự là một vấn đề lớn, bởi Anh được xem là “miền đất hứa” đối với nhiều người ở các nước đang phát triển có hy vọng “đổi đời.”

Một chiếc xe tải di chuyển qua trạm kiểm soát ở Calais (Pháp), trong hành trình tới Anh ngày 17/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một chiếc xe tải di chuyển qua trạm kiểm soát ở Calais (Pháp), trong hành trình tới Anh ngày 17/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Chính phủ Anh, từ đầu năm tới nay, lực lượng chức năng nước này đã ngăn chặn hơn 1.000 người nhập cư bất hợp pháp. Còn số người nhập cư bất hợp pháp “thành công” thì chưa rõ. Lần cuối cùng, Chính phủ Anh cố gắng ước tính số lượng người nhập cư bất hợp pháp ở nước này là năm 2005, với con số được báo cáo là 430.000 người, song theo nhiều nhà quan sát, số thực tế cao hơn rất nhiều.

Về phía Pháp, việc tăng cường kiểm soát trong năm 2018 đã giúp cảnh sát phát hiện hơn 33.000 người trốn trong các xe tải dọc bờ biển để tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Anh, tăng 13% so với năm 2017. Kết quả là những kẻ đứng đầu đường dây buôn người tìm kiếm các khu vực tiếp nhận người di cư ở xa hơn và khó bị phát hiện hơn.

Về phía Pháp, việc tăng cường kiểm soát trong năm 2018 đã giúp cảnh sát phát hiện hơn 33.000 người trốn trong các xe tải dọc bờ biển để tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Anh.

Theo cảnh sát Pháp, thủ đoạn của những kẻ buôn người ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Mạng lưới buôn người do các đối tượng người Albania cầm đầu thậm chí còn áp đặt luật lệ hà khắc tại một số trại người di cư và cắm chốt các địa điểm chuyển người di cư lên xe tải tại khắp miền Bắc nước Pháp. Trong khi đó, những tội phạm người Kurd tỏ ra nguy hiểm hơn cả, khi quyết tâm chiếm lấy “thị phần”, đôi khi đánh bật đối thủ người Albania với các loại vũ khí như kiếm, súng lục và dao rựa trong bãi đậu xe ở phía Bắc và phía Đông nước Pháp.

Các mạng lưới buôn người châu Âu thường hợp tác chặt chẽ với những băng nhóm tội phạm tại các quốc gia khởi hành hoặc quá cảnh. Chúng sử dụng các tuyến đường tương tự như cho các hoạt động bất hợp pháp khác. Theo Liên hợp quốc, tổ chức đưa người nhập cư bất hợp pháp đã trở thành hoạt động sinh lời nhất sau buôn bán ma túy. Europol ước tính buôn người tạo ra một “sản nghiệp” trị giá 3-6 tỷ euro/năm (3,3-6,7 tỷ USD/năm) trên lục địa.

Thủ tướng Anh Boris Johnson viết sổ tang bày tỏ niềm thương tiếc các nạn nhân thiệt mạng trong xe công-ten-nơ, tại Thurrock, phía Đông London ngày 28/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh Boris Johnson viết sổ tang bày tỏ niềm thương tiếc các nạn nhân thiệt mạng trong xe công-ten-nơ, tại Thurrock, phía Đông London ngày 28/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số tiền khổng lồ thu được từ việc đưa người qua biên giới bất hợp pháp thúc đẩy lòng tham của những kẻ tội phạm. Việc cảnh sát gia tăng kiểm soát dọc bờ biển Manche để ngăn chặn hoạt động nhập cư bất hợp pháp vào Anh khiến cho “công việc đưa người” này trở nên phức tạp hơn, và do đó đắt hơn: từ 2.000 đến 5.000 euro mỗi người. Với số lượng 20 người di cư mỗi đêm, những kẻ buôn người có thể kiếm tới 100.000 euro trong vòng 24 giờ.

Trong các cuộc vây ráp những đối tượng buôn người tại Romania vào tháng 6 vừa qua, cảnh sát Pháp và Romania đã phát hiện trong một số ngôi nhà 500.000 euro tiền mặt. Đây có lẽ chỉ là một phần nhỏ lợi nhuận thu được từ việc đưa hơn 300 người trái phép từ Iran sang Anh, liên quan đến khoảng 60 lái xe người Romania.

Ở mỗi giai đoạn của cuộc hành trình, những kẻ buôn người gửi tin nhắn để thông báo rằng người di cư đã đi qua thành công và gia đình người đó có thể trả số tiền đã thỏa thuận. Theo Europol, toàn bộ hành trình có thể có giá từ 10.000 đến 20.000 euro (22.000-33.000 USD).

Hoạt động tội phạm này cũng ngày càng tinh vi hơn. Một số mạng lưới thậm chí còn cung cấp dịch vụ VIP “từ cửa đến cửa,” ví dụ từ Iraq đến Anh, với chỗ nằm thoải mái trong cabin xe tải và hệ thống thanh toán từ xa. Ở mỗi giai đoạn của cuộc hành trình, những kẻ buôn người gửi tin nhắn để thông báo rằng người di cư đã đi qua thành công và gia đình người đó có thể trả số tiền đã thỏa thuận. Theo Europol, toàn bộ hành trình có thể có giá từ 10.000 đến 20.000 euro (22.000-33.000 USD).

Tuy nhiên, hầu hết người di cư không thể đủ khả năng chi trả cho một dịch vụ “VIP” bất hợp pháp như vậy. Họ tìm đến các phương tiện và con đường rẻ hơn, đầy bất trắc và nguy hiểm đến tính mạng. Báo cáo thường niên năm 2018 của Europol nêu rõ, nhằm đối phó với việc cảnh sát biên giới siết chặt kiểm soát, những kẻ buôn người thường chọn nơi ẩn nấp cho người di cư trong xe tải chở hàng. Trong số 6.600 chuyến đi dọc theo tuyến đường Balkan được Europol ghi nhận năm 2018, khoảng 80% người di cư đã được vận chuyển bằng ô tô tải và container trong các khoang chứa bí mật “rủi ro cao.”

Đơn cử như hành trình của những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh theo các đường dây buôn người. Tùy vào số tiền bỏ ra, những người này sẽ được đưa đi theo các con đường khác nhau. Những người ít tiền có thể sẽ phải mất một vài tháng, thậm chí là lâu hơn và phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, luôn phải trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý các nước để di chuyển bằng đường bộ từ Nga, các nước Đông Âu qua Đức, đến Pháp hay Bỉ. Những người nhiều tiền có thể xin thị thực Schengen và bay thẳng đến Pháp, Đức hay Bỉ.

Dù đi bằng con đường nào thì cuối cùng những người muốn thực hiện “giấc mơ Anh” cũng phải trốn trên các con thuyền cao su nhỏ bé và mong manh hoặc trong các container để vượt qua eo biển Manche vào Anh bất hợp pháp.

Nhân viên pháp y thuộc Cảnh sát Anh điều tra tại hiện trường xe container chở 39 thi thể ở Khu Công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, miền Đông Nam nước Anh ngày 23/10/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên pháp y thuộc Cảnh sát Anh điều tra tại hiện trường xe container chở 39 thi thể ở Khu Công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, miền Đông Nam nước Anh ngày 23/10/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong vụ 39 nạn nhân thiệt mạng vừa qua, ông Richard Burnett, Giám đốc Hiệp hội Vận tải đường bộ Anh, cho biết nhiệt độ trong các container đông lạnh tương tự như chiếc vừa bị phát hiện có thể thấp ở mức âm 25 độ C. Các đối tượng buôn người sử dụng  loại container này nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng khi kiểm tra bằng máy tầm nhiệt, tầm khí CO2 hay chó nghiệp vụ.

Đây không phải thảm kịch đầu tiên của những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Tháng 6/2000, nhân viên hải quan cảng Dover (Đông Nam nước Anh) phát hiện 58 người chết ngạt trong một chiếc xe container được đăng ký tại Hà Lan và đã đi phà từ cảng Zeebrugge của Bỉ.

Năm 2014, một người nhập cư Afghanistan được tìm thấy đã chết trong một container tại cảng Tilbury, Essex. Năm 2015, thi thể 2 người được tìm thấy trong một thùng gỗ ở Branston, Staffordshire. Năm 2016, một thanh niên nhập cư 18 tuổi đã bị cán chết khi đu bám dưới gầm xe tải ở Banbury, Oxfordshire. Cũng năm nay, ở Kent, một thi thể được phát hiện trên thùng một chiếc xe tải từ Pháp tới.

Tháng 8/2015, cảnh sát Áo đã phát hiện một chiếc xe tải đông lạnh bị bỏ bên cạnh đường cao tốc ở Parndorf, gần biên giới Hungary, trong đó có 71 thi thể người di cư.

Trong số 6.600 chuyến đi dọc theo tuyến đường Balkan được Europol ghi nhận năm 2018, khoảng 80% người di cư đã được vận chuyển bằng ô tô tải và container trong các khoang chứa bí mật “rủi ro cao.”

Nguy hiểm và bất trắc nơi ‘miền đất hứa’

Tại châu Âu, Vương quốc Anh là một trong những điểm đến chính của người nhập cư bất hợp pháp. Nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người trên 44.000 USD/năm và mức lương tối thiểu trên 8 bảng (10,4 USD) mỗi giờ được xem là “miền đất hứa” đối với nhiều người ở các nước đang phát triển. Họ luôn “mơ đổi đời” ở nước Anh và tìm đường đến đó bằng mọi giá.

Cảnh sát Pháp bắt giữ người di cư trái phép tại cảng Calais ngày 21/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Pháp bắt giữ người di cư trái phép tại cảng Calais ngày 21/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Có nhiều con đường nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Nhiều người xin thị thực và nhập cảnh hợp pháp vào Anh sau đó tìm cách trốn ở lại. Tuy nhiên, với khả năng quản lý chặt chẽ, cùng sự hỗ trợ của các trang thiết bị và công nghệ hiện đại như hệ thống camera giám sát dày đặc và công nghệ nhận diện bằng trí tuệ nhân tạo, không quá khó để các cơ quan chức năng Anh tìm, bắt giữ và trục xuất người bỏ trốn trên cơ sở những dữ liệu sinh trắc học (ảnh, vân tay) đã có trong quá trình làm các thủ tục cấp thị thực và nhập cảnh.

Một số người tìm cách lợi dụng kẽ hở của luật pháp nước sở tại, tìm và thuê người đã có quốc tịch Anh thực hiện kết hôn giả để bảo lãnh nhập cư vào Anh. Tuy nhiên, những người này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro do các cơ quan quản lý Anh thường xuyên kiểm tra, giám sát xem họ có sinh sống cùng với người có tên trong đăng ký kết hôn hay không hoặc nguy cơ bị “đối tác” đe dọa tống tiền, cưỡng ép quan hệ tình dục…

Cách phổ biến nhất là thuê các đường dây buôn người tổ chức đưa người vào Anh bất hợp pháp. Những người chọn cách này có thể sẽ mất vài tháng, thậm chí lâu hơn và phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, luôn phải trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý các nước để di chuyển bằng đường bộ từ Nga, các nước Đông Âu qua Đức, đến Pháp. Từ Pháp, những người này phải trốn trong các xe tải hay các tàu thuyền để nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh.

Theo Thẩm phán Anh Robert Winstanley, chủ tọa phiên tòa diễn ra hồi tháng 3 vừa qua xét xử một đường dây đưa các công dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Anh, trong đó có cả người Việt Nam, các đường dây buôn người như vậy luôn “coi thường sự an toàn” của những người được đưa bất hợp pháp vào Anh. Nhiều người sẽ phải làm việc không lương trong ít nhất 2 năm để trả nợ cho những kẻ buôn người.

Cảnh sát Pháp tháo dỡ lều trại của người di cư trái phép tại cảng Calais ngày 21/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Pháp tháo dỡ lều trại của người di cư trái phép tại cảng Calais ngày 21/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Calais, thành phố cảng miền Bắc nước Pháp, từ lâu đã trở thành một điểm nóng trong các hoạt động phòng chống nạn nhập cư trái phép của Pháp và Anh. Đợt giải tỏa trại tị nạn khổng lồ, nơi trú ẩn của hơn 8.000 người nhập cư bất hợp pháp tại Calais, kéo dài hơn một tuần cuối tháng 10/2016 không giải quyết được thực trạng nhức nhối này. Hàng trăm người di cư vẫn thường xuyên bám trụ tại Calais với hy vọng sẽ có cơ hội tìm được chỗ ẩn nấp bí mật trên những chuyến xe tải chở hàng từ cảng Calais vượt eo biển Manche sang Anh.

Đó là chưa kể đến một số lớn những người di cư thử vận may từ các cảng khác, như Ouistreham, Cherbourg hoặc Zeebrugge ở Bỉ, đây là cảng xuất phát của chiếc xe container đông lạnh trong đó có 39 thi thể được phát hiện ở hạt Essex (Đông Nam nước Anh) hôm 23/10 vừa qua.

Calais, thành phố cảng miền Bắc nước Pháp, từ lâu đã trở thành một điểm nóng trong các hoạt động phòng chống nạn nhập cư trái phép của Pháp và Anh.

Theo các chuyên gia về chính sách nhập cư châu Âu, vào đầu những năm 2000, lời giải thích cho câu hỏi “tại sao là nước Anh?” khá rõ ràng. Tình hình kinh tế ở Anh phát triển thuận lợi, thị trường lao động rất tự do và ít có những cuộc kiểm tra đối với nhập cư bất hợp pháp, cho nên dễ dàng tìm được một công việc nhỏ để kiếm sống.

Thậm chí người nhập cư đã có gia đình hoặc một cộng đồng chờ sẵn khi họ vượt biên thành công. Khi tin tức được lan theo con đường truyền miệng, mỗi người nhập cư sẽ tự đặt câu hỏi: “Tại sao không đến Anh khi gia đình mình, cộng đồng mình đang ở đó?”

Bên cạnh đó, khá nhiều thông tin sai lệch, tô vẽ về cuộc sống của người nhập cư bất hợp pháp ở Anh. Thực tế này tồn tại cho đến ngày nay, bất chấp chính sách ngày càng hạn chế và nạn bài ngoại tăng cao ở Anh.

Ít nhất 5 người đã thiệt mạng và 37 người bị thương khi một xe tải chở người di cư bất hợp pháp bị lật tại tỉnh Van, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/5/2019. (Ảnh: TTXVN)
Ít nhất 5 người đã thiệt mạng và 37 người bị thương khi một xe tải chở người di cư bất hợp pháp bị lật tại tỉnh Van, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/5/2019. (Ảnh: TTXVN)

Hiện tượng tương tự đã xảy ra khi trại dành cho người nhập cư Calais, còn được gọi là “rừng rậm” (jungle). Năm 2014, tổ chức nhân đạo Secours catholique đã công bố báo cáo “Lời nói của những người nhập cư tại Calais,” phỏng vấn 54 người đại diện cho những cộng đồng trong “rừng rậm” về lý do di cư của họ, trong đó khá nhiều người nghĩ rằng có thể dễ dàng thực hiện “giấc mộng đổi đời” khi đặt chân được tới Anh. Secours catholique đã cung cấp cho người di cư thông tin rõ ràng và khách quan về điều kiện sống và làm việc ở Pháp và Anh để điều chỉnh một số thông tin sai lệch họ được tiếp nhận.

Việc xin tị nạn ở Anh không dễ dàng hơn các nước Liên minh châu Âu (EU) khác, chỉ khoảng 20% số người làm đơn nhận được giấy phép cư trú. Hơn nữa, họ phải đến sống ở những khu vực khó khăn, như miền Bắc nước Anh, nơi chi phí nhà ở thấp hơn. Dân chúng ở các địa phương đó cũng không sẵn lòng đón nhận sự đa dạng sắc tộc và văn hóa. Thế nhưng, những người nhập cư bất hợp pháp không nhất thiết phải trình diện chính quyền mà dựa vào cộng đồng của họ để sống.

Bị giam lỏng trong các ngôi nhà kín mít, họ phải chịu sự kiểm soát của các băng nhóm tội phạm và bị bóc lột sức lao động không khác gì nô lệ.

Tuy nhiên, kể cả khi nhập cư bất hợp pháp trót lọt vào Anh, sự nguy hiểm và bất trắc mà những người này phải đối mặt vẫn rất cao. Trái với lời đồn thổi rằng có thể làm việc ở Anh ngay cả khi không có giấy tờ, hành động này hoàn toàn bị luật pháp Anh cấm. Những người nhập cư làm việc bất hợp pháp trên lãnh thổ Anh khi bị bắt phải chịu hình phạt lên đến 6 tháng tù giam. Từ 3 năm nay, các biện pháp kiểm soát được tăng cường và các chủ doanh nghiệp được khuyến khích tố cáo những người không có giấy tờ.

Các tổ chức bảo vệ quyền của người lao động cảnh báo rằng làm việc bất hợp pháp rất nguy hiểm do sống ngoài vòng pháp luật, những người nhập cư trái phép không được bảo vệ, không thể làm việc cho các công ty có uy tín, điều đó có nghĩa họ có xu hướng bị các công ty hoặc chủ doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm pháp luật tuyển dụng. Và những người nhập cư bất hợp pháp rất dễ bị lạm dụng, chẳng hạn như không được thanh toán tiền lương, không được hưởng các điều kiện an toàn lao động hoặc thậm chí bị tịch thu hộ chiếu.

Theo một báo cáo của Đại học Nottingham và Văn phòng ủy viên độc lập Anh về chống lại chế độ nô lệ thời hiện đại, lao động nước ngoài không có giấy tờ có thể được thuê làm việc ở các trạm rửa xe ven đường quốc lộ hoặc trong bãi đậu xe siêu thị tới 12 giờ/ngày với mức lương 44 euro.

Người di cư ở ngoài khơi bờ biển Calais, trong hành trình vượt eo biển Manche từ Pháp tới Anh, ngày 4/8/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Người di cư ở ngoài khơi bờ biển Calais, trong hành trình vượt eo biển Manche từ Pháp tới Anh, ngày 4/8/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Đến khi ngay cả những công việc tạm thời với tiền công rẻ mạt cũng hiếm hoi do nhu cầu quá nhiều, những người nhập cư không giấy tờ phải chấp nhận làm các công việc bất hợp pháp như trồng cần sa. Bị giam lỏng trong các ngôi nhà kín mít, họ phải chịu sự kiểm soát của các băng nhóm tội phạm và bị bóc lột sức lao động không khác gì nô lệ.

Cơ quan chống các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức của Anh (SOCA) cảnh báo những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh có thể bị bóc lột dưới nhiều hình thức, trong đó cao nhất là bị buộc phải bán dâm (31%), cưỡng bức lao động (22%), làm người giúp việc gia đình (11%) và làm các công việc phi pháp khác (17%).

Một rủi ro khác đối với những người nhập cư làm việc không giấy phép ở Anh là phải ngồi tù giam 6 tháng. Đây bị coi là một tội hình sự, ngoài ngồi tù còn bị phạt tiền và bị tịch thu hết những lợi nhuận thu được từ các hoạt động không được phép thực hiện. Những người nhập cư bất hợp pháp cũng đối mặt với khả năng cao bị các cơ quan chức năng Anh trục xuất.

Cơ quan chống các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức của Anh (SOCA) cảnh báo những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh có thể bị bóc lột dưới nhiều hình thức, trong đó cao nhất là bị buộc phải bán dâm (31%), cưỡng bức lao động (22%), làm người giúp việc gia đình (11%) và làm các công việc phi pháp khác (17%).

Đạo luật di trú của Anh thông qua năm 2016 cũng tăng hình phạt đối với chủ doanh nghiệp tuyển dụng người lao động không có giấy tờ lên 5 năm tù giam, so với 2 năm trước đây, cùng một khoản tiền lớn. Cảnh sát và thanh tra lao động thường xuyên tiến hành các hoạt động kiểm tra cùng với các đội kiểm soát nhập cư.

Cuối năm 2016, Cơ quan Di trú Anh đã thực hiện chiến dịch kiểm tra gần 300 cửa hàng làm móng tay và móng chân, bắt giữ 97 người lao động bất hợp pháp, trong đó có một số người Việt Nam. Các cơ sở này đã bị phạt 20.000 bảng cho mỗi trường hợp lao động không giấy tờ.

Hướng dẫn mới nhất của Bộ Nội vụ Anh yêu cầu các chủ doanh nghiệp muốn thuê lao động quốc tịch ngoài EU phải thông báo về giấy tờ giả mạo của người lao động nhập cư cho Cơ quan Di trú Anh. Nói cách khác, chính quyền đang thúc đẩy giới chủ tố cáo những người lao động bất hợp pháp hoặc sử dụng giấy tờ giả, đổi lại chủ doanh nghiệp sẽ không bị đối mặt với các án phạt tù và tiền.

Theo báo chí Anh, thống kê vào năm 2018 cho thấy có khoảng từ 300.000 đến hơn một triệu người đang sống bất hợp pháp ở Anh. Chính quyền Anh vào tháng 3/2019 cho biết đã ra quyết định trục xuất hơn 600.000 người nhưng không thấy dấu vết họ rời đi. Tuy vậy, một số ít người di cư, do quá mệt mỏi với điều kiện sống và làm việc khắc nghiệt ở Anh, đã quyết định quay trở lại Pháp. Năm 2017, cảnh sát Pháp đã ghi nhận gần 1.000 người đã vượt qua biển Manche để đến Calais.

Người di cư tại bãi xe ở Marck, phía bắc cảng Calais, eo biển Manche, ngày 30/6/2016. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Người di cư tại bãi xe ở Marck, phía bắc cảng Calais, eo biển Manche, ngày 30/6/2016. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Sự vô cảm của những kẻ buôn người

Mai Nguyễn (Dịch từ Daily Mail)

Sau khi câu chuyện về 39 người nhập cư được tìm thấy đã chết trong chiếc container ở Vương quốc Anh, một nữ phóng viên quốc tế đã vào vai người muốn nhập cư, liên lạc với kẻ buôn người để hỏi thăm tình hình và chỉ nhận được lời đùa cợt nhạo báng “Đó (cái chết) là trò rút thăm may rủi mà thôi.”

Một kẻ buôn người đã cười nhạo số phận bi thảm của 39 người nhập cư thiệt mạng trong container chở hàng khi cho rằng “Đó là chuyện hên xui.” Kẻ buôn người ở Anh này đã đưa ra bình luận ác độc trên khi được đề nghị đưa một phóng viên cải trang vào nước Anh theo cùng tuyến đường dẫn đến thảm kịch tuần vừa rồi.

Chỉ vài giờ sau khi tin tức về phát hiện kinh hoàng trên được lên sóng, các phóng viên của tờ Daily Mail đã tìm ra một người Albania ở Anh với biệt danh “Kace Kace” đề nghị hỗ trợ đưa lậu người nhập cư vào Anh.

Tờ Mail on Sunday cho biết người này tên thật là Kastrijot Ahmati và đang sống ở Walthamstow phía tây bắc London. Anh ta khẳng định chính bản thân cũng từng ngồi trong thùng xe tải để được đưa lậu vào Anh.

Ahmati quảng cáo các dịch vụ và đăng số điện thoại di động của mình trên một trang Facebook có tên “Người Albania ở London” với hơn 16.000 người theo dõi.

Kastrijot Ahmati quảng cáo các dịch vụ buôn người của mình, số điện thoại của anh ta nằm ngay trên mạng xã hội Facebook có tên ‘Albanians ở London.’

Kastrijot Ahmati quảng cáo các dịch vụ buôn người của mình, số điện thoại của anh ta nằm ngay trên mạng xã hội Facebook có tên ‘Albanians ở London.’

Táo bạo đăng số điện thoại di động của mình trên Facebook, Ahmati đề nghị giúp buôn lậu người vào nước Anh với giá từ 14.000 đến 17.000 bảng Anh.

Khi được một phóng viên cải trang liên hệ, anh ta nói rằng phóng viên có thể trả 17.000 bảng Anh (khoảng gần 22.000 USD) cho việc “làm giả giấy tờ” để đi máy bay từ thủ đô Tirana của Albania tới Anh. Ngoài ra, phóng viên có thể trả 14.000 bảng Anh (khoảng 18.000 USD) để được đi lậu trong thùng xe tải từ Bỉ – đây cũng là nơi xuất phát của chiếc container chứa 39 thi thể hồi tuần trước.

Hai ngày sau phát hiện nghiệt ngã ở Khu công nghiệp Waterglade tại Grays, Essex, Ahmati nói với nữ phóng viên cải trang rằng hành trình từ Bỉ sang Anh có thể kéo dài từ 12 đến 16 tiếng, tùy thuộc vào việc “phà có bị chậm chuyến hay không.”

“Tôi cũng từng đi như vậy rồi,” anh ta nói. “Tôi đang cố tìm cho cô con đường dễ dàng nhất, cô hiểu không?”

Phóng viên nói rằng cô muốn đi cùng một người thân nữa, nhưng cô được bảo rằng họ sẽ được đưa đi lậu cùng những người nhập cư khác, nếu không băng đảng buôn người sẽ “không có lãi.”

Cô sẽ trả tiền khi đến được Anh, nhưng Ahmati yêu cầu cô cung cấp thông tin chi tiết của người bạn ở Anh sẽ bảo đảm việc thanh toán này.

Giao dịch gây sốc và nhẫn tâm với một kẻ gian lạnh lùng

Ăn mặc hợp hoàn cảnh và nhâm nhi một ly càphê Costa, Kastrijot Ahmati không hề nổi bật giữa đám đông. Nhưng cuộc điều tra của tờ Mail on Sunday sẽ vạch trần sự thật về anh ta trong một mạng lưới buôn người xấu xa kiếm lợi nhuận trên mạng sống của những người nhập cư tuyệt vọng.

Táo bạo đăng số điện thoại di động của mình trên Facebook, Ahmati đề nghị giúp buôn lậu người vào nước Anh với giá từ 14.000 đến 17.000 bảng Anh.

Trong một cuộc gọi video trên Facebook với phóng viên cải trang của chúng tôi, anh ta chẳng quan tâm đến những rủi ro chết người của việc đi lậu trong một chiếc xe tải và cười vào cái chết bi thảm của 39 người nhập cư hồi tuần qua.

Cảnh sát điều tra tại hiện trường xe container chứa 39 thi thể ở Khu công nghiệp Waterglade thuộc Grays, phía Đông London, Anh ngày 23/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cảnh sát điều tra tại hiện trường xe container chứa 39 thi thể ở Khu công nghiệp Waterglade thuộc Grays, phía Đông London, Anh ngày 23/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Anh ta nói việc đi lậu bằng xe tải từ Bỉ sang Anh là an toàn và chính anh ta cũng từng đi như vậy. “Tôi cũng từng đi như vậy rồi. Tôi đi cùng nhóm người mà tôi đã nói với cô, với đồng bào của tôi.”

Khi phóng viên nói rằng cô thấy “sợ hãi” sau thảm kịch hồi tuần trước, kẻ buôn người cười khinh bỉ: “Đó là chuyện hên xui. Đó là cách tất cả chúng tôi đến đây.”

Tổng số nạn nhân đã được xác định danh tính của chế độ nô lệ hiện đại và buôn người đã tăng vọt 80% từ năm 2016 đến năm 2018, lên tới 6.993 người, theo số liệu của NCA. Các nạn nhân tới từ 130 quốc gia, trong đó có 1.625 người đến từ Albania, chiếm tỷ lệ cao nhất.

Khi phóng viên lặp lại những lo lắng của mình và nói rằng “Chúng tôi sẽ chết mất,” Ahmati chỉ cười và nói: “Tôi không biết phải nói gì nữa, tôi đang chỉ cho cô con đường nhanh nhất và ngắn nhất để đến Anh, thề có Chúa.” Sau đó, như một dấu hiệu của việc làm ăn như bình thường bất chấp thảm kịch ở Essex, anh ta bảo phóng viên hãy chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới.

Kẻ buôn người này được cho là đến từ Has, một quận miền bắc Albania. Có hàng trăm người ở đây cũng được cho là đã rời đi để tới Anh. Không rõ anh ta đã ở Anh được bao lâu, mặc dù các bài đăng Facebook cho thấy ít nhất anh ta đã bắt đầu sống tại đây từ tháng 9/2018.

Khi được tiếp cận và đề nghị bình luận, Ahmati đã nhấc điện thoại trả lời và xác nhận anh ta vẫn đang ở Anh. Thông qua một người bạn, anh ta khẳng định mình đã “đùa” trong các tin nhắn được đăng trực tuyến và trong cuộc điện thoại. Trả lời tin nhắn WhatsApp yêu cầu anh ta giải thích các hành động của mình, anh ta đáp lại: “Tại sao?” Tài khoản Facebook “Kace Kace” của anh ta cũng bị khóa ngay sau đó.

Cuộc điều tra cho thấy Ahmati là một trong bốn kẻ sử dụng trang Facebook “Người Albania ở London” để đưa lậu người nhập cư vào Anh.

“Tôi không biết phải nói gì nữa, tôi đang chỉ cho cô con đường nhanh nhất và ngắn nhất để đến Anh, thề có Chúa.”

Năm ngoái, Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA) cho biết các băng đảng người Albania hoạt động với ‘mức độ tinh vi cao’ là những kẻ phải chịu trách nhiệm chính cho sự gia tăng người nhập cư bị buôn lậu vào Anh. Tổng số nạn nhân đã được xác định danh tính của chế độ nô lệ hiện đại và buôn người đã tăng vọt 80% từ năm 2016 đến năm 2018, lên tới 6.993 người, theo số liệu của NCA. Các nạn nhân tới từ 130 quốc gia, trong đó có 1.625 người đến từ Albania, chiếm tỷ lệ cao nhất.

David Wood, cựu tổng giám đốc thực thi di trú của Bộ Nội vụ đã giải thích cách hoạt động của những kẻ buôn người như sau: “Các băng đảng buôn người thường có các đầu mối ở các quốc gia nguồn. Các nước này bao gồm Trung Quốc, Afghanistan, Iraq, châu Phi cận Sahara, tiểu lục địa Ấn Độ. Những đầu mối này sẽ tuyên truyền cho việc “đến Anh để có cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Hồ sơ điều tra của Daily Mail, bao gồm cả hồ sơ về danh tính của Ahmati đã được giao cho cảnh sát. Một người phát ngôn của cảnh sát cho biết bất kỳ thông tin liên quan nào cũng sẽ được chuyển cho các sỹ quan điều tra.

Đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ xe container chở 39 thi thể tại lối vào khu công nghiệp Waterglade ở Grays, hạt Essex, Anh ngày 26/10/2019. (Ảnh: PA/TTXVN)

Đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ xe container chở 39 thi thể tại lối vào khu công nghiệp Waterglade ở Grays, hạt Essex, Anh ngày 26/10/2019. (Ảnh: PA/TTXVN)

Tài xế chiếc xe tải chở 39 thi thể đã bị bắt và buộc tội

Trong một diễn biến khác, Maurice Robinson, tài xế 25 tuổi lái chiếc xe chở công ten nơ nói trên đã bị buộc tội ngộ sát 39 người và thông đồng buôn người.

Trong khi đó, một tài xế xe tải khác ở độ tuổi 20 cũng đã bị bắt hôm thứ Bảy tuần trước tại cảng Dublin và hiện đang bị tạm giam. Việc bắt giữ tài xế thứ hai được thực hiện sau khi có khẳng định rằng chiếc xe tải đông lạnh có thi thể người di cư có thể là một phần của một đoàn xe lớn gồm 3 xe tải chở tới 100 người.

Chiếc xe tải chở container đông lạnh trên đã rời cảng ở Bỉ từ Zeebrugge hồi trưa thứ Ba tuần trước và tới cảng Purfleet vào nửa đêm thứ Tư. Chiếc xe được cho là đã được Robinson tiếp quản vào khoảng 12 giờ 30 sáng trước khi được lái tới Khu công nghiệp Waterglade ở Grays. Khoảng 1 giờ 40 sáng, xe cứu thương và cảnh sát đã được gọi sau khi các thi thể được phát hiện bên trong xe.

Đối tượng Maurice Robinson, tài xế của chiếc xe tải bên trong phát hiện 39 thi thể tại Essex, Anh. (Ảnh: The Sun/ TTXVN)

Đối tượng Maurice Robinson, tài xế của chiếc xe tải bên trong phát hiện 39 thi thể tại Essex, Anh. (Ảnh: The Sun/ TTXVN)

Thomas Maher, 38 tuổi, ông chủ của một công ty vận tải ở Warrington, Cheshire và vợ Joanna Maher, 38 tuổi, đã bị tạm giam do nghi ngờ ngộ sát và âm mưu vận chuyển người sau cuộc đột kích hồi sáng sớm thứ Sáu tuần trước vào nhà của họ ở Warrington, Cheshire.

Ba chiếc ôtô với biển số cá nhân thuộc sở hữu của đôi vợ chồng này đã bị cảnh sát thu giữ sau khi cặp đôi này bị thẩm vấn. Giấy tờ cho thấy bà Maher là chủ sở hữu của chiếc xe tải Scania chở container có 39 người nhập cư thiệt mạng nói trên. Một người đàn ông 48 tuổi đến từ Bắc Ireland, người đã bị bắt tại sân bay Stansted, cũng vẫn đang bị giam giữ.

“Đến nay chúng tôi đã thu được hơn 500 vật chứng gồm cả điện thoại di động. Trong những chiếc điện thoại đó chắc chắn có dữ liệu đã được tải về.”

Cảnh sát liên bang Bỉ đang nghiên cứu các máy quay an ninh để tìm kẻ đã đưa 39 người nhập cư tới Zeebrugge. Máy quay an ninh đã 10 lần ghi lại được hình ảnh của người này tại cảng.

Cảnh sát Essex cho biết họ đang dựa vào hồ sơ nha khoa cũng như dấu vân tay và DNA lấy được để xác định danh tính của 39 nạn nhân trong chiếc xe tải. Lực lượng này cho biết mỗi nạn nhân đều mang theo một túi xách, quần áo và các vật dụng tùy thân khác. “Đến nay chúng tôi đã thu được hơn 500 vật chứng gồm cả điện thoại di động. Trong những chiếc điện thoại đó chắc chắn có dữ liệu đã được tải về.”

Trong nỗ lực thu thập thêm thông tin, Chánh thanh tra cảnh sát Martin Passmore của sở cảnh sát Essex đề nghị sẽ không bị truy tố bất kỳ bạn bè hay người thân nào của các nạn nhân ra trình diện nếu họ cũng nhập cảnh trái phép vào Anh./.

Cảnh sát phong tỏa tại hiện trường phát hiện xe tải chở 39 thi thể ở Khu công nghiệp Waterglade của thị trấn Grays, hạt Essex, cách thủ đô London 32km về phía Đông, ngày 26/10/2019. (Ảnh: PA/TTXVN)

Cảnh sát phong tỏa tại hiện trường phát hiện xe tải chở 39 thi thể ở Khu công nghiệp Waterglade của thị trấn Grays, hạt Essex, cách thủ đô London 32km về phía Đông, ngày 26/10/2019. (Ảnh: PA/TTXVN)