Những bức ảnh mang tính sử liệu từ tuyến lửa

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những tháng ngày bám cung đường lửa, hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc trường chinh từ Bắc vào Nam, từ quê hương tới đất bạn Lào, Campuchia để rồi có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 vẫn vẹn nguyên trong tâm thức những cựu phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam.

Đó là những năm tháng họ đã sống, chiến đấu như những người lính; đồng thời đưa tin, bài viết, chụp ảnh phản ánh cuộc sống, chiến đấu của quân đội Việt Nam, những khoảnh khắc lịch sử khi Tổ quốc thống nhất, non sông thu về một mối, những cuộc gặp gỡ xúc động sau bao năm chia cách, khổ đau, những nụ cười rạng rỡ của người chiến thắng trong cuộc chiến tranh chính nghĩa vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc…

Trước thềm kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019), những cựu phóng viên chiến trường Thông tấn xã Việt Nam đã cùng hồi tưởng về một thời đạn bom, chia sẻ câu chuyện đặc biệt phía sau những bức ảnh mang tính sử liệu được gửi về từ tuyến lửa.

“Thoát khỏi ngục tù” là bức ảnh đầu tiên trong chùm ảnh “Từ ngục tối thắng lợi trở về” của nhà báo Chu Chí Thành. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Từ ngục tối thắng lợi trở về”

Ông Chu Chí Thành là một trong số những nhà báo lão thành của Thông tấn xã Việt Nam vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (lĩnh vực Nhiếp ảnh) với bộ ảnh “Từ ngục tối thắng lợi trở về,” bao gồm bốn bức ảnh: “Thoát khỏi ngục tù,” “Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng,” “Nghẹn ngào đón mừng chiến sỹ thắng lợi trở về” “Hạnh phúc của những người chiến thắng.”

“Dù nhân vật, sự kiện, bối cảnh nào xuất hiện trong khuôn hình thì ẩn sau những bức ảnh gửi về từ tuyến lửa vẫn là khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước,” nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành – nguyên Trưởng Ban Biên tập Ảnh, nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ chia sẻ.

“Dù nhân vật, sự kiện, bối cảnh nào xuất hiện trong khuôn hình thì ẩn sau những bức ảnh gửi về từ tuyến lửa vẫn là khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước.” 

Ký ức ùa về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt người phóng viên chiến trường năm xưa. Đó là những kỷ niệm về thời kỳ bám trụ cùng quân giải phóng tại bờ Bắc sông Thạch Hãn (Quảng Trị) trong thời kỳ 1972-1973. Trong những năm tháng khói lửa, vùng đất Quảng Trị vẫn được coi là “cối xay thịt,” là minh chứng rõ rệt cho sự tàn khốc của chiến tranh. Dòng Thạch Hãn chở nặng những ký ức bi tráng về thời kỳ đất nước bị chia cắt: phía Bắc là vùng giải phóng do chính quyền cách mạng quản lý, phía Nam là khu vực do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát.

Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký (27/1/1973), chiến sự tạm ngưng ở khu vực ranh giới giữa hai miền. Thời điểm này, nhà báo Chu Chí Thành cùng quân giải phóng cắm chốt tại vùng ranh giới Long Quang (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị).

Các phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Trị (1973), từ trái qua: Chu Chí Thành, Trần Mai Hưởng, Phan Văn Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Các phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Trị (1973), từ trái qua: Chu Chí Thành, Trần Mai Hưởng, Phan Văn Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Mùa Xuân 1973, ông được giao nhiệm vụ ghi lại diễn biến của một trong những cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam diễn ra tại bờ Bắc sông Thạch Hãn (thực hiện theo các điều khoản của Hiệp định Paris).

“Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, niềm vinh dự lớn nhất trong suốt cuộc đời cầm máy của tôi,” nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành xúc động.

Lặng đi chừng vài phút, ông kể, dù trước đó đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng (khảo sát thực địa, kiểm tra thiết bị, máy móc, tự mường tượng khung cảnh, diễn biến của sự kiện, tự lên kế hoạch về những khung hình…) nhưng ngay trước lúc diễn ra cuộc trao trả tù binh, ông vẫn có cảm giác hồi hộp, lo lắng.

“Không phải bất cứ người làm báo nào cũng có được niềm vinh dự chứng kiến, ghi lại những khoảnh khắc có ý nghĩa lịch sử quan trọng như vậy. Tuy nhiên, khi ấy, tôi không nghĩ đến vinh quang cá nhân mà cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Bởi nếu không hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, tôi sẽ vô cùng ân hận, cảm giác có lỗi với lịch sử, dân tộc, đồng bào. Giá trị của hòa bình, của cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ của dân tộc, khát vọng thống nhất, hạnh phúc của chiến sỹ, đồng bào cũng như tính chất chính nghĩa, tinh thần nhân đạo của quân dân ta được thể hiện rất rõ trong cuộc trao trả tù binh ấy,” cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành trải lòng.

“Tôi không nghĩ đến vinh quang cá nhân mà cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Bởi nếu không hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, tôi sẽ vô cùng ân hận, cảm giác có lỗi với lịch sử, dân tộc, đồng bào.”

Cuộc trao trả tù binh là một phần trong quá trình thực hiện Hiệp định Paris. Với góc nhìn, cách tiếp cận giàu tính nhân văn cùng cách kể chuyện riêng bằng hình ảnh, nhà báo Chu Chí Thành đã diễn tả sắc nét tầm vóc của chiến thắng chính nghĩa, chiều sâu giá trị của hòa bình cũng như tâm thế của những người trong cuộc.

“Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng” qua ống kính của phóng viên chiến trường Chu Chí Thành. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Khác với những bộ ảnh khác về các cuộc trao trả tù binh, “Từ ngục tối thắng lợi trở về” của nhà báo Chu Chí Thành không có những hình ảnh tái hiện sự đối lập như đa số với góc tiếp cận một bên là vùng giải phóng rợp cờ hoa hoan hỷ, một bên là những người lính ở bên kia chiến tuyến cúi đầu rời khỏi các trại giam hay lầm lũi đi lên máy bay… Thay vào đó, phóng viên Chu Chí Thành đã chọn đặc tả những khoảnh khắc cao trào nhất của niềm vui, cảm xúc vỡ òa của những người tù cách mạng khi được trở về với quê hương, gia đình, đồng đội…

“Tôi lựa chọn lối đi riêng như vậy bởi tôi nghĩ, không ai trong số những người lính, những tù binh (dù thuộc phía bên nào của chiến tuyến) muốn chiến tranh, đổ máu, giơ súng chĩa về phía đồng loại. Là người trong cuộc, từng ở lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi tin, bất cứ ai trong số họ cũng đều trân trọng sự sống, ước ao được sống hạnh phúc, bình yên dưới một bầu trời không tiếng bom rơi, đạn nổ,” cựu phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ.

Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng hình ảnh về cuộc hội ngộ năm ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm thức nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành.

Dòng Thạch Hãn khi ấy và mãi mãi về sau vẫn chở nặng trong lòng những câu chuyện lắng sâu về tình đồng đội, tình quân dân và tình yêu lứa đôi son sắt, thủy chung của thời chiến.

“Hạnh phúc của người chiến thắng” – khung hình với những biểu cảm đối lập ấy là khoảng lặng, lời nhắc về những hy sinh, mất mát của chiến tranh. (Ảnh: Chu Chí Thành)

Từ phía bên kia sông Thạch Hãn, những người tù cách mạng mình trần ào xuống dòng nước, hai tay giơ cao, nụ cười hòa cùng nước mắt, hướng về vùng giải phóng. Trong khi đó, ở bờ bên này, các chiến sỹ, bác sỹ quân y cũng ào ra, vòng tay giang rộng đón đồng đội trở về.

Đó là thời khắc hạnh phúc vỡ òa. Trái tim của những con người vốn không hề quen biết như chung một nhịp đập, nỗi niềm. Mọi ranh giới thân-sơ được xóa nhòa. Họ dìu nhau những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng Quảng Trị 1973.

Đặc biệt, bức ảnh ghi lại cuộc hội ngộ của hai người tù cách mạng – hai người bạn đời (Trung tá Nguyễn Minh Sang và vợ – chị Nguyễn Thị Hà, cán bộ địch hậu) sau 13 năm cùng bị cầm tù trong các trại giam Mỹ ngụy gợi cho người xem những suy tư sâu lắng. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành bảo, “Hạnh phúc của những người chiến thắng” cũng là một trong những bức ảnh mà ông tâm đắc nhất trong cuộc đời cầm máy của mình.

“Người vợ ấy như hóa đá khi nhìn thấy chồng bị cụt chân (thương tích của người chiến sĩ cách mạng do quân địch cưa đứt)…Giữa khung cảnh tươi vui, ánh mắt rạng rỡ của chồng và những người đồng đội xung quanh, chị xuất hiện với dáng vẻ thất thần, tay ghì miết lấy bím tóc như cố kiềm chế cảm xúc…” cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành kể.

Nhà báo Chu Chí Thành đã chọn đặc tả những khoảnh khắc cao trào nhất của niềm vui, cảm xúc vỡ òa của những người tù cách mạng khi được trở về với quê hương, gia đình, đồng đội …

Khung hình với những biểu cảm đối lập ấy là khoảng lặng, lời nhắc về những hy sinh, mất mát của chiến tranh bên cạnh những bức ảnh vỡ òa niềm vui ngày trở về tự do.

Nói rồi, người phóng viên chiến trường năm xưa bỗng lặng đi. Hồi tưởng lại những tháng ngày đã qua, bên cạnh niềm vui, tiếng thở phào nhẹ nhõm bởi đã đóng góp những bức ảnh vô giá vào kho tư liệu ảnh đồ sộ của Thông tấn xã Việt Nam nói riêng và của quốc gia nói chung, ông Chu Chí Thành không giấu được sự nghẹn ngào: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng còn biết bao gia đình chưa tìm được thân nhân!”.

“Nghẹn ngào đón mừng các chiến sỹ thắng lợi trở về.” (Ảnh: Chu Chí Thành)

Vượt cung đường lửa

Với nhà báo Hứa Kiểm, việc trở thành một phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam đến với ông một cách khá tình cờ. Vốn là giáo viên Toán-Lý của Tổng cục Chính trị Quân đội, trước yêu cầu của thực tiễn cách mạng, năm 1965, ông Kiểm được cử đi học lớp đào tạo phóng viên cho chiến trường miền Nam của Việt Nam Thông tấn xã.

“Máy ảnh với phóng viên chiến trường cũng giống như súng với người lính.”

Để rồi từ đó, ông vào Nam, ra Bắc, lên rừng rồi xuống biển, bám trụ tại những điểm nóng như “tuyến lửa” Vĩnh Linh, cung “đường lửa” – Đường 20… hòa mình và ghi lại những trận đánh giải phóng Stung-treng cùng quân dân Campuchia… Nhà báo Hứa Kiểm đã nhanh chóng trở thành một trong những “tay máy” nòng cốt của Tổ ảnh Quân sự (đặt tại Phân xã Nhiếp ảnh – Việt Nam Thông tấn xã).

Phóng viên Hứa Kiểm của TTXVN gặp gỡ người dân Sài Gòn để đưa tin, ảnh về thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. (Ảnh: TTXVN)
Phóng viên Hứa Kiểm của TTXVN gặp gỡ người dân Sài Gòn để đưa tin, ảnh về thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. (Ảnh: TTXVN)

“Thời kỳ bám trụ ở chiến trường miền Trung, trên cung đường lửa – Đường 20 Quyết Thắng (những năm 1967-1969) là giai đoạn đặc biệt nhất trong cuộc đời cầm máy của tôi,” cựu phóng viên chiến trường Hứa Kiểm nhớ lại.

Ngược dòng thời gian, nhà nhiếp ảnh gắn bó cả thời trai trẻ với lửa đạn chiến trường ấy kể, đầu năm 1966, một tuyến đường mới bắt đầu từ thôn Phong Nha (Bố Trạch, Quảng Bình), vắt ngang dãy Trường Sơn, gặp Đường 128 tại ngã ba Lùm Bùm (Khăm Muộn, Lào) được mở. Đó là Đường 20, dài hơn 120km. Từ đây, Đường 20 trở thành con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sĩ lái xe. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sĩ lái xe. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)

Cũng bởi vậy, cung đường này (trong đó đặc biệt là cụm trọng điểm liên hoàn ATP – gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích) trở thành mục tiêu đánh phá tàn khốc của đế quốc Mỹ suốt từ giữa năm 1966-đầu năm 1973 (trước khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết).

Theo lời kể của cựu phóng viên chiến trường Hứa Kiểm, trong vòng sáu tháng cuối năm 1966, địch đã ném khoảng hai vạn quả bom các loại xuống khu vực này. Thậm chí, có ngày, địch cho máy bay B52 quần thảo khu vực này tới 18 lần.

Cua chữ A - một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Cua chữ A – một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)

“Cảnh tượng nơi đây tan hoang như vùng đất chết: cây cối cháy rụi ngổn ngang, rừng già biến thành đồi trọc, mặt đường bị bom đạn xới tung, vùng đất đỏ biến thành ao lầy… Cứ lặng tiếng máy bay là anh em công binh, thanh niên xung phong gấp rút vá đường cho xe qua, bất kể nắng-mưa, ngày-đêm,” nghệ sỹ nhiếp ảnh Hứa Kiểm nhớ lại.

Để có được những bức ảnh ghi lại cảnh chiến sỹ vượt qua những đoạn đường lầy, ông phải lội bùn hàng giờ đồng hồ. “Những lớp bùn nhầy nhụa, bết dính khiến một người đàn ông vốn khỏe mạnh bỗng trở nên ì ạch, chậm chạp; càng cố sức giơ máy lên cao thì lại càng bị kéo lún xuống, khi cố gắng cúi thấp xuống để chụp thì lại sợ bùn bắn lên làm hỏng máy. Máy ảnh với phóng viên chiến trường cũng giống như súng với người lính,” ông Hứa Kiểm trải lòng.

Không ít lần, ông được các chiến sỹ đề nghị về khu vực trú ẩn an toàn. “Thế nhưng, làm sao tôi có thể ngồi yên trong hầm trú ẩn khi anh em xông pha trận mạc? Hiện thực càng khốc liệt, tôi càng thấy mình có trách nhiệm phải ‘lao’ ra thực địa. Những nhà báo chiến trường như tôi khi ấy có trách nhiệm phải nói rõ, kể rõ cho hậu phương và thế giới biết tinh thần đấu tranh quật cường của bộ đội ta, tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh của quân dân ta,” đôi bàn tay nắm chặt, nghệ sỹ nhiếp ảnh Hứa Kiểm kể.

Mở đường qua ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B.52 Mỹ. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Mở đường qua ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B.52 Mỹ. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)

Giữa thời chiến, chụp được ảnh đã khó, khâu in, tráng ảnh và gửi về Hà Nội còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Nếu không gửi được những cuộn phim về Hà Nội và với những bức ảnh thời sự cần chuyển đi nhanh chóng, phóng viên ảnh phải tự tráng phim, phóng ảnh.

“Hiện thực càng khốc liệt, tôi càng thấy mình có trách nhiệm phải ‘lao’ ra thực địa. Những nhà báo chiến trường như tôi có trách nhiệm phải kể rõ với hậu phương và thế giới về tinh thần đấu tranh quật cường của bộ đội ta, tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh của quân dân ta.”

“Không có phòng tối thì phải đợi khi đêm xuống, những chiến sỹ trên mặt trận thông tin mới có thể mang phim ra tráng; không ít lần, đang dở việc thì máy bay địch lại quần thảo. Khi trở lại, tất cả đã tan tành! Rồi giữa hang, giữa rừng, độ ẩm cao, phim hỏng nhiều. Nếu như hiện nay, các bạn trẻ chỉ cần một cú ‘click chuột’ là có thể gửi ảnh đi khắp thế giới thì ngày ấy, chúng tôi phải dùng máy quay tay phát điện để gửi hình ảnh về “Tổng xã” ở Hà Nội. Có khi, tỷ mẩn cả buổi cũng chỉ chuyển được một bức ảnh,” ông Hứa Kiểm nhớ lại thời kỳ làm báo gian khó.

Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng câu nói của chiến sỹ lái xe Lê Văn Bạch khi xưa trên cung đường lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông: “Mỗi lần thoát cảnh xe lao xuống vực do tầm nhìn hạn chế hay tránh được bom của địch, cánh lái xe chúng em đều bảo: ‘Hôm nay, ta chưa chết! Cánh lái xe không thích dùng từ ‘suýt chết’ vì nếu cứ tính số lần ‘suýt chết’ thì tính sao cho đủ, khi ngày ngày đối mặt với đạn bom, vực sâu.” Người phóng viên chiến trường năm xưa tin rằng, chính tinh thần lạc quan ấy là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao để những người lính vượt cung đường lửa.

“Vượt lầy” góp phần quan trọng làm nên ý nghĩa của bộ ảnh “Đường 20 Quyết ThắngThắng.” (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)

Với tinh thần, khí thế ấy, những đoàn quân trùng trùng ra trận, nối tiếp nhau chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau bao năm dồn nén, đồng bào miền Nam đã vỡ òa hạnh phúc trong ngày đón đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn. “Lịch sử, số phận, nghề nghiệp đã cho tôi may mắn được có mặt chứng kiến giờ phút thiêng liêng, bước ngoặt quan trọng của dân tộc ngày 30/4/1975 giữa Sài Gòn,” ông Hứa Kiểm nói.

“Chiến sỹ lái xe Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, vượt cung đường 20 Quyết Thắng.” (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
“Chiến sỹ lái xe Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, vượt cung đường 20 Quyết Thắng.” (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)

Khoảng 4 giờ sáng 30/4/1975, nhà báo Hứa Kiểm cùng đơn vị bộ binh đóng tại căn cứ Nước Trong (Biên Hòa) nhận lệnh xuất phát, tiến thẳng vào Sài Gòn theo đường xa lộ. Đó là một cuộc hành quân thần tốc. Tất cả chiến sỹ di chuyển bằng xe cơ giới. Dường như ai cũng nóng lòng, thầm ước xe có thể chạy nhanh hơn nữa. Sài Gòn trước mắt! Thời khắc thống nhất đã cận kề!

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hứa Kiểm bảo, dù không kịp chụp lại bức ảnh xe tăng của quân ta tiến vào Dinh Độc Lập nhưng ông đã kịp ghi lại những khoảnh khắc nhân dân ào ra, vây quanh xe của đoàn quân giải phóng. Với ông, đó là bức ảnh kết thúc chiến tranh. Trên khắp các ngả đường, đồng bào ào ra đón quân giải phóng, người cười, người khóc, nghẹn ngào xúc động. Tiếng hô Hòa bình rồi! Thống nhất rồi! vang vọng khắp phố phường.

Nhà báo Hứa Kiểm đã được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật/lĩnh vực nhiếp ảnh với bộ ảnh “Đường 20 Quyết Thắng.” Bộ ảnh gồm năm ảnh: “Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sỹ lái xe,” “Vượt lầy,” “Chiến sỹ lái xe Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, vượt cung đường 20 Quyết Thắng,” “Mở đường qua ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B52 Mỹ,” “Cua chữ A – một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP”./.

Với nhà báo Hứa Kiểm, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc nhân dân ào ra, vây quanh xe của đoàn quân giải phóng là bức ảnh kết thúc chiến tranh. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Với nhà báo Hứa Kiểm, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc nhân dân ào ra, vây quanh xe của đoàn quân giải phóng là bức ảnh kết thúc chiến tranh. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)