Thủ tướng Nhật Bản công du Iran

ttxvnnhati-1560475634-53.jpg

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa hoàn tất chuyến công du Iran, đánh dấu lần đầu tiên một vị Thủ tướng Nhật Bản tới thăm nước Cộng hòa Hồi giáo này trong hơn 40 năm qua.

Mục đích chính trong chuyến thăm của ông Abe được cho là nhằm giúp “hạ nhiệt” căng thẳng giữa Iran và Mỹ, vốn bùng phát từ tháng 5/2018, sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Tehran và các cường quốc thế giới, áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận chống Iran nhằm “bóp nghẹt” nền kinh tế nước này.

Dư luận khu vực và quốc tế đặt nhiều hy vọng vào chuyến thăm với mong muốn Thủ tướng Abe có thể làm trung gian hòa giải những bất đồng giữa Mỹ và Iran để thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương trực tiếp giữa hai bên.

Có thể nói nhà lãnh đạo Nhật Bản đứng trước trọng trách nặng nề bởi những bất đồng sâu sắc giữa Washington và Tehran không thể giải quyết trong một chuyến đi ngắn ngủi. Dù sao, chuyến đi cũng đã đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên nhiều khía cạnh.

Trước hết, về khía cạnh song phương, chuyến thăm Iran của Thủ tướng Abe diễn ra nhân dịp kỷ niệm 90 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Iran là một dấu mốc quan trọng, thể hiện mối quan hệ lâu bền giữa hai quốc gia này.

Chuyến thăm cũng góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống giữa Tokyo và Tehran, tăng cường sự tin cậy chính trị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, qua đó góp phần mở ra những triển vọng mới nhằm thúc đẩy sự phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (thứ 3, trái) trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 2, phải) tại Tehran ngày 12/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (thứ 3, trái) trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 2, phải) tại Tehran ngày 12/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Abe đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani – nhà lãnh đạo vốn có đường lối ôn hòa, và lần đầu hội kiến thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên gặp Đại giáo chủ Iran, người có quyền lực tối cao về định hướng chính sách của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Lãnh đạo hai nước đã trao đổi một loạt vấn đề khu vực, quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, cũng như bàn biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là lĩnh vực hợp tác kinh tế trong bối cảnh Tehran đang phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt từ Washington.

Thủ tướng Abe cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục quan tâm tới việc phát triển quan hệ kinh tế với Iran, bao gồm cả hoạt động giao dịch dầu mỏ khi môi trường xung quanh Iran sẵn sàng.

Ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên gặp Đại giáo chủ Iran, người có quyền lực tối cao về định hướng chính sách của nước Cộng hòa Hồi giáo này

Tokyo sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động như hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, y tế… cho Tehran. Tổng thống Rouhani cũng kêu gọi Tokyo tăng cường đầu tư vào các cảng biển của Iran.

Trên bình diện đa phương, trước khi tới Tehran, Thủ tướng Nhật Bản đã có cuộc điện đàm với ông chủ Nhà Trắng, trong đó có nội dung liên quan đến Iran.

Ông Abe đã công khai bày tỏ mong muốn làm trung gian giữa Mỹ và Iran nhằm giúp đảm bảo hòa bình và ổn định tại khu vực Trung Đông. Điều này được giới quan sát ghi nhận là có cơ sở khi Nhật Bản được đánh giá là có mối quan hệ gần gũi với Iran, trong khi là đồng minh thân cận của Mỹ. Tuy nhiên, căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Iran cũng đẩy Tokyo vào thế khó khi Washington là một đồng minh lớn, trong khi Iran là nguồn cung cấp dầu mỏ chính cho Nhật Bản.

Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tehran ngày 13/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tehran ngày 13/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù vậy, Thủ tướng Abe đã thể hiện tốt vai trò như một “thuyết khách” trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà khi khẳng định vai trò mang tính xây dựng của Iran trong việc tháo “ngòi nổ” căng thẳng trong khu vực.

Qua cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Iran đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Iran sẽ đàm phán với Mỹ nếu Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang nhằm vào Tehran.

Có thể hiểu rằng đối với Tehran, cánh cửa đối thoại vẫn chưa đóng, song cần có thiện chí từ cả hai phía chứ không chỉ một chiều từ phía Tehran, trên cơ sở đó mới có thể tiến tới các cuộc đàm phán thực chất, bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau.

Tuy nhiên, theo giới phân tích khu vực, những kết quả tích cực thu được sau các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước đã phần nào bị “lu mờ” và ảnh hưởng ít nhiều sau một số sự việc xảy ra trong ngày 13/6, trong đó có việc một tàu chở dầu của Nhật Bản bị tấn công gần Eo biển Hormuz – một địa điểm chiến lược song cũng hết sức nhạy cảm đối với Tehran vào thời điểm hiện nay.

Thủ tướng Abe đã thể hiện tốt vai trò như một “thuyết khách” trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà Iran

Eo biển Hormuz án ngữ trên tuyến đường vận chuyển dầu mỏ và khí đốt quan trọng của thế giới, chia tách các nước vùng Vịnh và Iran. Nơi đây trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng sau khi Washington tăng cường trừng phạt Tehran và điều động thêm nhiều lực lượng quân sự hùng hậu đến khu vực.

Ngoài ra, phải kể tới sự cố trên Vịnh Oman với việc hai tàu chở dầu bốc cháy, trong đó có một tàu bị chìm. Những diễn biến trên cho thấy tính chất phức tạp của những vấn đề tồn tại lâu nay ở khu vực này và đây không chỉ là câu chuyện giữa Iran và Mỹ mà còn của cả vùng Vịnh.

Giới quan sát khu vực cho rằng có thể có một thế lực nào đó đang muốn cản trở những nỗ lực ngoại giao, đóng sập cánh cửa đối thoại giữa các bên liên quan và không muốn bầu không khí ở “chảo lửa” Trung Đông hạ nhiệt.

Lộ trình hướng tới an ninh và ổn định cho toàn khu vực Trung Đông vẫn còn nhiều chông gai; căng thẳng và đối đầu giữa Iran và Mỹ cùng các đồng minh của Washington ở khu vực khó có thể sớm được giải tỏa khi vẫn còn nhiều lực cản hay thiếu sự tin cậy lẫn nhau.

Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản đã nỗ lực thể hiện vai trò trung gian nhằm giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa Tehran và Washington, song nhà lãnh đạo Nhật Bản không thể đưa ra một giải pháp nhanh chóng, hữu hiệu, nhất là việc thuyết phục Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và nới lỏng các lệnh trừng phạt chống lại Iran.

Chính vì thế, sứ mệnh hàn gắn mối quan hệ giữa Iran và Mỹ chắc chắn còn phụ thuộc vào thiện chí và lòng tin từ chính hai bên liên quan trực tiếp./.

Khói lửa bốc ngùn ngụt từ một tàu chở dầu được cho là bị tấn công trên Vịnh Oman, ngày 13/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói lửa bốc ngùn ngụt từ một tàu chở dầu được cho là bị tấn công trên Vịnh Oman, ngày 13/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)