Đánh thuế kỹ thuật số các đại gia Internet

gettyimages-1560428170-30.jpg

Các quan chức tài chính hàng đầu của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 9/6 ở Fukuoka (Nhật Bản), đã đồng ý về tính cấp thiết xây dựng một hệ thống toàn cầu để đánh thuế các đại gia Internet (Big Tech) như Google và Facebook.

Tuy nhiên, giữa các nước vẫn còn chưa thống nhất về cách thức thực thi tối ưu quan điểm đó.

G20 đã giao cho Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nghiên cứu sửa chữa một hệ thống thuế quốc tế để “vá lỗ hổng” đang giúp các gã khổng lồ công nghệ lợi dụng chỉ trả phải mức thuế rất thấp ở những nơi như Ireland, trong khi không phải trả bất cứ đồng thuế nào ở những nước đang mang lại lợi nhuận khổng lồ cho họ.

“Chúng ta phải nhanh lên!” (Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh)

Tại hội nghị trên, ông Angel Gurria, Tổng Thư ký OECD đã trình bày một “lộ trình,” đã được 129 nước ký sơ bộ, trong nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp dài hạn vào năm 2020.

“Chúng ta phải nhanh lên,” Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh trong cuộc thảo luận với các nhà hoạch định chính sách hàng đầu trước cuộc họp G20 chính thức khai mạc.

Ông Le Maire kêu gọi thiết lập một khung thời gian tham vọng hơn để tạo sự đồng thuận toàn cầu, nói rằng: “Lịch trình phù hợp là tìm một sự thỏa hiệp vào cuối năm nay.”

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho rằng việc đánh thuế các đại gia Internet một cách công bằng là một phản ứng đối với một cái gì đó “người dân chúng ta coi là một sự bất công thô thiển trong hệ thống thuế.”

Những lời kêu gọi trên cho thấy mức độ cấp bách và những thiệt hại kinh tế khủng khiếp mà các nước trên thế giới đang phải gánh trong kỷ nguyên kỹ thuật số với sự thống trị của những gã khổng lồ công nghệ.

Các “ông lớn” công nghệ đang lách thuế ra sao?

Theo một điều tra của hãng tin kinh tế Bloomberg, trong năm 2018, Google đã tiết kiệm cho mình tới 3,7 tỷ USD tiền thuế trong năm 2016 bằng cách chuyển tiền giữa Ireland, Hà Lan và Bermuda.

Năm 2017, các báo cáo nổi lên rằng Apple đã chuyển hai công ty con của mình từ Ireland sang Jersey sau khi Liên minh châu Âu (EU) gây áp lực với Ireland đóng lỗ hổng thuế. Trong khi đó, Amazon không trả thuế doanh nghiệp liên bang ở Mỹ trong năm 2018 mặc dù lợi nhuận là 11,2 tỷ USD.

(Nguồn: ft.com)
(Nguồn: ft.com)

Thực tế, đang có rất nhiều những kẽ hở để các công ty công nghệ lợi dụng để trốn tránh việc đóng thuế.

Như trường hợp của Google, theo Bloomberg, gã khổng lồ công nghệ này đã sử dụng triệt để mô hình “Double Irish with Dutch Sandwich” (một thuật ngữ chỉ việc dùng nhiều công ty con cho mục đích tránh thuế) để cắt giảm hóa đơn thuế nước ngoài. Trong năm 2016, Google đã tiết kiệm được 7% tiền thuế so với năm trước, với mức thuế suất là 19,3%.

Lỗ hổng “Double Irish” liên quan đến việc chuyển doanh thu từ một công ty con có trụ sở ở Ireland – thông qua một công ty Hà Lan không có nhân viên (mô hình “Dutch Sandwich”) – đến một tài khoản ở “thiên đường thuế” Bermuda thuộc sở hữu của một công ty khác – thực chất là công ty vỏ bọc, nhưng cũng được đăng ký tại Ireland.

Google đã sử dụng triệt để mô hình “Double Irish with Dutch Sandwich” để cắt giảm hóa đơn thuế nước ngoài.

Theo Reuters, số liệu năm 2017 trong báo cáo tài chính Google Netherlands Holdings – công ty con của Google ở Hà Lan – gửi lên Phòng Thương mại Hà Lan, gã khổng lồ tìm kiếm này đã chuyển 22,7 tỷ USD sang công ty vỏ bọc ở Bermuda so với 19,2 tỷ USD trong năm trước. Điều này giúp Google tiết kiệm hàng tỷ USD tiền thuế trong năm đó.

Mục tiêu của những sơ hở này là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài khỏi các quốc gia có thuế cao hơn và chỉ phải nộp mức thuế rất thấp, thậm chí không phải nộp bất cứ đồng thuế nào ở các nước khác.

(Nguồn: iMore)
(Nguồn: iMore)

Một trường hợp khác là Apple. Cách thức lách thuế của nhà sản xuất iPhone khá đơn giản. Hãy lấy ví dụ về một chiếc iPhone được bán ở Anh để thấy nước này đang bị thất thu thuế lớn ra sao bởi hoạt động chuyển giá của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Apple bán một chiếc iPhone với giá 1.000 bảng, bao gồm VAT (thuế bán hàng). Trong đó, 167 bảng là VAT – người tiêu dùng phải chịu, trong khi 833 bảng thuộc về Apple. Người tiêu dùng đã trả cho nhà nước khoản thuế 167 bảng, trong khi Apple không phải trả gì cả.

Giả sử Apple kiếm được lợi nhuận 316 bảng cho việc bán một chiếc iPhone (dựa trên tỷ lệ ký quỹ 38%). Apple sẽ phải trả thuế doanh nghiệp ở Anh ở mức 19% = 60 bảng nếu hãng này mở doanh nghiệp kinh doanh, nhưng thực tế hãng này không có doanh nghiệp kinh doanh ở đây.

Người tiêu dùng đã trả cho nhà nước khoản thuế 167 bảng, trong khi Apple không phải trả gì cả.

Sau khi khấu trừ toàn bộ những khoản chi phí bắt buộc cho nước Anh, toàn bộ lợi nhuận còn lại của Apple được chuyển thẳng về trụ sở công ty đóng ở Ireland. Và Apple công bố báo cáo lợi nhuận của hãng này ở Ireland – nơi họ đăng ký mở doanh nghiệp kinh doanh và có thỏa thuận thuế “ngọt ngào” với mức thuế suất là 2,5%. Như vậy, Apple không trả thuế ở Anh vì không mở doanh nghiệp kinh doanh, họ chỉ trả thuế doanh nghiệp ở Ireland với mức thuế suất 2,5% = 7,90 bảng.

Thay vì trả thuế 60 bảng ở Anh, nơi hoạt động bán hàng được thực hiện, Apple chỉ trả 7,90 bảng cho một quốc gia khác.

Apple nói về cách tiếp cận thuế của họ: Chúng tôi sẽ trả tất cả những gì chúng tôi nợ theo luật thuế và hải quan tại các quốc gia nơi chúng tôi hoạt động [nơi đăng ký lập doanh nghiệp kinh doanh].

(Nguồn: Dhaka Tribune)
(Nguồn: Dhaka Tribune)

Không giống như Google hay Apple, Microsoft có một cách lách thuế theo kiểu “bán hàng vòng tròn.” Theo điều tra của truyền thông Mỹ, gã khổng lồ phần mềm đã lập các công ty con ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ có mức thuế doanh nghiệp thấp ưu đãi như Ireland, Singapore và Puerto Rico. Các công ty con này “sao chép” công nghệ của Microsoft và bán trở lại Mỹ cho các khách hàng đối tác.

Nếu Microsoft mang khoản thu nhập công bố ở nước ngoài về Mỹ, hãng này sẽ nợ thuế khoảng 45 tỷ USD (ở thời điểm năm 2017).

Sau đó, lợi nhuận thu về được chuyển thẳng vào tài khoản một công ty bình phong ở “thiên đường thuế” Bermuda. Tai đây, công ty bình phong này công bố lợi nhuận bán hàng và không chịu bất cứ khoản thuế doanh nghiệp nào, trong khi thuế suất doanh nghiệp ở Mỹ là 35%. Nếu Microsoft mang khoản thu nhập công bố ở nước ngoài về Mỹ, hãng này sẽ nợ thuế khoảng 45 tỷ USD (ở thời điểm năm 2017).

Theo tờ Thời báo Seattle, Microsoft chỉ trả 30 có triệu USD thuế liên bang và địa phương cho năm 2017.

“Đau đầu” dựng hàng rào thu thuế

Trở lại năm 2012, khi các vụ bê bối liên quan đến các kế hoạch tránh thuế của Apple, Amazon và Google giải phóng sự tức giận của công chúng và buộc G20 phải hành động, OECD đã kêu gọi cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp quốc tế.

Điều này đã dẫn đến, ba năm sau, một gói cải cách được gọi là “Dự án chống xói mòn cơ sở thuế và thay đổi lợi nhuận cơ bản,” (Base Erosion and Profit Shifting) hay BEPS.

Quá trình cải cách được lãnh đạo bởi các nước OECD và mở rộng ra cho các nước đang phát triển sau khi dự án này được công bố. Ngày nay, 125 quốc gia có liên quan, tạo thành một diễn đàn khung chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (Inclusive Framework – Diễn đàn IF).

BEPS là một bước quan trọng để giải quyết một số chiến lược tránh thuế nghiêm trọng nhất được sử dụng bởi các công ty đa quốc gia. Ví dụ, nó bắt đầu, việc chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan thuế các báo cáo theo từng quốc gia về lợi nhuận và các khoản thanh toán thuế của các công ty.

Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản ngày 8/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản ngày 8/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, thật không may, định chế này chỉ áp dụng cho các công ty đa quốc gia có quy mô rất lớn và các báo cáo sẽ không được công khai. Hơn nữa, BEPS không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Các công ty vẫn được phép di chuyển lợi nhuận của họ bất cứ nơi nào họ muốn và tận dụng các khu vực pháp lý thuế rất thấp.

Quay trở lại Hội nghị thống đốc và bộ trưởng tài chính G20 ở Fukuoka. Các bộ trưởng đã đề xuất khá nhiều giải pháp dựng hào rào thu thuế các đại gia công nghệ.

Một số đề xuất chính sách thuế mới dựa trên số lượng doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh mà một công ty thực hiện trong một quốc gia, chứ không phải nơi có trụ sở chính.

Các bộ trưởng G20 đã nhất trí soạn thảo quy tắc chung thu hẹp các lỗ hổng khiến các đại gia công nghệ toàn cầu như Facebook chỉ phải đóng thuế doanh nghiệp rất thấp.

Các nhà hoạch định chính sách G20 cũng đồng ý rằng cần phải có một cách tiếp cận toàn cầu để đánh thuế các công ty Internet lớn.

Trong tuyên bố kết thúc hội nghị, các bộ trưởng G20 đã nhất trí soạn thảo quy tắc chung thu hẹp các lỗ hổng khiến các đại gia công nghệ toàn cầu như Facebook chỉ phải đóng thuế doanh nghiệp rất thấp. Các quy định mới của Nhóm G20 sẽ hướng đến đánh thuế cao hơn đối với các công ty đa quốc gia lớn nhưng cũng khiến các nước như Ireland khó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với lời hứa về mức thuế suất doanh nghiệp cực thấp.

Ông Pierre Moscovici, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu cho biết với việc thực thi các quy định về nộp thuế mới, khối này tin rằng những “gã khổng lồ công nghệ, không chỉ là GAFA, sẽ phải trả phần thuế công bằng của họ, ở những nơi họ tạo ra giá trị và lợi nhuận.”

GAFA là từ viết tắt thường được sử dụng để chỉ Google, Amazon, Facebook và Apple khi nói về ảnh hưởng của các công ty công nghệ lớn.

Tuy nhiên, dù đã có sự đồng thuận thiết lập hàng rào đánh thuế nặng hơn với các đại gia công nghệ, song để chuyển hóa chủ trương thành hành động trên thực tế sẽ còn là một bước rất dài và còn gây đau đầu với giới hoạch định chính sách G20, khi các nước trong nhóm vẫn bất đồng trong cách thức thực thi.

Và như vậy, các gã khổng lồ công nghệ vẫn ung dung đút túi những khoản tiền lợi nhuận kếch xù mà không chỉ phải trả mức thuế “bèo bọt” hoặc thậm chí “chả phải mất xu nào.”./.