Dệt may Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới

Ngành Dệt may Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc và là một trong những nước sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.  

Đáng chú ý, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội đối với ngành dệt may trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Với tư cách là người trong cuộc, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có một số chia sẻ với VietnamPlus nhằm phân tích, đánh giá những kết quả của ngành đối với sự phát triển của nền kinh tế.

CPTPP giúp đa dạng thêm thị trường

– Đón nhận cơ hội mới từ CPTPP, vậy ông dự báo thế nào về tăng trưởng của ngành trong thời gian tới?

Ông Cao Hữu Hiếu: Trong 9 tháng đầu năm 2018, ngành Dệt may Việt Nam có bứt phá rất ngoạn mục, tốc độ tăng trưởng 9 tháng trên 16% và đây là con số rất ấn tượng.

Tuy nhiên, với hiệp định CPTPP đó là cơ hội, nhưng khi không có sự tham gia của Mỹ nên qui mô thị trường không được lớn lắm. Do vậy, với hiệp định này thì tăng trưởng của Dệt may Việt Nam cũng không phải là quá lớn như kỳ vọng, tất nhiên có tăng trưởng nhưng không phải đột biến ở mức cao.

Thực tế, qui mô thị trường các nước tham gia CPTPP không quá lớn, bản thân một số nước gọi là mới như Canada cũng vậy, qui mô thị trường không phải là lớn nhưng với các nước này thì sản phẩm của Việt Nam đang là thế mạnh, do vậy kỳ vọng của chúng ta là khai phá được thị trường này giúp đa dạng thêm thị trường và đa dạng thêm các sản phẩm của Việt Nam, còn nếu kỳ vọng tăng trưởng đột biến nhờ CPTPP chắc chắn là không có.

Nếu Trung Quốc tham gia hiệp định CPTPP thì không chỉ riêng Việt Nam mà các nước còn lại trong CPTPP cũng là một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt.

– Mới đây, dù thông tin chưa chính thức về việc Trung Quốc có ý định tham gia CPTPP, vậy khả năng này trong tương lai thành hiện thực thì các doanh nghiệp trong nước đã có sự chuẩn bị ra sao, thưa ông?

Ông Cao Hữu Hiếu: Thực sự nếu Trung Quốc tham gia hiệp định CPTPP thì không chỉ riêng Việt Nam mà các nước còn lại trong CPTPP cũng là một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt.

Vì hiện nay đối thủ chính của các nước còn lại là Trung Quốc, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc đang là đối thủ số 1 cả về số lượng, giá trị, hơn nữa độ phủ của sản phẩm Trung Quốc hiện quá rộng, gần như lĩnh vực nào trong ngành dệt may (từ sản phẩm dệt may, hàng may mặc đến các sản phẩm sợi, dệt…) phía Trung Quốc đều sản xuất được.

Do vậy, nếu Trung Quốc tham gia CPTPP thì Việt Nam lại có một cuộc chơi mới và lúc đó tôi nghĩ sẽ rất nhiềm cam go khi mà chúng ta đang được lợi thế hơn ở sân chơi này nhưng khi đối thủ của chúng ta lại cùng một sân chơi nữa thì kịch bản chưa ai nghĩ sẽ như thế nào, song chắc chắn sẽ khó khăn cho các doanh nghệp dệt may của chúng ta.

– Còn với Hiệp định EVFTA, theo ông những lợi thế nào của ngành Dệt may Việt Nam sẽ được hưởng từ hiệp định này?

Ông Cao Hữu Hiếu: Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn thứ hai của Dệt may Việt Nam chỉ sau Mỹ và luôn luôn có tăng trưởng tương đối cao (từ 7-10% hàng năm). Tôi nghĩ khi gia nhập EVFTA, hàng Dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi từ việc giảm thuế, do vậy với thị trường này chắc chắn chúng ta sẽ có sự tăng trưởng.

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Tôi chỉ đơn cử, cũng như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), năm 2018 riêng Hàn Quốc có sự tăng trưởng ngoạn mục với ngành dệt may Việt Nam. Trung bình 9 tháng đầu năm có tăng trưởng trên 20% và hiện nay về thị trường này, Việt Nam chuẩn bị đuổi kịp Trung Quốc với tỷ lệ hai bên (Việt Nam khoảng 34,46% và Trung Quốc khoảng 36,45%), song theo tôi với đà này thì khả năng trong năm nay, Việt Nam có thể vượt Trung Quốc ở thị trường Hàn Quốc.

Lý do rất đơn giản là chúng ta đã tận dụng rất tốt các cơ hội của Hiệp định thương mại Việt Nam-Hàn Quốc và hàng dệt may của Việt Nam cạnh tranh được với hàng Trung Quốc tại thị trường Hàn Quốc.

Tôi cũng hy vọng sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam phải tận dụng tốt cơ hội của hiệp định này để chúng ta chiếm lĩnh thị trường EU bù lại các thị trường khác và đặc biệt là nếu như trường hợp Trung Quốc có tham gia CPTPP.

Cho dù công nghệ, thiết bị có hiện đại đến đâu thì cũng không thể thiếu được con người, đấy là yếu tố rất then chốt.

Công nghiệp 4.0 phải có con người 4.0

– Quay trở lại câu chuyện về năng suất lao động, nhiều doanh nghiệp dệt may đã đầu tư công nghệ và máy móc hiện đại, vậy để công nghệ phát huy hiệu quả thì yếu tố con người được chuẩn bị như thế nào?

Ông Cao Hữu Hiếu: Chúng tôi vẫn đánh giá rằng, cho dù công nghệ, thiết bị có hiện đại đến đâu thì cũng không thể thiếu được con người, đấy là yếu tố rất then chốt.

Trong ngành dệt may, ngoài đội ngũ quản trị lãnh đạo công ty thì không thể thiếu được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cho nên với máy móc hiện đại đến đâu thì vẫn phải có đội ngũ kỹ thuật để vận hành hệ thống này.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong thời gian qua đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực, vì vậy về mặt vĩ mô tập đoàn đã trình Chính phủ và đã được chấp thuận để nâng cấp trường Cao đẳng dệt may Hà Nội lên Đại học, đây là kênh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may.

Đến giờ phút này có lẽ rất ít trường như Đại học dệt may khi mà sinh viên gần như 100% ra trường đã có địa chỉ nhận từ năm học cuối. Doanh nghiệp đến thỏa thuận về thu nhập, vị trí việc làm với sinh viên nên khi ra trường là các em đã có chỗ làm ổn định.

Rất nhiều doanh nghiệp đến đặt hàng nhà trường trong việc tuyển sinh cho các ngành… và trong định hướng phát triển của Nhà trường, tập đoàn cũng yêu cầu Nhà trường đào tạo các em tiếp cận với tư duy của 4.0, với những môn học có lẽ tương đối phù hợp và sát với quản lý doanh nghiệp, quản lý nhà xưởng, quản trị doanh nghiệp thời 4.0 nó khác với cái kia như thế nào.

Còn với những người lao động trực tiếp vận hành máy móc thiết bị, tập đoàn cũng đề nghị các doanh nghiệp và thường xuyên tổ chức các buổi cập nhật ngắn để người lao động dần dần thay đổi tư duy với những thiết bị hiện đại có cài đặt phần mềm thì cũng có thể vận hành được.

Như bạn biết, nhiều loại thiết bị thì rất đắt tiền, công nhân chỉ cần sai một thao tác hay một nút bấm thôi có thể khiến nhiều sản phẩm hỏng. Tất nhiên có một người giám sát nhưng đôi khi chỉ lơ là một chút cũng sẽ dẫn tới những việc không mong muốn. Cho nên tập đoàn cũng xác định khâu đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ lao động, người quản lý luôn là công tác thường xuyên.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 rõ ràng là quy luật tất yếu các doanh nghiệp phải tham gia cuộc chơi này.”

– Trước cuộc cách mạng 4.0, nhiều chuyên gia lo ngại sẽ tác động không nhỏ đến nguồn lao động phổ thông của ngành dệt may, vậy Vinatex đã có định hướng như thế nào để vừa đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng nhưng đồng thời cũng đảm bảo công tác an sinh xã hội?

Ông Cao Hữu Hiếu: Trong thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương và định hướng quy hoạch phát triển ngành Dệt may Việt Nam được Thủ tướng và Bộ Công Thương phê duyệt, Vinatex cũng tiên phong trong việc dịch chuyển các nhà máy May về các vùng sâu vùng xa.

Có lẽ ít các tập đoàn nào có vốn nhà nước thực hiện công tác an sinh tốt như Vinatex, chúng tôi đã có những nhà máy ở các vùng sâu nhất ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ còn ở phía Bắc là ở Sơn Động (Bắc Giang) theo chương trình Nghị quyết 30A của Chính phủ.

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng có lao động nhưng chất lượng lao động ở nhiều nơi không được tốt, mặc dù cũng là lao động phổ thông và văn hóa vùng miền cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kế hoạch sản xuất cũng như năng suất chất lượng của các nhà máy.

Việc 4.0 rõ ràng là quy luật tất yếu các doanh nghiệp phải tham gia cuộc chơi này, phải đầu tư máy móc thiết bị và đương nhiên như vậy sẽ có một lượng lao động bị dôi dư và đây là bài toán không phải tỷ lệ thuận.

Mong muốn thì có tự động hóa nhưng ngược lại lao động dôi dư chưa biết xử lý như thế nào, trong đó ngành dệt may được gọi là ngành thu hút nhiều lao động mà bây giờ đầu tư robot, đầu tư tự động hóa thì cần gì lao động. Tôi nghĩ việc này riêng ngành dệt may sẽ không giải quyết được mà cần phải đầu tư đồng bộ từ Chính phủ và các bộ, ngành trong việc định hướng đào tạo nghề cho các lao động phổ thông ở địa phương.

Với các doanh nghiệp dệt may, chúng tôi cố gắng làm sao với những bộ phận mà phải đầu tư máy móc thiết bị thay thế con người thì phải làm sao cũng sẽ tuyển dụng đào tạo lại người công nhân đó để bố trí vào những vị trí hợp lý hơn. Đương nhiên, với những dự án đầu tư mới, Vinatex đã định vị ngay từ đầu, chỉ cần biết dự án đó bao nhiều người, tập đoàn sẽ tuyển dụng đúng vào các vị trí cần, còn những nhà máy đã hoạt động rồi mà phải đầu tư thay thế công đoạn đó, tự động hóa hơn, hiện đại hơn thì giảm con người.

Không lẽ để cho người lao động phải nghỉ việc? Do vậy chúng tôi sẽ cố gắng bố trí hợp lý các vị trí đó, đào tạo thêm những ngành nghề mới để họ tiếp tục sản xuất, tránh dôi dư lao động và cũng là một cách giải quyết công ăn việc làm cho xã hội.

– Xin cảm ơn ông./.