Khi chiếc chân lành gánh giấc mơ… “cánh cụt”

linhcover2b-1541994666-13.jpg

Đoạn hội thoại ấy vẫn cứ lặp đi lặp lại không ngớt giữa mẹ hai mẹ con bé Nguyễn Như Linh (xã Thượng Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) trong suốt gần chục năm qua. Linh, năm nay 8 tuổi đã không may mắn khi bị khuyết đi một phần cơ thể. Thế nhưng, bằng chiếc chân lành duy nhất, cô bé vẫn hồn nhiên đứng lên, hồn nhiên viết tiếp những giấc mơ của riêng mình.

Năm 2010, bé Nguyễn Như Linh chào đời trong niềm thấp thỏm không yên của chị Nguyễn Thị Nương. Cách đó chừng 3 tháng, trong lần khám siêu âm định kỳ, sinh linh bé bỏng trong bụng mẹ đã được chuẩn đoán có dị tật bẩm sinh ở tay.

“Ngày ấy, nghe các bác sỹ nói, vợ chồng em chết đứng như trời trồng. Cháu là con đầu lòng mà lại không được may mắn như thế,” chị Nương rơm rớm nước mắt nhớ lại.

Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng ngày Linh được sinh ra, người mẹ gầy quắt queo và đen nhẻm vẫn cứ ôm chặt đứa bé vào lòng mà rấm rứt khóc. Nhìn đứa bé đỏ hỏn, oe oe giơ giơ đôi cánh tay cụt gần đến cẳng quờ quạng tìm sữa, chị lại cảm thấy nhói lòng.

“Vợ em hồi đó ngất lên ngất xuống. Cháu Linh thì yếu, chân trái cũng thiếu ngón và bị dị tật. Trên mặt cháu lại có khối u. Trông thấy con, không ai cầm được lòng cả,” anh Nguyễn Văn Tuấn, bố Linh nhớ lại.

Cũng bắt đầu từ đây, một hành trình mới đã chính thức bắt đầu với gia đình nhỏ ở xã Thượng Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Do thể trạng quá yếu những chuyến đi đi, về về các bệnh viện trở nên quen thuộc với họ. Mùi thuốc sát trùng, mùi gây gây nôn nao của phòng điều trị, màu trắng của áo blouse… cứ thể đi vào tuổi thơ non nớt của Như Linh theo một cách… không thể nào bình thường hơn nữa.

“Tình trạng của bé rất xấu.”

Đã có lúc, chẩn đoán của các bác sỹ vắt kiệt sức lực của Nương và Tuấn. Cặp vợ chồng trẻ xấp ngửa ôm con vào lòng, bành bạch trên trên xe máy cũ kỹ gõ cửa khắp nơi trong cơn mơ đưa bé vượt qua bệnh tật. Những ca mổ loại bỏ khối u trên mặt, phẫu thuật chân…  nối tiếp nhau như cơm bữa. Nhìn con nằm co ro trong phòng bệnh, hai vợ chồng Tuấn đau thắt lòng

Đôi tay của Linh không lành lặn như bao đứa trẻ khác…

Mãi đến năm 2 tuổi, cô bé Như Linh mới đủ sức khỏe để chập chững tập những bước đi đầu tiên trong đời.  Do bị khiếm khuyết tay và chân trái, nên Như Linh không thể giữ thăng bằng như người thường. Cô bé thường xuyên chới với ngã, những cú ngã rất đau. Nhưng không vì thế mà Linh dừng lại. Như Linh tập tễnh vịn ghế bằng đôi tay “cánh cụt” và bắt đầu những bài học đầu tiên về nghị lực sống…

“Mỗi lần thấy con bé ngã, rồi lại lồm cồm đứng lên, nước mắt ngắn dài tập đi tiếp, em xót lắm. Nhưng con bé vẫn phải tự đi thôi, không ai đi thay Linh được cả,” Nương khe khẽ thở dài khi nhớ về giai đoạn đầu tiên đầy gian khó ấy.

Ngồi ngay bên cạnh, Như Linh không để ý đến nét mặt thoáng buồn của mẹ. Cô bé còn đang bận chơi đồ hàng. Một chiếc bếp ga bằng nhựa nhỏ xíu bằng bàn tay đã được bày biện ra. Chân phải  kẹp chặt chiếc chảo tí hon, “đầu bếp nhí” dùng ngón chân trái cắp lấy con tôm xanh bỏ vội vào rồi mau mắn đưa lên bếp đang chờ sẵn.

“Rán tôm cho em Tấm ăn nào. Mẹ ơi, mẹ có ăn tôm không để con làm luôn? Hay mẹ ăn bánh nhé?”

Nghe con hỏi, Nương hùa vào: “Cô nấu cho tôi bát canh rau là được rồi.”

Tiếng nô đùa giòn tan của cô bé chim cánh cụt đang chuẩn bị bữa trưa tưởng tượng bằng đôi chân gầy guộc, cong queo trong thoáng chốc bỗng xóa tan đi tất cả nỗi buồn vương vất. Căn nhà nhỏ, lúc này, chỉ còn ăm ắp nụ cười.

Nhìn lại hành trình 8 năm đã qua, đến tận bây giờ, chị Nương vẫn chưa thể tin được vào hành trình kỳ diệu của Như Linh. Sau 2 năm đầu, Linh tỏ ra vô cùng hoạt bát và thông minh. Nhìn mọi người sử dụng tay để cầm nắm các vật dụng, Linh cũng bắt chước, nhưng theo cách của riêng mình. Cô bé dùng ngón chân kẹp chặt từng thìa cơm, cây kẹo ngọt đầy sắc màu, cuốn truyện cổ tích mẹ mua cho…

“Ngày đầu mới tập dùng chân, con bé cũng lóng ngóng lắm. Cứ đồ lên được một lúc là lại rơi vì mỏi quá. Nhưng cháu vẫn không nản chí, cứ tập đi tập lại cho tới khi thành thạo mới thôi,” chị Nương chia sẻ.

Tới năm 4 tuổi, Linh đã có thể thoải mái cầm nắm, điều khiển đôi chân như ý muốn của mình. Thậm chí, cô bé có thể kẹp cây bút màu vào giữa các ngón để nguệch ngoạc vẽ những bức tranh đầu tiên.

“Con thường hay vẽ gia đình búp bê, ở đó có em Tấm, em Bông. Lúc thích, con lại vẽ mẹ, bố và em Ngọc nhà con. Vẽ xong con còn tự tô màu nữa chú ạ.”

Linh ríu rít khoe, chân không ngừng lật giở tập vẽ đã kín các trang.

Đến năm 5 tuổi, trong một lần thấy vở viết chữ của người anh họ, cô bé cũng tò mò tập học theo.

Chị Nương vẫn gọi cái ngày đó là ngày kỳ diệu vì người mẹ gầy guộc vốn không thể nghĩ cô bé cánh cụt của mình lại có thể tìm đến con chữ theo cách thức đặc biệt đến vậy. Chị nhớ lại: “Hôm ấy, em thấy cháu cứ cặm cụi kẹp bút vào giữa ngón chân, ngồi gập người giữa nhà hí hoáy. Lúc đầu chỉ nghĩ Linh vẽ tranh như mọi lần. Nhưng về sau, để ý kỹ, em thấy cháu bắt đầu cố viết theo bảng chữ cái trong quyển vở của anh cháu.”

Thời gian đầu, bàn chân của Linh vô cùng… ương bướng. Cô bé muốn “vẽ” chữ O, bàn chân ngang ngạnh “họa” thành hình vuông với những cạnh nhọn nhức mắt. Chủ nhân nhí muốn viết chữ A, “bạn chân” cũng không chịu mà xiên xẹo thành con chữ khác.

Nhìn đứa trẻ bé quắt đánh vật với bút, giấy, Nương không cầm được nước mắt. Nhưng chị không cản con.

“Con đường của Linh, cháu phải tự bước. Chúng em nghĩ vậy nên chỉ biết động viên cháu. Chứ anh bảo, viết chữ bằng tay vợ chồng em còn dạy cháu được, viết bằng chân thì làm sao cầm để nắn cho con,” chị Nương khẽ nhăn mặt.

Những ngày đầu trên hành trình đi “nhặt chữ”, các kẽ chân của Linh sưng rộp vì phải kẹp bút quá lâu, đầu ngón co quắp do căng cứng. Cực nhất là vào những ngày mùa đông, để có thể giúp con tiếp tục vẽ và viết, chị Nương đã phải cắt hết đầu tất, để lộ ra phần ngón chân. Dù lạnh cóng, Linh vẫn run run kẹp bút, gò người trên sàn nhà để học.

Dần dần, cô bé đã có thể ghép chữ, viết từ một cách thành thạo. Thấy con ham học, chị Nương cũng mua sách về, hướng dẫn con đánh vần, đặt câu trên tấm bảng đen được đặt gọn ở góc nhà.

Chị Nương bàn với chồng xin cho cháu đi học tại trường mầm non Thượng Lâm gần nhà.

“Con thích đi học lắm chú ạ. Hồi trước, bố mẹ xin cho con vào trường mầm non Thượng Lâm, con còn được 3 giấy khen nữa cơ,” Như Linh hớn hở khoe.

Tới thời điểm hiện tại, con chim cánh cụt nhỏ bé ngày nào đã vào lớp 3. Các thầy cô tại trường tiểu học  Thượng Lâm đã đóng cho em một chiếc bàn đặc biệt. Chiếc bàn rộng rãi và vuông vức cho phép cô bé con có thể ngồi rạp người xuống để dùng chân viết bài. Nhìn dáng người cong gập như chữ U nằm ngang, ngón chân bé nhỏ kẹp chặt cây bút mực để nắn nót từng dòng chữ, chúng tôi bỗng có một liên tưởng khập khiễng: Cô bé con, giờ này thật giống một “cô đồ nho” nhí, cặm cụi họa những nét thư pháp trên trang vở. Điểm khác duy nhất là  “cô đồ” ấy chỉ đang làm tất cả bằng… chân.

Chiếc bàn rộng rãi và vuông vức cho phép cô bé con có thể ngồi rạp người xuống để dùng chân viết bài.

Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm của Như Linh cho biết: “Ngay từ những ngày đầu nhận cháu vào trong lớp, bản thân chúng tôi rất lo lắng, chỉ dám nghĩ sẽ dạy để cháu đọc tốt chứ không  nghĩ tới chuyện sẽ dạy cháu viết. Nhưng ngay từ những giây phút đầu tiên khi thấy cháu cặp được cây bút trên chân của mình thì tất cả đều rất khâm phục. Khi viết lại thấy con trình bày rất tốt, các nét thẳng, đều, đẹp hơn so với các bạn trong lớp. Ý chí của cháu rất tốt, cháu rất kiên trì trong công việc viết bài của mình. Trong giờ nghỉ khi các bạn đã ra chơi, Linh vẫn ở lại để rèn luyện để chữ đẹp hơn.”

-“Con có bao giờ thấy đi học vất vả chưa?,” chúng tôi hỏi.

Có chứ chú. Mỗi lần viết nhiều quá, con thấy mỏi lưng lắm. Về nhà chỉ muốn nằm thôi. Chân cũng mỏi nữa.

-Đi học có vui không con?

Vui lắm ạ! Con thích nhất môn Toán, vì môn Toán con hay được điểm 10. Mà môn Tiếng Anh con cũng được 9 điểm 10. Con còn thích vẽ, con vừa vẽ trên trường bông hoa hướng dương, hoa trái tim và hoa sen đấy.

Cô Nguyễn Thị Huyền, Giáo viên chủ nhiệm lớp 3C của bé Linh vừa là người mẹ chăm lo từng li từng tí cho cô học trò nhỏ có số phận không may như những người bạn khác.

Nói đoạn, cô bé líu ríu chạy vào bàn học, lấy chân kẹp tập vẽ đã cũ sờn rồi mau mắn bày ra giữa nhà, bắt đầu liến thoắng… khoe. Đây là tranh vẽ em Ngọc. Còn đây là bộ sưu tập thời trang con tự thiết kế. Đây là gương soi, lược chải đầu… Chú có thấy ngôi nhà này đẹp không, có cả hoa bên ngoài nữa này.

Rồi, không đợi chúng tôi kịp ngắm, cháu lại bắt sang chuyện vừa rồi được đi thi hát trên trường.

-20/10 vừa rồi, trường con có tổ chức thi hát. Con được đi thi với bài Đưa cơm cho mẹ đi cầy. Bài đấy lần đầu tiên con mới được học đấy, về nhà mẹ bắt hát bao nhiêu lần. Lúc đi thi, con được giải Ba, được thưởng tận 200 nghìn nữa. Con đưa cho cô giáo hết vì cô dạy con hát mà.

-À, hồi lớp 2, con còn được đi thi viết chữ đẹp. Cả lớp con chỉ có 2 bạn thi thôi, cô giáo cũng khen con viết đẹp…

Cứ thế, con chim cánh cụt nhỏ vừa chơi đồ hàng, vừa kể đủ thứ chuyện cô bé nhớ ra mà không theo một trật tự cố định nào. Chuyện ở nhà, chuyện tới lớp, chuyện học máy tính trên trường mà phải gõ bằng cùi tay ra sao. Và bao giờ, cô bé cũng bắt đầu tất cả bằng chữ “À” như vừa nhớ ra, tìm ra một sự ngạc nhiên thú vị.

Ngồi trước cô bé Như Linh, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ sự bi quan hay khép kín nào. Cô bé líu ríu với đủ thứ niềm vui nho nhỏ của riêng mình.

Khi được hỏi: “Con thích làm gì nhất.” Cô bé hồn nhiên: “Con thích sẽ được làm cô giáo mỹ thuật. Con cũng thích được hát chú ạ.”

Nhìn Như Linh, chúng tôi bỗng nhớ tới câu chuyện cổ tích về con chim cánh cụt, loài chim theo truyền thuyết là có đôi cánh rất dài và đẹp. Nhưng một ngày nọ, vì nhiều lý do khác nhau, đôi cánh ấy đã bị tước mất. Nhưng không ai cấm được cánh cụt bay. Chúng vẫn lao mình vào lòng biển cả, bay trong trùng dương theo cách của riêng mình.

Như Linh, con chim cánh cụt nhỏ bé ở Thượng Lâm đã và đang bay như vậy. Sẽ chẳng có ai cấm được cánh cụt bay, Linh ạ!

Khi chúng tôi chuẩn bị hoàn thành bài viết này thì một tin rất vui đã tới với gia đình bé Linh. Một mạnh thường quân tại Australia đã biết tới câu chuyện đầy nghị lực của em và đã quyết định đứng ra kết nối, hy vọng kéo dài giấc mơ “sải cánh bay” cho cô bé. Vị mạnh thường quân này viết trong bức thư gửi cho cô giáo chủ nhiệm của Linh: “Tôi có biết một đoàn bác sỹ Mỹ sẽ về Việt Nam làm chân tay giả từ thiện cho người khuyết tật ở Việt Nam. Nên tôi xin được gửi thông tin này tới cô, nhờ cô báo giúp cho bố mẹ bé Linh biết để làm hồ sơ gửi cho phái đoàn.”

Bức thư như một món quà gửi đến cô bé “cánh cụt” đầy ước mơ.

Thông qua cánh cửa mở này, chị Nương và anh Tuấn đã hoàn thiện hồ sơ để xin cho con gái mình một đôi tay.

“Tháng sau con phải nghỉ học chú ạ. Để đi lắp tay đấy. Tháng 12, con sẽ đi Bến Tre để các bác sỹ Mỹ lắp tay cho con. Sau đó lại phải nghỉ để tháo đinh ở chân trái nữa. À, Bến Tre là ở nước ngoài à chú. Hôm đấy con sẽ được mặc váy mới. Người ta đang may, vài hôm nữa mới gửi về.”

Linh ạ!

Sau này, con sẽ biết Bến Tre không phải là ở nước ngoài. Và bằng đôi chân và trái tim đầy nghị lực, con sẽ còn đi rất xa, rất vững vàng trên con đường phía trước. Hành trình nối dài giấc mơ, nối dài đôi tay cho con đang trải ra phía trước mắt rồi…

Ở đất nước Hà Lan xa xôi, nơi mà phần lớn diện tích đất đai nằm dưới mực nước biển, người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một cậu bé không ngại đêm tối, giá lạnh, sự cô đơn và hiểm nguy để đút ngón tay nhỏ bé của mình vào lỗ thủng ở thân đê, cứu cho cả vùng khỏi trận đại hồng thủy. Đó chính là niềm cảm hứng để xứ sở kia làm nên những điều kỳ diệu, được cả thế giới ngưỡng mộ.

Những tấm gương như cậu bé ấy thật ra có ở khắp nơi, nhưng để lan tỏa nó lại là một câu chuyện khác.

Với ý nghĩa đó, Báo điện tử VietnamPlus cùng sữa Cô gái Hà Lan đã đồng hành trong chương trình Little Heroes, nhằm khích lệ những tấm gương “anh hùng nhí” trên mọi miền đất nước. Có thể đấy chỉ là những cô cậu bé bình dị, nhưng ẩn chứa nghị lực lớn lao, mà mỗi em chính là một hạt giống tâm hồn, được gieo mầm để tạo nên những cánh đồng nặng trĩu yêu thương.”

Bài: Sơn Bách

Ảnh: Minh Sơn

Thiết kế mỹ thuật: Quỳnh Anh