Chắc chắn sẽ có một đường ranh giới lịch sử rõ ràng tách biệt giữa Tổng thống Mỹ và các chính trị gia tại Phòng Bầu Dục trên mọi khía cạnh. Đó là lời kết luận không thể bàn cãi về một năm giữ chức tổng thống lạ thường và hết sức tự phụ của ông Donald Trump.
Ông Trump đã thay đổi triệt để chức vụ này và cả chức năng hoạt động của nó, thường là rất chóng vánh và theo những cách mà tự ông hình dung hoặc tự thi hành.
Những bản năng bẩm sinh của ông như là đả kích, chia rẽ, cản trở, lăng mạ… đã tái định hình cái gọi là tính cách của một tổng thống. Chắc chắn sẽ không có một Donald Trump nào khác nữa.

Julian Zelizer, giảng viên lịch sử tại Đại học Princeton, nhận định: “Ông ấy đã đem những ồn ào và một phong cách tự do hoàn toàn mới lạ đến với chức vụ tổng thống, và điều đó sẽ không mất đi. Ông ấy vẫn tiếp tục làm những điều mà các tổng thống khác chưa từng làm, những điều chúng ta có thể khẳng định là họ sẽ không bao giờ làm…”
Năm đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của Trump đã đan xen các hình thái của truyền hình thực tế, môn giáo dục công dân, hài kịch, và tùy theo cách nhìn của từng người mà có thể có cả bi kịch nữa.
Giai đoạn này đã hình thành một vị tổng thống liên tục hối thúc lập ra các đường biên giới và “đâm chọc” các thể chế, không chỉ không tuân theo các quy ước mà còn phá vỡ chúng. Ông luôn công kích, gây sốc và đôi khi còn có vẻ tự gây thương tích cho mình- song ông cũng đã hoàn thành được một số điều dù là theo cách khiêm tốn hay với quy mô cực kỳ lớn lao.
John H. Sununu, cựu Thủ hiến bang New Hampshire và từng là quan chức cấp cao nhất tại Nhà Trắng dưới thời George Bush, nhận xét: “Theo bản năng, Donald Trump đang cố gắng ‘xồ’ vào từng ‘hang ổ’ để khuấy động chúng.”
Một vị tổng thống liên tục hối thúc lập ra các đường biên giới và “đâm chọc” các thể chế, không chỉ không tuân theo các quy ước mà còn phá vỡ chúng.
Sununu lúc đầu từng phản đối ông Trump, song nay lại cho rằng ông Trump đang hoàn thiện những ưu tiên bảo thủ và tái định hình lại công việc theo cách mà ông coi là tích cực nhất, song song với đó là thay đổi môi trường truyền thông.
Ông nói: “Điều ông ấy làm trong chiến dịch tranh cử là tìm cách kết nối với những người có cảm giác lo sợ. Còn điều ông ta đang làm trên cương vị tổng thống là cố gắng xử lý các thể chế khiến mọi người khó chịu.”
Ông Trump đã đảo ngược cuộc đối thoại chính trị giữa những điều thực tế và phi thực tế bằng những quy chuẩn chưa từng có và đầy bất ngờ. Các tổng thống khác đã nói dối, hoặc không thì cũng cố ý đánh lạc hướng dư luận. Tuy nhiên, Trump đã thể hiện một sự lãnh đạm với thực tế chưa từng có tiền lệ trong đời sống xã hội.
Tờ Washington Post đã liệt kê 2.000 tuyên bố sai lệch hoặc định hướng sai dư luận của tổng thống trong năm đầu tiên nhiệm kỳ. Chúng được sắp xếp theo thứ tự từ những tuyên bố ít quan trọng về số lượng phiếu bầu và quy mô ủng hộ ông cho đến những chỉ trích sai lệch- thậm chí có thể bị kiện – của ông đối với cuộc điều tra của nhóm luật sự đặc biệt, những kẻ phản đối đã bị chế ngự hay thậm chí cả người tiền nhiệm của ông ở Nhà Trắng.
Tiếp đến là những lời lăng mạ. Hàng loạt nhân vật phản đối và thậm chí là một số đồng minh của ông đều bị ông gắn mác “tâm thần”, “kém hoặc mất kiểm soát,” “rối trí,” “thấp và béo,” “nhếch nhác,” và điển hình nhất là “không thật thà.” Chỉ mới tuần trước, trong một cuộc họp tại Phòng Bầu Dục với một nhóm các thượng nghị sỹ, ông được cho là đã gọi một số quốc gia, trong đó có Haiti, là “những đất nước dơ bẩn.”

Bản tính tục tĩu và nông cạn trong phong cách giao thiệp của ông Trump- điển hình là qua cách ông dùng Twitter để thể hiện những bình phẩm bột phát của mình, những tuyên bố chính sách thiếu hoàn thiện và sự phản ứng với truyền hình cáp- là một phần trong cách thức ông nỗ lực biến mình thành ngôi sao của một buổi biểu diễn nơi mà người ta không cần xem trước nội dụng.
Mô tả phong cách hoạch định chính sách của ông Trump, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly mới đây đã nói với tờ The New York Times rằng có một điều đáng chú ý mà Trump không làm: “Ông ấy rất hiếm khi hỏi rằng các tổng thống khác làm điều này thế nào.”
Phong cách buông thả và coi thường quy ước của ông đã lan sang phạm vi chính sách ngoại giao. Đã có hàng loạt lời công kích trên Twitter về nhà độc tài sở hữu hạt nhân ở Triều Tiên, những lời chỉ trích nhằm vào những người bạn quyền lực như Anh hay những kẻ thù như Trung Quốc, và những hành động chóng vánh như dời đại sứ quán, hủy công du hay rút Mỹ khỏi một số thỏa thuận đa quốc gia…
Tương tự, ở mặt trận trong nước, ông Trump tự đặt mình là nhân tố chính trong một vở kịch hiếm khi vui vẻ. Ông gây gổ với những nhóm thế lực trong chính đảng của mình trong cả một năm 2017 đầy ồn ào, và khép lại năm đó với một kiểu chính sách thuế mà theo Sununu thì có lẽ chỉ ông Trump mới có thể đạt được.
“Ông ấy rất hiếm khi hỏi rằng các tổng thống khác làm điều này thế nào.” (Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly)
Để đánh giá, có thể thấy ông Trump đã điều hành đất nước như lời ông hứa hẹn trong chiến dịch- như một người nổi tiếng nhận thức được sự giao thoa giữa truyền thông hiện đại và văn hóa Mỹ và coi chính trị là một sự mở rộng của cả hai điều này.
Ông đã tìm cách tận dụng sự thiếu tập trung của đất nước cũng như sự ngờ vực của họ đối với các thể chế và chính giới. Ông đã nỗ lực biến các hoạt động chính trị thành cái bóng của bản tính cá nhân hung hăng, thô lỗ và cục cằn của mình.
Tuy nhiên, mặc dù ông Trump đã định hình lại vị trí tổng thống thì những thành công hay thất bại của ông ở nhiệm sở vẫn được xác nhận bởi cái mà ông đã không thể thay đổi. Bộ máy tư pháp và ngay cả bộ máy quan liêu và bộ máy quân sự liên bang của ông đều hoạt động như những cỗ máy kiểm soát thói bốc đồng của tổng thống, chống lại những nỗ lực cải cách luật và thiết lập những thực tế của riêng ông.
Những chỉ trích của tổng thống về “thông tin sai lệch” cũng như vậy, truyền thông vẫn là một thế lực độc lập và đầy sức mạnh, ngay cả trong một kỷ nguyên của những “sự kiện dị thường.”

Ngay với sự kiểm soát của đảng Cộng hòa trong Quốc hội, các nhà hoạch định chính sách cũng đã lập ra một số giới hạn đối với quyền lực của ông Trump ở cả các chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Chắc chắn là sự kiểm soát này sẽ không kéo dài đến hết nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump với những phong trào “phản kháng” mạnh mẽ và đầy sinh lực đang kích động các chiến dịch bầu cử giữa nhiệm năm 2018 nhằm phản ứng lại tổng thống và vị trí lãnh đạo của ông ta.
Quan trọng hơn cả là một cuộc điều tra đặc biệt về chiến dịch vận động của ông Trump và sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử 2016 vốn đang khuấy động mọi thứ. Đó là một công cụ có thể kéo nhiệm kỳ tổng thống này trở về với những quy chuẩn cũ.
Có thể sẽ mất hàng thập kỷ để xác định ảnh hưởng thực sự của những năm Trump làm tổng thống cũng như bất cứ nhiệm kỳ tổng thống nào khác. Tuy nhiên, Trump cũng đã để lộ ra những sự thật quan trọng về đất nước đã đưa ông lên nắm giữ chức vụ này.
Chuyên gia sử học Zelier kết luận: “Ông ấy đã cho thấy những gì chúng ta dựng nên- chính xác là hệ thống mà ta đã thiết lập. Ông đã phơi bày sự thật rằng sức mạnh mà một vị tổng thống có thể có lớn thế nào.”
