Ông Trump có làm gì, triển vọng kinh tế thế giới vẫn tươi sáng!

kinhtemy-1515981429-93.jpg

Tình trạng suy giảm thương mại toàn cầu trong những năm qua có thể bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng đồng euro và từ việc giá hàng hóa sụt giảm, và do vậy nó có thể chỉ mang tính tạm thời. Giờ đây, khi hai sự kiện nói trên đã ở sau lưng chúng ta, thương mại toàn cầu dường như đã lấy lại được cái đà tăng trưởng.

Jim O’Neill, cựu Chủ tịch Goldman Sachs Asset Management, cựu Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh, hiện là giáo sư danh dự về kinh tế-Đại học Manchester và là cựu Chủ tịch tạp chí về tình trạng kháng thuốc (Review on Antimicrobial Resistance) của Chính phủ Anh nhận định như vậy trong bài viết về “Triển vọng tươi sáng cho nền kinh tế thế giới.”

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate. Đầu đề do VietnamPlus đặt.

Vào tháng 2/2017, tôi có viết một bài bình luận với giọng điệu đầy lạc quan có tên gọi “Sự bền bỉ gây sửng sốt của nền kinh tế toàn cầu.” Bài viết này là một điều bất ngờ đối với những người khi đó chỉ nhìn thấy những triển vọng u ám đối với các nước phương Tây, không chỉ đối với nước Mỹ, nơi Tổng thống Donald Trump vừa mới làm lễ nhậm chức.

Giờ đây, gần một năm sau, những kinh nghiệm của tôi trong ba thập kỷ trên các thị trường tài chính toàn cầu đã đưa tôi tới chỗ tin tưởng rằng tình hình kinh tế không phải hoàn toàn là một con đường thẳng.

Ở khía cạnh tích cực, khoảng nửa tá chỉ số mang tính chu kỳ mà tôi liệt kê hồi tháng Hai năm ngoái vẫn tỏ ra mạnh mẽ, và một số trong đó thậm chí còn tỏ ra mạnh hơn. Một chỉ số chủ chốt trong số này là những dữ liệu thương mại hàng tháng của Hàn Quốc. Xuất khẩu của nước này đã tăng 15,8% trong năm 2017, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1956 khi nước này bắt đầu báo cáo những dữ liệu này.

Ngoài ra, tăng trưởng về xuất khẩu của nước này đã diễn ra thậm chí vào lúc Trump đe dọa sẽ rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn và có hành động đổ thêm dầu vào tình trạng căng thẳng với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên – một lời khiển trách mạnh mẽ dành cho những ai đã từng tiên đoán xu hướng giảm sút trong thương mại toàn cầu.

Một cảng hàng hóa ở Gimpo, Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một cảng hàng hóa ở Gimpo, Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Như tôi đã từng tỏ ra nghi ngờ cách đây một năm, tình trạng suy giảm thương mại toàn cầu trong những năm qua có thể bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng đồng euro và từ việc giá hàng hóa sụt giảm, và do vậy nó có thể chỉ mang tính tạm thời. Giờ đây, khi hai sự kiện nói trên đã ở sau lưng chúng ta, thương mại toàn cầu dường như đã lấy lại được cái đà tăng trưởng.

Dĩ nhiên, phần lớn điều này phụ thuộc vào việc liệu có thể duy trì được đà thương mại này hay không. Mặc dù thành tích về xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 12 vừa qua tỏ ra khá ấn tượng, nó vẫn thấp hơn một chút so với những kỳ vọng của các chuyên gia. Chúng ta sẽ phải chờ xem liệu điều này có tiếp tục được duy trì mạnh mẽ như vậy trong năm 2018 này hay không.

Kết quả khảo sát PMI ở nhiều nước trên thế giới cho thấy những số liệu tích cực

Một chỉ số chu kỳ chủ chốt khác được phản ánh trong các số liệu khảo sát Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) hàng tháng đối với các ngành chế tạo và dịch vụ, bao gồm những chỉ số phụ cơ bản đối với hàng tồn kho và hàng bán ra. Về mặt này, tin tức tỏ ra đáng phấn khởi: kết quả khảo sát PMI ở nhiều nước trên thế giới cho thấy những số liệu tích cực, giống như những năm trước đó.

Kết quả khảo sát bao gồm cả Mỹ, là nơi tôi nhận thấy chỉ số sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng là chính xác một cách hợp lý và biểu thị những thực tế cơ bản. Kết quả khảo sát còn bao gồm cả khu vực đồng euro, là nơi những dữ liệu khảo sát PMI đạt tới những mức cao nhất kể từ thời điểm trước năm 2000.

Thậm chí những khảo sát PMI hàng tháng ở Anh cũng cho thấy đà tăng trưởng thương mại, mặc dù nó không mạnh mẽ như ở các nước phương Tây khác, và điều này có khả năng nhất là hậu quả từ tác động của Brexit. Nếu môi trường kinh tế toàn cầu tiếp tục được cải thiện, nước Anh có thể gặp may trong việc chọn đúng thời điểm cho việc rút khỏi Liên minh châu Âu, cho dù nước này vẫn gặp phải những hiệu ứng làm suy yếu tăng trưởng mà Brexit chắc chắn sẽ tạo ra.

Người dân mua sắm tại trung tâm thương mại ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân mua sắm tại trung tâm thương mại ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Điều quan trọng nhất, những chỉ số chủ chốt đối với Trung Quốc cũng tỏ ra tích cực, đặc biệt về triển vọng tăng trưởng dài hạn trong các ngành dịch vụ và tiêu dùng nội địa. Tôi tiếp tục tin rằng hai nhân tố này sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn cho cả phần còn lại của thế giới. Rất nhiều nước muốn xuất khẩu không chỉ hàng hóa và sản phẩm chế tạo vào Trung Quốc, còn các công ty trên thế giới đang tìm mọi cách để tiếp cận thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc.

Tất cả những điều này cho thấy những dự báo về mức tăng trưởng GDP toàn cầu 4% hoặc hơn trong năm 2018 dường như là điều có thể tin được. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chứng kiến những chuyên gia dự đoán ở các công ty môi giới tài chính đưa ra những con số dự báo thậm chí còn cao hơn trong hai tháng tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế hầu như chắc chắn sẽ tổ chức cuộc họp mùa xuân hàng năm tới đây, nếu không nói là có thể còn sớm hơn.

Dự báo về mức tăng trưởng GDP toàn cầu 4% hoặc hơn trong năm 2018 là điều có thể tin được

Như vậy, còn có những điều gì không hay trong bức tranh kinh tế toàn cầu trong năm 2018? Điều đầu tiên, với tư cách là một chuyên gia kỳ cựu về thị trường tài chính, tôi thường lo ngại về việc có một sự đồng thuận mạnh mẽ. Trong khi nhiều lo ngại thường được trích dẫn trong năm 2017 lại tỏ ra không có gì đảm bảo, thì điều này không có nghĩa là những nguy cơ về kinh tế đã biến mất.

Trái lại với thời điểm cách đây một năm, mọi người giờ đây ngày càng nhận thức rõ rằng kinh tế toàn cầu đã mạnh hơn mức họ nghĩ. Tuy nhiên, nếu tốc độ tăng trưởng tiếp tục tăng lên, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ tăng lãi suất cao hơn mức thị trường dự đoán. Còn các ngân hàng trung ương khác, đặc biệt là Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa, Ngân hàng Trung ương châu Âu, và Ngân hàng Nhật Bản, có thể sẽ đảo ngược những chính sách tiền tệ lỏng lẻo một cách hiếm thấy hiện nay của họ.

Đồng bảng Anh và đồng đôla Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đồng bảng Anh và đồng đôla Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Điều chắc chắn là nếu nền kinh tế toàn cầu thực sự quay trở lại mức tăng trưởng tương đối cao và ổn định, việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ không nhất thiết gây phương hại – và thậm chí còn gây ít thiệt hại hơn là chờ để có bằng chứng xác thực hơn là lạm phát sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã được hưởng những chính sách tiền tệ hết sức hào phóng trong một thập kỷ qua – và thậm chí còn lâu hơn trong trường hợp Nhật Bản. Cuối cùng, không ai thực sự biết được việc lãi suất cao hơn sẽ có những hậu quả như thế nào.

Về phần mình, tôi vẫn nghi ngờ việc năng suất lao động sẽ tăng lên ở một số nơi, và điều này sẽ biện minh cho những điều chỉnh về chính sách tiền tệ cũng như cho việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, đây không chỉ là một linh cảm, dựa trên những gì tôi đọc được về mức lương thăm dò và những dữ liệu về năng suất ở Vương quốc Anh và Mỹ, cùng nhiều nơi khác.

Tâm trạng toàn cầu đã thay đổi từ chỗ lo ngại về những rủi ro chính trị sang chỗ quên lãng không quan tâm

Một điều lo ngại cuối cùng là trong khi chưa đi hết đầy đủ chu kỳ của nó, tâm trạng toàn cầu đã thay đổi từ chỗ lo ngại về những rủi ro chính trị sang chỗ quên lãng không quan tâm, cho dù nhiều nguy cơ như vậy hiện vẫn còn lù lù trước mắt.

Tác động tiềm tàng của việc vai trò lãnh đạo giảm sút của Mỹ ở Trung Đông và trên Bán đảo Triều Tiên là không thể bỏ qua; cũng như không thể bỏ qua thách thức lâu dài mà châu Âu vẫn đang phải đối mặt. Từ lâu tôi đã tin rằng, ít nhất đối với các nhà đầu tư tài chính, tốt nhất công việc nên để tất cả cùng lo hơn là chỉ để một thiểu số người làm việc đó.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, chừng nào các điều kiện tài chính không bị thắt lại quá mức do kết quả của việc phục hồi theo chu kỳ hiện tại, thì sự vận hành của nền kinh tế toàn cầu cho phần còn lại của thập niên hiện tại sẽ kết thúc với tình trạng tích cực hơn nhiều so với bất kể những gì mà người ta hình dung cách đây vài năm./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập