‘Cậu bé băng tuyết’

Vào một buổi sáng giá lạnh, cũng giống như bao ngày khác, cậu bé Vương Phúc Mãn cắp sách tới trường. Để làm được vậy, Vương cần đi hết quãng đường núi dài hơn 4 cây số, băng qua nhiều con suối nhỏ.

Bước vào căn lớp nhỏ sau 2 tiếng lặn lội trên đường, âm thanh đầu tiên vang lên trong đầu Vương chính là tiếng cười khúc khích của các bạn. Vương tỏ vẻ ngạc nhiên, cậu bé chẳng hiểu tại sao các bạn lại nhìn mình và cười. Thì ra là thời tiết lạnh giá khiến tóc, lông mày, lông mi của cậu bé lớp 3 này phủ đầy băng tuyết. Cậu bé lúc này giống như một chú người tuyết. Cặp má cũng ửng hồng…

Thầy giáo đã chụp lại hình ảnh ngộ nghĩnh này và đưa lên Wechat. Ngay lập tức Vương đã trở thành nhân vật hot trên mạng xã hội của Trung Quốc.

Rất nhiều người đã ngợi ca Vương như một biểu tượng cho sự quyết tâm thực sự của người dân nông thôn Trung Quốc. Trong khi đó, truyền thông nước này thì gọi Vương là “cậu bé băng tuyết.”

“Thật ấm áp!” một người dùng Weibo đã viết như vậy và chú thích thêm rằng “Đừng quên giấc mơ ban đầu của bạn.”

Một số người gọi Vương là cậu bé anh hùng của Trung Quốc.

Còn một tờ báo Trung Quốc viết rằng: “Một số người đã nhìn thấy điều tốt đẹp và hy vọng từ khuôn mặt nhỏ nhắn và tràn ngập hạnh phúc đó.”

Vương Phúc Mãn được gọi là ‘Cậu bé băng tuyết.’
Vương Phúc Mãn được gọi là ‘Cậu bé băng tuyết.’

Ở một nơi khác…

Nếu khuôn mặt với đôi má ửng lên như hai trái hồng của Vương Phúc Mãn khiến người ta hạnh phúc thì hình ảnh của Tiểu Nguyệt, một cô bé sống ở Bình Nam, Quý Cảng, Quảng Tây, Trung Quốc lại khiến người ta xót xa.

Sau khi chào đời không lâu, cô bé đã không nhìn thấy mẹ còn người cha thì làm việc ở xa. Cô và chị gái sống cùng ông bà nội tại một ngôi làng cách thị trấn khoảng 20 cây số. Để tiết kiệm 4 giờ đi bộ mỗi ngày, cô bé sống trong một “nhà trọ” gần trường học.

Cũng tại căn nhà trọ với tên gọi “Thiên Thiên” này, Tiểu Nguyệt và 9 bé gái khác đã bị “thầy giáo,” người phụ trách trông nom các em nhỏ, lạm dụng tình dục trong một thời gian dài. Trong số chúng, đứa trẻ lớn nhất mới 13 còn nhỏ nhất chỉ khoảng 6, 7 tuổi.

Khi sự việc bại lộ, người đàn ông kia mang danh “thầy giáo” kia đã bị kết án 4 năm tù giam nhưng những tổn thương mà anh ta gây ra cho những đứa trẻ thì chẳng thể xóa nhòa. Sẽ là một hành trình dài nữa để chữa lành những vết sẹo cho các em.

Tiểu Nguyệt nói rằng khi “những điều đó” xảy đến, cô bé cũng không biết đó là những chuyện gì. Trước khi tâm hồn mong manh và thể xác yếu đuối bị tổn thương, chẳng có ai nói với cô bé những kiến thức về lạm dụng tình dục, bao gồm cả gia đình và nhà trường.

Tại ngôi làng mà Tiểu Nguyệt đang sống, người ta hầu như không nhìn thấy những thanh niên khỏe mạnh. Nơi này, phần lớn là những người cao tuổi không có trình độ học vấn, hiếm khi giao tiếp với thế giới bên ngoài, công việc đồng áng chỉ đủ nuôi sống gia đình “một cách thật miễn cưỡng.” Vì vậy để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của những đứa trẻ là rất khó khăn.

Trong những gia đình này, khi việc ăn no mặc ấm trở thành gánh nặng thì hầu như chẳng ai để ý đến vấn đề lạm dụng tình dục, ngay cả những kiến thức về phát triển sinh lý, những đứa trẻ cũng không nhận được.

Có bao nhiêu cô bé như Tiểu Nguyệt?
Có bao nhiêu cô bé như Tiểu Nguyệt?

Sau cùng, các bức ảnh của Vương Phúc Mãn và Tiểu Nguyệt đã tiết lộ cuộc sống của hàng chục triệu trẻ em bị bỏ lại ở các vùng quê của Trung Quốc. Sau khi cha mẹ rời quê nhà để bươn chải ở các thành phố lớn, theo đuổi giấc mơ về sự giàu có, những đứa trẻ này đã phải tự học cách tồn tại với nghèo đói.

Vậy có bao nhiêu trẻ em bị bỏ lại ở Trung Quốc?

Theo dữ liệu điều tra dân số năm 2010 của Trung Quốc, nếu những đứa trẻ bị bỏ lại được định nghĩa là trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi có cha hoặc mẹ hoặc cả hai đi làm xa, thì nước này có 61,22 triệu trẻ em nông thôn bị bỏ lại.

Tuy nhiên theo một dữ liệu được công bố vào ngày 9/11/2016, số lượng trẻ em bị bỏ lại của nước này chỉ là 9,02 triệu. Thế nhưng con số này thu được sau khi người ta thay đổi định nghĩa “những đứa trẻ bị bỏ lại” là trẻ em chưa đủ 16 tuổi có cả cha mẹ, hoặc một trong hai đi làm xa mà người kia không có khả năng giám hộ.

Ngay cả khi tính đến sự khác biệt 6 năm giữa hai số liệu thống kê và sự khác biệt trong phạm vi thống kê, khoảng cách rất lớn giữa 61,22 triệu và 9,02 triệu đã khiến các nhà nghiên cứu và công chúng hoang mang.

Rất nhiều trẻ em đã bị bỏ lại. Chúng thường sống với ông bà. Những đứa trẻ này phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, bao gồm việc bị suy dinh dưỡng, nhà ở đổ nát, và giao thông không thuận lợi. Trong những năm gần đây, nhiều trường học ở nông thôn đã đóng cửa và buộc nhiều đứa trẻ phải đi học xa. Những khó khăn này dẫn đến tỷ lệ bỏ học cao ở trẻ em nông thôn, cuộc khủng hoảng này làm suy yếu khả năng để đào tạo công nhân có tay nghề cao của Trung Quốc.

“Mỗi ngày có rất nhiều điều khó khăn tương tự xảy ra với những đứa trẻ bị bỏ lại, quả thực là rất nhiều vấn đề,” giáo sư Kam Wing Chan chuyên nghiên cứu về khoảng cách giữa thành thị và nông thôn Trung Quốc của Đại học Washington đã nói như vậy.

Rất nhiều đứa trẻ ở nông thôn Trung Quốc sống với ông, bà.
Rất nhiều đứa trẻ ở nông thôn Trung Quốc sống với ông, bà.

Chính phủ Trung Quốc nói rằng họ sẽ xóa sạch đói nghèo vào năm 2020, nhưng điều đó không dễ. Nhiều gia đình sống ở những vùng hẻo lánh cách xa các con đường hiện đại, trường học và bệnh viện. Dù cho các khu vực thành thị phát triển với tốc độ chóng mặt nhưng theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, khoảng 500 triệu người Trung Quốc vẫn sống dưới 5,5 USD (khoảng hơn 120.000 đồng) một ngày, và số lượng người nghèo này chiếm khoảng 40% tổng dân số.

Mặc dù câu chuyện của Vương đã gợi lên nhiều ý kiến thú vị trên mạng, nhưng nó cũng làm dấy lên một số hoài nghi về nỗ lực xóa đói nghèo của Trung Quốc.

Một người dùng Weibo đã viết một cách trào phúng rằng: “Chúng ta không thể giải quyết được đói nghèo. Nhưng chúng ta có thể khen ngợi nghèo đói.”

Đôi bàn tay sưng phồng của một cậu bé.
Đôi bàn tay sưng phồng của một cậu bé.

Không chỉ có bức ảnh với mái tóc phủ đầy băng tuyết đáng yêu kia phủ sóng khắp mạng xã hội mà một bức ảnh khác, bức ảnh về đôi bàn tay sưng phồng của cậu bé cũng khá nổi tiếng. Nhiều người bình luận rằng những nét chữ lấp ló dưới đôi tay đó rất đẹp, hay họ khen ngợi số điểm kiểm tra gần như hoàn hảo của cậu bé.

Tại trường Vương Phúc Mãn, học sinh nói với báo chí rằng các em không có đủ quần áo để giữ ấm, ngoài ra, việc tóc thường xuyên đóng băng trong những chuyến đi xa đến trường.

Câu chuyện của Vương khiến nhiều người quyên góp tiền cho các trường tiểu học và các tổ chức từ thiện thanh niên, với số tiền quyên góp ít nhất 330.000 USD (gần 7,5 tỷ đồng). Các quan chức địa phương cho biết họ sẽ khởi động một kế hoạch cung cấp quần áo mùa Đông cho trẻ em nghèo trong khu vực.

Trong cuộc phỏng vấn với CCTV, Vương Phúc Mãn kể lại chuyến đi hằng ngày của mình đến trường. Cậu bé nói rằng cậu đã quên mang mũ và găng tay vào ngày cậu bé được chụp ảnh.

Vương Phúc Mãn và chị gái sống cùng bà ngoại, bà ngoại của hai chị em đang bị bệnh và cha của Vương Phúc Mãn, Vương Cương Khuê, đã nói trên điện thoại rằng ông nội của những đứa trẻ đang ở trong tù.

Vương Cương Khuê làm công nhân xây dựng ở Côn Minh, cách quê nhà khoảng 400km. Anh Vương Cương Khuê cho biết mẹ của Vương đã bỏ nhà đi từ hai năm trước. Anh ta nói mình phải đi làm xa vì gia đình nợ rất nhiều.

“Tất cả những người dân trong làng đều coi thường chúng tôi,” Vương Cương Khuê nói. Nhưng anh vẫn hy vọng con cái của mình có thể có một tương lai tốt đẹp hơn.

“Trái tim tôi luôn hướng về bọn trẻ,” anh nói. “Tôi hy vọng chúng có thể học lên đại học và tìm được một công việc ổn định.”

Vương Phúc Mãn nói với CCTV rằng cậu bé hy vọng có thể lên Bắc Kinh học đại học để trở thành cảnh sát hoặc nhà khoa học trong tương lai.

Cậu bé nói: “Mặc dù tôi đã là một ‘wanghong’ (võng hồng – nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc) nhưng tôi vẫn không thể tự hào”./.

Tương lai của những đứa trẻ này sẽ như thế nào?
Tương lai của những đứa trẻ này sẽ như thế nào?

Bài: Lan Phương; Đồ họa: Thanh Trà