Chính sách lạm phát mục tiêu

afpsieuthi-1515034207-3.jpg

Với cuộc sống của những người dân bình thường, việc đạt được chính sách lạm phát mục tiêu không phải lúc nào cũng là sự lựa chọn tốt nhất. Dĩ nhiên, việc duy trì được sự kiểm soát trong tình trạng lạm phát cao là điều có lợi, do điều này giúp bảo toàn giá trị của đồng tiền hiện hành.

Tuy nhiên, việc nâng mức lạm phát thấp hơn mục tiêu đề ra tới 2% làm nhiều người lâm vào tình trạng tồi tệ hơn, vì điều này làm cho những khoản tiền tiết kiệm của họ liên tục mất giá.

Koichi Hamada, Giáo sư danh dự Đại học Yale và là cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đã đưa ra nhận định như vậy trong bài viết thuộc dự án Project Syndicate. Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus.

Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản đang nỗ lực đạt được những tiến bộ tích cực về kinh tế. Ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đang giảm xuống, hiện chỉ ở trên mức 4% một chút. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao ở khu vực đồng euro, đến gần 9%, tuy nhiên nó vẫn cho thấy tiến bộ có ý nghĩa so với khoảng một thập niên trước đó.

Còn Nhật Bản đã đạt được tỷ lệ có công ăn việc làm hầu như hoàn toàn, với nhu cầu về lao động cao đến mức những người mới ra trường giờ đây không chỉ có thể tìm thấy công ăn việc làm, mà họ còn có thể lựa chọn công việc cho mình.

Tuy nhiên, vẫn còn một lĩnh vực chủ chốt vẫn chưa có tiến bộ rõ rệt, đó là lạm phát. Trong khi chỉ số giá tiêu dùng đạt mức 2,2% vào tháng Mười vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản cho đến nay vẫn không thể đạt được mục tiêu đề ra là CPI chỉ khoảng 2%, với tỷ lệ tăng giá bình quân hàng năm của khu vực đồng euro xoay quanh mức 1,5% còn của Nhật Bản thì trong phạm vi 1%.

Mua hàng tại một siêu thị ở Nhật Bản. (Nguồn: AFP)
Mua hàng tại một siêu thị ở Nhật Bản. (Nguồn: AFP)

Có những lý do chính đáng của việc nỗ lực đạt được chính sách lạm phát mục tiêu. Các thị trường tiền tệ sẽ loại bỏ những lãi suất zero. Những lo ngại về việc một số đồng tiền tăng giá, gây phương hại cho sự cạnh tranh trong xuất khẩu, sẽ dịu bớt, do toàn cầu hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tiếp tục tạo ra môi trường cạnh tranh cho mọi người. Và chính sách nới lỏng tiền tệ mà các ngân hàng trung ương quan trọng trên thế giới theo đuổi trong những năm gần đây sẽ được chứng minh là đúng đắn.

Tuy nhiên, với cuộc sống của những người dân bình thường thì việc đạt được chính sách lạm phát mục tiêu không phải lúc nào cũng là sự lựa chọn tốt nhất. Dĩ nhiên, việc duy trì được sự kiểm soát trong tình trạng lạm phát cao là điều có lợi, do điều này giúp bảo toàn giá trị của đồng tiền hiện hành. Song, việc nâng mức lạm phát thấp hơn mục tiêu đề ra tới 2% làm nhiều người lâm vào tình trạng tồi tệ hơn, vì điều này làm cho những khoản tiền tiết kiệm của họ liên tục mất giá, gây phương hại cho sự thịnh vượng của họ.

Việc nâng mức lạm phát thấp hơn mục tiêu đề ra tới 2% làm nhiều người lâm vào tình trạng tồi tệ hơn

Cố Giáo sư Arthur Okun, một trong những giáo sư mà tôi theo học tại Đại học Yale trước khi ông chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson, đã lập ra cái gọi là chỉ số khốn khổ. Chỉ số này ngoài việc đề cập đến tỷ lệ tăng trưởng GDP hay tỷ lệ thất nghiệp được quan tâm nhất, còn đưa ra một cái nhìn sâu vào việc những công dân bình thường làm ăn kiếm sống như thế nào.

Chỉ số của Okun – một phép cộng giữa tỷ lệ lạm phát với tỷ lệ thất nghiệp – được đưa ra dựa trên giả định cho rằng một sự gia tăng về lạm phát, giống như một sự gia tăng trong tỷ lệ thất nghiệp, sẽ buộc một quốc gia phải trả giá về mặt kinh tế và xã hội.

Xếp hàng chờ xin việc ở Tokyo. (Nguồn: AFP)
Xếp hàng chờ xin việc ở Tokyo. (Nguồn: AFP)

Thực tế là mục tiêu lạm phát chỉ là một phương tiện – tạo điều kiện cho tình trạng công ăn việc làm đầy đủ và tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn – chứ bản thân nó không phải là đích đến. Và, ít nhất đối với Nhật Bản, tiến bộ thực chất nhằm vào mục tiêu đó cho đến nay đã đạt được, mặc dù chưa hoàn thành chính sách lạm phát mục tiêu của Ngân hàng Nhật Bản. Những tín hiệu về tình trạng công ăn việc làm đầy đủ trên thị trường cho người có công ăn việc làm ổn định có thể tạo điều kiện cho một sự gia tăng khiêm tốn về giá cả-tiền lương. Điều này không giống với tình hình trước năm 2013, khi việc thực hiện chương trình cái cách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, còn gọi là Abenomics, đã kết thúc một thời kỳ áp dụng chính sách tiền tệ khắc khổ.

Tuy nhiên, điều này đã không ngăn cản những người chỉ trích Abenomics tiếp tục nhắc đến việc cho đến nay vẫn không hoàn thành chính sách lạm phát mục tiêu. Câu hỏi đặt ra là tại sao.

Cách đây không lâu, tôi đặt câu hỏi đó với một nhân vật phụ trách chính sách tiền tệ (mà tôi không được tiết lộ tên tuổi vị này ở đây). Thay vì đưa ra câu trả lời thẳng vào vấn đề, ông này lại đáp lại rằng đây là một vấn đề “tế nhị,” và cuối cùng tuyên bố rằng cho dù tỷ lệ thất nghiệp có thấp đi thế nào đi chăng nữa thì chính sách lạm phát mục tiêu sẽ tiếp tục được theo đuổi.

Chỉ số khốn khổ có vai trò trong việc giúp chúng ta đánh giá tình trạng các nền kinh tế cũng như thành công của các chính sách

Kiểu suy nghĩ như thế này là rất phổ biến trong số các nhà kinh tế, đặc biệt là thế hệ đã bị cuốn đi bởi cuộc cách mạng “những kỳ vọng hợp lý” trong kinh tế vĩ mô. Đội ngũ các nhà kinh tế này coi kinh tế học là việc nghiên cứu các mô hình, trong đó những kỳ vọng của các tác nhân có thể được cho là hợp lý và thích hợp với mô hình. Từ góc nhìn này, những kỳ vọng về lạm phát có thể được coi hoặc là những điều dự đoán lý tưởng về tương lai, hoặc ít nhất là những dự đoán hợp lý, với việc độ chính xác và đúng đắn của chúng chỉ có thể bị tác động bất lợi bởi những hạn chế về thông tin mà các bên tham gia trong lĩnh vực kinh tế nhận được.

Các nhà kinh tế học lớn tuổi hơn lại có suy nghĩ khác, cho rằng phần lớn những kết quả kinh tế trong thế giới thực là kết quả của cách ứng xử ít nhất có phần thiếu hợp lý, có nghĩa là nên coi các kỳ vọng là những khả năng hợp lý có thể diễn ra hơn là những điều gần như là chắc chắn. Do tôi thuộc về thế hệ được dạy dỗ bởi những bậc hiền triết lớn tuổi – như Lawrence Klein, Franco Modigliani, và James Tobin – nên tôi nghĩ đây là một đánh giá xứng đáng, một đánh giá nên được áp dụng vào các cuộc thảo luận ngày nay về chính sách tiền tệ và lạm phát.

Trong khi điều quan trọng là phải thừa nhận những giá trị của chính sách lạm phát mục tiêu, thì chỉ số khốn khổ cũng đóng một vai trò trong việc giúp chúng ta đánh giá tình trạng các nền kinh tế cũng như thành công của các chính sách./.

Người vô gia cư ngủ trên ghế trong một công viên ở Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP)
Người vô gia cư ngủ trên ghế trong một công viên ở Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập