Khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu

Cuộc khủng hoảng người tị nạn về cơ bản là một thách thức có hệ thống, bởi vì những gì diễn ra ở một quốc gia có thể tác động đến nhiều quốc gia khác. Do vậy, cuộc khủng hoảng này đòi hỏi một sự đáp ứng ở tầm cỡ EU hay trên thực tế là toàn cầu. May mắn là lần đầu tiên kể từ khi cuộc nội chiến Syria diễn ra, hiện có hy vọng là EU có thể đạt được một đường hướng tiếp cận chung có hiệu quả đối với vấn đề này.

Erik Berglöf, Giám đốc Viện Các vấn đề toàn cầu, Trường Kinh tế London, Anh đưa ra nhận định như vậy về cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu.

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Trong lúc tận hưởng lễ Giáng sinh, người Đức vẫn nhớ đến cái chết bi thảm của một người di cư bị từ chối quy chế tị nạn trong một cuộc tấn công hồi năm ngoái tại một chợ Giáng sinh ở Berlin. Vụ việc này đã thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ của công chúng nhằm vào người tị nạn, và nó có thể đã đóng một vai trò trong thất bại choáng váng của Thủ tướng Angela Merkel trong nỗ lực hình thành một chính phủ liên minh mới sau cuộc bầu cử liên bang hồi tháng Chín vừa qua.

Đối với cử tri Đức, hiện có nhiều lo ngại về một làn sóng người tị nạn sẽ một lần nữa tràn ngập đất nước của họ, giống như hai năm trước đây.

Cử tri Đức lo ngại một làn sóng người tị nạn sẽ tràn ngập đất nước của họ, giống như 2 năm trước đây

Tuy nhiên tình hình đã thay đổi đáng kể. Ngày 15/11/2015, một trung tâm kiểm soát người nhập cư tại Bộ Ngoại giao Đức trong khu Werdercher Markt ở Berlin đã bắt đầu tiến hành theo dõi dòng người tị nạn tại tất cả các cửa khẩu trên các tuyến đường từ Hy Lạp tới Đức. Cho đến nay, trong số 12 triệu người Syria mất nhà cửa, một triệu người đã tới được châu Âu. Và bất chấp có sự đáp ứng mạnh mẽ từ Chính phủ Đức và các thành viên của nước cộng hòa, nhiều người tị nạn hiện vẫn phải ngủ trên đường phố và tại các nhà ga xe lửa.

Đồng thời, hiện có những tin đồn đại về làn sóng tội phạm bắt nguồn từ người di cư tràn ngập khắp đất nước, mặc dù điều tra sau này đã chỉ tìm thấy một sự gia tăng không đáng kể về tội phạm dọc các tuyến đường di cư.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở Berlin, Đức ngày 20/12/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hiện trường vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở Berlin, Đức ngày 20/12/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hai năm trôi qua và đã có nhiều thay đổi. Cỗ máy hành chính của nước Đức đã chạy hết công suất để xử lý các đơn xin cư trú và tạo điều kiện cho việc hội nhập. Trong số 700.000 đơn xin cư trú trong năm 2016, khoảng 300.000 đơn đã bị bác, và những người bị bác đơn hiện đang chờ để được đưa trở lại đất nước nơi họ sinh ra.

Hy Lạp, điểm dừng chân đầu tiên ở Liên minh châu Âu cho người tị nạn từ Trung Đông, đã bắt đầu đóng cửa một số trại tị nạn, sau khi đã trao quy chế tị nạn cho khoảng 50.000 người. Và thậm chí Italy, cảng tiếp cận đầu tiên của châu Âu cho người di cư châu Phi, giờ đây cũng chứng kiến một sự suy giảm về số đơn xin cư trú.

Trong khi ấy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện thỏa thuận đạt được với châu Âu, theo đó nước này nhận viện trợ tài chính để đổi lấy việc nhận người tị nạn Syria. Trước khi thỏa thuận có hiệu lực vào tháng 3/2016, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực khuyến khích người di cư và người tị nạn tiếp tục đi tới châu Âu; còn giờ đây nước này đang tiến hành hội nhập người tị nạn vào xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, và thậm chí còn tìm cách ngăn cản những người di cư Syria có tay nghề cao rời đi nơi khác. Hội đồng châu Âu ra thông báo trong tháng này là tổ chức này sẽ cấp thêm 700 triệu euro (830 triệu USD) cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Liban có dân số khoảng 4 triệu người nhưng nước này hiện là nơi cư trú của hơn 1,5 triệu người tị nạn Syria

Tình hình cũng được cải thiện đáng kể ở miền Bắc Iraq (khu vực Kurdistan của Iraq). Trước đó, cuộc nội chiến Syria và sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã làm 3 triệu người Iraq và hàng trăm nghìn người Kurd gốc Iraq mất nhà cửa. Tuy nhiên giờ đây khi IS đã bị đánh bại về mặt quân sự và các vùng đất mà chúng chiếm đóng đã được thu hồi, người Kurd tị nạn hiện đứng trước một sự lựa chọn hoặc ở lại Iraq hoặc quay trở lại Syria.

Mặt khác, những người Iraq bị mất nhà cửa trong nước hy vọng sẽ trở về nơi ở cũ vốn là thành phố hay ngôi nhà trước đây của họ – một quá trình đã được thúc đẩy bởi phòng trào đòi độc lập được người Kurd Iraq phục hồi trong năm nay.

Người tị nạn Syria tới một trạm kiểm soát ở Afrin ngày 9/6/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người tị nạn Syria tới một trạm kiểm soát ở Afrin ngày 9/6/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh với những điều kiện đã được cải thiện tương đối như hiện nay, Liban lại là một trương hợp ngoại lệ. Mặc dù Liban có dân số khoảng 4 triệu người nhưng nước này hiện là nơi cư trú của hơn 1,5 triệu người tị nạn Syria. Hậu quả là tâm trạng mệt mỏi với người tị nạn đang tăng lên, điều này đến lượt nó đang đe dọa gây mất ổn định việc dàn xếp chia sẻ quyền lực hết sức mong manh giữa nhiều giáo phái ở nước này.

Chính phủ Liban đã lên tiếng sẽ tập trung vào việc trao trả người tị nạn cho Syria, hơn là vào việc xác định xem cách nào tốt nhất để giải quyết số người tị nạn này.

Đối với người tị nạn Syria, nhiều người hiện đang sinh sống ở thủ đô Beirut, tuy nhiên phần nhiều lại ở trong các trại tị nạn hay trong các cộng đồng chăm sóc tạm thời, và họ không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ cũng như con cái của họ không thể đến trường.

Thậm chí, những người tị nạn được tới trường học và cả trường đại học, thì số này vẫn có rất ít triển vọng có được công ăn việc làm sau khi tốt nghiệp. Một thế hệ bị đánh mất đang dần hiện hữu ở một đất nước bị tan hoang từ lâu bởi những nỗ lực hòa nhập người tị nạn một cách sai lầm. Làm cho tình hình xấu thêm, tiếp sau việc từ chức và lại quay trở lại cầm quyền của Thủ tướng Saad Hariri, đất nước Liban hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị mà nó có thể báo trước bóng ma một cuộc nội chiến sẽ quay trở lại nước này.

Như vậy, có thể làm gì đây? Nước Jordan láng giềng có thể là một mô hình để đi theo. Thay vì hòa nhập người tị nạn, cho đến gần đây Jordan vẫn giữ người tị nạn phần lớn ở khu vực dọc biên giới với Syria. Lúc đầu, việc này làm cho người tị nạn hầu như không được tiếp cận với giáo dục hay thị trường lao động. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực phối hợp của cộng đồng quốc tế và sự tài trợ của EU, hiện có một số chương trình đang được thực hiện để thúc đẩy đầu tư, khuyến khích các công ty thuê mướn người tị nạn, và lập ra các đặc khu kinh tế dọc biên giới.

Ý tưởng được đưa ra là bằng việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế trên khu vực biên giới, các cộng đồng người tị nạn và doanh nghiệp Syria có thể bắt đầu phát triển khả năng cần thiết để tái thiết đất nước Syria hậu chiến tranh khi thời điểm đến. Có vẻ còn quá sớm để đánh giá tác động đầy đủ của những biện pháp này, tuy nhiên chúng vẫn tỏ ra đầy hứa hẹn.

Thất bại của các chính phủ châu Âu trong việc giải quyết dòng người tị nạn năm 2015 đã làm tăng thêm chủ nghĩa dân túy và thái độ không bao dung trong xã hội

Tuy nhiên, về phần mình, châu Âu phải làm nhiều hơn việc chỉ cấp tiền tài trợ. Thất bại của các chính phủ châu Âu trong việc giải quyết dòng người tị nạn bất ngờ vào năm 2015 đã đổ thêm dầu vào chủ nghĩa dân túy và thái độ không bao dung trong những xã hội trước đó vẫn là những xã hội có thái độ rộng mở. Thực ra mà nói, thất bại này một phần là do những hạn chế thật sự, đặc biệt trong các hệ thống y tế và giáo dục. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh một sự chuẩn bị nghèo nàn, thiếu sự phối hợp, và việc đầu tư không đầy đủ.

Trẻ em Syria tại một trại tị nạn ở ngoại ô Beirut, Liban (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trẻ em Syria tại một trại tị nạn ở ngoại ô Beirut, Liban (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng người tị nạn về cơ bản là một thách thức có hệ thống, bởi vì những gì diễn ra ở một quốc gia có thể tác động đến nhiều quốc gia khác. Do vậy, cuộc khủng hoảng này đòi hỏi một sự đáp ứng ở tầm cỡ EU hay trên thực tế là toàn cầu. May mắn là lần đầu tiên kể từ khi cuộc nội chiến Syria diễn ra, hiện có hy vọng là EU có thể đạt được một đường hướng tiếp cận chung có hiệu quả đối với vấn đề này.

Trong bài phát biểu có tiếng vang tại Sorbonne tháng Chín vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã truyền năng lượng mới vào việc hoạch định chính sách của EU trong vấn đề người tị nạn. Và được khích lệ bởi mô hình Jordan, các nhà hoạch định chính sách EU giờ đây có thể triển khai một chính sách di cư mang tính cố kết và dựa trên bằng chứng xác thực nhiều hơn.

Dĩ nhiên, phần lớn điều này sẽ phụ thuộc vào nước Đức. Người ta hy vọng rằng các nhà lãnh đạo nước này sẽ không để tâm trạng kích động về vấn đề người di cư phá hỏng thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh ở nước này. Họ phải nhận thức được rằng vai trò lãnh đạo của nước Đức ở châu Âu và trên trường quốc tế là điều chủ chốt cho việc giải quyết thách thức của vấn đề di cư, không chỉ ở riêng nước Đức mà thôi./.

Vấn đề người tị nạn chưa bao giờ thôi ám ảnh các nhà lãnh đạo châu Âu (Nguồn: AFP/TTXVN)
Vấn đề người tị nạn chưa bao giờ thôi ám ảnh các nhà lãnh đạo châu Âu (Nguồn: AFP/TTXVN)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập