Ngành ngân hàng trong năm 2017

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu 6,7% do Quốc hội đề ra và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt, nền kinh tế trong hai quý cuối năm đều ghi nhận mức tăng trưởng trên 7%.

Đóng góp tích cực vào các thành công đó, ngành ngân hàng đã có nhiều chính sách đúng hướng, xây dựng hàng loạt văn bản pháp luật “rào giậu” tốt hệ thống. Nghị quyết xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua vào giữa năm đã thực sự khơi thông dòng vốn cho các ngân hàng và nền kinh tế.

Năm 2017 cũng là năm mà lợi nhuận ngành ngân hàng tăng cao nhất kể từ năm 2012 và đặc biệt, dự trữ ngoại hối cũng đạt mức cao kỷ lục.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Ngoại hối chạm mốc 52 tỷ USD

Con số dự trữ ngoại hối liên tục được cập nhật trong những ngày gần đây. Mới hồi cuối tháng Mười, Ngân hàng Nhà nước cho biết dự trữ ngoại hối đạt 45 tỷ USD nhưng đến ngày 21/12, tại lễ kỷ niệm 26 năm thành lập Sacombank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt gần 48 tỷ USD và vào lúc đó con số này đã là mức cao nhất từ trước đến nay.

Những tưởng con số 48 tỷ USD là con số cuối cùng trong năm nay, nhưng đến ngày 29/12, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, người đứng đầu ngành ngân hàng lại thông báo nhờ dự trữ ngoại hối tăng thêm 13 tỷ USD trong năm 2017 nên đến thời điểm trên dự trữ ngoại hối đã đạt xấp xỉ 52 tỷ USD.

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, đây thực sự là con số rất ấn tượng đóng góp lớn vào việc ổn định vĩ mô và tạo dựng lòng tin cho cộng đồng các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế cũng như đối với chính sách của Chính phủ và hệ thống ngân hàng.

Dự trữ ngoại hối xấp xỉ 52 tỷ USD thực sự là con số rất ấn tượng đóng góp lớn vào việc ổn định vĩ mô và tạo dựng lòng tin cho cộng đồng các nhà đầu tư. (Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia)

Cũng theo ông Phước, trong năm qua, Việt Nam đã thu hút nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp, điều đó chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đã đặt nhiều niềm tin vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia, hệ số an toàn của của một quốc gia dựa trên dự trữ ngoại hối, tổng đầu tư gián tiếp và dư nợ ngoại tệ ngắn hạn. Hệ số an toàn tăng cho thấy độ bền vững của nền kinh tế.

Điều này cũng được ông Eric Sigwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam khẳng định: “Năm 2017 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam nói chung và của Ngân hàng Nhà nước nói riêng. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% là mục tiêu mà nhiều năm trước không thể đạt được. Lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã rất thành công trong việc dự trữ ngoại hối năm 2017 đạt mức cao kỷ lục. Đây sẽ là dự trữ an toàn cho Việt Nam trước nhiều biến động trong tương lai.”

Dự trữ ngoại tệ qua các năm từ 2011 đến 2017.
Dự trữ ngoại tệ qua các năm từ 2011 đến 2017.

Lợi nhuận ngân hàng tăng cao nhất trong 6 năm

Năm 2017 cũng ghi dấu ấn là năm kinh doanh tốt nhất của hệ thống ngân hàng kể từ năm 2012.

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng tăng hơn 40%, đồng thời lợi nhuận sau thuế cũng ước tăng 44% so với năm 2016.

Phân tích lý do giúp lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng mạnh, Ủy ban Giám sát cho rằng, thu nhập từ hoạt động tín dụng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng do tín dụng tăng tương đối đều ngay từ những tháng đầu năm. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 33,1% so với năm 2016, chiếm 79% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh.

Điều này đã được dự báo trước khi mà chỉ sau 9 tháng đã có một số ngân hàng công bố lợi nhuận chạm mức đặt ra từ đầu năm và đến 11 tháng thì đã có nhiều ngân hàng công bố vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, điều này lại diễn ra chủ yếu ở các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân – khi mà những năm trước các ngân hàng đã phải chật vật mới đạt được con số theo đúng kế hoạch.

Điển hình là Ngân hàng Phương Đông (OCB) mới chỉ trong 9 tháng đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2017 với lợi nhuận trước thuế là 789 tỷ đồng, đạt 101%. Các chỉ số khác cũng đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cả năm cho thấy sự khả quan của OCB trong việc kết thúc thắng lợi năm tài chính 2017, trở thành một trong những ngân hàng về đích sớm nhất của năm.

Tiếp đến là LienVietPostBank, mới 11 tháng nhưng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đã đạt hơn 1.700 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch 1.500 tỷ đồng đề ra cho cả năm nay.

Ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc LienVietPostBank cho biết, ngoài con số lợi nhuận tăng nhanh thì tất cả các chỉ số khác như huy động vốn, cho vay cũng đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cả năm.

Ngoài ra, một loạt thành viên như VPBank, HDBank, TPBank … cũng đã có sự bứt phá ngoạn mục.

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Mặc dù chưa có con số chính thức nhưng dự kiến các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước cũng có được những kết quả kinh doanh rất ấn tượng.

Đại diện Vietcombank cho biết năm 2017, quy mô và hiệu quả kinh doanh của Vietcombank đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Vietcombank đã đạt được kỷ lục về lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng với mức tăng trên 20% so với năm trước.

Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên xử lý sạch nợ xấu tại VAMC trước thời hạn 3 năm, hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, minh bạch đưa nợ xấu về một sổ và chính thức kiểm soát, quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất.

Trong khi đó, tại VietinBank, con số lợi nhuận cũng được ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc ngân hàng này cho biết sẽ hoàn thành được kế hoạch của Đại hội cổ đông đưa ra từ 8.800-9.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Thọ, cùng với những nỗ lực của ngân hàng trong quản lý chất lượng tín dụng và cơ chế chính sách của Quốc hội và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu mới được ban hành thì VietinBank đã xử lý khá tốt những khoản nợ có vấn đề. Chính vì vậy, năm 2017 nợ xấu của VietinBank chỉ ở khoảng từ 1,1%-1,15%.

Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng tốt ngay từ đầu năm đã làm gia tăng nguồn thu ròng từ lãi, bên cạnh đó hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối cũng như thu nợ ngoại bảng tốt đã góp phần vào tăng trưởng kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

Ngoài ra, năm 2017, ngành ngân hàng cũng đã đạt được một số mục tiêu khác như tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 19,3% (năm 2016 là 19%), hỗ trợ tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tỷ trong tín dụng trung và dài hạn có xu hướng giảm sau khi tăng liên tục trong giai đoạn 2013-2016. Tín dụng trung dài hạn chiếm 53,7% tổng tín dụng (năm 2016 là 55,1%).

Bên cạnh đó, mặc dù mục tiêu giảm lãi suất cho vay chưa được như kỳ vọng của Chính phủ nhưng mặt bằng lãi suất cho vay cũng đã giảm 0,5-1%, trong đó lãi vay ngắn hạn tại nhiều tổ chức tín dụng quanh mức 4-5%/năm với những khách hàng tốt… đã giúp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.

Tập trung xử lý nợ xấu trong năm 2018

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết 42/2017/QH 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) có hiệu lực từ 15/8 đã được Quốc hội ban hành.

Đây là lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội và được kỳ vọng mang lại một “diện mạo” mới cho câu chuyện xử lý “điểm nghẽn” của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Chính vì vậy, về kế hoạch năm 2018, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, đây sẽ là năm đặc biệt quan trọng với ngành ngân hàng khi triển khai Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng.

Do vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo và hỗ trợ tối đa cho các tổ chức tín dụng để đẩy nhanh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 để tích cực thu hồi nợ và hướng dẫn triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Năm 2018 sẽ là năm đặc biệt quan trọng với ngành ngân hàng khi triển khai Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng.(Thống đốc Lê Minh Hưng)

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến của thị trường nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra. Đặc biệt, với việc tăng cường xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cùng với các chính sách điều hành chủ động và linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước như giãn lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với mức 45% từ 1/1/2018 và mức 40% từ 1/1/2019.

Cùng với điều tiết thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, sẽ là cơ sở cho việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Qua đó giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tốt hơn.

Thêm vào đó là quyết định về Đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016-2020 đã chính thức được Chính phủ phê duyệt trong năm nay. Hy vọng năm 2018 sẽ nối dài các thành công trong năm 2017 tiếp tục ghi những dấu ấn phát triển mới, đặc biệt là xử lý hiệu quả nợ xấu, góp phần tái cơ cấu thành công hệ thống ngân hàng./.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)