Khói vẫn bốc cao ngùn ngụt, phả hơi nóng rát rạt vào mặt người. Xăng chảy từ xe bồn lênh láng, cuốn theo lưỡi lửa chạy dọc cả một mảng đường. Những tiếng nổ chát chúa của lốp xe đang cháy, mùi khét lợm họng, tiếng hô hét huyên náo… khiến trong một khoảnh khắc người Đội trưởng đội Cứu nạn cứu hộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 8 (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội) rùng mình…
Sau này, anh bảo: Điều khiến anh lo lắng nhất khi ấy là sự an toàn của hàng chục đồng đội, anh em của Đội đang lao mình vào biển lửa. “Nguy hiểm là thế, tai nạn lúc nào cũng có thể trực chờ, nhưng điều kỳ lạ là qua cả mấy chục năm, đồng đội, đồng chí quanh tôi vẫn giữ nguyên được tình yêu nghề,” Thiếu tá Khúc Nguyên Khánh đã bắt đầu câu chuyện về những trận chiến với giặc lửa bằng lời khẳng định chắc nịch như thế
Khi chỉ huy xông pha tuyến đầu

Nghe đến tiếng “chỉ huy” hay “đội trưởng”, mọi người thường hình dung về một vị lãnh đạo đạo mạo, đứng từ xa nhìn “lính tráng” bước vào biển lửa. Thế nhưng, có đồng hành cùng họ, tham gia những trận chiến “căng như dây đàn” với hoả hoạn, chúng tôi mới có thể thấu hiểu: Hơn bất cứ nghề nào, đã dấn thân làm anh cứu hoả, thì đội trưởng, lãnh đạo cũng phải xông pha lên tuyến đầu.
Bước vào căn phòng vỏn vẹn 10 mét vuông với ngổn ngang là những đồ bảo hộ, không ai nhận ra đây là căn phòng của “sếp” hay “chỉ huy”. Thiếu tá Khúc Nguyên Khánh gây ấn tượng với chúng tôi bởi một vẻ ngoài giản dị, rắn rỏi. Khác với hình dung về một người đội trưởng lạnh lùng, anh vô cùng gần gũi, sẵn sàng mở lòng mình để sẻ chia những tâm sự với cái nghề ăn khói, ngủ lửa đặc biệt của mình.
Năm 1995, chàng trai trẻ quê Thái Bình lựa chọn trường Cao đẳng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy để theo học, bất chấp việc anh trúng tuyển 2 trường Đại học khác. Đến năm 1999, anh ra trường và liên tục công tác từ đó cho tới tận bây giờ.
Khác với hình dung về một người đội trưởng lạnh lùng, anh vô cùng gần gũi, sẵn sàng mở lòng mình để sẻ chia những tâm sự với cái nghề ăn khói, ngủ lửa đặc biệt của mình.
Nhìn lại hơn 22 năm gắn với lăng phun, xe chứa nước, anh cười lành bảo: “Lắm lúc nghĩ lại thì đúng là nghề chọn mình chứ mình không chọn được nó. Năm ấy, hoàn cảnh gia đình tôi không đủ điều kiện để tôi theo học các trường khác nên tôi đã lựa chọn nghiệp làm anh cứu hoả. Thế nhưng, càng làm thì càng thấy yêu nghề và không thể bỏ được.”
Trong suốt hơn hai thập niên gắn bó với nghề, Thiếu tá Khánh không đếm nổi số vụ cháy anh cùng đồng đội đã tham gia, càng không thể nhớ những lần suýt chết khi đối mặt với giặc lửa. “Nhiều lắm, không thể nhớ được. Nhưng những lúc anh em làm ngoài hiện trường thì không ai thấy sợ hãi cả. Chỉ sau này, khi về nhà, có thời gian nghĩ lại mới hơi… run run,” vị Đội trưởng đen nhẻm cười nhẹ bẫng khi nhắc về những hiểm nguy trong nghề.
Ngừng lại một lát, anh khẽ nhăn trán, miệng lẩm nhẩm như cố đếm lại số lần mình đã tham gia “đánh nhau” với lửa. Nhưng càng đếm thì… càng loạn. Anh bảo: Giờ đọng lại chỉ còn là những “trận sống chết” mà cả đời anh cũng chẳng thể nào quên.
Ấy là chuyện xảy ra mới tháng 5 năm 2016. Trong khi cả đội của Khánh đang cố gắng giải cứu một đối tượng manh động có ý định châm lửa tự thiêu thì tin báo cháy cây xăng Sang Mạn (Đền Lừ, Hoàng Mai) ập về.
Thiếu tá Khúc Nguyên Khánh chia sẻ về nghề chỉ huy trong PCCC. (Video: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo thông tin ban đầu, trong quá trình nhận xăng từ xe bồn, một ngọn lửa đã bùng phát và nhanh chóng bao trùm lên một khu vực có diện tích khoảng hơn 100m2. Chuông báo cháy reo rần rật khiến anh em trong đội nóng như lửa đốt. Thiếu tá Khánh cùng đồng đội lao nhanh lên xe đặc dụng, vun vút lao về hiện trường. Lúc này, từ xa, cột khói khổng lồ, khét lẹt đã bốc lên cả vài chục mét. Linh cảm nghề nghiệp là cháy rất lớn, Khánh gọi bộ đàm lên trung tâm chỉ huy yêu cầu chi viên ngay từ các đơn vị lân cận. Vừa từ vụ giải cứu tự thiêu về lại xảy cháy cây xăng, anh em trong đội dù đã mệt lử nhưng không ai kêu ca nửa lời mà đều nghĩ tới giải pháp dập tắt đám cháy cây xăng thế nào cho nhanh nhất.
Ngồi trong khoang xe, Khánh thậm chí chưa kịp mặc lại quân phục, mắt đăm đăm nhìn về mù mịt khói lửa phía trước. Khi tới hiện trường, lửa đã bắt đầu phát triển dữ dội từ hai trụ bơm ra khu vực xung quanh, ở cách xa cột bơm khoảng 70m xe bồn chứa 21 khối nhiên liệu đang cháy ngùn ngụt. Xăng chảy tràn đi tới đâu, lửa bén tràn ra tới đó. Lửa hừng hực chảy thành dòng theo dòng của xăng thoát ra từ xe bồn. Lửa liếm trùm toàn bộ khu vực rộng cả vài chục mét. “Khi ấy, tôi buộc phải chia anh em làm hai mũi: Một tiếp cận trụ bơm, dùng hoá chất phun để cô lập nguồn hoả; một mũi khác áp sát xe bồn, phun chất chữa cháy và làm mát nhằm giảm nhiệt tỏa ra để dần dần dập tắt. Nếu không quyết đoán xử lý ngay thì nguy cơ cháy nổ, sôi trào phụt bắn xăng nóng đang cháy ra ngoài là rất lớn, cực kỳ nguy hiểm” Thiếu tá Khánh nhớ lại.
Cảm giác mong manh giữa sự sống và cái chết trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi xung quanh lửa vẫn cháy đùng đùng. Mùi xăng, mùi lốp xe cháy gắt họng, mùi khói xộc thẳng vào mũi cùng những tiếng nổ đì đùng… khiến hơn 100 con người đang “đánh vật” với bà hoả căng thẳng cực độ.
Toàn cảnh vụ cháy cây xăng Sang Mạn (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) năm 2016. (Video: Youtube)
Nhớ lại giờ phút đó, cậu lính trẻ măng Phùng Trung Vũ đang thực hiện nghĩa vụ tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 8 vẫn còn rùng mình. Giọng hơi run run, Vũ kể: “Lúc tới hiện trường, nhìn lửa đang hầm hập lan nhanh, lính trẻ bọn em bị ‘khớp’, tay chân luống cuống.” Vũ nhận lệnh cùng đồng đội tiến tới sát xe bồn. Khi chỉ còn vài mét là tới mục tiêu, bỗng cậu lính trẻ tái mặt khi hai lốp xe phát nổ. Tiếng nổ chát chúa thổi cột lửa bùng lên cao cả chục mét, buộc cả chục chiến sỹ trẻ sợ hãi nằm rạp xuống đất theo bản năng.
Mùi xăng, mùi lốp xe cháy gắt họng, mùi khói xộc thẳng vào mũi cùng những tiếng nổ đì đùng… khiến hơn 100 con người đang “đánh vật” với bà hoả căng thẳng cực độ.
Từ phía xa, thấy anh em buông lỏng đội hình, Thiếu tá Khánh vừa chạy, vừa hét khản cổ: “Nổ lốp thôi, bồn vẫn còn an toàn. Mọi người phải tiếp tục, quyết không để bồn nổ.”
Tiếng gào lạc đi giữa khói lửa. Nhóm “lính chiến” vừa mới nãy còn run, trong phút chốc lại đứng dậy, sát cánh cùng người đội trưởng lao tới. Khói vẫn xộc thẳng vào phổi, lửa vẫn rừng rực cháy, nhưng nỗi sợ hãi ban đầu thì đã đi qua.
Khánh bảo: Khi đã ra tới hiện trường thì sếp hay lính tráng cũng phải xông lên tuyến đầu. Càng là chỉ huy thì càng phải bám sát anh em, nắm được diễn biến tổng thể vụ việc để đưa ra mệnh lệnh và quyết định chính xác nhất.
Như trong vụ cháy cây Sang Mạn, nếu chỉ cần lưỡng lự một vài phút thì lửa sẽ trùm lên cả xe tiếp liệu, khiến “quả bom” lửa này phát triển mạnh, thì hậu quả sẽ không lường được.

Vụ cháy năm đó được đánh giá là một trong những trận tác chiến thành công của toàn Phòng 8. Chỉ sau hơn chục phút, ngọn lửa “kép” bao trùm trụ bơm và xe bồn đã được khống chế. Không có vụ nổ nào xảy ra như lo ngại ban đầu. Chỉ đến lúc ấy, Thiếu tá Khánh mới thở phào nhẹ nhõm. Anh bảo: Điều khiến anh sợ nhất không phải là khi biết mình đang đối mặt với cái chết. “Sợ nhất là anh em còn trẻ mà không may gặp nạn, sợ nhất là mình đưa ra quyết định sai lầm, ảnh hưởng đến đồng đội”.
Nghề đi ‘ngược chiều gió’

23 năm theo nghiệp cầm lăng dập lửa, Khánh nếm đủ mọi đắng cay, vui buồn cũng như những nỗi gian truân của nghề. Việc bỏng rộp, xây xước, mất tiếng trở thành một thứ gia vị mặn chát sau mỗi lần ra lửa vào khói.
Nhưng, điều khiến người đàn ông tứ tuần trăn trở nhiều nhất lại là những định kiến của mọi người với các anh và đồng đội. Anh tự gọi vui nghề của mình là nghề ngược chiều gió, khi liên tục vấp phải đủ thứ “hiểu sai” của cộng đồng.
Khánh vẫn nhớ như in những chuyện cười ra nước mắt mà nếu không phải trực tiếp gặp sẽ không một ai có thể hình dung ra. Điển hình là có lần, khi đi cứu hoả, anh sững người khi một người dân hỏi: “Gọi một xe chữa cháy phải mất bao nhiêu tiền.” “Khi ấy, tôi vừa bực, vừa buồn cười, lại cũng tủi thân nghĩ nghề của mình hoá ra cũng bị quy đổi thành vật chất như thế. Tôi cùng anh em vội giải thích: Việc chữa cháy hoàn toàn miễn phí, người dân cũng không mất bất cứ chi phí nào.”
“Gọi một xe chữa cháy phải mất bao nhiêu tiền.”
Sự hiểu biết hạn chế của người dân cũng khiến cho việc tiếp cận hiện trường trở nên gian nan hơn. Hầu hết các đám cháy đều thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người hiếu kỳ tập trung khiến cho xe cứu hoả không còn đường vào.
“Mọi người không ý thức được việc xe đến chậm một vài phút thì hậu quả đã lớn gấp mấy lần. Ngồi trên xe ưu tiên, anh em toàn đội lòng đều nóng như lửa. Thậm chí, có những khi, toàn đội phải chạy bộ, dẫn vòi xa cả trăm mét để chữa cháy kịp thời,” Khánh ngậm ngùi.
Cũng theo vị đội trưởng này, một số người dân thiếu kiến thức về phòng cháy chữa cháy nên có những phản ứng khá tiêu cực. Nhiều vụ cháy xảy ra, theo chiến thuật chữa cháy chúng tôi xịt nước ở nhà bên cạnh nhằm giảm độ nóng, tránh nguy cơ đám cháy lan sang các nhà liền kề. Tuy nhiên, nhiều người dân không hiểu. Họ trách: “Nhà cháy thì các anh không chữa lại đi chữa nhà không cháy”.

Đôi lúc, anh tự trào phúng: Cái nghề của mình cũng như làm dâu trăm họ, chữa cháy xong không mấy khi nhận được lời cám ơn mà phần nhiều chỉ là trách móc. Nhưng rồi anh lại cười nhẹ bẫng: “Chẳng hiểu sao, dù cực thế, anh em chữa cháy chúng tôi vẫn yêu nghề và không thể bỏ được. Cứ thấy điện thoại báo cháy hoặc nhìn thấy khói, lửa là lại lên đường.”
Được coi là nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro, những người lính cứu hỏa không chỉ áp lực về mặt thời gian mà còn phải đánh đổi nhiều thứ. Đôi khi anh Khánh cảm thấy có lỗi vì không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Có những khi cả nhà đang ăn cơm, có thông báo tăng cường xử lý đám cháy, anh vội vàng buông bát cơm và phóng đi ngay, chỉ kịp dặn dò đứa con gái khóa cửa đi ngủ sớm. Gia đình anh đã quen với việc, người bố người chồng mình có thể vắng mặt bất kỳ lúc nào.
“Nhiều lúc nghĩ về vợ con mà nước mắt rơi lúc nào không hay. Nói chung, khi đã theo nghề phải chấp nhận đánh đổi,” anh ngậm ngùi.
Câu chuyện đang mặn bỗng tiếng chuông báo cháy lại vang lên. Anh Khánh chỉ kịp chào một câu, rồi lại mũ, áo lao ra phía xe đang nổ máy sẵn chờ. Dáng chạy phấp phỏng và vội vã như suốt 23 năm nay vẫn thế….
Nối dài những ước mơ

Phùng Trung Vũ, năm nay mới 22 tuổi, trắng trẻo, trẻ măng và vô cùng… run khi đứng trước máy ghi hình. Vũ là một trong những người tham gia nghĩa vụ quân sự trong màu áo “lính dập lửa” của Phòng số 8, người mà Thiếu tá Khánh phảng phất thấy bóng hình tuổi trẻ của mình trong đó.
Gần 3 năm làm lính nghĩa vụ, Vũ đã tham gia chữa cháy không dưới 50 vụ hỏa hoạn lớn nhỏ. Giống như Vũ, nhiều anh em khác của Phòng số 8 cũng luôn khiêm tốn, cho rằng họ không phải người hùng.
Đơn giản hơn, họ chỉ là những người lính rất yêu công việc của mình, sẵn sàng chiến đấu chống giặc lửa để bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân.
Lúc cứu hỏa, Vũ có thể bỗng chốc hóa thành những “siêu nhân” xông vào nơi nguy hiểm nhất để làm nhiệm vụ. Thế nhưng, khi trở lại đơn vị, hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, chàng trai 9x lại trở về với bản tính hiền lành với nụ cười tỏa nắng.

Vũ kể, kỉ niệm đáng nhớ nhất với anh là khi tham gia chữa cháy ở cây xăng Sang Mạn, hầu hết đều là các chiến sỹ trẻ mới tham gia chữa cháy đầu tiên. Và đó cũng là lần đầu tiên, Vũ thấy ngọn lửa khủng khiếp như thế và biết rằng, mỗi một giây trôi qua đều trở nên vô cùng quan trọng vì chỉ cần chậm lại một chút hậu quả khôn lường.
Đời lính cứu hỏa không chỉ ăn ngủ, chung sống với khói lửa luôn phải căng não khi liên tục phải đối mặt với những tình huống sinh tử. Cho dù không ai trong đội hy sinh hay bị thương, nhưng mỗi lần tận mắt thấy người mắc kẹt trong đám cháy không thoát ra được, những người lính nghĩa vụ như Vũ đều bị ám ảnh rất lâu, không sao quên nổi.
Khó khăn trong đám cháy là vậy, công tác cứu nạn cứu hộ cũng không hề đơn giản. Chuyện đi mò xác chết đuối, giải cứu người tâm thần leo lên trên cao thậm chí là cột điện cũng rất nhiều, rồi giải cứu người khi nhà công trình bị sập đổ.
Cho dù không ai trong đội hy sinh hay bị thương, nhưng mỗi lần tận mắt thấy người mắc kẹt trong đám cháy không thoát ra được, những người lính nghĩa vụ như Vũ đều bị ám ảnh rất lâu, không sao quên nổi.
Cảm giác thực sự bất lực của Vũ ấy là khi tham gia cứu nạn cứu hộ ngôi nhà cổ bị sập trên đường Trần Hưng Đạo. Trong đống đổ nát ấy vẫn có người mắc kẹt, mọi người cố gắng hết sức có thể để đào bới đống đổ nát, chạy đua với thời gian để cứu người. Ấy thế mà khi đống đổ nát với đi thì thấy một thi thể mềm nhũn lộ ra, cảm giác thương cảm đau xót trào dâng, tay nâng người bị nạn lên trong đầu thì thầm cầu cho vong linh người siêu thoát sớm.
22 tuổi đời, mấy người đã có cảm nhận giá trị của cuộc sống qua những mất mát đau thương của người dân vô tội như Vũ. Tay bế thi thể của những người không quen biết coi như người thân, lao vào hiểm nguy cứu người và tài sản của những người chưa quen biết, sự cố gắng ấy, hy sinh ấy tất cả đều vì bình yên của cuộc sống người dân. Trưởng thành hơn, thì lại càng yêu và muốn gắn kết với nghề hơn dù vất vả cực nhọc.
Đến khi hỏi ước mơ của Vũ là gì, câu trả lời thẳng thắn không đắn đo là “được ở lại và cống hiến lâu dài cho nghề cứu hỏa”. Đó là khẳng định con đường nếu được chọn cho chàng trai trẻ Phùng Trung Vũ.
Thiếu tá Khúc Nguyên Khánh chia sẻ những lời khuyên dành cho chiến sỹ trẻ. (Video:Minh Sơn/Vietnam+)
Có nhiều bài báo, nhiều mẩu tin biểu dương tinh thần của người lính cứu hỏa, nhưng chỉ đến khi sát cánh, trải nghiệm thực tế qua những việc làm cụ thể của lính cứu hỏa thì chúng tôi, những người viết lên bài báo này mới thấy: Bất kỳ ai chọn con đường trở thành lính cứu hoả cũng xứng đáng được coi là một người hùng. Bởi mỗi lần ra đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy là một lần họ phải cân não tập trung căng thẳng làm việc giành lại sự sống, tài sản của nhân dân từ đám cháy, từ tai nạn rủi ro và không ít lần những người lính phải đánh cược với tử thần giành lại bình yên cuộc sống cho nhân dân.
