Bế tắc trên chính trường Đức

Hơn 3 tháng sau cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội liên bang, nước Đức chuẩn bị khép lại năm 2017 đầy ắp các sự kiện mà không thể có một chính phủ mới như nhiều người kỳ vọng. Đó là hệ quả rõ ràng nhất từ những bế tắc trên chính trường, khi xã hội Đức chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc.

Điều đáng lo ngại nữa là với vai trò đầu tàu châu Âu, tình hình nước Đức có thể tác động tiêu cực, tạo ra thách thức lớn cho tiến trình cải cách Liên minh châu Âu (EU) vốn đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng và Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ.

Trong năm 2017, với tư cách là nước chủ nhà, Đức đã tổ chức rất thành công chuỗi sự kiện của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) với rất nhiều hội nghị liên quan, điểm nhấn là Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg vào tháng Bảy. Vai trò của Đức thể hiện rõ ở nội dung nghị sự xuyên suốt cả năm của G20, trong bối cảnh thế giới có sự chia rẽ sâu sắc trong những vấn đề cốt lõi, như tự do thương mại, chống biến đổi khí hậu hay đảm bảo an ninh.

Với vai trò đầu tàu châu Âu, tình hình nước Đức có thể tác động tiêu cực, tạo ra thách thức lớn cho tiến trình cải cách EU

Tuy nhiên, Đức lại gặp khó khăn trong việc giải quyết chia rẽ trong nội bộ. Thất bại nặng nề của “đại liên minh” gồm liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) là câu trả lời rõ ràng của cử tri Đức trước các chính sách của chính phủ nhiệm kỳ 2013-2017, trong đó vấn đề nóng nhất là cuộc khủng hoảng người di cư. Những chỉ số ấn tượng về kinh tế và thương mại không cứu vãn được uy tín của chính phủ do bà Merkel đứng đầu khi hàng triệu người tị nạn, mang theo những vấn đề về xã hội và an ninh, tràn vào nước Đức trong các năm 2015, 2016 và 2017.

Trong khi đó, với tiếng nói phản đối người nhập cư, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), chỉ mới thành lập hơn 4 năm, đã tạo ra bước ngoặt lớn khi lần đầu tiên có mặt tại Quốc hội liên bang. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Quốc hội liên bang Đức có một đảng theo đường lối cực hữu. Kết quả cuộc bầu cử với số phiếu rất phân tán cũng khiến sự chia rẽ của xã hội Đức bộc lộ rõ trên chính trường khi lần đầu tiên có tới 7 đảng phái tham gia vào Quốc hội liên bang.

Chủ tịch SPD Martin Schulz (trái) và Thủ tướng Đức đồng thời là lãnh đạo liên minh CDU/CSU Angela Merkel. (Nguồn: EPA/TTXVN) 
Chủ tịch SPD Martin Schulz (trái) và Thủ tướng Đức đồng thời là lãnh đạo liên minh CDU/CSU Angela Merkel. (Nguồn: EPA/TTXVN) 

Thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang đã buộc SPD phải đưa ra một lựa chọn hết sức khó khăn, đó là rời bỏ liên minh với CDU/CSU để trở thành đảng đối lập, với hy vọng giải pháp đó sẽ giúp đảng này sớm tìm lại ánh hào quang xưa sau rất nhiều năm bị cái bóng của CDU/CSU che phủ. Lựa chọn của SPD cũng đẩy Thủ tướng Merkel vào con đường khó khăn, khi chỉ còn khả năng đàm phán thành lập chính phủ với các đảng nhỏ.

Kịch bản một chính phủ mới được thành lập dựa trên “liên minh Jamaica” – gồm CDU/CSU (đen), đảng Dân chủ tự do (FDP – vàng) và đảng Grüne (xanh) – giống màu cờ của quốc gia Trung Mỹ Jamaica – cuối cùng vẫn không thể thành hiện thực sau nhiều vòng đàm phán, khi FDP quyết định rút lui. SPD, dưới sức ép của các chính trị gia và dư luận Đức, phải miễn cưỡng quay trở lại đàm phán tái lập chính phủ “đại liên minh” với CDU/CSU.

Trong trường hợp các bên đàm phán thành công, sớm nhất phải đến cuối tháng 1/2018 chính phủ mới ở Đức mới có thể ra đời

Trong trường hợp các bên đàm phán thành công, sớm nhất phải đến cuối tháng 1/2018 chính phủ mới ở Đức mới có thể ra đời. Còn ngược lại, nước Đức sẽ đối mặt với hai lựa chọn, hoặc tồn tại một chính phủ thiểu số bấp bênh, hoặc phải tổ chức bầu cử lại. Và dù với kịch bản nào thì một điều chắc chắn rằng, cần phải mất thêm nhiều thời gian nữa Chính phủ Đức mới thực sự đi vào hoạt động ổn định.

Một nước Đức ổn định, dựa trên một chính phủ ổn định, đó là điều mà tất cả người dân Đức nói riêng và châu Âu nói chung đều mong muốn. Đó cũng là nguyện vọng của bà Merkel khi đặt vấn đề đàm phán với SPD. Với vai trò là đầu tàu của châu Âu, nước Đức có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cả châu lục cũng như của EU.

Sau những rạn nứt và khủng hoảng, EU đang đứng trước nhu cầu cải cách rất mạnh mẽ, nhất là về vấn đề tài chính và an ninh, đặc biệt trong bối cảnh EU khó trông chờ vào đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump ưu tiên thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên.”

Bản thân Thủ tướng Angela Merkel cũng ủng hộ tiến trình cải cách EU, bởi một EU đoàn kết và mạnh mẽ, có khả năng đương đầu với những thách thức to lớn hiện nay, cũng sẽ giúp Đức khẳng định vị thế và vai trò lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, việc chính phủ mới ở Đức chưa thể ra đời đang gây khó khăn cho kế hoạch cải cách EU được coi là đầy tham vọng mà bà Merkel và Tổng thống Pháp Macron đã nhất trí.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Pháp Macron. (Nguồn: THX/TTXVN)
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Pháp Macron. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nhiều chính trị gia hàng đầu ở châu Âu đều bày tỏ quan ngại trước những tác động tiêu cực từ bất ổn trên chính trường Đức. Nếu bà Merkel không thể thành lập được chính phủ liên minh, hoặc đứng đầu một chính phủ không đủ mạnh, chắc chắn tiến trình cải cách EU sẽ bị trì hoãn hoặc không được như mong đợi. Bế tắc trên chính trường Đức đang đặt ra thách thức lớn cho tiến trình cải cách EU.

Khi bà Merkel gật đầu với những ý tưởng cải cách EU mà ông Macron đưa ra, nước Đức đã chấp nhận từ bỏ bớt lợi ích để tạo ra sự phát triển cân bằng hơn, đặc biệt trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), trong bối cảnh các chỉ số tài chính và thương mại của nước này đều đang tiến đến ngưỡng cao kỷ lục.

Trong khi đó, bản thân nội bộ nước Đức cũng chia rẽ về vấn đề hội nhập EU. Nếu CDU/CSU và SPD tiếp tục duy trì chính phủ đại liên minh, trở ngại trên chính trường Đức sẽ đến từ AfD – khi đó trở thành đảng dẫn đầu lực lượng đối lập tại Quốc hội liên bang Đức, vốn phản đối việc hội nhập sâu vào châu Âu. Đó là chưa kể những bất đồng quan điểm từ ngay bên trong “đại liên minh”, điển hình là việc Chủ tịch SPD Martin Schulz muốn nới lỏng các chính sách tài chính, chấp nhận bội chi ngân sách để thúc đẩy phát triển, giải quyết tốt hơn nữa vấn đề việc làm – một quan điểm đi ngược lại chính sách tài chính “thắt lưng buộc bụng” mà chính phủ Đức áp dụng nhiều năm qua.

Tất cả đang tạo ra sức ép không hề nhỏ với bà Angela Merkel, một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất châu Âu. Kết quả một cuộc thăm do hãng thông tấn DPA của Đức công bố ngày 27/12 cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà đã sụt giảm, khi có tới 47% số ý kiến bày tỏ muốn Thủ tướng Angela Merkel từ chức trước năm 2021, thời điểm nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 liên tiếp của bà kết thúc, cao hơn so với con số 36% trong một cuộc thăm dò tiến hành 2 tháng trước.

Bế tắc trên chính trường Đức cũng tạo cho EU thêm thời gian để suy nghĩ và cân nhắc một cách thấu đáo các chính sách mới

Về mặt tích cực, bế tắc trên chính trường Đức cũng tạo cho EU thêm thời gian để suy nghĩ và cân nhắc một cách thấu đáo các chính sách mới. Cải cách EU là một quá trình khó khăn, đòi hỏi phải thỏa mãn cùng lúc nhiều yêu cầu và mong muốn của tất cả các thành viên, trong đó có những nước muốn có tư tưởng tự do hơn về kinh tế, một số khác lại muốn tăng cường không gian chính sách ở cấp độ châu lục. Bất kỳ sự cải cách nào đối với Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu sẽ cần sự nhất trí của tất cả các nước thành viên EU – chứ không chỉ có 19 thành viên Eurozone – bởi nó liên quan mật thiết đến khối thị trường chung châu Âu.

Trong năm 2018, Pháp và Đức sẽ phải ra sức thuyết phục các thành viên EU khác nhiều hơn nữa. Điều đó chỉ có thể bắt đầu khi chính phủ mới ở Đức thực sự đi vào hoạt động. Nhưng hiện tại, thời điểm chính phủ mới ở Đức ra đời vẫn còn là một dấu hỏi lớn./.

(Nguồn: AFP)
(Nguồn: AFP)