Trong cuộc vui vầy và niềm hân hoan của tuổi trẻ, Cá Hồi Hoang tụ lại, viết lách và hát ca. Các khúc ca của họ về đời sống thường ngày, đôi thứ vụn vặt mà cũng rất thiết thân. Còn câu chuyện của họ chỉ mới ở chương bắt đầu…
1.Có bao nhiêu ban nhạc, bao nhiêu giọng hát lừng danh trên thế giới này ra đời từ lời rủ rê hồn nhiên của thằng bạn đi đâu cũng có nhau? Kiểu: “Ê, hay tụi mình lập ban nhạc đi!” Đứa còn lại gật đầu. “Mà tao không biết nhạc gì đâu, mày chỉ tao nha!” Tiếp tục gật đầu. Làm vì thích, chơi vì vui, hát để tìm kiếm vài ba trái tim đồng cảm, chẳng ai nghĩ một ngày sẽ được biết đến.
Âm nhạc của Cá Hồi Hoang mang dư vị tuổi trẻ của những chàng trai sống ở phương Nam nắng gió. Của niềm vui, nỗi buồn, đổi thay từng ngày trong lòng thành phố vội vã
Câu chuyện của Nguyễn Viết Thành và Nguyễn Thanh Minh có xuất phát điểm như vậy. Thành, chàng trai ngại sự trưởng thành, nhạy cảm trước sự thay đổi chỉ cho bạn dạo những nốt guitar đầu tiên. Trong cái nôi của những bài ca chân đất phảng phất chủ nghĩa hiện sinh của vài thập niên trước, của những cái tên đầy tiếng tăm trong làng nhạc Sài Gòn bây giờ, một ban nhạc 5 thành viên còn khoác áo trường cấp 3 thành hình với cái tên cúng cơm không thể giản dị hơn: Dép Tổ Ong. Rồi cũng chính cái món đồ giản dị ấy trở thành một nỗi nhớ, một nếp đời đọng lại thành phong cách ăn vận, thành văn hóa của một thời gian khó.
Âm nhạc và thể thao là hai thứ dễ gắn kết những trái tim xa lạ với nhau nhất. Đồng thời cũng dễ khiến con người ta xa nhau vô cùng, một khi không tìm được tiếng nói chung. Hợp-tan của người trẻ, có cãi vã, giận hờn thì cũng lấp lánh hy vọng tái sinh.

Một ngày đẹp trời, Minh bảo Thành, tên nhóm nhạc mới sẽ là nickname Thành vẫn thường dùng: Cá Hồi Hoang – từ câu chuyện Thành rất thích có tên Lucky Luke. “Tao google rồi, tên đó hay, có nhiều ý nghĩa như vầy nè. Nhờ đó mới biết con cá hồi nó ra làm sao!” Câu chuyện bạn bè đi qua sóng gió, dẫu sóng gió của tuổi trẻ đôi khi chỉ là vài cơn gợn của người đã không còn trẻ nữa, trở thành câu chuyện của tình anh em. Minh cho tôi cảm giác, cậu chính là chiếc cột để cậu bạn nhạy cảm neo vào. Album thứ nhất ra đời, vỏn vẹn còn lại Minh và Thành với tên gọi ”Chương II” (2014). Vội vã cho những dự tính mới, cho một chặng đường mới. Thành sang Czech học về âm nhạc, xem thử môi trường ở nước ngoài và Việt Nam khác nhau như thế nào. Đó là con đường Thành muốn đi và theo đuổi. Minh tiếp tục giấc mơ của cậu với nghề y.
Không tìm được câu trả lời hay đúng hơn, Thành bế tắc và mất phương hướng tại Czech, loay hoay trở về. Một lần nữa, Minh và âm nhạc dang tay đón cậu. Năm 2015, nhóm có thêm guitar bass Bùi Khắc Đạt (Leo). Đầu năm 2016, Lê Đặng Hiếu hoàn tất mảnh ghép cuối cùng. Nếu như Minh lạc quan thì Hiếu là một khối mâu thuẫn, khó đoán: thực tế, nghiêm túc song cũng hay gây trò cười!
2. Âm nhạc của Cá Hồi Hoang mang dư vị tuổi trẻ của những chàng trai sống ở phương Nam nắng gió. Của niềm vui, nỗi buồn, đổi thay từng ngày trong lòng thành phố vội vã buộc người ta phải vật lộn với những lựa chọn, đớn đau, vấp ngã. Của ký ức giản dị mà tươi đẹp.
Một buổi uống bia buồn khô khốc không rõ lý do. Những trái tim dễ rạn vỡ nhưng cũng sẵn sàng cháy hết mình, qua giọng hát mỏng, đôi lúc như tan vào tiếng guitar của Thành. Mỗi tính cách làm nên sự đa dạng cho đời sống, trong âm nhạc, nó tạo nên giọng điệu riêng. Minh còn quẩn quanh nơi mái nhà giờ đây chỉ còn mỗi dáng mẹ với tâm sự của một chàng trai đầy trách nhiệm; Thành muốn bứt khỏi đời sống nhộn nhịp, thoát khỏi tồn tại vô nghĩa để làm những điều lớn lao hơn, để được trọn vẹn cùng âm nhạc; Hiếu mang trong lòng một tổn thương khó gọi tên và cả sự phản kháng mà có lẽ, chỉ cậu biết được để viết ra những lời ca u uất. Song, tất cả những điều đó được cất lên từ những trái tim còn rất trẻ, còn rung động liên hồi và dạt dào xúc cảm. Thành ra, mọi thứ vẫn đẹp, vẫn nên thơ và đầy sức hút đến lạ lùng.
Nếu hỏi Cá Hồi Hoang, 2017 là một năm thế nào? Chắc chắn là “Tuyệt vời!” “Càng tuyệt vời hơn khi nhịp điều ấy hòa cùng dòng chảy rực rỡ của nhạc indie”
Phước, cậu trai nhỏ tuổi nhất, thành viên thứ 5 của ban nhạc, không bao giờ xuất hiện trên sân khấu. Phước có đầu óc tỉnh táo, sự khéo léo của một nhà quản lý mà vẫn giữ được niềm hứng khởi của tuổi trẻ. “Quan trọng nhất với tuổi trẻ là trải nghiệm” – Phước bảo vậy. Cậu nhập bọn chỉ vì “chơi cùng anh Thành, anh Minh”, mê nhạc Cá Hồi Hoang và thấy các anh cần một người sắp xếp các buổi diễn cho ban nhạc. “Cái khó nhất là đưa ra một quyết định mà tìm được sự đồng thuận của tất cả các anh” – Phước kể. “Bây giờ mọi chuyện đã ổn hơn. Em thấy mừng vì những gì nhóm đã cố gắng và được đón nhận.”

“The Livin’ Tour 2016” kéo qua 4 thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Mỹ Tho. Trải nghiệm dày lên, kinh nghiệm biểu diễn nhiều hơn, “Giấc mơ giấy” – biểu tượng cho khoảng cách giữa ước mơ và thực tế – album phòng thu thứ 2 gồm những bài rất gợi như: “Ai cũng sẽ lớn lên,” “Thế nên,” “Đến bao giờ?,” “Hoàn hảo,”… nối mạch ra lò.
Một Cá Hồi Hoang dần trưởng thành hơn và cũng nhiều suy tư hơn. Bởi các cậu giờ đây đang bắt đầu một trang mới của những chàng trai đương chập chững làm quen với môi trường công sở. Điều đó đồng nghĩa, khoảng cách giữa các cậu với ấu thơ càng xa hơn. Phải tăng tốc hơn để hòa vào dòng người xuôi ngược. Không cần đợi quá lâu để có “GAP” – album thứ 3, dẫu cũng phải tính toán, gom vốn dành dụm từ mỗi thành viên.
Hơn 400 CD đã được bán hết trong “GAP Tour 2017” trong tổng số 1.000 album được sản xuất theo kiểu “nhà làm” tự tập, tự thu, tự phối và điều chỉnh. Ảnh bìa thì được một cậu bạn khác chụp cho, giản dị và có chiều sâu. Minh nói, bất ngờ nhất với cậu là khi đến Huế, Đà Nẵng. Cậu không nghĩ, âm nhạc của Cá Hồi Hoang lan tỏa đến vậy. Nếu hỏi Cá Hồi Hoang, 2017 là một năm thế nào? Chắc chắn là “Tuyệt vời!” “Càng tuyệt vời hơn khi nhịp điều ấy hòa cùng dòng chảy rực rỡ của nhạc indie” – Phước bảo vậy. Trái tim các cậu vẫn đập rộn rã trong lòng ngực cho đêm diễn tại thành phố quê nhà – Đà Lạt – vào cuối tháng 12. “Tôi ấn tượng với sức trẻ và chất tự sự trong âm nhạc của Cá Hồi Hoang” – nghệ sỹ Thanh Bùi cho biết.

3. 2017 quả là năm rực rỡ của nhạc indie. Nó gợi người ta nhớ đến thời hoàng kim của nhạc Rock, khi dòng nhạc này bung ra khỏi trường học, khỏi những sân khấu quen thuộc ở các quán càphê để đến sân khấu lớn hơn. Khởi đầu là sự dung nạp thêm nhiều người cùng cảm hứng, cùng chia sẻ, rồi dần dà tạo thành làn sóng, mãnh liệt và đa dạng, hút cả những nhà sản xuất lớn nhảy vào. Thế nhưng, khác với trước đây, vòng tròn này mở rộng với nhiều thể loại, tạo nên sự đa dạng và những biến thể kết hợp đặc trưng, rất khó định danh.
“Ở các nước phát triển, việc một nghệ sỹ có thể tự sáng tác, phối âm, sản xuất, tự phát hành, có fanpage của họ là điều không thể thiếu trong một thị trường âm nhạc công bằng, có tương lai. Bởi nó tạo nên tiếng nói đa dạng. Đã có không ít nghệ sỹ, nhóm nhạc indie ảnh hưởng tới cả một thế hệ nhạc sỹ, những nghệ sỹ khác mà chính những gương mặt này ở thời điểm sau đó, trở nên nổi tiếng toàn thế giới. Khi indie bắt đầu trở nên thương mại hóa, trở nên phổ biến, nó đưa tới tiếng nói khác biệt cho các nghệ sỹ thực thụ, tạo nên một góc nhìn riêng cho âm nhạc” – nhạc sỹ Thanh Bùi chia sẻ.
Nếu như Hà Nội có Ngọt, Da LAB, có Vũ, có Trang… thay phiên nhau làm nên “cơn sốt” với những đêm nhạc “cháy vé” và khan hiếm đĩa thì Sài Gòn có Cá Hồi Hoang (album mới “GAP” được xuất xưởng 1.000 bản). Và còn biết bao cái tên “ẩn dật” khác như Đen, Xanh 8+1, Mimetals, Mademoiselle…
Album được săn đón, nhạc phát hành trực tuyến tăng lượt nghe chóng mặt, các buổi biểu diễn tự tổ chức, tự bán vé khắp trong Nam ngoài Bắc với sân khấu từ 2.500-3.000 khán giả luôn chật kín. Giữa thời đại nhạc số và sự thống trị của Vpop chịu ảnh hưởng của Kpop, rõ ràng đây không còn là chuyện ăn may nữa.
Họ – cả người chơi nhạc và người nghe, đều còn rất trẻ, đầy ấp ủ, lắm mơ mộng nhưng cũng rất đỗi chân thành. Sự chân thành và trong trẻo của những tâm hồn chứa đầy gió, rong chơi nên chả có gì để nghĩ ngợi nhiều. Điều đọng lại nhất với các thành viên không phải là việc bán được bao nhiêu đĩa, phát hành được bao nhiêu album, mà là, hôm qua bọn mình đã “thổi tung” sân khấu như thế nào, đã cười đến mức sáng hôm sau không dậy nổi, đã nối bao nhiêu câu chuyện đẹp lại với nhau, kể cả những câu chuyện tình. Sài Gòn hôm nay kẹt xe, ngập nước và nhộn nhịp ra làm sao… Minh nói, thật khó để chọn lựa giữa âm nhạc và công việc. Cậu cũng chẳng thích tối nào cũng là âm nhạc!
Tương lai là một điều khó đoán định. Bởi như rất nhiều ban nhạc sinh ra hoặc được Sài Gòn nuôi dưỡng, âm nhạc là một cuộc vui vầy. Nghiêm túc, làm tốt nhất có thể nhưng không đặt nặng danh tiếng hay mưu cầu gì từ âm nhạc. Cũng không phải sống chết với thể loại nào, dù ít nhiều nghe được sự ảnh hưởng của punk rock. Cá Hồi Hoang đang trong vòng cuộc vui đó…/.
