Ông Donald Trump làm gì để giải quyết vấn đề Triều Tiên?

Gần một năm giữ chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump chưa trình bày rõ ràng, chứ chưa nói gì đến việc thực hiện, một chiến lược giải quyết vấn đề Triều Tiên. Thứ duy nhất mà ông làm là có thêm biện pháp trừng phạt tại Liên hợp quốc. Điều tồi tệ là những lời phàn nàn chua chát của ông về những người tiền nhiệm cho thấy ông không hề có ý tưởng mới nào mà ông sẽ theo đuổi tới đây.

Christopher R. Hill, Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, Trưởng Khoa Nghiên cứu Quốc tế Korbel, Đại học Denver, nhận định như vậy trong một bài viết về chiến lược đối phó với Triều Tiên của ông Donald Trump.

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn có lý khi ông phàn nàn rằng ông đã thừa hưởng một vấn đề khó khăn ở Triều Tiên. Tuy nhiên, việc ông Trump phàn nàn không miễn cho ông trách nhiệm phải giải quyết nó. Cho đến nay, ông thậm chí vẫn chưa trình bày rõ ràng, chưa nói gì đến việc thực hiện, một chiến lược để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Gần một năm giữ chức tổng thống, “thành quả” duy nhất mà ông đạt được là có thêm biện pháp trừng phạt tại Liên hợp quốc. Điều tồi tệ hơn, những lời phàn nàn chua chát của ông về những người tiền nhiệm cho thấy ông không hề có ý tưởng mới nào mà ông sẽ theo đuổi tới đây.

Gần một năm giữ chức tổng thống, “thành quả” duy nhất mà ông Trump đạt được là có thêm biện pháp trừng phạt Triều Tiên tại Liên hợp quốc

Nỗ lực mới nhất của Trump để giải quyết vấn đề đã diễn ra trước đó trong tháng này, khi ông ầm ĩ loan báo rằng chính quyền của ông sẽ đưa Triều Tiên trở lại danh sách những quốc gia bảo trợ khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ. Quyết định này của ông chủ yếu mang tính tượng trưng, giống như quyết định hồi tháng 10/2008 của cựu Tổng thống George W. Bush lần đầu tiên đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách đó.

Nhà Trắng của Trump cho rằng việc đưa Triều Tiên trở lại là quốc gia bảo trợ khủng bố là một “bước đi mang tính quyết định.” Vấn đề không phải như vậy. Trên thực tế, Bộ Tài chính Mỹ thậm chí còn không yêu cầu có một quyết định như vậy để lấy làm cơ sở đề ra các biện pháp trừng phạt bổ sung.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm gần Sinpo, phía đông bắc Triều Tiên ngày 9/5/2017. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm gần Sinpo, phía đông bắc Triều Tiên ngày 9/5/2017. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Bị đưa vào danh sách quốc gia bảo trợ khủng bố là không đủ điều kiện để nhận được sự hậu thuẫn của quân đội – điều này gần như cũng là một khả năng đối với Triều Tiên. Và Mỹ hiện bị cấm cung cấp các khoản tiền vay hay bất kỳ hình thức viện trợ nào cho quốc gia bảo trợ khủng bố theo quy định của các thể chế tài chính quốc tế mà Mỹ là một thành viên. Tuy nhiên, Triều Tiên không phải là thành viên của bất kỳ thể chế tài chính quốc tế nào.

Như nhiều người chỉ rõ, danh sách khủng bố tuyệt nhiên không phải là một bản liệt kê đầy đủ về các quốc gia có các cơ quan an ninh có thể dính líu đến các nhóm khủng bố. Hiện tại, danh sách đầy đủ chỉ gồm 4 quốc gia: Iran, Triều Tiên, Sudan và Syria.

Tuy nhiên, mặc dù chỉ là một cử chỉ mang tính tượng trưng, bối cảnh đưa đến quyết định đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố là hoàn toàn khác với bối cảnh khi Trump quyết định đưa nước này trở lại danh sách đó.

Vào năm 2008, Triều Tiên lúc đó đã đáp ứng một số điều kiện. Thứ nhất, nước này đồng ý tham gia các cuộc thảo luận 6 bên với Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, và Mỹ (mà tôi là người đại diện với tư cách là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Các Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương). Mục tiêu rõ ràng của cuộc thảo luận là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, và các cuộc thảo luận này đã dẫn đến kết quả là Triều Tiên đóng cửa cơ sở hạt nhân của nước này ở Yongbyon.

Binh sĩ Triều Tiên ăn mừng sự kiện nước này phóng thành công tên lửa Hwasong-15 (Nguồn: AFP)
Binh sĩ Triều Tiên ăn mừng sự kiện nước này phóng thành công tên lửa Hwasong-15 (Nguồn: AFP)

Ngoài ra, vào thời điểm được đưa ra khỏi danh sách khủng bố, Triều Tiên cũng đang tham gia các cuộc thảo luận nhằm thiết lập một chế độ thanh sát các hoạt động hạt nhân của nước này. Chế độ thẩm tra này yêu cầu các thanh sát viên quốc tế tới Yongbyon, đòi hỏi ghi lại thực chất hoạt động của lò phản ứng Yongbyon, hiện vẫn là nguồn ghi chép chính xác nhất số lượng plutonium thực tế được sản xuất ra ở đây.

Vào thời điểm đó, Triều Tiên đã đồng ý phá hủy tháp làm mát của lò phản ứng Yongbyon, đáp lại hành động mang tính tượng trưng của Mỹ bằng hành động tượng trưng của mình. Chắc chắn, đây là một phần của thỏa thuận giữa đôi bên. Tuy nhiên, ông Bush đáng ra đã phải hiểu ngay điều này.

Tiếp đó, thỏa thuận bắt đầu tan rã, do Triều Tiên trước sau như một từ chối thừa nhận là nước này có một chương trình, trong quá khứ cũng như hiện tại, phát triển nhiên liệu nhiệt hạch thông qua uranium được làm giàu cao (HEU). Chế độ thanh sát đã không giải thích được những thiết bị mua trên thị trường quốc tế phù hợp với một chương trình như vậy; và những mẫu nguyên liệu chuyên dùng được cung cấp cho các nhà ngoại giao Mỹ còn làm tăng thêm nhiều nghi ngờ hơn nữa.

Những vụ phóng tên lửa quy mô lớn của Triều Tiên năm 2017. (Nguồn: TTXVN)
Những vụ phóng tên lửa quy mô lớn của Triều Tiên năm 2017. (Nguồn: TTXVN)

Sau một quãng thời gian vài năm tạm ngừng, lò phản ứng hạt nhân Yonbyon lại hoạt động trở lại. Đáng chú ý là tất cả 6 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất mà Triều Tiên thực hiện kể từ năm 2006 đều phù hợp với plutonium thu được từ lò phản ứng trước khi diễn ra các cuộc thảo luận 6 bên. Khả năng Triều Tiên vẫn cho hoạt động một cơ sở HEU tại một địa điểm nào đó được đặt dưới hầm ngầm chắc chắn là một lý do gây lo ngại. Tuy nhiên Yongbyon, trái ngược với ý kiến của những người vẫn lập luận rằng cơ sở này hiện đang ở giai đoạn cuối cùng của nó, vẫn luôn luôn đặt ra một nguy cơ rõ ràng và hiện hữu.

Việc ông Trump có thể đưa Triều Tiên trở lại danh sách khủng bố mà hầu như không gây ầm ĩ trong chính quyền cũng như trên trường quốc tế cho thấy lý do tại sao danh sách này là một vũ khí trừng phạt có ích mà Mỹ có trong tay. Tiêu chuẩn để đưa ra khỏi danh sách – không có hành động khủng bố hay hợp tác với các tổ chức khủng bố trong thời gian 6 tháng – là linh hoạt đủ để đưa ra khỏi danh sách và điều này sẵn sàng được sử dụng như con bài mặc cả ngoại giao. Tương tự như vậy, việc đưa ra khỏi danh sách cũng dễ dàng được đảo ngược khi điều kiện cho phép.

Việc giải quyết vấn đề Triều Tiên sẽ đòi hỏi một sự nghiêm túc về mục đích và mức độ kỷ luật mà Trump cho đến nay chưa thể hiện rõ

Việc giải quyết vấn đề Triều Tiên sẽ đòi hỏi một sự nghiêm túc về mục đích và mức độ kỷ luật mà Trump cho đến nay chưa thể hiện rõ. Một chính sách có hiệu quả sẽ bao gồm việc hợp tác với Trung Quốc, không chỉ là những lời tâng bốc quá mức dành cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Sự hợp tác đó sẽ phải dựa trên một cam kết lâu dài, chứ không phải chỉ là những giao dịch lúc có lúc không. Và, có lẽ là điều quan trọng nhất, nó đòi hỏi sự can dự hàng ngày không chỉ với Trung Quốc, mà còn với tất cả các bên khác có chung lợi ích trong khu vực nữa.

Không cần phải nói, một chính sách như vậy sẽ đòi hỏi phải có một ngoại trưởng cam kết với việc duy trì một đội ngũ các nhà ngoại giao chuyên nghiệp có kinh nghiệm, cũng như việc Trump và các cố vấn của ông phải thừa nhận rằng việc xây dựng dựa trên những nỗ lực của những người tiền nhiệm là có ích hơn là việc tố cáo họ đã làm cho công việc trở nên khó khăn hơn. Điều không may, bài học đó vẫn bị chính quyền hiện nay tránh né./.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: USA Today)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: USA Today)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập