Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Ngày 30/11, Triều Tiên đã công bố các hình ảnh của vụ phóng tên lửa mới nhất, mở ra cơ hội để giới phân tích nghiên cứu về cái mà Bình Nhưỡng gọi là “bước đột phá” khiến toàn bộ lục địa Mỹ nằm trong tầm bắn hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 đã hoàn tất nỗ lực trở thành cường quốc hạt nhân toàn diện của Triều Tiên. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn hoài nghi rằng Triều Tiên đã làm chủ công nghệ cần thiết để phóng và điều hướng tên lửa, và đảm bảo nó chịu được sức ép để quay trở lại bầu khí quyển.

Trang mạng 38North chuyên nghiên cứu về Triều Tiên viết: “Dù Triều Tiên tiếp tục phát triển, nhưng các đánh giá của chúng tôi vẫn không thay đổi, đó là còn rất lâu nữa họ mới có được một ICBM có khả năng bắn tới bờ Tây lục địa Mỹ”.

Dưới đây là một số vấn đề được đưa ra sau vụ phóng tên lửa, và những gì Bình Nhưỡng và thế giới bên ngoài bình luận về chúng, theo tổng hợp của hãng thông tấn Pháp AFP:

Tầm bắn

Bình Nhưỡng tuyên bố rằng tên lửa Hwasong-15 đã đạt đến độ cao 4.475 km trước khi đáp xuống bờ biển cách khu vực phóng khoảng 950 km về phía Đông. Theo Bình Nhưỡng, “ICBM Hwasong-15… có khả năng tấn công toàn bộ lục địa Mỹ”.

Hình ảnh vụ phóng tên lửa Hwasong 15 hôm 30/11 do hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cung cấp (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Hình ảnh vụ phóng tên lửa Hwasong 15 hôm 30/11 do hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cung cấp (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Trong khi đó, David Wright, nhà khoa học kỳ cựu và là đồng giám đốc Liên minh các Nhà khoa học Liên quan, khẳng định các con số này cho thấy nếu tên lửa được phóng ở quỹ đạo thường thay vì quỹ đạo võng lên này, nó sẽ có tầm bắn hơn 13.000 km. Ông Wright nói: “Tên lửa như vậy sẽ có tầm bắn xa, đủ để bắn tới bất kỳ nơi nào trên lục địa Mỹ”.

Độ tin cậy

Triều Tiên khẳng định tên lửa Hwasong-15 có thể mang theo “đầu đạn có trọng lượng khổng lồ” và đưa nó tới mục tiêu. Sau khi bay trong 53 phút theo quỹ đạo được định vị trước, tên lửa này đáp xuống chính xác mục tiêu dưới biển được vạch sẵn.

Sau khi bay trong 53 phút theo quỹ đạo được định vị trước, Hwasong-15 đáp xuống chính xác mục tiêu dưới biển được vạch sẵn. 

Mức độ chính xác của tên lửa bởi chế độ kiểm soát đường hướng và hiệu chỉnh tốc độ trong quá trình bay, và độ chính xác khi vận hành động cơ đẩy đã được xác nhận. Tên lửa này được phóng từ phương tiện phóng 9 trục mới được chế tạo trong nước và lớn hơn tất cả các phương tiện phóng từng được sử dụng trước đây.

Scott Lafoy, nhà phân tích tại trang tin NKNews, cho biết phương tiện phóng này dường như là phương tiện chở-dựng-phóng tên lửa (T/E) mà có thể vừa đưa tên lửa vào bệ phóng, vừa nâng nó thẳng đứng.

Ông nói: “Điều này đồng nghĩa rằng phương tiện này kéo tên lửa lên thiết bị đặc biệt, dựng thẳng chúng lên, bắn khỏi bệ phóng và rời đi”. Đây là một quá trình tương đối kéo dài.

Những vụ phóng tên lửa quy mô của Triều Tiên trong năm 2017
Những vụ phóng tên lửa quy mô của Triều Tiên trong năm 2017

Về tải trọng mang theo của tên lửa này, nhà khoa học David Wright đã bày tỏ nghi ngờ về việc Triều Tiên đã miêu tả thiết bị hạt nhân bằng cụm từ “đầu đạn có trọng lượng khổng lồ”.

Ông nói: “Nếu xét đến sự mở rộng của tầm bắn, có vẻ như tên lửa này chỉ mang theo đầu đạn mô phỏng rất nhẹ. Nếu đúng như vậy, điều đó đồng nghĩa rằng nó không có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân bay được tầm xa như vậy, bởi đầu đạn như vậy sẽ có trọng lượng nặng hơn rất nhiều”.

Công nghệ hồi quyển

Triều Tiên trước đây từng tuyên bố rằng họ đã làm chủ công nghệ tiên tiến cần thiết để bảo vệ đầu đạn trước nhiệt độ cao khi tên lửa quay trở lại Trái Đất từ không gian. Họ nói rằng vụ thử hôm 29/11 đã cho thấy điều đó một lần nữa. Bình Nhưỡng khẳng định: “Vụ phóng thử đã xác nhận một lần nữa công nghệ kiểm soát và ổn định hóa, công nghệ phân đoạn và khởi động cũng như công nghệ hồi quyển cho đầu đạn”.

Giới quan sát nhấn mạnh rằng đầu mũi của tên lửa mới khá tròn, không giống đầu mũi nhọn của hai ICBM Hwasong-14 mà Triều Tiên từng thử nghiệm hồi tháng 7/2017, điều cho thấy nỗ lực làm chủ công nghệ hồi quyển của họ.

“Chúng ta cần chứng kiến thêm nhiều vụ thử nữa để thấy được phương thức vận hành và độ tin cậy của tên lửa”

Tuy nhiên, một quan chức Mỹ, yêu cầu giấu tên, phát biểu với hãng tin AFP rằng tên lửa Hwasong-15 đã được phóng lên và rơi xuống ở độ dốc lớn, bởi vậy nó sẽ không gặp phải ma sát với không khí như khi được bắn ở quỹ đạo vòng cung thấp hơn.

Chuyên gia Michael Elleman của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cũng đồng tình với điều này. Ông nói: “Chúng ta cần chứng kiến thêm nhiều vụ thử nữa để thấy được phương thức vận hành và độ tin cậy của tên lửa này, và hiện vẫn chưa rõ có phải các kỹ sư Triều Tiên đã nỗ lực chứng tỏ tính hiệu quả của phương tiện phóng trở lại Trái Đất của tên lửa hay không”.

Người dân Triều Tiên tham gia các cuộc míttinh mừng các cuộc phóng tên lửa thành công (Nguồn: KCNA/Yonhap/TTXVN)
Người dân Triều Tiên tham gia các cuộc míttinh mừng các cuộc phóng tên lửa thành công (Nguồn: KCNA/Yonhap/TTXVN)