Bóng My độc hành qua gió lửa

Cuối cùng, chuyến “Độc Hành” đầu tiên đã kết thúc. Những tràng pháo tay nổ ran miên man trong thính phòng Nhà hát Lớn là sự tưởng thưởng xứng đáng cho sự hy sinh của nghệ sỹ dương cầm Phó An My. Cô đã rất đơn độc trong tư duy nghệ thuật của mình nhưng đó là sự đơn độc kiêu hãnh của một con sói luôn hướng mình về một vầng trăng nghệ thuật tinh túy, thuần khiết và kiêu sa.

Một hiện tượng lạ lùng và độc nhất

Nghệ thuật vốn rất vô dụng khi bản thân nghệ thuật không có tác dụng cải biến xã hội. Tuy nhiên, nghệ thuật lại dẫn dắt tâm hồn con người hướng đến những giá trị đẹp đẽ, dù mơ hồ và mong manh. Tiếng dương cầm của Phó An My cũng vậy, nó là ánh trăng giữa muôn trùng đèn cao áp của một xã hội tinh thần đang bị “đô thị hóa” khốc liệt.

My đến với âm nhạc không phải vì tiền hay sự hãnh tiến của gia đình. Piano là tiếng lòng của cô chứ không phải đồ trang sức. Sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà thấm đẫm âm nhạc, tự nhiên những âm thanh đầy nhạc tính thẩm thấu vào da thịt cô, chảy trong huyết mạch và tuôn chảy khỏi 10 đầu ngón tay.

Tuổi niên thiếu lầm lũi xách vali sang Đức để học chơi đàn. Tuổi thơ đầy đứt quãng với nguồn cội đó đâu phải để sau này sống trong nhung lụa và danh vọng. Đó là sự hiến thân vì niềm đam mê, vì chữ “Nghiệp” vốn nặng trĩu trên vai như cây thánh giá trên con đường nắng cháy và đầy sỏi đá.

Nghệ sỹ Phó An My thăng hoa trên sân khấu. (Nguồn: Vietnam+)
Nghệ sỹ Phó An My thăng hoa trên sân khấu. (Nguồn: Vietnam+)

Mải miết học đàn, thâm nhập vào vào thế giới của thanh âm, My càng ngộ ra rằng âm nhạc vốn dĩ không được hèn kém, không được nhợt nhạt và càng xa lạ với bạc tiền phù hoa. Chính vì thế, lúc nào trong suy nghĩ của mình, My cũng coi âm nhạc là cuộc chơi chứ không phải cuộc làm ăn.

Thế nên, tên tuổi của My không dính dáng gì tới những sự kiện âm nhạc đình đám, ngồn ngộn ngôi sao và bề bộn bạc tiền. Cô có thể chơi nhạc thâu đêm suốt sáng để phục vụ đám “thính giả” thân thiết nhưng cảm được tiếng đàn của cô, chứ không chịu gật đầu vác đàn biểu diễn cho các sự kiện vốn chỉ cần “đánh bóng” cho thêm phần sang trọng.

Bởi tiếng đàn của My cũng như bản ngã của cô: kiêu hãnh, bất cần và duy mỹ. Một người bạn thân thiết của My đã mô tả đó là “tiếng dương cầm bão tố.” Khi My chơi đàn, cô là Đấng Tạo hóa vẫy tay khởi sinh một cơn bão âm thanh. Tiếng đàn đó dù lúc réo rắt, du dương nhưng ẩn chứa một khối năng lượng cực mạnh, đủ cuốn phăng mọi “tâm viên, ý mã” khỏi tư tưởng của người nghe, để nó độc chiếm trí não.

Nhìn My sau một trận đàn, cũng tả tơi, bần thần như vườn cây sau cơn bão. Mệt mỏi, rã rời, khắp cơ thể là những điểm mỏi. Cô ngồi bất động, mặc cho thần xác bị chính âm nhạc của cô thổi bay về miền trời nào vậy. Dẫu vậy, trong tâm hồn, cô rất thanh thản và tràn đầy hoan lạc vì đã đạt đến điểm giác ngộ của quá trình thiền định bằng âm nhạc.

Những điểm đó, đã tạo nên một Phó An My rất đặc biệt và độc nhất. Cô trở nên dị biệt với nền nghệ thuật đại khái và hào nhoáng. Nhưng như đã nói, không độc đáo, không “cá tính ầm ầm” thì đâu phải Phó An My.

(Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh)
(Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh)

Những cuộc chơi miên man

Phó An My thấm âm nhạc phương Tây từ trang giấy trắng. Cả 2/3 cuộc đời của mình, My sống với tiếng dương cầm. Nhưng cô lại ghét những lối mòn trong suy nghĩ về âm nhạc phương Tây ở Việt Nam. Âm nhạc với cô phải đậm chất Việt, bởi đấy mới là sự sáng tạc, tìm tòi và vận dụng kiến thức âm nhạc phương Tây vào quá trình phát triển âm nhạc Việt Nam.

Chính vì thế, khi được mời đến tham dự Festival Huế năm 2006, cô đã nghĩ ngay đến chuyện thử nghiệm phương pháp tư duy âm nhạc mới: dùng khí nhạc phương Tây đối thoại với dòng nhạc truyền thống của Việt Nam. Đấy là điều mà chưa một nghệ sỹ Việt Nam nào suy nghĩ một cách nghiêm túc và hiện thực hóa nó.

Với My, cùng một câu chuyện được kể bằng âm nhạc, nhưng cách kể chuyện đan xen giữa khí nhạc phương Tây và nhạc cụ Việt Nam đem đến một trải nghiệm rất mới và để tất cả cùng thấy rằng: Ồ thì ra dẫu trạng thái sướng, vui, buồn, lo… trên dương cầm có thể khác với âm thanh của đàn nhị, đàn bầu… nhưng vẫn gặp nhau ở điểm lớn nhất là diễn tả được cảm xúc con người.

Và My đã làm được điều đó. Với phím dương cầm, My giúp những thính giả phương Tây thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của một làn điệu chèo, một điệu ca trù, một trích đoạn tuồng; hoặc đối đáp đập nhả cùng nhạc cụ truyền thống Việt Nam trong một bài hát của Trịnh Công Sơn; hoặc mô phỏng âm nhạc đó, âm thanh của nhạc cụ đó bằng tiếng dương cầm.

Nghệ sỹ Phó An My với “Gió.” (Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh)
Nghệ sỹ Phó An My với “Gió.” (Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh)

Và thế là, Phó An My đã thu hút được sự chú ý của thế giới với âm nhạc Việt Nam, phô bày được vẻ đẹp của linh hồn của âm nhạc nước mình và quan trọng nhất là định hình được sự nhận diện âm nhạc Việt Nam trong tư tưởng của người phương Tây.

Từ những suy nghĩ về cách thể nghiệm âm nhạc mới nảy sinh tại Festival Huế cách đây hơn 10 năm, Phó An My đã mạnh dạn đưa lên thánh đường nhạc giao hưởng thính phòng những thứ tưởng như vô cùng xa lạ và không thể hoà nhập như chầu văn, tuồng và chèo.

Năm 2011, Phó An My đã tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên giữa khí nhạc phương Tây, piano với hát văn trong diễn xướng hầu đồng, một môn nghệ thuật vốn bị coi là “bóng tối” bởi định kiến “mê tín, dị đoan.” Và “Bóng” đã gây một tiếng vang rất lớn, một cuộc đối thoại đẹp đẽ và đầy gợi mở.

Ngồi thưởng thức “Bóng,” gần như không thể tìm thấy sự dị biệt giữa khí nhạc phương Tây và khí nhạc Việt Nam, giữa piano và đàn nhị, phách. Tiếng piano của My vẫn bão tố như mọi khi nhưng nó tạo thành một nền tảng nghiêm túc, đĩnh đạc để chất nỉ non của đàn nhị và tiếng hát cung văn thăng hoa. Một giá hầu đồng đậm chất nghệ thuật và độc nhất vô nhị.

Sau “Bóng” và đối thoại với “Lửa” của tuồng và “Gió” của chèo. Dù là loại hình nào, Phó An My không hề phá cách, lai tạp chúng mà cô nghiên cứu rất sâu về những loại hình nghệ thuật truyền thống để tìm cách đối thoại. My không phá vỡ những cốt lõi tinh túy mà giữ nguyên bản tối đa.

Như thế, hồn cốt của âm nhạc Việt Nam được phô bày đầy đủ, thậm chí, được khuếch tán mạnh mẽ hơn để thế giới có thể cảm nhận được một cách dễ dàng nhất. Nhưng dẫu sao, để có những màn đối thoại này, Phó An My quá lạnh lùng và liều lĩnh. Song nhưng như đã nói: Đấy chỉ là những cuộc chơi mà. Đúng hay sai đâu quan trọng gì. Thế mà lại thành công mới hay.

Nghệ sỹ Phó An My với “Tuồng.” (Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh)
Nghệ sỹ Phó An My với “Tuồng.” (Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh)

Thấy gì sau chuyến độc hành?

Con người Phó An My khó mà ru rú trên vinh quang đã đạt được. Bước chuyển mình luôn thôi thúc trong tâm trí và những đầu ngón tay cô. Chúng không quen chạy những nốt nhạc cũ kỹ. Và cô lại tìm tòi những thể nghiệm mới. Độc thoại thay vì đối thoại. Một cuộc độc hành.

Nếu như khí nhạc phương Tây đã đối thoại được với âm nhạc và khí nhạc truyền thống Việt Nam rồi thì dùng nó để diễn xướng sẽ ra sao? Liệu âm thanh của dương cầm có tái hiện được tiếng đàn tính tẩu và những làn điệu hát Then, hát Cọi của âm nhạc Tày-Nùng hay không? Đó là một suy nghĩ đột phá và vô cùng mạo hiểm. Nhưng như Lỗ Tấn đã nói: “Trước làm gì có đường, người ta đi mãi rồi thành đường.” Phó An My lại liều mình làm Ngu Công chuyển núi để mở con đường âm nhạc mới.

Cô ngồi giữa những âm thanh của Tính Tẩu, lắng nghe tiếng hát Cọi, hát Then vời vời giữa núi rừng Tây Bắc, cô ghi nhận âm thanh của rừng già, của suối chảy róc rách, của tiếng chân thú rừng đạp vỡ lá khô, của tiếng lục lạc đồng dẫn linh hồn người chết trên hành trình về với Then…

Phó An My rất đơn độc trong tư duy nghệ thuật nhưng đó là sự đơn độc kiêu hãnh của một con sói luôn hướng về một vầng trăng nghệ thuật tinh túy, thuần khiết và kiêu sa

Sau bao nghiền ngẫm, chắt lọc, My đã cảm được tinh hoa của âm nhạc Tày-Nùng và tái hiện chúng một cách đầy đủ giữa thính phòng của Nhà hát Lớn (Hà Nội). Và tất cả những ai có mặt trong chuyến “Độc Hành” này của My, đều cảm nhận rõ điều đó.

Tiếng đàn của My lúc róc rách như tiếng cọn nước trên suối vắng, lúc rầm rập như cơn mưa rừng dữ dội với những tiếng sấm sét chát chúa rạch nát đại ngàn. Tiếng contrabass của nghệ sỹ trẻ Đỗ Hải Nam là thở dài của rừng sâu núi thẳm, là sắc trầm đục của màu áo chàm, là tiếng nỉ non khóc lóc tiễn đưa linh hồn người đã mất.

Và những âm thanh từ bộ gõ của Trần Xuân Hòa mới ấn tượng làm sao. Âm thanh của lửa cháy, của những lễ hiến tế Then đầy sùng kính, là tiếng gầm của núi đồi, là tiếng hoẵng tác trong đêm khuya, là cơn “cực khoái” của mùa ái ân nam nữ.

Tất cả đã hòa quyện, bổ khuyết, nâng đỡ cho nhau một cách hoàn hảo, mà qua đó toàn bộ tinh thần và sắc thái âm nhạc của người Tày-Nùng được tại hiện một cách chân thực. Khó có thể hết cảm xúc của những thính giả ngồi chứng kiến chuyến độc hành mới mẻ, rung động và đầy tính gợi mở này.

Âm nhạc Việt Nam có lẽ tìm được cách hướng ngoại từ thử nghiệm của Phó An My. Những nhà soạn nhạc sẽ quốc tế hóa được âm nhạc truyền thống Việt Nam trên nền khí nhạc phương Tây và trình diễn nó ở khắp nơi. Viễn cảnh đó tuy xa nhưng rất khả thi, nếu chúng ta tiếp tục đào sâu lối suy nghĩ mới của Phó An My.

Thành công hay thất bại cách nhau một lằn chỉ mong manh như tơ trời, nhất là với những thử nghiệm mới. Nhưng tiếng vỗ tay hoan hỉ, dằng dặc ở cuối đêm diễn đã chứng minh rằng, con đường mới của Phó An My không hề đơn độc. Cô đã đúng với trải nghiệm đầu tiên của mình.

Cuộc “Độc Hành” này vừa kết thúc, nhưng nó lại hoài thai cho những chuyến độc hành mới của Phó An My, cho đến khi nào cô lại làm chán và rẽ sang một cánh rừng mới.

Hạnh phúc khi có kẻ tri âm

Phó An My có động lực để khám phá khả năng của mình. Nhưng có lẽ cô sẽ không thành công trong những cuộc chơi nếu thiếu đi một kẻ tri âm: Đặng Tuệ Nguyên, một nhà soạn nhạc còn rất trẻ và cũng ham chơi, liều lĩnh như Phó An My.

Âm nhạc là sợi dây kết nối khiến Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên trở thành cặp chị em tri kỷ. My có ý tưởng, Nguyên có khả năng biến ý tưởng thành hiện thực. Giữa họ là mối đồng tâm để người này có thể cảm được khát vọng của người kia, để đồng thanh tương ứng trong những cuộc chơi âm nhạc miên man.

Âm nhạc của Tuệ Nguyên là âm nhạc của Phó An My. Tiếng đàn của Phó An My là tiếng hát của Tuệ Nguyên. Họ là thể xác và linh hồn của nhau trên đường đời vạn nẻo. Từ những thử nghiệm sơ khai như Phiêu Thanh, Bồng Bềnh, Khởi Nguyên, đến những công trình nghiêm túc như “Bóng,” “Lửa,” “Gió” và bây giờ là “Độc Hành,” Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên không thể thiếu nhau.

Và một kẻ tri âm nữa của Phó An My, người luôn đứng trong bóng tối: Đặng Xuân Trường – chuyên gia thiết kế sân khấu và ánh sáng cho những cuộc chơi của nữ nghệ sỹ dương cầm. Không có nhân vật này, những ấn tượng thị giác, ví dụ như 3 thế giới Thiên-Thần-Nhân trong “Bóng” chẳng hạn, cũng chẳng thể khiến khán giả ghi hằn trong vỏ não đến thế.

Và cũng còn rất nhiều những nhân vật khác, những người âm thầm cổ vũ, khích lệ và tán thưởng cho cơn điên nghệ thuật của Phó An My. Đấy chính là niềm hạnh phúc và phần thưởng lớn nhất cho My.

Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng bạn bè. Thế nên, Phó An My không thể thiếu được những tri âm để cùng đồng hành, dẫu rằng đó là những chuyến độc hành./.

(Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh)
(Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh)