Việt Nam

Ngày 29/12/1987, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tạo ra một kênh mới huy động vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Sau 30 năm “đón” vốn FDI, nước ta đã thu hút 24.397 dự án FDI (còn hiệu lực) với tổng số vốn đăng ký 312,91 tỷ USD, trong đó tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 169,05 tỷ USD.

Những hành động kịp thời từ Đảng, Chính phủ

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng của Việt Nam. Không chỉ có nhiều lợi thế và môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam đã viết tiếp câu chuyện thành công trong thu hút FDI bằng cam kết mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng cấu thành của nền kinh tế, đồng thời xem FDI là một nhân tố quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế và tăng sức cạnh tranh quốc gia.

Hơn 30 năm qua, Đảng, Nhà nước ta nỗ lực đổi mới, triển khai lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có quyết tâm quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ Việt Nam cam kết và hành động nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như không ngừng cải thiện khuôn khổ luật pháp và thể chế phục vụ cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Một trong những hành động gần nhất thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam là ngày 2/2/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Trước đó, ngày 22/11/2016, Quốc hội ban hành Luật sử đổi, bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017); ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Ngoài ra, Dự án Cơ chế kết nối một cửa quốc gia gồm 10 cơ quan Bộ kết nối với 31 thủ tục, trên 90.000 bộ hồ sơ và 60.000 doanh nghiệp tham gia đã thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, phấn đấu đạt được mục tiêu ngang bằng 4 nước hàng đầu trong ASEAN. Với quyết tâm cao từ Chính phủ, sự nỗ lực vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, hàng nghìn thủ tục hành chính; hàng nghìn điều kiện kinh doanh, giấy phép con quy định tại các thông tư đã được bãi bỏ… tạo lập niềm tin cho khu vực doanh nghiệp.

Hàng nghìn thủ tục hành chính, hàng nghìn điều kiện kinh doanh, giấy phép con quy định tại các thông tư đã được bãi bỏ…

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam ưu tiên hướng vào nguồn vốn FDI “chất lượng cao”, cụ thể là các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; dứt khoát từ chối những dự án có công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm…

Thời gian tới, công tác xúc tiến đầu tư sẽ được nâng lên một bước, tinh lọc hơn; tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia và có sức lan tỏa rộng để kết hợp với mục tiêu thu hút vốn gắn liền với sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là vấn đề chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới…

Ngoài ra, nước ta còn tận dụng triệt để những ưu thế để thu hút FDI. Đó là chính trị và xã hội ổn định; nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, lực lượng lao động trẻ và có tri thức; Tiềm năng thị trường với sự tăng trưởng của người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thị trường đầy hứa hẹn cho sự phát triển công nghệ cao; Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước phát triển; Nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang được xây dựng như năng lượng, điện, đường xá góp phần hoàn thiện hơn điều kiện vật chất, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Với những đổi mới trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam đã trở thành miền đất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Công nhân tại xưởng sản xuất trong khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Công nhân tại xưởng sản xuất trong khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

FDI – một đòn bẩy tăng trưởng kinh tế

30 năm là thời gian đủ dài để khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ mở cửa để hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có thu hút vốn đầu tư nước ngoài là đúng đắn và kịp thời.

Nhìn lại hành trình thu hút FDI của Việt Nam, có thể thấy, nếu như 3 năm đầu 1988-1990 là thời gian khởi động của dòng chảy FDI vào Việt Nam, thì bắt đầu từ năm 1991 đến nay, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài đã trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo Tổng cục Thống kê, nếu như năm 1992 khu vực FDI chỉ đóng góp 2% vào GDP Việt Nam, thì đến năm 2016 là con số này đã là 20%.

Trong 26 năm, từ năm 1991 đến năm 2016, Việt Nam đã thu hút được 151,39 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Tính bình quân, mỗi năm giai đoạn 1991-2000 giải ngân đạt 1,95 tỷ USD, 10 năm tiếp theo đạt 5,85 tỷ USD, 6 năm 2011-2016 là 12,24 tỷ USD, bằng 6,2 lần của giai đoạn 1991-2000 và 2,09 lần của giai đoạn 2001-2010.

Đặc biệt, giai đoạn 2011-2016 có thêm nhiều dự án quy mô lớn, với vốn đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao của thế giới, như điện thoại di động, máy tính bảng, hàng điện tử… Một số dự án đầu tư FDI có quy mô lớn như: Dự án nhà máy điện BOT Nghi Sơn 2, công suất 1.200MW, với tổng vốn đầu tư 2,793 tỷ USD; Dự án Samsung Display tại Bắc Ninh với quyết định tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD…

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2017, cả nước có 24.397 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 312,91 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 169,05 tỷ USD.

Tính đến tháng 10/2017 đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 57,1 tỷ USD (chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Nhật Bản và Singapore. Đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 43,3 tỷ USD (chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư), kế tiếp là Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai…

Một điểm sáng rất đáng ghi nhận là, khu vực FDI thời gian qua đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, thực sự được coi là “động lực tăng trưởng của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới”. Khối doanh nghiệp FDI đã góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta.

Năm 2016, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó dầu khí, điện tử, linh kiện điện tử, thiết bị di động, thức ăn gia súc, đồ uống… có tỷ trọng cao hơn nhiều. Khu vực này năm 2016 cũng đã đóng góp trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó chủ lực là các mặt hàng chế biến, chế tạo, có giá trị gia tăng cao. Nhờ vậy, khu vực FDI không những bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD, đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.

Đối với những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa (ở miền Bắc); Bình Dương, Đồng Nai (ở miền Nam) thì đóng góp của khu vực FDI còn lớn hơn, góp phần làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của từng tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển có hiệu quả cao, người dân trong vùng trở nên giàu có hơn các địa phương lân cận. Điển hình là Bắc Ninh, nhờ thu hút có hiệu quả FDI mà chỉ trong vòng 5 năm gần đây đã biến đổi cơ bản, từ tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp, hiện nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 82% cơ cấu kinh tế.

Công nhân Công ty TNHH sợi dệt nhuộm YULUN (vốn đầu tư của Trung Quốc) hoạt động  tại Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Công nhân Công ty TNHH sợi dệt nhuộm YULUN (vốn đầu tư của Trung Quốc) hoạt động tại Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Sở dĩ có được những kết quả trên, trước hết là do Việt Nam được đánh giá là quốc gia có môi trường đầu tư ổn định. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục cao trong suốt hơn 20 năm qua, là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới duy trì tăng trưởng kinh tế dương liên tục. Đặc biệt sau khi nền kinh tế toàn cầu chịu tác động của khủng hoảng, Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia được đánh giá cao về môi trường đầu tư ổn định.

Ta có thể lấy ví dụ về mức độ tín nhiệm của các nhà đầu tư Nhật Bản về môi trường đầu tư ở Việt Nam. Ngày 14/2/2017, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố kết quả “Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam” năm 2016. Theo đó, 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng. Trong đó, 88% doanh nghiệp cho biết lý do mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam là “tăng doanh thu”. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, 63% doanh nghiệp mở rộng hoạt động vì “khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao”. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời “có lãi” chiếm 62,8% (tăng 4 điểm % so với năm trước 2015).

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố ngày 27/9/2017, Việt Nam đã tăng lên hạng 55 trong tổng số 137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Còn theo Báo cáo Chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới công bố vào ngày 31/10/2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam được ghi nhận là có sự cải thiện mạnh mẽ nhất từ năm 2007 đến nay, tăng 14 bậc, từ vị trí 82/190 năm 2016 lên 68/190.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam được ghi nhận là có sự cải thiện mạnh mẽ nhất từ năm 2007 đến nay, tăng 14 bậc, từ vị trí 82/190 năm 2016 lên 68/190.

Hiện cả nước có gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Riêng năm 2016, lần đầu tiên, số doanh nghiệp thành lập mới tại Việt Nam đạt con số kỷ lục với hơn 110.000 doanh nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp, với yêu cầu là không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp cũng phải được cải thiện mạnh mẽ.

Ngoài ra, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cụ thể là việc Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Có thể thấy, các nhà đầu tư từ châu Á chiếm ưu thế trong các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam là do tác động trực tiếp của các FTA này. Đặc biệt, việc đăng cai tổ chức Năm APEC Việt Nam 2017 cũng là một cơ hội lớn, nếu biết tận dụng tốt sẽ thu hút mạnh mẽ đầu tư vào Việt Nam.

Đánh giá về triển vọng môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã có những bước đi vững vàng, đã nỗ lực thay đổi chính sách, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và đã có những vùng kinh tế phát triển bền vững. Việt Nam cũng có sự định hướng rõ ràng và quan trọng trong việc phát triển kinh tế, đã chú trọng vào việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn FDI để từ đó có sự thay đổi đáng kinh ngạc. Điều này khẳng định vị thế của Việt Nam trên thương trường. Ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh với chính sách này, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và trong những năm tới.

Với kế hoạch hành động cụ thể và những cam kết thay đổi mạnh mẽ từ Chính phủ, Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời là nơi có môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng đối với các nhà đầu tư trong nước./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)