Chủ nghĩa dân tộc Catalonia

Căng thẳng gia tăng giữa chủ nghĩa dân tộc Catalonia và nhà nước Tây Ban Nha giống như một cuộc chạm trán giữa một lực không thể ngăn cản và một vật không thể lay chuyển. Xung đột sắp diễn ra đã tạm thời được đẩy lùi bởi quyết định của Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont tạm ngừng tuyên bố độc lập theo sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 1/10, trong đó đa số đã bỏ phiếu ủng hộ tách khỏi Tây Ban Nha (Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân này là bất hợp pháp). Tờ Ara của phe ly khai đã dự báo nền độc lập sắp tới là “một bước nhảy dần dần” vào bóng tối, một nhận định rõ ràng không có sự mỉa mai nào.Khó có thể dự báo điều gì sẽ xuất hiện từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Xét tới sự không nhân nhượng về chính trị của Chính phủ Tây Ban Nha, và mong muốn của nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại Catalonia muốn ở lại Tây Ban Nha, Chính quyền Catalonia có thể không có khả năng hiện thực hóa cam kết của họ là thiết lập một nhà nước-quốc gia độc lập.Nhưng đồng thời, phản ứng mạnh tay của Madrid đối với cuộc trưng cầu ý dân đã dẫn tới việc nhà nước Tây Ban Nha đánh mất tính hợp pháp trong lòng rất nhiều, nếu không muốn nói là phần lớn, người dân Catalonia. Sự chia rẽ bên trong và giữa xã hội Catalonia và xã hội Tây Ban Nha đã được nới rộng.

Cuộc khủng hoảng này là cuộc đối đầu mới nhất trong một loạt cuộc đối đầu giữa Tây Ban Nha và Catalonia bắt nguồn từ cách đây ít nhất 300 năm.

Nó có sự tương đồng với cuộc xung đột diễn ra không liên tục và đôi khi bạo lực giữa Tây Ban Nha và phe dân tộc chủ nghĩa ly khai từ xứ Basque, vốn cũng bị nhà nước Tây Ban Nha cấm tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập vào năm 2008. Nhưng tại sao chỉ riêng Tây Ban Nha mới chứng kiến sự phát triển của các chủ nghĩa dân tộc khu vực mạnh mẽ như vậy?

Các quả bom của Tây Ban Nha

Câu chuyện kể về sự đàn áp Catalonia dưới bàn tay của Madrid bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước. Sự kiện mang tính biểu tượng trong câu chuyện này là thất bại của Catalonia dưới tay các vị vua nhà Bourbon trong cuộc Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha. Khi đó là một bộ phận của Vương triều Aragon, Catalonia đã ủng hộ triều đình Habsburg chống lại nhà Bourbon. Sự kiện nhà Bourbon chiếm được Barcelona năm 1714 đã dẫn tới việc áp đặt quyền kiểm soát của trung ương và việc Catalonia đánh mất quyền tự trị.

Bức tranh mô tả cuộc vây hãm chiếm Barcelona tháng 9/1714 của liên quân Pháp-Tây Ban Nha thuộc nhà Bourbon. (Nguồn: barcelonas.com)
Bức tranh mô tả cuộc vây hãm chiếm Barcelona tháng 9/1714 của liên quân Pháp-Tây Ban Nha thuộc nhà Bourbon. (Nguồn: barcelonas.com)

Thế nhưng tuyên bố ngầm rằng có một bản sắc Catalonia bị đàn áp trong nhiều thế kỷ che đậy các câu hỏi về tầng lớp xã hội cũng như nhiều hình thái khác nhau của chủ nghĩa dân tộc Catalonia trong những năm qua, từ chủ nghĩa liên bang tới sự khẳng định rằng Catalonia là một mô hình thay thế cho một Tây Ban Nha suy tàn. (Joan Maragall, nhà văn và nhà ái quốc Catalonia vào cuối thế kỷ 19, đã gọi Catalonia là “Tây Ban Nha đích thực”).

Thay vì vậy, nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc hiện đại Catalonia nằm ở lịch sử kinh tế thời hiện đại của Tây Ban Nha. Như tại nhiều quốc gia ở Trung Âu, Đông Âu và Nam Âu, tiến trình hiện đại hóa kinh tế và xã hội tại Tây Ban Nha diễn ra chậm chạp và không đồng đều. Các khu vực đầu tiên của Tây Ban Nha bắt đầu hiện đại hóa vào đầu thế kỷ 19 là xứ Basque và Catalonia, 2 khu vực ngoại vi có ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc khác biệt rõ rệt so với các vùng còn lại của Tây Ban Nha.

Không giống như Pháp, nơi một nhà nước trung ương hùng mạnh đã có thể sử dụng chiến tranh và giáo dục để biến sự đa dạng về sắc tộc và ngôn ngữ thành một bản sắc quốc gia chung, nhà nước yếu ớt của Tây Ban Nha không thể dễ dàng khẳng định tính hợp pháp hay bảo đảm sự gắn kết trong toàn xã hội. Thay vào đó, các nhà cai trị tại Madrid đã dựa vào một liên minh với các giới tinh hoa ở khu vực ngoại vi để thực thi thẩm quyền.

Quan hệ đối tác đó đã bắt đầu tan vỡ tại Catalonia sau cái gọi là Thảm họa năm 1898, khi Tây Ban Nha bị buộc phải nhượng lại các thuộc địa hải ngoại cuối cùng và quan trọng nhất của nước này – bao gồm Cuba, Philippines và Puerto Rico – cho Mỹ.

Sự kiện nhà Bourbon chiếm được Barcelona năm 1714 đã dẫn tới việc áp đặt quyền kiểm soát của trung ương và việc Catalonia đánh mất quyền tự trị.

Giới tinh hoa kinh tế của Catalonia, cụ thể là các ông trùm ngành dệt, đã hưởng lợi rất lớn từ hàng xuất khẩu sang các thuộc địa. Sau khi Tây Ban Nha đánh mất các thuộc địa này, họ bị một tầng lớp trung lưu chuyên nghiệp mới nổi vượt qua, những người mất kiên nhẫn với tình trạng lạc hậu của Tây Ban Nha khi so sánh với Catalonia và hăng hái muốn thiết lập quyền tự trị, nếu không muốn nói là nền độc lập, cho khu vực.

Quyền tự trị cuối cùng được đưa ra đàm phán vào năm 1932 dưới thời Đệ nhị Cộng hòa, theo sau một chế độ độc tài quân sự trong những năm 1920 mà xuất hiện một phần để đập tan chủ nghĩa ly khai Catalonia. Cuộc đảo chính quân sự năm 1936, mà đã dẫn tới cuộc Nội chiến Tây Ban Nha và sự kiện các lực lượng dân tộc chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Tướng Francisco Franco lật đổ nền cộng hòa, cũng một phần được thúc đẩy bởi mong muốn của phe Franco khôi phục một nhà nước nhất thể và áp đặt một bản sắc quốc gia duy nhất bằng vũ lực.

Thế kỷ 20 đã chứng kiến sự phát triển hơn nữa của những vấn đề gây chia rẽ này. Trong những năm đầu dưới sự cai trị độc tài của Franco, nhà nước Tây Ban Nha đã giáng cái không khác gì một cuộc diệt chủng về văn hóa vào Catalonia, phá hủy các thể chế và đoàn thể có liên hệ tới bản sắc Catalonia và đẩy ngôn ngữ Catalonia vào phạm vi cá nhân. Sự đàn áp của Madrid đối với nền dân chủ và sự phản kháng trong thời kỳ này vẫn là điểm tham chiếu quan trọng nhất đối với chủ nghĩa dân tộc Catalonia hiện nay. Đối với nhiều người dân Catalonia lớn tuổi hơn, hành vi bạo lực của cảnh sát Tây Ban Nha trong cuộc trưng cầu ý dân gần đây – tấn công cử tri bằng dùi cui và đạn cao su – đã gợi lại các hồi ức mãnh liệt về sự đàn áp thời Franco.

Những thất vọng về nền dân chủ

Sự chuyển tiếp của Tây Ban Nha từ nền độc tài sang nền dân chủ vào giữa những năm 1970 ban đầu được dánh dấu bởi các cuộc phản kháng lan rộng trong xã hội chống lại nền độc tài, trong đó đòi hỏi về các quyền của Catalonia đã đóng một vai trò quan trọng. Thế nhưng các điều kiện để dân chủ hóa đã phản ánh thực tế rằng vào thời điểm đó, phe cải cách bên trong chế độ độc tài vẫn kiểm soát các cơ cấu của quyền lực nhà nước. Vì thế, thỏa thuận mà là kết quả của quá trình chuyển tiếp này đã không đáp ứng được các khát vọng của phe dân tộc chủ nghĩa Catalonia và Basque, cũng như các yêu cầu về chính trị và xã hội của các phong trào phản kháng cơ sở.

Dưới thời Đệ nhị Cộng hòa, Tây Ban Nha đã trao quyền tự trị cho các khu vực có sự khác biệt rõ ràng về văn hóa như xứ Basque, Catalonia và Galicia. Thay vì chỉ khôi phục quyền tự trị này, bản hiến pháp dân chủ mới năm 1978 đã làm giảm tầm quan trọng của nó bằng cách trao quyền tự trị cho tất cả các khu vực, một vài trong số đó không có bản sắc hay văn hóa riêng. Phe dân tộc chủ nghĩa Catalonia đã có thêm một nỗi bất bình để so sánh: Các đặc quyền được trao cho xứ Basque và Navarre vào thời Trung Cổ, chẳng hạn quyền thu 100% thuế, được phục hồi tại các vùng đó nhưng lại không được trao cho Catalonia.

Năm 2006, một chiến dịch vận động trong dân chúng để cải thiện các điều khoản trong Quy chế tự trị năm 1979 của Catalonia đã dẫn tới một quy chế mới, được Quốc hội Tây Ban Nha và một cuộc trưng cầu ý dân tại Catalonia thông qua. Điều đáng kể là Catalonia đã được nhắc đến như là một “quốc gia” trong phần mở đầu. Quy chế mới cũng mở rộng các đặc quyền của Catalonia về các mặt như thuế khóa, sự độc lập của bộ máy tư pháp và việc ngôn ngữ Catalonia chính thức được sử dụng.

Thủ tướng Tây Ban Nha hiện nay, Mariano Rajoy, khi đó là lãnh đạo đảng trung hữu Nhân dân, đã phản đối quy chế mới và chuyển nó lên Tòa án hiến pháp. Tòa án ra phán quyết vào năm 2010 rằng một số phần trong quy chế là vi hiến, trong đó có việc mở rộng các quyền tài chính của Catalonia và việc coi vùng này là một quốc gia.

Lá cờ Tây Ban Nha và Catalonia treo trên đỉnh tòa nhà chính quyền Catalonia ở thủ phủ Barcelona, ngày 28/10/2017. (Nguồn: AFP)
Lá cờ Tây Ban Nha và Catalonia treo trên đỉnh tòa nhà chính quyền Catalonia ở thủ phủ Barcelona, ngày 28/10/2017. (Nguồn: AFP)

Sự trỗi dậy của phe dân túy

Hơn bất cứ sự kiện nào khác, phán quyết năm 2010 là một bước ngoặt trong chiến lược của phe dân tộc chủ nghĩa tự do của Catalonia. Dưới thời Thủ hiến Artur Mas (2010-2015), chính sách của họ tìm kiếm quyền tự trị lớn hơn dưới sự bảo hộ của nhà nước Tây Ban Nha đã nhường chỗ cho sự ủng hộ rõ ràng đối với nền độc lập. Sự thay đổi này trong chiến lược là một sự cắt đứt hoàn toàn khỏi truyền thống của giới tinh hoa bảo thủ Catalonia, những người đã dựa vào nhà nước Tây Ban Nha trong quá khứ để bảo vệ lợi nhuận, luật pháp và trật tự.

Sự trỗi dậy của cả các phong trào xã hội lẫn dân tộc chủ nghĩa, bắt đầu từ năm 2010 và thách thức khối cử tri của đảng liên minh của Mas, đã khích lệ hơn nữa sự thay đổi này trong chiến lược.

Một chủ nghĩa dân tộc dân túy mới và mãnh liệt tại Catalonia đã xuất hiện trong các phong trào này. Được thúc đẩy bởi các nhà tổ chức bình thường và các thể chế theo chủ nghĩa dân tộc, chẳng hạn như Omnium Cultural và Assemblea Nacional Catalana (chủ tịch của 2 thể chế này đã bị tống giam vào ngày 16/10 với cáo buộc xúi giục nổi loạn), chủ nghĩa dân tộc mới này đã có thể huy động hàng trăm nghìn người Catalonia thông qua việc sử dụng sáng tạo truyền thông xã hội và sự dàn dựng giàu sức tưởng tượng các cuộc biểu tình đại chúng, chẳng hạn như Via Catalana vào ngày 11/9/2013 – một chuỗi người ủng hộ độc lập xếp thành hàng kéo dài 250 dặm từ đầu này tới đầu kia của Catalonia.

Nó cũng đã thành công trong việc làm chệch hướng và truyền tải một số nỗi bất bình của người dân – từ các vấn đề kinh tế-xã hội như chính sách thắt lưng buộc bụng và tình trạng thất nghiệp tới các vấn đề đạo đức như nạn tham nhũng – vào một câu chuyện kể về tình trạng là nạn nhân dưới bàn tay của giới quyền uy Tây Ban Nha tại Madrid, một vấn đề chỉ có thể được giải quyết thông qua nền độc lập.

Dự án độc lập hiện nay đem lại hy vọng hay ảo tượng về một quốc gia mới được giải thoát khỏi chính sách thắt lưng buộc bụng, tham nhũng và cái mà phe dân tộc chủ nghĩa Catalonia coi là sự đóng góp quá mức của Catalonia đối với phần còn lại của Tây Ban Nha dưới hình thức thuế khóa và các khoản tiền chuyển cho các khu vực ít giàu có hơn.

Tuy nhiên, câu chuyện kể này phớt lờ sự dính líu của giới tinh hoa Catalonia vào các bê bối tham nhũng, cũng như thành tích của phe dân tộc chủ nghĩa Catalonia trong chính phủ khi thay mặt giới tinh hoa kinh tế của cả Tây Ban Nha lẫn Catalonia thực thi các chính sách thắt lưng buộc bụng không được lòng dân. Trong luận bàn về chủ nghĩa dân tộc Catalonia, nền chính trị bản sắc đã vượt qua nền chính trị tầng lớp.

Đã đến lúc thay đổi?

Có một vài vấn đề khác đối với dự án độc lập. Một vấn đề là các cuộc thăm dò đều bộc lộ một sự chia rẽ sâu sắc trong người dân Catalonia về viễn cảnh độc lập.

Theo một cuộc thăm dò vào tháng 6 do cơ quan Centre d’Estudis d’Opinio của Chính quyền Catalonia thực hiện, 41,1% số người được hỏi nói rằng họ muốn Catalonia là một nhà nước độc lập và 49,4% cho biết họ không muốn điều này. Các lý do phản đối nền độc lập bao gồm từ các lo ngại về an ninh kinh tế tới sức mạnh của bản sắc kép Tây Ban Nha-Catalonia tại các khu vực thành thị của Catalonia, nhờ vào làn sóng di cư tới vùng này từ các khu vực khác của Tây Ban Nha trong thời kỳ Franco nắm quyền.

Một vấn đề khác là các đảng phái chính trị chủ đạo của Tây Ban Nha không ủng hộ quyền tự quyết của Catalonia, ngoại trừ đảng dân túy cánh tả Podemos và các đồng minh của đảng này tại Catalonia, chẳng hạn như Catalonia en Comu (một trong các lãnh đạo của đảng này, Ada Colau, là thị trưởng Barcelona), vốn vận động ủng hộ quyền tự quyết nhưng phản đối nền độc lập.

Một thách thức khác là không có một lộ trình rõ ràng và mạch lạc tới nền độc lập, do những khác biệt về ý thức hệ bên trong liên minh cầm quyền của vùng, vốn bao gồm phe trung tả và trung hữu ủng hộ độc lập và dựa vào đảng Candidatura d’Unitat Popular, một đảng nhỏ theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, chống chủ nghĩa tư bản và phản đối giới tinh hoa chính trị Catalonia, để có được đa số trong quốc hội.

Các cuộc thăm dò đều bộc lộ một sự chia rẽ sâu sắc trong người dân Catalonia về viễn cảnh độc lập. 

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thể hiện rõ rằng một Catalonia độc lập sẽ ở bên ngoài EU và cần phải xin gia nhập làm thành viên, mà việc này sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên – trong đó có Tây Ban Nha. Tư cách là một bộ phận của châu Âu đã luôn đóng một vai trò quan trọng trong bản sắc Catalonia. Thế nhưng các nước châu Âu, vốn cảnh giác trước chủ nghĩa dân tộc tại các vùng lãnh thổ trong một quốc gia trên khắp châu lục, không khuyến khích nền độc lập của Catalonia.

Các đề xuất hiện nay cho một lối thoát khỏi thế bế tắc giữa Tây Ban Nha và Catalonia bao gồm đối thoại và hòa giải. Vấn đề là không có sự nhất trí chung về bản chất của vấn đề. Madrid chỉ cởi mở với các cuộc đối thoại về phạm vi của quyền tự trị, trong khi Chính quyền Catalonia lại chỉ chú trọng vào nền độc lập. Hòa giải không thể nào lấp đầy hố sâu ngăn cách này, và Madrid cũng sẽ không chấp nhận sự phân xử của một quốc gia châu Âu đơn lẻ (bản thân Ủy ban châu Âu đã loại bỏ khả năng đứng ra hòa giải) và càng không chấp nhận một ủy ban quốc tế gồm các nhân vật nổi tiếng.

Các ranh giới xung đột giữa Chính quyền Catalonia và Chính quyền Tây Ban Nha đã được vạch ra; với Catalonia có xu hướng hiện thực hóa một tuyên bố độc lập đơn phương, theo sau là các cuộc bầu cử lập hiến, và Tây Ban Nha xem xét một sự can thiệp vào việc điều hành Catalonia theo Điều 155 của hiến pháp nước này – một hành động sẽ kích động bất ổn xã hội lan rộng.

Điều nên rõ ràng là có vài triệu công dân tại Catalonia đang không hài lòng về mối quan hệ của họ với Tây Ban Nha. Một giải pháp lâu dài, nhưng chắc chắn không phải là cuối cùng, cho vấn đề này sẽ bao gồm việc sửa đổi hiến pháp để cho phép quyền tự quyết và cải cách cho phù hợp với các bản sắc và liên kết đang thay đổi. Nếu chúng ta tin vào các cuộc thăm dò ý kiến, nếu quyền này được thực thi một vài tháng trước đó, thì đa số cử tri Catalonia sẽ chọn ở lại Tây Ban Nha./.