Vận hội lớn của đất nước sau 32 năm đổi mới

Sau 32 năm đất nước đổi mới, thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Tầm vóc và ý nghĩa cách mạng sâu sắc của công cuộc đổi mới ở Việt Nam thể hiện ở việc chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Thành tựu đổi mới từ kết hợp nội lực và ngoại lực

Thực tiễn 32 năm đổi mới (bắt đầu từ Đại hội VI năm 1986), với 7 kỳ Đại hội, hai lần ban hành Cương lĩnh và 2 bản Hiến pháp mới, nhận thức của Đảng ta về công cuộc đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước đã có những bước tiến lớn; tiếp tục vận dụng, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Công cuộc đổi mới đã tạo ra bầu không khí dân chủ và cởi mở trong xã hội, đã thiết lập được các cơ chế và chính sách để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân.

Tận dụng lợi thế của một nước đi sau trong tiến trình toàn cầu hóa và vị thế địa-kinh tế nhờ nằm ở trung tâm một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, Việt Nam đã tích cực và chủ động hội nhập quốc tế để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy nguồn lực bên trong, đồng thời huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, phấn đấu để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại thay vì thực hiện tuần tự con đường công nghiệp hóa như nhiều nước đã đi qua.

Hơn ba thập kỷ năm đổi mới, kinh tế của Việt Nam đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Việt Nam đã dần hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.

Thị trường hàng hóa, dịch vụ đã có bước phát triển và hoàn thiện về quy mô, cơ cấu hàng hóa-thị trường trong và ngoài nước, kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, cơ chế quản lý, mức độ cạnh tranh. Tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, đặc biệt là trong vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục.

Nếu như giai đoạn đầu đổi mới (từ năm 1986-1990) tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, thì 25 năm sau đó (1991-2016) nền kinh tế Việt Nam đã đạt bước tiến vượt bậc với những con số tăng trưởng rất ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1991-2016 trung bình gần 7%/năm, trong đó có 3 năm trên 7%, 7 năm trên 8% và 2 năm trên 9% (năm cao nhất là 9,45%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước từ 5.156,4 triệu USD (năm 1991) lên gần 333,06 tỷ USD (năm 2016). Xuất khẩu càphê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản với khối lượng lớn đứng thứ hạng cao trên thế giới.

Tính đến ngày 20/4/2017, cả nước đã có 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 20.000 doanh nghiệp FDI, trong đó có nhiều tập đoàn lớn. Nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam đã khẳng định vị thế trên thị trường thế giới như: Vinamilk, Viettel, Vingroud, Sabeco, FPT, Masan Consumer, Vietnam Airlines, Hòa Phát, Petrolimex…

Từ một nước nông nghiệp thuộc nhóm nghèo của thế giới, với mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người chỉ đạt 188 USD (năm 1991), Việt Nam đã gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình thấp vào năm 2011 và đến năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.215 USD, gấp 11,78 lần so với năm 1991. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt bước chuyển biến ấn tượng, tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam giảm mạnh và liên tục, từ 58,1% năm 1993 xuống 28,9% năm 2002, 14,2% năm 2010 và dự kiến còn 6,9% vào cuối năm 2017. Lạm phát đã được kiềm chế từ 774,7% năm 1986 xuống còn 12% (năm 1995) và từ đó đến nay lạm phát chỉ còn một con số.

Những con số thống kê đã nêu bật thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, làm cho tiềm lực kinh tế của đất nước tăng lên gấp nhiều lần.

Người đi bộ trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)  
Người đi bộ trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)  

Hành trình vươn ra “biển lớn”

Ngay từ Đại hội Đảng VI (năm 1986), Đảng đã chủ trương: Mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đến tháng 5/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 13 về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Liên tiếp các kỳ Đại hội Đảng VII, VIII, IX, X, XI, Đảng ta tiếp tục chủ trương mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.

Tại Đại hội Đảng XII, Đảng ta chủ trương tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các mối quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Có thể khẳng định trong chính sách đối ngoại, chủ trương và định hướng lớn của Đảng và Nhà nước ta là đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại. Đảng ta bắt đầu từ chủ trương “muốn là bạn” đến “sẵn sàng là bạn” và hiện nay “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế. Từ “phá thế bị bao vây, cấm vận” tiến đến “hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới” và tiếp theo là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” một cách toàn diện.

Cầu Nhật Tân - một trong ba cây cầu có số nhịp dây văng lớn nhất thế giới. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Cầu Nhật Tân – một trong ba cây cầu có số nhịp dây văng lớn nhất thế giới. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Qua 32 năm thực hiện đường lối đổi mới, với những thành tựu đạt được trong hoạt động đối ngoại, Việt Nam đã giành những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, quan hệ quốc tế có những thay đổi sâu sắc.

Những dấu mốc đáng nhớ của các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam hơn ba thập kỷ qua có thể kể đến như việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (năm 1991), với Hoa Kỳ (năm 1995), trở thành thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995; gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998; trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, ký Tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) năm 2015…

Quá trình đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã tăng cường hợp tác và đối thoại chiến lược với nhiều đối tác; nâng cấp quan hệ song phương với một số quốc gia thành đối tác chiến lược và đối tác hợp tác toàn diện; đưa quan hệ hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Việt Nam đã chủ động tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, trong xây dựng Cộng đồng ASEAN và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO; kiên trì cùng ASEAN thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 185 nước trong tổng số 193 nước của Liên hợp quốc; thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục

Tại các diễn đàn như ASEM, APEC, Liên hợp quốc, Việt Nam đều có tiếng nói, đề xuất sáng kiến, được các nước tôn trọng. Việt Nam cũng đã được bầu vào nhiều vị trí quan trọng như: Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2010); thành viên Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) (nhiệm kỳ 1998-2000, 2016-2018); thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013 và 2015-2019; Tổng Thư ký ASEAN (nhiệm kỳ 2013-2017)…

Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ với 185 nước trong tổng số 193 nước của Liên hợp quốc; thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục; tham gia vào 70 tổ chức quốc tế, khu vực; hợp tác nhiều mặt với các nước tạo sự tin cậy, tranh thủ được nguồn lực để phát triển đất nước, sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước…

Đặc biệt, công tác kiều bào của Việt Nam trong 32 năm qua đã có nhiều thành tựu lớn. Nghị quyết 36 ra đời đã gắn kết cộng đồng kiều bào với cộng đồng trong nước, khẳng định quan điểm của Nhà nước Việt Nam coi kiều bào là một bộ phận không thể tách rời, tranh thủ được sự ủng hộ của kiểu bào đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)

Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới

Những thành tựu 32 năm qua đã tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII (năm 2016) nêu rõ: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.”

Hiện tại và tương lai, Việt Nam tiếp tục phấn đấu quyết liệt hơn, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Nước ta tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chủ động tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị và hệ thống sản xuất toàn cầu, cải thiện vị thế và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp và từng ngành kinh tế của nước ta trên thị trường thế giới; đồng thời, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế với nền kinh tế đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Những năm tới cũng là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầng mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Việt Nam tiếp tục tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong một thế giới nhiều biến động, để đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tựu trung lại, thành tựu của Việt Nam trong 32 năm qua cùng với việc lần thứ hai được đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Đường lối đó đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; chuyển tới bạn bè năm châu về hình ảnh một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, năng động, tích cực phấn đấu vì hòa bình, tiến bộ xã hội và những giá trị chung của nhân loại./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)