Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại – thời kỳ quá độ từ Chủ nghĩa tư bản lên Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đến phong trào cách mạng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản
Ngày 7/11/1917, tại nước Nga, dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I. Lenin và Đảng Bolshevik, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã đứng lên lật đổ chế độ Sa hoàng, lập nên nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại.
Đánh giá sự kiện lịch sử trọng đại này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết: “Giống như Mặt Trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái Đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” (Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Năm 2009, tập 12, tr.300).

Thật vậy, Cách mạng Tháng Mười thực hiện sứ mệnh giải phóng quần chúng lao động khỏi mọi áp bức bóc lột, đưa họ từ thân phận người nô lệ làm thuê lên địa vị người chủ chân chính của xã hội. Cách mạng Tháng Mười đem lại nhà máy cho công nhân, ruộng đất cho nông dân, hòa bình và hữu nghị cho các dân tộc, tự do, hạnh phúc cho mọi người.
Dưới ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chủ nghĩa xã hội trở thành một hệ thống trên thế giới. Phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh cho tiến bộ hòa bình được thức tỉnh, cổ vũ và trở thành những làn sóng to lớn trong thế kỷ XX.
Tại Việt Nam, khi nhân dân Nga tiến hành cách mạng vô sản thành công, nhân dân Việt Nam vẫn đang chìm trong đêm dài nô lệ. Mặc dù không ngừng vươn lên đấu tranh chống đế quốc và tay sai, song các phong trào yêu nước theo đường lối phong kiến hoặc theo khuynh hướng tư sản ở Việt Nam lúc này đều thất bại vì không đáp ứng được nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân lao động. Giữa lúc đó, người anh hùng Nguyễn Ái Quốc, sau hơn 10 năm bôn ba tìm con đường cứu nước đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười.
Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người viết: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lenin” (Sđd, tập 2, tr. 280).
Tháng 7/1920, khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lenin, Nguyễn Ái Quốc sớm nắm bắt được cốt lõi trong tư tưởng của V.I.Lenin: vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại. Luận cương đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam mà Người đang kỳ công tìm kiếm.

Người viết: “Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” (Sđd tập 12, tr. 300).
Người đã đưa ra những nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về Cách mạng Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới” (Sđd, tập 2, tr. 280).
Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến chân lý về con đường giải phóng của Việt Nam. Người khẳng định rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại.
“Giống như Mặt Trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái Đất” (Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc)
Dưới ngọn cờ độc lập, tự do của Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam; từng bước giải quyết một cách hợp lý giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhân dân Việt Nam đã làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một nhà nước kiểu mới được tổ chức trên cơ sở chọn lọc những yếu tố tích cực của mô hình tổ chức nhà nước Xôviết và các nhà nước khác, có những sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, đã đồng hành cùng nhân dân vững vàng bước vào cuộc trường chinh và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp xâm lược sau chín năm trường kỳ (1946-1954).
Miền Bắc được giải phóng và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam trong hành trình tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sau 21 năm trường kỳ kháng chiến (1954-1975), cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khó của nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn; cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, đúng như V.I. Lenin khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều đi đến xã hội xã hội chủ nghĩa, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ.”
Những giá trị được kiểm định qua thực tiễn
“Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người” (Sđd, tập 12, tr. 303).
Thực tế đã chứng minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng chủ nghĩa Marx-Lenin; những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua nhiều khó khăn, liên tục giành được những thắng lợi to lớn.

– Bài học đầu tiên và quan trọng nhất là “Cần có sự lãnh đạo của đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân” (Sđd, tập 12, tr. 303).
Nhận thức về vấn đề này, ngay từ tác phẩm “Đường Cách mệnh” (năm 1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với vô sản giai cấp và bị áp bức dân tộc mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy” (Sđd, tập 2, tr. 267, 268).
Trong tác phẩm “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho dân tộc”, Người chỉ rõ thêm: “chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công” (Sđd, tập 12, tr. 303). Và sự thật cách mạng Việt Nam đã chứng minh một cách rõ nét cho chân lý ấy.
– Bài học thứ hai phải kể đến là “Thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng” (Sđd, tập 12, tr. 303).
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cáh mạng dân tộc, dân chủ tiến lên CNXH” (Sđd, tập 12, tr. 303, 304). Vận dụng sáng tạo bài học này vào Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong việc đề ra chiến lược, sách lược đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Trong khối đại đoàn kết đó, một mặt tập hợp được tất cả lực lượng yêu nước trong xã hội; mặt khác, giữ vững được bản chất giai cấp công nhân trong liên minh.
– Bài học thứ ba là “Dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền” (Sđd, tập 12, tr. 304).
Quán triệt quan điểm của Lenin và bài học cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng ta đã sử dụng các hình thức đấu tranh cách mạng tùy theo tình hình cụ thể của phong trào, đặc biệt là kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân lâu dài, gian khổ và anh dũng để đánh thắng quân xâm lược.
– Bài học thứ tư là, “Không ngừng tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản” (Sđd, tập 12, tr. 304).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sau khi đã giành được chính quyền, thì nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân là phải tăng cường nền chuyên chính vô sản để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng, triệt để xóa bỏ chế độ người bóc lột người” (Sđd, tập 12, tr. 304). Bài học này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức đầy đủ và vận dụng thành công vào cách mạng Việt Nam, Cụ thể, công tác xây dựng và củng cố chính quyền, xây dựng và củng cố Đảng luôn được Người quan tâm và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo.
– Bài học thứ năm là “Tinh thần cách mạng triệt để” (Sđd, tập 12, tr. 304).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cần “luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ gian khổ, hy sinh, kiên quyết đấu tranh đến cùng vì độc lập dân tộc vì CNXH” (Sđd, tập 12, tr. 304).
Vận dụng bài học này vào Việt Nam, Người khẳng định: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập”; “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “chúng ta quyết không sợ…Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Và dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã đấu tranh kiên cường, anh dũng, đem hết quyết tâm, công sức và cả tính mạng để giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước.

– Bài học thứ sáu là “Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản” (Sđd, tập 12, tr. 304). Người chỉ rõ: “… trong thời đại ngày nay, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của của cách mạng vô sản, trong phạm vi toàn thế giới, cách mạng giải phóng dân tộc phát triển thành cách mạng XHCN thì mới giành thắng lợi hoàn toàn” (Sđd, tập 12, tr. 304).
Lịch sử chứng minh nhận định trên của người là hoàn toàn đúng đắn. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã có ảnh hưởng rất to lớn đối với cách mạng Việt Nam, nói riêng và cách mạng thế giới, nói chung. Bài học này cũng được chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách khá nhuần nhuyễn vào cách mạng Việt Nam. Trong quá trình tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng XHCN, một mặt chúng ta tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, mặt khác chúng ta cũng thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế với các nước anh em (Lào, Campuchia, Trung Quốc…) và thế giới.
Có thể nói, thành công của Cách mạng Tháng Mười có ảnh hưởng trực tiếp, nhiều mặt đến việc ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ; đến sự nghiệp giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Cùng với những bài học và kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười đã đem đến người bạn chí tình sát cánh cùng Việt Nam, chính là Liên bang Xô Viết, trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng, phát triển đi lên CNXH sau này./.