Những hệ lụy

Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp công bố quyết định ai sẽ là người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiệm kỳ tới. Việc Fed do những người thân tín của ông Trump chi phối có thể đặt ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế lên trên những mục tiêu khác. Tuy nhiên, hiện nay, Fed có được sự tín nhiệm quốc tế chính là vì định chế này giữ thái độ độc lập đối với bất kỳ vấn đề chính trị nào. Do đó, chưa rõ quyết định về nhân sự của ông Trump sẽ ảnh hưởng thế nào tới uy tín của Fed.

Ông Eswar Prasad, Giáo sư Đại học Cornell và là giảng viên cao cấp thuộc Viện Brookings, đã đưa ra những dự đoán về quyết định sắp tới của Tổng thống Mỹ.

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Trong nỗ lực tìm cách đại tu các chính sách thuế khóa, thương mại và nhập cư, Tổng thống Donald Trump đã dành nhiều thời gian suy ngẫm về một loạt quyết định mà chúng thậm chí có thể có nhiều hậu quả đối với nền kinh tế Mỹ. Với việc Phó Chủ tịch Fed Stanley Fischer nghỉ hưu trong tháng này, ba trong số bảy ghế của Hội đồng Thống đốc Fed giờ đây bị bỏ trống. Và đến tháng 2/2018, nhiệm kỳ đầu của Chủ tịch Fed Janet Yellen cũng sẽ kết thúc, đem lại cho Trump một cơ hội có một không hai để gắn tên tuổi của ông lên thể chế này.

Những nhân vật được Trump bổ nhiệm vào những vị trí này và cách thức ông lựa chọn họ, có thể có tác động lâu dài không chỉ đối với Fed, mà còn cả đối với nền kinh tế Mỹ và vị trí trung tâm của nó trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Sự tín nhiệm mà Fed có được đã được tạo dựng và hình thành một cách có phương pháp và hết sức khó khăn trong suốt tiến trình kéo dài nhiều thập kỷ qua. Một ví dụ nổi bật của điều này là việc cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker quyết định, vào đầu những năm 1980, nâng lãi suất và chấp nhận một mức gia tăng tỷ lệ thất nghiệp tạm thời. Nếu khi đó Volcker không hành động, nước Mỹ có khả năng đã phải gánh chịu một tình trạng lạm phát theo đường xoắn ốc. Hành động của Volcker đã tạo ra một cơn đau ngắn hạn nhưng đồng thời nó cũng giúp củng cố hơn nữa mức độ tín nhiệm lâu dài của Fed.

Chủ tịch FED đương nhiệm Janet Yellen. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Chủ tịch FED đương nhiệm Janet Yellen. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Lạm phát được thúc đẩy bởi nhiều nhân tố mà Fed không thể kiểm soát, bao gồm năng suất, giá cả ở nước ngoài, và mức thâm hụt của chính phủ. Tuy nhiên, những kỳ vọng về tương lai cũng đóng một vai trò chủ chốt. Khi công ty và người lao động cho rằng Fed không cam kết với với kiềm chế lạm phát, lạm phát sẽ có khuynh hướng tăng lên.

Điều này cũng đúng với giảm phát. Thoạt nhìn, giá cả đối với hàng hóa và dịch vụ giảm xuống có vẻ giống như một điều gì đó thật tốt lành. Tuy nhiên, giảm phát có thể đem lại nhiều tai hại. Khi giá cả được hy vọng sẽ giảm xuống, người tiêu dùng sẽ dừng mua sắm, các doanh nghiệp sẽ trì hoãn các khoản đầu tư. Những quyết định như thế này khi đó có thể tạo ra một cái vòng luẩn quẩn, theo đó nhu cầu giảm xuống sẽ dẫn tới công ăn việc làm, tăng trưởng, và giá cả đều giảm theo, tạo ra tình trạng nhu cầu sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều quốc gia đã phải đối mặt với ‘bóng ma’ giảm phát. Tuy nhiên, nhờ Fed, Mỹ đã tránh được cả giảm phát lẫn lạm phát khốc liệt, và đã phục hồi nhanh hơn phần lớn các nền kinh tế tiên tiến khác. Fed đã tìm được cách tránh được giảm phát ở Mỹ bằng cách nới lỏng mạnh mẽ chính sách tiền tệ.

Vào thời điểm đó, nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng việc nhanh chóng mở rộng nguồn cung tiền tệ và tăng mạnh khoản nợ của chính phủ sẽ có tác dụng đổ thêm dầu vào lạm phát và làm suy yếu đồng đôla. Tuy nhiên, những lo ngại này đã tỏ ra không có cơ sở, và một lần nữa uy tín của Fed lại được củng cố thêm.

Sự tín nhiệm của Fed chính là cơ sở cho sự thống trị của đồng đôla Mỹ trong nền tài chính thế giới.

Sự tín nhiệm của Fed chính là cơ sở cho sự thống trị của đồng đôla Mỹ trong nền tài chính thế giới. Khoảng 2/3 dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương toàn cầu – hay có thể nói là tiền để dành của các ngân hàng này – là được đầu tư vào đồng đôla.

Và các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các ngân hàng trung ương, hiện nắm hơn 6.000 tỷ USD công trái của chính phủ Mỹ, tăng so với khoảng 3.000 tỷ USD cách đây một thập kỷ. Địa vị của đồng đôla như đồng tiền dự trữ chính toàn cầu đã giúp giữ cho lãi suất ở Mỹ luôn ở mức thấp, từ đó làm giảm chi phí vay mượn cho người tiêu dùng Mỹ cũng như chính phủ Mỹ.

Sự độc lập của Fed, cùng với hệ thống kiểm soát và cân bằng được thể chế hóa của Mỹ cũng như việc nước này triệt để tuân thủ sự cai trị của pháp luật, là điều chủ chốt cho việc duy trì lòng tin của nhà đầu tư vào đồng đôla. Tuy nhiên, chính quyền Trump đang làm suy yếu sự kiểm soát và cân bằng giữa hai ngành hành pháp và lập pháp trong chính quyền, và việc ông có thái độ không quan tâm đến sự cai trị của pháp luật có thể đặt ra một thách thức trực tiếp đối với ngành tư pháp. Trong những hoàn cảnh như thế này, bất cứ hành động nào gây phương hại cho sự độc lập của Fed đều có thể làm tổn hại nghiêm trọng khuôn khổ thể chế mà sức mạnh kinh tế của Mỹ dựa trên đó.

Người dân mua sắm hàng hóa tại cửa hàng ở San Rafael, California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân mua sắm hàng hóa tại cửa hàng ở San Rafael, California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Fed hiện có được sự tín nhiệm quốc tế chính là vì nó giữ thái độ độc lập đối với bất kỳ vấn đề chính trị nào. Tuy nhiên, Fed cũng có tính hợp pháp của nó, do nó có trách nhiệm đối với chính phủ cũng như đối với dân chúng. Trách nhiệm đó là, hay ít nhất cũng nên là, dựa trên những mục tiêu kinh tế đã được thiết lập từ trước – tức là, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp thấp – chứ không phải dựa trên những ý thích chính trị thất thường của bất kỳ ai đó đang nắm quyền lực ở thời điểm nào đó.

Đánh giá từ góc nhìn này, rất có khả năng là Trump sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho uy tín của Fed. Ông dường như chỉ cần bổ nhiệm những người trung thành về chính trị thay vì bổ nhiệm những nhà kỹ trị tốt nhất có thể có được; hay bổ nhiệm những nhà kỹ trị có năng lực mà ông lôi kéo để bày tỏ sự trung thành cá nhân đối với bản thân ông, thay vì trung thành với sứ mệnh của họ với tư cách là các thống đốc của Fed.

Nếu Trump tìm cách ép Fed phải làm công việc phục vụ chương trình nghị sự chính trị của ông, ông có thể gây ra những thiệt hại không thể đền bù được

Một Fed được chi phối bởi những người thân tín của Trump có thể đặt ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế lên trên những mục tiêu khác, như duy trì sự ổn định về tài chính và lạm phát thấp chẳng hạn. Tuy nhiên, trong khi đường hướng này có thể giúp cho tăng trưởng GDP trong một thời gian ngắn, thì nó sẽ làm hại cho tăng trưởng về lâu dài, bằng việc đổ thêm dầu vào lạm phát và sự mất ổn định trên thị trường tài chính.

Một nguy cơ khác là Trump sẽ đạt được điều mong muốn của ông về một đồng đôla yếu – một cách vĩnh viễn. Thậm chí, chỉ cần khả năng một sự tin cậy giảm bớt đối với đồng đôla, cùng với lạm phát tăng lên, là có thể đẩy lãi suất tăng lên, dẫn tới thâm hụt ngân sách lớn hơn, tăng trưởng giảm xuống, và một vòng xoắn lạm phát.

Nếu Trump tìm cách ép Fed phải làm công việc phục vụ chương trình nghị sự chính trị của ông, ông có thể gây ra những thiệt hại không thể đền bù được đối với một thể chế mà nó có chức năng đảm bảo sự ổn định tài chính, lạm phát thấp và ổn định, và tăng trưởng bền vững.

Thay vì tìm cách để “Nước Mỹ trên hết,” ông có thể sẽ làm hại địa vị của đồng đôla với tư cách là đồng tiền dự trữ chi phối toàn cầu, dọn đường cho các đồng tiền khác nhảy vào thế chỗ của nó trên các thị trường tài chính toàn cầu./.

(Nguồn: AFP/TTXVN)
(Nguồn: AFP/TTXVN)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập