Hội nghị thượng đỉnh G20

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra giữa những căng thẳng về thương mại, khí hậu và chính sách người tị nạn và sự không chắc chắn gia tăng về cam kết của Mỹ đối với các thể chế đa phương.

Giới thiệu

Hội nghị thượng đỉnh hằng năm của Nhóm 20 (G20), cuộc họp của các nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã phát triển thành một diễn đàn lớn để thảo luận các vấn đề cấp thiết nhất mang tính toàn cầu. Một trong những thành tựu ấn tượng nhất của nhóm là phản ứng mạnh mẽ của họ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng một số nhà phân tích cho rằng tính cố kết của nhóm đã bị suy yếu kể từ đó.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 7/2017 tại Hamburg, Đức, là hội nghị đầu tiên đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã có bất đồng với nhiều thành viên của nhóm về thương mại, khí hậu và chính sách người tị nạn. Trong khi các cuộc họp của nhóm sẽ được theo dõi sát sao, các cuộc họp song phương diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh lại được quan tâm đặc biệt trong năm nay, chủ yếu vì ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ gặp mặt lần đầu tiên.

Hội nghị thượng đỉnh G20 là gì và ai sẽ tham dự?

G20 bao gồm 19 nước có các nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như Liên minh châu Âu (EU). Các nước này là Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.

Hằng năm, nguyên thủ của các nước thành viên G20 gặp mặt để thảo luận một loạt vấn đề, tập trung vào các vấn đề kinh tế và tài chính, và phối hợp chính sách khi có thể. Các cuộc họp ở cấp thấp hơn giữa các bộ trưởng tài chính và các nhà hoạch định chính sách khác diễn ra trong thời gian trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo.

G20 không phải là một thể chế thường trực với một trụ sở, các văn phòng hay đội ngũ cán bộ nhân viên. Thay vào đó, vai trò lãnh đạo nhóm được luân phiên hằng năm giữa các thành viên của nhóm, các quyết định của nhóm được đưa ra dựa trên sự đồng thuận, và việc thực hiện nghị trình của nhóm phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của các nước riêng rẽ.

Năm 2017, chức chủ tịch luân phiên G20 thuộc về Đức, nước sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo diễn ra tại Hamburg trong 2 ngày bắt đầu từ ngày 7/7. Ngoài Trump và Putin, người ta mong chờ các nhà lãnh đạo nổi tiếng tham dự bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp mới đắc cử Emmanuel Macron.

Một tuần trước khi diễn ra hội nghị, các phụ tá của Trump nói rằng họ không có nghị trình cụ thể cho các cuộc hội đàm với Putin. Hội nghị đó diễn ra khi Trump đang chịu sức ép chính trị trong nước vì bị cáo buộc có quan hệ với Nga, điều mà các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng đã làm gia tăng các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống bầu cử của Mỹ trước khi Trump đắc cử.

Điều gì nằm trong nghị trình?

G20 ban đầu chủ yếu tập trung vào chính sách kinh tế, nhưng nhóm này đã mở rộng phạm vi của họ trong những năm gần đây. Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh tại Hamburg, Thủ tướng Merkel đã nhấn mạnh chủ đề về một “thế giới kết nối” và Chính phủ Đức đã đưa ra một nghị trình rộng lớn.

Đứng đầu danh sách là việc điều chỉnh tài chính, và cụ thể là giải quyết cái mà Đức gọi là “sự cạnh tranh có hại về thuế” giữa các nước – việc các nước và các cá nhân sử dụng rộng rãi những nước có thuế suất thấp làm nơi trú ẩn thuế, như từng được kịch tính hóa bởi vụ rò rỉ Hồ sơ Panama năm 2016. G20 cũng đang theo đuổi các chính sách, trong đó có các sáng kiến chia sẻ thông tin, nhằm chống lại nạn tham nhũng và rửa tiền.

Merkel đã đưa các mối quan hệ với châu Phi trở thành trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh lần này. Chính phủ của bà đã đưa ra sáng kiến “Thỏa thuận với châu Phi” mà sẽ đòi hỏi các nước G20 đưa đầu tư tư nhân, tăng trưởng việc làm và các doanh nghiệp sang các nước châu Phi đã cam kết cải cách kinh tế.

Các kế hoạch thương mại và tăng trưởng kinh tế khác cũng là những vấn đề quan trọng trong nghị trình. Đức muốn tái khẳng định một cam kết toàn cầu về thương mại tự do và thảo luận cách thức thực hiện “Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” của Liên hợp quốc, một loạt mục tiêu sâu rộng nhằm xóa bỏ tình trạng đói nghèo trên toàn thế giới.

Ngoài các biện pháp thuần túy về kinh tế, Đức muốn các nước G20 tái cam kết đáp ứng các mục tiêu giảm khí thải carbon theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, mặc dù việc rút khỏi hiệp định này khiến Mỹ trở thành một nước ngoài cuộc đáng chú ý. Đức cũng có ý định mở rộng nghiên cứu và phát triển trong cuộc chiến chống các bệnh truyền nhiễm, và phối hợp phản ứng trước các cuộc khủng hoảng di cư và người tị nạn ở châu Phi, châu Âu và Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) tại cuộc gặp ở Hamburg ngày 6/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) tại cuộc gặp ở Hamburg ngày 6/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những điểm bất đồng chính là gì?

Phần lớn sự không chắc chắn xung quanh hội nghị thượng đỉnh năm 2017 bắt nguồn từ việc Tổng thống Trump tái định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ, điều khiến Mỹ bất hòa với phần lớn các nước còn lại của G20, và đặc biệt với nước chủ nhà, Đức.

  • Về thương mại, Chính quyền Trump đã đi ngược lại nguyên tắc đồng thuận của G20; trong các cuộc thảo luận trù bị, Chính quyền Trump đã buộc nhóm này bỏ qua cam kết thông thường của họ “chống lại mọi hình thức bảo hộ”. Ngoài việc rút khỏi thỏa thuận thương mại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà trong đó có một vài thành viên của G20, Trump đang xem xét việc tăng thuế suất đối với thép và các hàng hóa khác, nâng mức báo động ở châu Âu và Canada. Merkel đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối chủ nghĩa bảo hộ trong một bài phát biểu trước quốc hội của bà chỉ vài ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, cho rằng đó không thể là một sự lựa chọn vì nó “có hại cho tất cả những người liên quan”.
  • Về khí hậu, quyết định của Trump rút khỏi Hiệp định Paris đã cô lập Mỹ khỏi các nước còn lại của G20. Đức đã bày tỏ sự không hài lòng với động thái này, với việc Bộ trưởng Môi trường của Merkel công bố một “bản xác minh thực tế” chỉ trích nặng nề các lập luận cho việc rời khỏi hiệp định của Trump.
  • Chính sách người tị nạn có thể là một điểm bất đồng khác. Merkel đã làm mũi nhọn dẫn đầu một nỗ lực gây tranh cãi nhằm phân bổ số lượng lớn người xin tị nạn đã tràn vào châu Âu trên toàn EU. Trump, người từng chỉ trích mạnh mẽ sự cởi mở của châu Âu đối với người di cư và tị nạn, đã coi vai trò của Merkel trong đó là “thảm họa”.
  • Mối quan hệ của Mỹ và EU với Nga đã trở nên ngày càng căng thẳng bởi những cáo buộc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử của họ, các biện pháp trừng phạt liên quan đến Ukraine và những bất đồng về cuộc xung đột tại Syria.

Những căng thẳng cũng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nước Đức chủ nhà, gần đây nhất về việc Đức từ chối yêu cầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn phát biểu trước người dân Thổ Nhĩ Kỳ tại một cuộc mít tinh ở Hamburg. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May ở thế thủ sẽ đối mặt với nhiều đối tác châu Âu mà bà đang đàm phán cùng về việc nước bà rời khỏi EU. Điều này diễn ra ngay sau cuộc bầu cử làm suy yếu đáng kể vị thế của bà.

Cảnh sát Đức dỡ bỏ lều trại trái phép của người biểu tình ở Altona, Hamburg ngày 5/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Đức dỡ bỏ lều trại trái phép của người biểu tình ở Altona, Hamburg ngày 5/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tầm quan trọng của G20 là gì?

Tựu chung lại, các nước G20 chiếm khoảng 80% GDP toàn cầu, gần 75% tổng thương mại toàn cầu và khoảng 2/3 dân số thế giới.

Nhóm này được thành lập vào năm 1999, theo sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, như một diễn đàn mới mà sẽ đoàn kết các bộ trưởng tài chính và các giám đốc ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế lớn nhất có uy tín và đang nổi lên trên thế giới. Một thập kỷ sau, tại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, G20 đã được nâng lên cấp các nhà lãnh đạo để bao gồm trong đó nguyên thủ các nước và chính phủ.

Tổng thống George W. Bush đã đăng cai cuộc họp đầu tiên như vậy hồi tháng 11/2008. Nhiều chuyên gia công nhận G20 với hành động nhanh chóng, theo lời Steward Patrick của Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), “đã cứu một hệ thống tài chính toàn cầu trong khi rơi tự do”.

Năm 2008 và 2009, các nước G20 đã nhất trí chi 4 nghìn tỉ USD cho các biện pháp nhằm khôi phục các nền kinh tế của họ, loại bỏ các rào cản thương mại và thực hiện các cải cách sâu rộng đối với hệ thống tài chính.

Patrick và các nhà quan sát khác cho hay kể từ đó, G20 đã vật lộn để đạt được thành công tương tự trong các mục tiêu của mình là phối hợp các chính sách tiền tệ và tài chính của họ, đạt được sự tăng trưởng cao hơn và trừ tận gốc nạn tham nhũng và trốn thuế. Nhà phân tích địa chính trị Ian Bremmer đã lập luận chống lại tính hữu dụng của G20, nói rằng thay vào đó có một thế giới “G-0” – thế giới mà trong đó các nước đi một mình hoặc hình thành các liên minh ngẫu hứng nhằm theo đuổi các lợi ích của họ.

Chính quyền Trump đã tiếp cận các hội nghị cấp cao khác như thế nào?

Trong 6 tháng đầu tiên của mình, Trump đã khiến các đồng minh của Mỹ lo lắng do sự thay đổi đột ngột của ông về cách tiếp cận của Mỹ đối với các thể chế đa phương. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông đã chỉ trích các thành viên của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì đã chi tiêu quá ít và coi liên minh này là “lỗi thời”.

Tại hội nghị cấp cao NATO đầu tiên mà ông tham dự hồi tháng 5/2017, dễ thấy ông đã từ chối ủng hộ Điều 5 của tổ chức này, điều khoản yêu cầu các nước thành viên cam kết về việc phòng thủ chung của khối. Đồng thời, một số chuyên gia công nhận Trump đã giúp thúc đẩy một sự gia tăng về chi tiêu quốc phòng của các nước NATO mà Mỹ đã tìm kiếm từ lâu.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 28/6/2017 nói rằng các nước NATO dự định tăng chi tiêu quốc phòng lên 4,3% trong năm nay. (Đã có một số gia tăng trước khi Trump đắc cử hồi tháng 11/2016.)

Hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên có sự tham dự của Trump, cũng vào tháng 5/2017, đã chứng tỏ hơn nữa việc ông sẵn sàng thách thức các liên minh truyền thống của Mỹ. Ở đó, bất chấp sức ép nặng nề từ các nhà lãnh đạo châu Âu, ông đã từ chối cam kết về một chính sách khí hậu chung.

Các nhà phân tích nói rằng ông cũng đã khiến cho mối quan hệ với các nhà hoạch định chính sách Đức trở nên căng thẳng, và Merkel nói rằng châu Âu không thể “phụ thuộc hoàn toàn” vào Mỹ được nữa./.

Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ hy vọng rằng G20 sẽ đạt đồng thuận về vấn đề chống khủng bố quốc tế tại hội nghị thượng đỉnh ở Hamburg. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3/7, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh bà không nghĩ rằng các bên sẽ thống nhất quan điểm về tất cả các vấn đề vào phút chót nhưng vẫn là điều tốt khi có thể trao đổi với nhau về tất cả các vấn đề ngoại giao quốc tế. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ hy vọng rằng G20 sẽ đạt đồng thuận về vấn đề chống khủng bố quốc tế tại hội nghị thượng đỉnh ở Hamburg. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3/7, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh bà không nghĩ rằng các bên sẽ thống nhất quan điểm về tất cả các vấn đề vào phút chót nhưng vẫn là điều tốt khi có thể trao đổi với nhau về tất cả các vấn đề ngoại giao quốc tế. (Ảnh: AFP/TTXVN)