Hội nghị thượng đỉnh G20

Các nhà lãnh đạo tập trung tại Hamburg (Đức) tìm kiếm sự đồng thuận đối với các vấn đề kinh tế cấp bách toàn cầu? Các chuyên gia từ nhiều nước thành viên của nhóm này đưa ra những đánh giá về triển vọng.

G20 nằm trong số những diễn đàn toàn cầu quan trọng nhất đối với sự hợp tác và phối hợp kinh tế quốc tế. Năm nay, Đức, nước chủ nhà, đưa ra các vấn đề nguyên tắc tài chính, chống tội phạm xuyên quốc gia và các mối quan hệ với châu Phi làm ưu tiên cho chương trình nghị sự khi có những khả năng về sự bất đồng rộng lớn hơn giữa các quốc gia về thương mại, khí hậu và người tị nạn. Về hội nghị lần này, các chuyên gia từ các nước thành viên G20 có những đánh giá về tính thích đáng của nhóm và những triển vọng cho sự thành công.

Bầu không khí không dễ chịu cho G20

Heribert Dieter, nghiên cứu viên cao cấp, Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức (Berlin, Đức)

G20 đặt ra những mục tiêu cao cho bản thân nó trong những giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng bất chấp những tuyên bố lớn lao, nó đã đạt được tương đối ít thành tựu. Những rủi ro trên các thị trường tài chính đã tăng lên chứ không hề giảm đi, và các nước G20 không có chiến lược cố kết.

Cho đến nay, Mỹ tiếp tục có cách tiếp cận đơn phương, không tính đến những ưu tiên của các nước G20 khác. Liên minh châu Âu đang theo đuổi chính sách tài chính của riêng mình, không có sự phối hợp với chính sách của các nước G20 khác.

Ban đầu, theo sau những tuyên bố kiên quyết của G20 chỉ là những nỗ lực miễn cưỡng nhằm điều tiết thị trường tài chính một cách nghiêm ngặt hơn. Giữa cuộc khủng hoảng, có những sự trông đợi rằng sẽ có một sự giám sát quốc tế phối hợp đối với các thị trường tài chính. Khái niệm đó vẫn chưa được thực hiện. Hiện nay, các chính phủ G20 không thể nhất trí về các nguyên tắc chung. Những hi vọng cho một cấu trúc tài chính toàn cầu mới đã tan vỡ.

Có nhiều lý do giải thích tại sao G20 đã không thành công trong việc đưa ra một bộ nguyên tắc tài chính chung. Những ưu tiên của các nước G20 là khác nhau; bởi vậy, nhóm này đã không thể hoàn thành sứ mệnh cốt lõi của mình.

Thành tích của G20 trong việc thúc đẩy cơ chế tự do cho thương mại toàn cầu cũng nghèo nàn. Các tuyên bố của các hội nghị thượng đỉnh trước chưa bao giờ đi kèm với một chính sách thương mại tự do giữa các nước thành viên G20. Nhiều nền kinh tế quan trọng đã chứng tỏ sự quan tâm mạnh mẽ về thương mại “công bằng” chứ không phải “tự do”.

Hội nghị thượng đỉnh Hamburg sẽ không đem lại kết quả về bất kỳ sự nhất trí lớn nào đối với các chính sách kinh tế chung.

Tinh thần của chủ nghĩa bảo hộ đã là đặc điểm chính sách thương mại của một số nước G20, và việc Chính quyền Trump bắt đầu rời khỏi một hệ thống thương mại đa phương cởi mở trở nên rõ ràng hơn trước đây. Sự phân biệt đối xử và chủ nghĩa bảo hộ một lần nữa là đặc điểm của các chính sách thương mại của các nước G20.

Hội nghị thượng đỉnh Hamburg sẽ không đem lại kết quả về bất kỳ sự nhất trí lớn nào đối với các chính sách kinh tế chung. Hiện nay, các chính phủ G20 bất đồng về những vấn đề cơ bản của sự cai trị toàn cầu. Cả về tài chính lẫn thương mại, chưa nói gì tới vấn đề biến đổi khí hậu, Hội nghị Hamburg sẽ không đưa ra được bất kỳ sự cải thiện có ý nghĩa nào đối với nguyên trạng. Tồi tệ hơn, có thể có xung đột công khai đối với các biện pháp theo xu hướng bảo hộ mà Chính quyền Trump có thể thực hiện.

Đồng thời, vị trí của Đức, nước chủ nhà, đã bị suy yếu nghiêm trọng bởi việc Chính quyền Merkel không thừa nhận những thiệt hại mà thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ của Đức gây ra cho các nền kinh tế khác. Sự thiếu thiện chí của Berlin trong việc thực hiện các biện pháp có thể làm giảm thặng dư – chẳng hạn, cắt giảm thuế tạm thời – làm xói mòn uy tín của những lời kêu gọi của nước này đối với sự hợp tác đa phương được khai sáng.

Ngày 7/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (trái) đã tiến hành cuộc hội đàm chính thức lần đầu tiên. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Ngày 7/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (trái) đã tiến hành cuộc hội đàm chính thức lần đầu tiên. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức. (Ảnh: EPA/TTXVN)

G20 và việc duy trì trật tự quốc tế tự do

Yasushi Kudo, người đứng đầu tổ chức tư vấn chiến lược The Genron NPO (Tokyo, Nhật Bản)

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ làm hạn chế khả năng của G20 trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu thông qua hợp tác quốc tế. Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump và ưu tiên của ông đối với các thỏa thuận song phương sẽ tiếp tục làm xói mòn lý do tồn tại của G20, nhóm ủng hộ chủ nghĩa đa phương bằng việc chia sẻ gánh nặng lãnh đạo giữa các nước thành viên của nhóm.

Hơn nữa, những động thái công khai và bí mật của các siêu cường nhằm tăng cường ảnh hưởng của họ bằng việc lợi dụng môi trường quốc tế mong manh có khả năng làm xói mòn nền tảng của các khuôn khổ đã được thiết lập mà cho đến nay đã duy trì trật tự quốc tế.

Thủ tướng Đức Angela Merkel rõ ràng có ý định đưa “thị trường mở cửa và thương mại tự do, công bằng, bền vững và mang tính bao hàm” là trọng tâm then chốt của hội nghị thượng đỉnh năm nay. Do sự bất ổn định của trật tự quốc tế, có thể không phải vô nghĩa để các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế chủ yếu của thế giới cùng nhau đối thoại và gây ấn tượng cho thế giới rằng họ đang có những nỗ lực không ngừng vì sự tốt đẹp chung.

Đáng tiếc là, không có ý nghĩa tích cực nào khác được nhận thấy trong tình trạng hiện nay của G20. Như được thể hiện bằng ngôn từ của thông cáo được đưa ra tại Hội nghị G7 ở Italy hồi tháng 5, G20 sẽ là một buổi trình diễn chính trị khác sử dụng giọng điệu đầy tham vọng nhằm che giấu sự bất ổn định và đối đầu tiềm tàng.

G20 sẽ là một buổi trình diễn chính trị khác sử dụng giọng điệu đầy tham vọng nhằm che giấu sự bất ổn định và đối đầu tiềm tàng.

Tuy nhiên, diễn đàn G20 vẫn có ý nghĩa quan trọng. Toàn cầu hóa, việc duy trì một trật tự quốc tế tự do và sự hợp tác đa phương có tầm quan trọng sống còn đối với những lợi ích chung của thế giới. Vào thời điểm khi mà việc sửa chữa tình trạng bất bình đẳng và bất ổn định là hết sức cần thiết, vai trò của G20 sẽ lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Trong trường hợp này, điều trở nên cần thiết là củng cố sự hợp tác giữa các thành viên G7 và các nước dân chủ khác chia sẻ các giá trị chung nhằm đảm bảo rằng G20 có thể tiếp tục thực hiện vai trò của mình.

Sự hiện diện của G7, mà các thành viên chia sẻ các giá trị phổ quát về tự do, dân chủ và sự hợp tác quốc tế dựa trên chủ nghĩa đa phương, có ý nghĩa sống còn đối với việc củng cố sự cai trị toàn cầu và duy trì một trật tự quốc tế tự do. Hơn nữa, sự quản lý kinh tế toàn cầu và hệ thống tài chính quốc tế do G7 khởi xướng hình thành nên những nền tảng của sự cai trị toàn cầu.

Những nỗ lực thống nhất của G7 nhằm đưa ra sáng kiến trong lĩnh vực này về lâu dài có thể nắm giữ chìa khóa để duy trì sự ổn định toàn cầu. Quả thực, ý nghĩa của những nỗ lực phối hợp của các nền dân chủ G7 nhằm tăng cường sự cai trị toàn cầu không nên bị đánh giá thấp.

Không có lý do cho sự lạc quan tại Hội nghị G20 Hamburg

Fyodor Lykyanov, Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng (Moskva, Nga)

Bất chấp những khác biệt chính trị rõ ràng giữa các nước thành viên, G20 có thể gửi đi một thông điệp tích cực về sự hợp tác toàn cầu kể từ khi nhóm này được thiết lập cách đây 20 năm. G20 đã được thành lập sau cuộc cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và được nâng cấp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và thực tế rằng 20 nền kinh tế hùng mạnh nhất đã cùng nhau tìm kiếm những giải pháp cho tình trạng bất ổn định có tác động nhất định.

Nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về bản chất chính trị thuần túy. Năm 2008, người ta lo ngại rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ là phản ứng tự phát của một vài chính phủ; giờ đây nó là chính sách có chủ tâm và chính thức của thành viên hùng mạnh nhất của G20, nước Mỹ. Mặc dù người ta có thể lập luận rằng Chính quyền Trump không nhất quán trong lời nói và hành động, nhưng họ lớn tiếng và nhất quán trong vấn đề kinh tế. Nếu Mỹ tuyên bố “Nước Mỹ trước tiên”, việc phần còn lại của thế giới cũng sẽ quay sang lối tư duy theo xu hướng trọng thương hơn sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Các hội nghị thượng đỉnh G20 luôn luôn bị phủ bóng đen bởi các cuộc khủng hoảng khác nhau, nhưng số lượng các cuộc tranh cãi trong đó các nước thành viên giờ đây có liên quan là đáng kể. Sự leo thang gần đây ở vùng Vịnh đã thêm vào một sắc thái khác cho bức tranh vốn đã ảm đạm này. Đức, nước cam kết sâu sắc với sự cai trị tốt đẹp, chắc chắn sẽ làm hết sức mình để G20 tập trung trở lại với cam kết về sự hợp tác toàn cầu – đặc biệt là Hiệp định Paris – nhưng Thủ tướng Angela Merkel không có cây đũa thần.

Trong khi Nga không phải là nhân vật thúc đẩy lớn nhất của thương mại tự do và sự mở cửa, nước này giờ đây lo ngại bởi chủ nghĩa bảo hộ đang dần hiện ra và muốn duy trì một hệ thống kinh tế toàn cầu tự do vừa phải. Moskva cũng sẽ sử dụng cơ hội này để trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo quốc tế tham dự.

Từ trái sang, theo chiều kim đồng hồ: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Tổng thống Brazil Michel Temer tại Hội nghị không chính thức các nhà lãnh đạo nhóm BRICS tại Hamburg ngày 7/7. (Ảnh: THX/TTXVN)
Từ trái sang, theo chiều kim đồng hồ: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Tổng thống Brazil Michel Temer tại Hội nghị không chính thức các nhà lãnh đạo nhóm BRICS tại Hamburg ngày 7/7. (Ảnh: THX/TTXVN)

G20 đứng giữa ngã tư đường

Sunjoy Joshi, Giám đốc, và Samir Saran, Phó Chủ tịch, Quỹ nghiên cứu người quan sát (New Delhi, Ấn Độ)

Bất chấp những thay đổi địa chính trị rõ ràng trên khắp thế giới và tình trạng rối loạn chính trị trong số các nước thành viên, G20 vẫn là một trong số các tổ chức quan trọng trong cấu trúc quản trị toàn cầu. Các tiến triển toàn cầu gần đây đem lại cả cơ hội lẫn thách thức đối với G20 nếu tổ chức này vẫn muốn duy trì ảnh hưởng của mình.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của G20 là đảm bảo rằng tổ chức này tiếp tục trung thành với sự ủy nhiệm cốt lõi của nó, đó là duy trì sự ổn định tài chính toàn cầu và quản lý các cải cách cơ cấu trong một thế giới được hội nhập chặt chẽ. G20 dựa trên nền tảng và được thúc đẩy bởi nhận thức rằng cách tiếp cận “một quốc gia, một lá phiếu” của Liên hợp quốc không phải cách thức hữu hiệu nhất để đối phó với các vấn đề then chốt mà đòi hỏi những phản ứng thời gian thực. Cuộc khủng hoảng tín dụng 2007-2008 cho thấy một số thách thức quốc tế nhất định cần được giải quyết một cách hiệu quả và nhanh chóng, mà trên thực tế đã làm chất xúc tác cho tính vượt trội về mặt thể chế của G20.

Vào một thời điểm khi mà nhiều thành viên của G20 thấy bản thân đang bị mắc kẹt bởi các áp lực trong nước mà đang buộc các nước này phải xem xét lại sự ủy nhiệm cốt lõi của G20, người ta cần phải kháng cự lại sức cám dỗ của G20 duy trì tính thích đáng của mình bằng cách bám chặt vào một nghị trình khác.

Đây hoàn toàn không phải là lúc G20 mở rộng số thành viên của mình bằng cách kêu gọi có các quan hệ đối tác mới.

Nền kinh tế toàn cầu hầu như chưa thoát khỏi khó khăn. G20 là một diễn đàn chính sách có mục tiêu đặc biệt được thành lập để đối phó với các vấn đề thảm họa toàn cầu bởi các quốc gia có năng lực và nguồn lực. Đây hoàn toàn không phải là lúc G20 mở rộng số thành viên của mình bằng cách kêu gọi có các quan hệ đối tác mới, chẳng hạn với các quốc gia châu Phi. Mở rộng các quan hệ đối tác của nhóm vào thời điểm này sẽ chỉ tạo ra một G77 khác – và cho mục đích gì?

Cũng đã đến lúc phải thừa nhận rằng một vài trong số các thách thức cơ bản về cơ cấu mà G20 đang nỗ lực giải quyết không thể được xử lý thỏa đáng trừ phi các vấn đề nhỏ hơn nhiều cũng được giải quyết. Các vấn đề nhỏ hơn này, chẳng hạn như sự biến đối đang diễn ra trong các hệ thống năng lượng toàn cầu, sự ổn định của không gian mạng trong các cấu trúc tài chính, và tác động của công nghệ đối với công ăn việc làm, trong số các vấn đề khác, cần xuất hiện trên bàn hội nghị, nhưng người ta phải kháng cự lại sức hút của việc biến mọi vấn đề mà thế giới quan ngại trở thành một phần trong nghị trình của G20. Việc này sẽ chỉ làm giảm khả năng của G20 phục vụ mục tiêu khi thành lập của tổ chức này. Các vấn đề tốt nhất nên được đưa ra tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và tại các thể chế đa phương khác không nên nằm trong phạm vi ảnh hưởng của G20.

Thay vào đó, G20 nên thu hẹp phạm vi của mình xuống những lĩnh vực tác động tới các hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu, và ngoài ra chỉ tập trung vào các vấn đề có liên quan tới những xu hướng gây gián đoạn về chính trị trên toàn cầu.

G20 đang đứng giữa ngã ba đường. Nhóm này nên chọn con đường mà sẽ cho phép nó tiếp tục trung thành với mục tiêu cốt lõi, mục tiêu đã khiến các nước thành viên trước hết tập hợp lại.

Các kỳ vọng của Trung Quốc đối với G20

Ye Yu, Trợ lý giám đốc, Viện nghiên cứu kinh tế thế giới tại Thượng Hải thuộc Viện nghiên cứu quốc tế (Thượng Hải, Trung Quốc)

Kể từ khi Trung Quốc lần đầu tiên tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 vào năm 2008, các mối quan tâm của nước này về diễn đàn và quản trị toàn cầu đã mở rộng từ các vấn đề mang tính thủ tục sang các vấn đề thực chất hơn: thúc đẩy sự bình đẳng giữa các nước thành viên, tái phân bổ quyền lực bỏ phiếu trong các thể chế tài chính quốc tế, và các thách thức toàn diện mà toàn cầu hóa phải đối mặt, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và chủ nghĩa cực đoan.

Trung Quốc muốn thấy các nước G20 làm việc với nhau để kiềm chế tình cảm chống toàn cầu hóa. Một liên minh toàn cầu chống Mỹ không phải là lựa chọn tốt nhất. Thay vào đó, Trung Quốc kỳ vọng G20 sẽ kéo Mỹ quay trở lại tìm kiếm một lợi ích cho bản thân được khai sáng, hơn là theo đuổi một lập trường “Nước Mỹ trước tiên” với thiệt hại dành cho tất cả các nước còn lại.

Như tạp chí Economist đã lưu ý, các chính sách kinh tế của Trump là thiển cận, lỗi thời, coi “thương mại công bằng” đồng nghĩa với việc giảm thâm hụt ngành chế tạo là điều đương nhiên, và phớt lờ những thách thức tàn phá mà thế giới sẽ phải đối mặt khi công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển. G20 nên truyền tải một thông điệp toàn diện hơn về những xu hướng của toàn cầu hóa và định hình sự luận bàn của công chúng về những hạn chế của các biện pháp bảo hộ thương mại.

Trung Quốc cũng sẽ muốn thấy các nước thành viên G20 ủng hộ nhiều hơn sáng kiến của nước này để kích thích sức đẩy của toàn cầu hóa. Được khuyến khích bởi thành công lớn của nước này khi khởi động Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) năm 2013 và tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2016, Trung Quốc đã tự tin hơn và sẵn sàng thể hiện một vai trò mang tính xây dựng hơn trong quản trị toàn cầu, cho dù không phải bởi bản thân nước này.

Trung Quốc đã khởi động sáng kiến “Vành đai và Con đường” năm 2013, cùng với AIIB, để đem lại một cách tiếp cận thay thế cho toàn cầu hóa. Khác với một cách tiếp cận từ trên xuống đối với đàm phán tự do hóa thương mại, sáng kiến “Vành đai và Con đường” đặt trọng tâm được làm mới vào sự kết nối cơ sở hạ tầng trong khu vực và trên toàn cầu.

Trung Quốc nhấn mạnh tính cởi mở của sáng kiến và kêu gọi tất cả các nước tham gia tùy theo các chiến lược phát triển của riêng họ. Cơ sở hạ tầng đã là một ưu tiên của G20 trong nhiều năm, nhưng Trung Quốc muốn thấy sự hợp tác cụ thể hơn về các dự án và ít sự ngờ vực hơn về các ý đồ của nước này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phải) bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức ngày 7/7. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phải) bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức ngày 7/7. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Tìm kiếm tình đoàn kết giữa các nước lớn tại G20

Sook Jong Lee, Chủ tịch, Viện nghiên cứu Đông Á (Seoul, Hàn Quốc)

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg là một địa điểm đúng lúc cho các nhà lãnh đạo của các nước lớn thể hiện cam kết của họ đối với trật tự quốc tế tự do. Theo sau sự nhiễu loạn toàn cầu do Brexit gây ra, chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Mỹ Donald J. Trump có khả năng làm suy yếu quản trị toàn cầu. Việc Trump khôi phục các biện pháp bảo hộ thương mại, giảm sự sẵn sàng hỗ trợ an ninh tập thể và quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu đang đe dọa tới trật tự tự do và cởi mở. Giờ đã đến lúc các cường quốc khác đóng vai trò lãnh đạo bổ sung để đối phó với nhiều thách thức xuyên quốc gia, bao gồm hòa bình và an ninh, khủng bố, người tị nạn và các vấn đề môi trường.

Trước bối cảnh này, Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết chớp lấy cơ hội bằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh, với hy vọng củng cố nền kinh tế thế giới và nâng cao sự ổn định và sự chống chịu của nó thông qua hợp tác đa phương. 15 mục trong nghị trình mà nằm dưới các mục tiêu rộng hơn là xây dựng một nền kinh tế có sức chống đỡ, cải thiện tính bền vững và đảm nhận trách nhiệm đối với an ninh vật chất và con người, đều xứng đáng được xem xét nghiêm túc và đòi hỏi nỗ lực tập thể để đạt được tiến bộ có ý nghĩa.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được trông đợi đảm nhận một vai trò lớn hơn bằng việc lấp đầy khoảng trống do hành động rút lui của Mỹ bỏ lại. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều khả năng sẽ đem đến một tinh thần của chủ nghĩa tiến bộ tự do gắn với mục tiêu hiện nay của G20 là thúc đẩy tăng trưởng bền vững và mang tính toàn diện.

Mỗi nước thành viên phải nhớ rằng sức mạnh và vị thế quốc tế mà họ có được không chỉ là do các thành tựu quốc gia, mà còn nhờ vào toàn thể cộng đồng quốc tế.

Để hội nghị thượng đỉnh này thành công, điều then chốt là các nhà lãnh đạo phải thể hiện tình đoàn kết và sự sẵn sàng cùng nhau hành động chống lại các mối đe dọa kinh tế và chính trị xã hội. Đồng thời, các nhà lãnh đạo nên phát triển các khuôn khổ hợp tác có sức chống chịu mà có thể đem lại cho các thành viên sự linh hoạt lớn hơn khi xem xét các lựa chọn chính sách đối nội.

Với 7 quốc gia châu Á trong G20, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản được chờ đợi tăng cường vai trò của họ bằng cách đảm nhận các trách nhiệm phù hợp với các lợi thế tương đối tương ứng của từng nước. Các cường quốc bậc trung như Hàn Quốc và Indonesia cũng có thể thúc đẩy các mục tiêu của G20 bằng cách tích hợp chúng vào các sáng kiến đa phương trong khu vực của họ. Các quốc gia châu Á đã và đang được cách ly tương đối khỏi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cực đoan và tin rằng tương lai của họ nằm ở một thế giới mở và kết nối hơn. Các thành viên châu Á nên đóng góp nhiều hơn cho G20 để củng cố hơn nữa diễn đàn này.

G20 được thành lập để đưa quản trị kinh tế toàn cầu trở nên dân chủ và hiệu quả hơn. Các nước lớn nên đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong việc khiến thế giới trở nên an toàn hơn, cũng như toàn diện hơn về kinh tế và hòa hợp hơn về chính trị. Mỗi nước thành viên phải nhớ rằng sức mạnh và vị thế quốc tế mà họ có được không chỉ là do các thành tựu quốc gia, mà còn nhờ vào toàn thể cộng đồng quốc tế. Do không có quốc gia riêng lẻ nào có thể thay thế Mỹ, nước đã đem lại điều tốt đẹp chung trong 25 năm qua, tất cả các thành viên G20 nên đảm nhận phần trách nhiệm của họ để quản lý các thách thức toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg: Liệu châu Âu có thể duy trì khuôn khổ?

Steven Blockmans, nghiên cứu viên cao cấp, và Daniel Gros, Giám đốc, Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu (Brussels, Bỉ)

Các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg sẽ cố gắng dựa vào kết quả của hội nghị thượng đỉnh G7 gần đây tại Taormina, Italy, và tìm kiếm sự thống nhất về 3 nhóm vấn đề: các ưu tiên kinh tế, bao gồm tăng trưởng, thương mại, số hóa, việc làm, tài chính, thuế và tham nhũng; các ưu tiên bền vững, bao gồm phát triển, khí hậu, năng lượng, sức khỏe và giới; và các ưu tiên an ninh, bao gồm chống khủng bố, di cư và dòng người tị nạn.

Hội nghị thượng đỉnh G20 có tầm quan trọng đặc biệt đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel, người, với tư cách chủ tịch hội nghị, sẽ có một cơ hội cuối cùng để tỏa sáng trên sân khấu quốc tế trước thềm cuộc bầu cử liên bang Đức vào tháng 9. Nhưng một thành công chưa được đảm bảo, nhất là đối với nhóm vấn đề thứ 2, khi xét tới việc Tổng thống Donald J. Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris lịch sử về biến đổi khí hậu. Một tuyên bố của 19 nhà lãnh đạo G20 khác về cam kết kiên định của họ đối với Thỏa thuận Paris dường như là có thể thực hiện được và nên được chào đón. Điều không may là đạt được sự đồng thuận về nhóm vấn đề thứ 1 và thứ 3 cũng sẽ không dễ dàng khi xét tới việc Mỹ rút khỏi cách tiếp đa phương mang tính lịch sử đối với thương mại và sự không thỏa hiệp của Nga – và ở mức độ nào đó, của Trung Quốc – về an ninh mạng, tham nhũng và pháp trị.

Hội nghị thượng đỉnh này sẽ là một bài kiểm tra về việc liệu Brexit có mở ra một vai trò mới cho Anh trên sân khấu quốc tế hay không.

Hội nghị thượng đỉnh này cũng sẽ là một bài kiểm tra về việc liệu Brexit có mở ra một vai trò mới cho Anh trên sân khấu quốc tế hay không. Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa song phương của Mỹ có thể nâng cao vai trò toàn cầu của Anh, do nước này là một đối tác đáng tin cậy của Mỹ. Nhưng chủ nghĩa đơn phương của Mỹ đang khiến các khuôn khổ đa phương như G20 trở nên ít phù hợp hơn để phục vụ các mục tiêu tìm kiếm ảnh hưởng toàn cầu của nước Anh thời Brexit. Hơn nữa, 27 nước thành viên của EU (EU27) sẽ giám sát chặt chẽ mức độ Anh, hiện vẫn là một thành viên, tiếp tục trung thành với các lập trường của EU.

Hội nghị thượng đỉnh Hamburg đem lại một cơ hội cho Merkel và đối tác mới có của bà, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đặt EU27 vào vị trí điểm tham chiếu cho những nước muốn đầu tư vào chủ nghĩa đa phương hiệu quả. Trong một thế giới dễ thay đổi, sự ổn định và tính có thể dự báo là một phần thưởng mà Thủ tướng Merkel và những nhà lãnh đạo tiên phong khác của EU dựa trên nguyên tắc có thể đem lại. Sự lãnh đạo của họ có thể đưa hội nghị thượng đỉnh Hamburg trở nên thành công ở mức độ nào là một câu hỏi mở mà sẽ định hình không chỉ tương lai của G20, mà cả vai trò của EU và Đức trên thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 5/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 5/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các thách thức và cơ hội phía trước đối với G20

Tom Bernes, nghiên cứu viên danh dự kiêm cựu Giám đốc Trung tâm Đổi mới quản trị quốc tế (Waterloo, Canada)

Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, sẽ phải đối mặt với những thách thức mới khi lần đầu tiên có sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald J. Trump. Diễn đàn này, vốn được các nhà lãnh đạo quốc gia thúc đẩy với tư cách nền tảng chủ yếu của họ cho việc hợp tác kinh tế quốc tế, sẽ phải đương đầu với một vị Tổng thống Mỹ mà mục tiêu chính sách “Nước Mỹ trước tiên” được ông tuyên bố tương phản trực tiếp với mục tiêu cốt yếu của G20. Khi xem xét lịch sử của hội nghị thượng đỉnh G20, người ta nhận thấy niềm tin của các thành viên của nó, rằng câu trả lời cho các thách thức toàn cầu phải được tìm thấy thông qua sự hợp tác tích cực. Điều này có khả năng sẽ bị thử thách ở Hamburg. Như những gì được chứng kiến ở các hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO vào tháng 5, những bất ngờ có khả năng xảy ra.

Kể từ thành công bước đầu của mình trong việc hình thành một phản ứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, G20 đã phải rất vất vả để xác định rõ một chương trình trung hạn tạo được tiếng vang trong cộng đồng toàn cầu. Một số nhà quan sát thậm chí đã đặt câu hỏi liệu G20 có thể tiếp tục đóng vai trò một diễn đàn hữu ích gắn kết các nhà lãnh đạo quan trọng nhất thế giới hay không.

Một số nhà quan sát thậm chí đã đặt câu hỏi liệu G20 có thể tiếp tục đóng vai trò một diễn đàn hữu ích gắn kết các nhà lãnh đạo quan trọng nhất thế giới hay không.

2 trong số những thành tích lớn nhất của G20 sẽ thu hút sự xem xét kỹ lưỡng ở Hamburg khi mà Mỹ đã trực tiếp thách thức chúng. Thứ nhất là vấn đề biến đổi khí hậu: Dưới sự dẫn dắt của Mỹ và Trung Quốc, G20 đã ủng hộ Hiệp định Paris. Vào tháng 6, Mỹ đã tuyên bố ý định của nước này rút khỏi thỏa thuận. Thứ hai là vấn đề chủ nghĩa bảo hộ, điều mà trong mỗi hội nghị, G20 đều đã cam kết chống lại. Một lần nữa, Mỹ đã bày tỏ thái độ phản đối của nước này đối với một cam kết như vậy và những quyết định sắp được Chính quyền Trump đưa ra đối với ngành thép và ngành nhôm có nguy cơ khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại. Một lĩnh vực nữa có tiềm năng gây lo ngại là những cải cách mà G20 tiếp nhận nhằm đảm bảo sự ổn định lớn hơn cho tài chính toàn cầu. Quyết định của Mỹ rút lại phần lớn các quy định trong đạo luật Dodd-Frank vốn được thiết lập sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đẩy những thành tựu đã đạt được kể từ khi cuộc khủng hoảng gây chấn động nền kinh tế thế giới này vào chỗ nguy hiểm.

Các nhà lãnh đạo sẽ phản ứng ra sao ở Hamburg trước những vấn đề này? Một sự bác bỏ mạnh mẽ những lập trường của Mỹ của các thành viên khác trong G20 có thể đem lại sức mạnh mới cho những nỗ lực của họ nhằm thúc đẩy một nền kinh tế toàn cầu có sức chống đỡ, bền vững và công bằng hơn. Nhưng nó cũng sẽ dẫn tới những căng thẳng gia tăng với Mỹ. G20 sẽ có được động lực mới thông qua cảm giác về mục đích được khôi phục để phản ứng (và phản đối) trước thái độ mới của Mỹ, hay sẽ chứng kiến một sự sụt giảm tính thích đáng bằng việc cố gắng lấp liếm những khác biệt cơ bản này?

Một nghị trình G20 tập trung vào châu Phi

Elizabeth Sidiropoulos, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nam Phi

Năm nay, Đức đã đưa châu Phi vào trọng tâm nhiệm kỳ chủ tịch G20 của nước này. Sáng kiến mấu chốt của nước này là “Hợp nhất với châu Phi”, với mục đích tập hợp các thể chế tài chính quốc tế, các đối tác song phương và các quốc gia châu Phi nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho đầu tư tư nhân. Đã có 7 quốc gia châu Phi tham gia: Côte d’Ivoire, Ethiopia, Ghana, Maroc, Rwanda, Senegal và Tunisia. Được thúc đẩy bởi Bộ Tài chính Đức, sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ về chính trị của các bộ trưởng tài chính G20 ở Baden-Baden vào tháng 3 năm nay.

Trong khi cam kết này của G20 đối với châu Phi nên được nhìn nhận dưới góc độ tích cực, ở châu Phi đã dấy lên những mối quan ngại về mức độ mà nó có thể cạnh tranh với, thay vì bổ sung cho, các sáng kiến châu lục của chính châu Phi. Ngoài ra, các quy định về chính sách của nó có thể bị chỉ trích vì chúng chú trọng các cách tiếp cận chính thống đối với sự phát triển kinh tế, điều không phải lúc nào cũng đạt được những kết quả mong muốn. Nó cũng được coi là đang chuyển trách nhiệm hỗ trợ phát triển từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Tuy nhiên, nếu sự ủng hộ về chính trị của G20 có thể tạo lực đòn bẩy cho đầu tư tư nhân ở các quốc gia đã quyết định tham gia, đây sẽ là một bước đi quan trọng theo hướng tạo ra các nền kinh tế năng suất có khả năng đem lại sinh kế thỏa đáng cho công dân các nước này.

Một cam kết rõ ràng đối với thương mại cởi mở, mặc dù đã có sự quay trở lại các biện pháp theo chủ nghĩa bảo hộ trong một vài năm, sẽ là then chốt đối với châu Phi.

Nhưng các vấn đề G20 không đặc trưng cho châu Phi cũng có tầm quan trọng không kém đối với châu lục này. Một cam kết rõ ràng đối với thương mại cởi mở, mặc dù đã có sự quay trở lại các biện pháp theo chủ nghĩa bảo hộ trong một vài năm, sẽ là then chốt đối với châu Phi, đặc biệt khi châu lục này cố gắng tăng cường khả năng chế tạo của mình. Không thể đạt được sự tăng trưởng mang tính dung nạp với các nền kinh tế khép kín.

Đức cũng đã tập trung vào nhu cầu về một khuôn khổ các chỉ tiêu và tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số và thương mại điện tử. Tuy nhiên, điều này có thể có hậu quả không dự đoán được là đặt gánh nặng lớn hơn lên các nước châu Phi, khiến họ càng gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua khoảng cách kỹ thuật số. Các giải pháp thường phản ánh nhiều hơn những điều kiện của thế giới công nghiệp hóa và không xem xét thích đáng những hậu quả không dự đoán được ở các quốc gia đang phát triển. Đây là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển trong G20 khi động lực giữa các nước G7 thay đổi. G20 về bản chất không mang tính dung nạp; tuy nhiên, nó có thể xây dựng tính hợp pháp, với điều kiện sự lãnh đạo của nó trong việc đặt ra các nghị trình và chỉ tiêu phải phản ảnh những thực tế không chỉ ở các quốc gia công nghiệp hóa mà còn ở các nền kinh tế đang nổi lên và đang phát triển.

Điều chỉnh trật tự quốc tế tại G20

Carlos Ivan Simonsen Leal, Chủ tịch Quỹ Getulio Vargas

“Định hình một thế giới kết nối” là khẩu hiệu thích hợp cho hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg. Nó nêu bật thách thức của thời đại chúng ta: Làm thế nào để tạo ra sự hợp tác giữa các nước có chủ quyền nhằm giải quyết các vấn đề chung xuyên quốc gia. Việc hội nghị diễn ra ở Đức là rất thích hợp; trong những năm gần đây, nước này đã thúc đẩy nhằm hòa giải những căng thẳng cố hữu giữa một bên là các nhà nước-dân tộc đang tìm kiếm an ninh và sự thịnh vượng của mình và bên kia là những thách thức bất chấp biên giới quốc gia.

G20 nhóm họp vào thời điểm mà ở đó có một cảm giác kiệt sức trên toàn cầu đối với trật tự quốc tế trong 70 năm qua. Các thể chế và thủ tục đã đưa chúng ta đến nơi ta đang đứng không thể phản ứng trước những cuộc vật lộn về kinh tế, chính trị và xã hội mà thế hệ hiện nay phải đối mặt.

Việc điều chỉnh trật tự quốc tế để đương đầu với những cuộc vật lộn này sẽ là một nhiệm vụ không tầm thường. Không có sự đồng thuận về điều cần làm, và các nguồn lực vẫn khan hiếm. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách vốn dĩ có khuynh hướng níu giữ những mô hình cũ. Việc điều chỉnh lại thái độ chung của chúng ta đối với các nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn và an ninh của các nước sẽ cần tới sự lãnh đạo và rất nhiều hoạt động khôn khéo.

G20 có thể đóng một vai trò trung tâm trong tiến trình này, và hội nghị thượng đỉnh Hamburg là một cơ hội có một không hai để làm điều đó. Những thách thức của việc quản trị toàn cầu sẽ không được giải quyết bởi bất kỳ nỗ lực nào nhằm quay trở lại thế giới trước toàn cầu hóa. Chỉ thông qua hành động phối hợp, G20 mới có thể tiến triển hướng tới tăng trưởng kinh tế cân bằng, bền vững và mang tính dung nạp mà giảm bớt những sự không chắc chắn về kinh tế, xã hội và chính trị ngày nay. Trong việc hoàn thành nhiệm vụ này, G20 sẽ củng cố sự ổn định và khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và gia tăng an ninh cho tất cả./.

Các nguyên thủ và đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg ngày 7/7. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Các nguyên thủ và đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg ngày 7/7. (Ảnh: EPA/TTXVN)