Tầm cao mới

donaldtrump-1496716670-20.jpg

Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29 đến 31/5/2017 theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã mở ra chương mới trong quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, thể hiện tính tiên phong trong ASEAN của Việt Nam, đồng thời cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng chia sẻ những lợi ích chiến lược và quan điểm chung đối với khu vực và thế giới.

Nhân dịp này, VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong về kết quả đặc biệt của chuyến thăm.

Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo một nước ASEAN đầu tiên thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Trong chuỗi khá dầy đặc các chuyến thăm qua lại cấp lãnh đạo nhà nước suốt hành trình 22 năm qua, chuyến đi thăm Hoa Kỳ lần này của Thủ tướng khá đặc biệt ở chỗ, đây là lần tiếp xúc đầu tiên giữa một lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi cả hai nước có ban lãnh đạo mới.

Hơn nữa, đây không chỉ là chuyến thăm chính thức sớm nhất của một Thủ tướng Việt Nam sau chỉ 4 tháng nhậm chức của một Tổng thống Hoa Kỳ, mà theo một nghĩa nào đó, đây còn là bước chuẩn bị cho chuyến thăm sớm nhất tiếp theo tới Việt Nam (có thể nhân dịp Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”) của Tổng thống Hoa Kỳ trong năm đầu nhiệm kỳ của mình.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo một nước ASEAN đầu tiên thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Kết quả hội đàm và Tuyên bố chung hai bên cho thấy: Chuyến thăm cơ bản thành công toàn diện và mang lại những xung lực mới, củng cố củng cố niềm tin chính trị và định hình một khuôn khổ hợp tác song phương đa dạng, nâng tầm cao hơn về đầu tư và thương mại mới.

Thành công bước đầu được nghi nhận trong gói 19 các cam kết thương mại mới với tổng trị giá 8 tỷ USD đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, dịch vụ hàng không, đồng thời thiết lập một số chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa nông sản, công nghiệp, công nghệ và dịch vụ để đáp ứng đầy đủ, sâu sắc hơn sự quan tâm và lợi ích chung của cả Hoa Kỳ và Việt Nam.

Hơn nữa, chuyến thăm này trực tiếp và gián tiếp góp phần khẳng định quyết tâm, tìm kiếm cơ hội và triển vọng tích cực cho sự hợp tác kinh tế mới bổ khuyết cho việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP theo quyết định của Tổng thống Donald Trump ngày 23/1/2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kevin McAllister, Phó Chủ tịch Tập đoàn Boeing. (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kevin McAllister, Phó Chủ tịch Tập đoàn Boeing. (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN)

Thông điệp lớn nhất chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng lần này là: Việt Nam là quốc gia độc lập, có chính sách đối ngoại độc lập, nhất quán và hết sức coi trọng xây dựng, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Đối tác toàn diện (từ tháng 7/2013) với Hoa Kỳ. Hai nhà lãnh đạo cam kết phát triển mối quan hệ hai nước ổn định, lâu dài và cùng có lợi, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị và con đường phát triển của nhau, vì lợi ích của hai nước, góp phần, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực và thế giới.

Việt Nam mong muốn xây dựng không chỉ vì lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn vì cả lợi ích của Cộng đồng ASEAN, của hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới…

Phía Mỹ đặt vấn về thâm hụt cán cân thương mại hai chiều, điều này cũng cho thấy họ cũng đang tìm kiếm những giải pháp thâm nhập thị trường Việt Nam. Đây có phải vừa là cơ hội và thách thức đối với doanh nhân Việt Nam?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Quan hệ kinh tế là nền tảng, sớm nhất và thường xuyên, lâu dài trong quan hệ toàn diện hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ. Việt Nam hiện tạm thời là nước đứng thứ 6 trong nhóm các xuất siêu sang Mỹ. Nhưng Hoa Kỳ luôn xuất siêu dịch vụ vào Việt Nam và có nhiều căn cứ để tin rằng xu hướng cân bằng thương mại hai bên sẽ sớm được thiết lập. Đặc biệt là khi Hoa Kỳ thúc đầy các nhà đầu tư gia tăng tái cơ cấu các chuỗi giá trị đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam, tham gia quá trình tái cơ cấu khu vực năng lượng, dịch vụ hàng không, ngân hàng và công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam cũng cải thiện môi trường đầu tư và hấp thụ tốt hơn các dòng hàng hóa công nghiệp, dịch vụ, công nghệ cao và cả nông sản chất lượng cao từ Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Cần nhấn mạnh rằng lợi thế cho xuất siêu từ Việt Nam sẽ không kéo dài nếu không có cải thiện cơ cấu hàng xuất khẩu giá trị cao vào Hoa Kỳ. Nhập khẩu một chiếc máy bay hoặc một công nghệ nguồn từ Hoa Kỳ sẽ bằng giá trị xuất khẩu cả trăm ngàn, hàng triệu tấn nông sản hay nhiều lô lớn hàng dệt may.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phòng Nội các ở Nhà Trắng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phòng Nội các ở Nhà Trắng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đây là một thách thức thật sự cho doanh nghiệp Việt. Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt là vượt qua hàng rào kỹ thuật của thị trường Hoa Kỳ và cạnh tranh về giá cả, mẫu mã, năng suất và dịch vụ hậu mãi với các hàng đồng loại xuất khẩu từ các nước khác vào Hoa Kỳ.

Các doanh nghiệp Việt cũng có thêm các cơ hội mới từ nhập khẩu công nghệ cao, nguồn và thiết bị chính hãng, các dịch vụ cần thiết để nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo và tham gia chuỗi cung ứng vào Mỹ hoặc sang nước thứ ba…

Trong giai đoạn Cách mạng Công nghệ 4.0, dường như các cơ hội hợp tác chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, vậy đâu là cơ hội “ngách” để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể “chen chân”?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Chuyến đi của Thủ tướng được hứa hẹn là cơ hội để các doanh nghiệp hai nước ký các hợp đồng thương mại trị giá nhiều tỉ USD, tạo ra hàng chục nghìn việc làm, góp phần cải thiện đời sống người lao động và tăng cường trao đổi hàng hóa, dịch vụ thương mại cho cả hai nước.

Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, dân số đông, thu nhập bình quân cao, người dân có thói quen mua sắm nhiều. Mặt khác, đây là nước đa chủng tộc nên thị hiếu vô cùng phong phú. Hàng Việt Nam chiếm thị phần khá cao tại Mỹ như: giày dép (12,79%), dệt may (8,85%), thủy sản (8,16%), cà phê và trà (8,01%), hạt điều(5,02%), gỗ và sản phẩm gỗ (3,27%)., nhưng tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 1,3% trong tổng nhập khẩu của Mỹ vào năm 2014. Các mặt hàng truyền thống của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ không phải cạnh tranh nhiều với hàng của chính nước này, vì định hướng phân khúc khác nhau. Do đó, Việt Nam càng có thêm động lực và rộng đường hơn khi vào Mỹ, kể cả qua các thị trường ngách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross chứng kiến lễ trao văn kiện thoả thuận về hợp tác thương mại và đầu tư. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross chứng kiến lễ trao văn kiện thoả thuận về hợp tác thương mại và đầu tư. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Ngoài lĩnh vực nền tảng là kinh tế, hai bên đang triển khai nhiều lĩnh vực hợp tác khác với tư cách là đối tác toàn diện của nhau, bao gồm trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hải dương học, công nghệ không gian, y tế, môi trường, biến đổi khí hậu, nhân đạo, du lịch, an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước, chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và giao lưu nhân dân; cũng như phối hợp trong nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương mà cả hai nước là thành viên.

Hơn 31.000 sinh viên Việt Nam hiện đang học tập tại Hoa Kỳ. Lượng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam năm 2016 đạt 552,7 nghìn lượt, tăng 12,8% so với năm 2015 và đang tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2017. Đặc biệt, có tới hơn 1,5 triệu người gốc Việt đang sinh sống và hội nhập thành công vào xã hội Mỹ.

“Cách mạng Công nghệ 4.0 rất hợp với giới trẻ Việt nếu giỏi tiếng Anh và công nghệ thông tin, kiến thức thanh toán quốc tế.” 

Hơn nữa, Cách mạng Công nghệ 4.0 dựa trên nền tăng Công nghệ Thông và mạng internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ thông minh và thương mại điện tử xuyên quốc gia cho phép các doanh nhân trẻ và năng động tìm kiếm cơ hội mới, hấp dẫn để tự khẳng định mình mà không cần quá nhiều vốn liếng và kinh nghiệm thương trường, rất hợp với giới trẻ Việt nếu giỏi tiếng Anh và công nghệ thông tin, kiến thức thanh toán quốc tế.

Tất cả những điều đó đang và sẽ tạo cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ coi trọng việc tìm kiếm và khai thác các thị trường ngách. Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cần trả lương cao (và tính thưởng bằng phần trăm lãi ròng) cho một số cộng sự trẻ chuyên tâm “sục sạo” mạng internet và các bản tin thị trường, thu thập, xử lý các thông tin kinh tế cần thiết … để tìm cơ hội kinh doanh hấp dẫn từ các thị trường thị trường ngách ít người để ý.

Cần nhấn mạnh rằng, trong thế giới hiện đại, hội nhập, phân công và hợp tác quốc tế phát triển cả bề rộng và bề sâu, doanh nghiệp thành công thường được tổ chức dưới dạng cổ phần, tham gia các chuỗi cung ứng giá trị và kinh doanh mạng. Một doanh nghiệp dù lớn nhất thế giới cũng không thể tự sản xuất 100% linh kiện, phụ tùng cho sản phẩm của mình. Hãng máy bay Boing Mỹ đặt hàng sản xuất hàng ngàn loại linh kiện từ hàng trăm doanh nghiệp khác của vài chục nước trên toàn thế giới để có chiếc máy bay thành phẩm của mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Robert H. McCooey Jr, Phó Chủ tịch Cấp cao của Sàn chứng khoán NASDAQ. (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Robert H. McCooey Jr, Phó Chủ tịch Cấp cao của Sàn chứng khoán NASDAQ. (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN)

Như vậy, thị trường ngách là một khái niệm mở đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ khác nhau và trước các doanh nghiệp có quy mô, trình độ, năng lực kinh doanh khác nhau. Đó có thể là phân khúc hàng hóa, dịch vụ tiềm năng chưa được khai thác, hoặc đang hoạt động quy mô nhỏ, dễ bị thay thế bởi các loại tương đương, ít bị cạnh tranh và nằm ngoài “tầm phủ sóng” của các “doanh nghiệp – đại gia” quốc gia và quốc tế. Nhưng đó cũng có thể là nhu cầu về một chi tiết hay công đoạn sản xuất – cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nào đó như là bộ phận hợp thành của chuỗi những hàng hoá, dịch vụ hoàn chỉnh đang là đối tượng kinh doanh của các doanh nghiệp lớn…

Trên thực tế, thị trường ngách luôn tồn tại bên cạnh, cùng lúc với thị trường lớn. Chúng có thể không có ý nghĩa gì với doanh nghiệp này, song lại là tất cả sự nghiệp đối với doanh nghiệp khác chuộng “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”. Thị trường ngách cũng vận động, biến đổi không ngừng, có phát sinh, có bão hòa và cả tàn lụi, nhưng luôn rộng mở, “chỗ nào cũng có” đối với những doanh nhân, doanh nghiệp nào biết cách nhìn, lắng nghe và thấu hiểu, nhạy bén và tinh tế. Nghĩa là, trong bức tranh thế giới muôn hình vạn trạng của nhu cầu và hàng hoá hiện đại luôn luôn biến động đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn có cơ hội gia nhập sân chơi chung thông qua các thị trường ngách để “lấp chỗ trống thị trường”, hợp tác và liên kết hay cạnh tranh trực tiếp bằng các sản phẩm thay thế rẻ hơn, tốt hơn, độc đáo hơn, thuận tiện hơn theo lợi thế so sánh vượt trội và sức sáng tạo riêng độc đáo mình; từ việc sản xuất chiếc van săm ô tô hay đệm gỗ tròn trải ở ghế lái xe cho một hãng ô tô danh tiếng; hoặc lập ra hẳn tổ hợp chuyên để cắt cỏ vườn, dọn vệ sinh và chuyển nhà thuê v..v…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Để khai thác tốt các cơ hội kinh doanh dù là thị trường ngách, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động và năng động trong nắm bắt các động thái và phản ứng thị trường, linh hoạt trong chiến lược, kế hoạch đầu tư, cách thức tổ chức và quản trị doanh nghiệp, coi trọng phát triển các bộ phận Marketting, thiết kế, quản trị rủi ro; đặc biệt, không thể coi nhẹ “luật chơi” của thị trường, nhất là đảm bảo các yêu cầu về xuất xứ, số và chất lượng hàng hóa ổn định, tính mùa vụ và thời gian cung cấp nhanh, giá cả rẻ, dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng chu đáo; đồng thời, không quên đăng ký thương hiệu, cũng như tuân thủ các quy định riêng, đặc trưng và quan trọng cho mỗi thị trường.

Ví dụ, để sản phẩm của doanh nghiệp Việt không bị trả về và gặp khó khi vào thâm nhập vào thị trường Mỹ, cái quan trọng nhất là doanh nghiệp cần đăng ký mã số A-D-U-N-S được phía Mỹ cung cấp miễn phí. Mã số này là cái để chứng minh sự hiện hữu của công ty và nguồn gốc hàng hóa, cũng như giúp đối tác trên toàn cầu biết được bạn là một doanh nghiệp đáng tín cậy.

Để sản phẩm của doanh nghiệp Việt không bị trả về và gặp khó khi vào thâm nhập vào thị trường Mỹ, cái quan trọng nhất là doanh nghiệp cần đăng ký mã số A-D-U-N-S được phía Mỹ cung cấp miễn phí.

Hơn nữa, doanh nghiệp Việt cũng cần coi trọng việc nghiên cứu thị trường về chất lượng, giá cả, tính mùa vụ và thời gian giao hàng, tính toán thời gian chính xác cho các bước vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ để giảm bớt chi phí sao cho tối ưu nhất. Doanh nghiệp cần coi trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu, minh bạch thông tin ngay trên chính website của mình để đối tác nước ngoài có thể dễ dàng tìm đến hợp tác.

Chính phủ Việt Nam cũng cần có những cải cách hơn nữa về thủ tục hành chính, dịch vụ và hạ tầng để rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.

Có thể nói, cả trước mắt và cả lâu dài, cùng với sự phát triển của quá trình mở cửa, tham gia sâu vào hội nhập và toàn cầu hóa, sự mở rộng và phát triển của các thị trường ngách chính là sân chơi và cơ hội, là cánh cửa lớn triển vọng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia và hòa nhập vào chuỗi cung ứng và giá trị gia tăng toàn cầu của thế kỷ 21…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN)