Căng thẳng ngoại giao

Các nguồn tin chính phủ tại Cairo cho biết quyết định của Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar có thể là “sự khởi đầu của các biện pháp tiếp theo đối với Doha” có sự phối hợp với các nước Arab khác.

Một nguồn tin giấu tên khẳng định rằng “Qatar đã đi quá xa trong các vấn đề khu vực và đã đến lúc phải gửi một thông điệp rõ ràng tới Doha rằng không thể tiếp tục các chính sách khu vực mà không phải đối mặt với những hậu quả.”

Một nguồn tin cao cấp của chính phủ Ai Cập nói rằng “tất cả các lựa chọn đều được bỏ ngỏ” và đang được cân nhắc. Các cuộc họp và tham vấn tiếp theo giữa các nước Arab đang được xúc tiến để quyết định các bước đi tiếp theo.

Ngày 5/6, Ai Cập, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Yemen và chính phủ miền Đông Libya và Maldives đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Chính quyền Doha đã lên tiếng bày tỏ “lấy làm tiếc” và coi các quyết định này là “vô lý,” dựa trên những cáo buộc “vô căn cứ.”

Động thái này diễn ra sau khi Cairo, Riyadh và Abu Dhabi thông báo quyết định ngăn chặn một số kênh truyền hình vệ tinh, các trang tin tức và một số tờ báo được tài trợ hoặc đặt trụ sở tại Qatar. Ba quốc gia nói rằng các phương tiện truyền thông chịu các lệnh bị phong tỏa vì có liên quan đến việc truyền bá chủ nghĩa khủng bố và kích động bất ổn chính trị.

Trước đó, hãng thông tấn quốc gia Qatar và kênh truyền hình nhà nước Qatar TV đã đăng tải tuyên bố của Toàn quyền Qatar Tamim Bin Hamad Al Thani cho thấy sự dính líu của Saudi Arabia và UAE trong các giao dịch bất hợp pháp ở khu vực với Mỹ.

Tuy nhiên, Doha cho biết các tuyên bố này đã được dàn dựng và công bố lên hãng thông tấn quốc gia khi trang web của hãng bị tấn công. Qatar cáo buộc rằng chiến dịch truyền thông chống nước này được đưa ra bởi kênh truyền hình vệ tinh Al-Arabiya của Saudi Arabia và kênh vệ tinh Sky News Arabia của UAE.

Saudi Arabia và UAE đã bày tỏ phản đối sau khi Qatar chỉ trích các phát ngôn của GCC chống lại Iran và tuyên bố chống lại các phát biểu của Tổng thống Trump trong chuyến thăm chính thức Trung Đông và Vùng Vịnh mới đây. Sau khi xảy ra tranh cãi gay gắt trên, Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã quyết định chặn các trang web của hãng truyền hình Qatar Al Jazeera.

Ai Cập, Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Yemen và chính phủ miền Đông Libya và Maldives đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố.

Qatar cũng đã phải đối mặt với những chỉ trích trên các kênh truyền hình của Ai Cập và Bahrain vì “những nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ” của các quốc gia Arab – phần lớn được cho là đại diện cho Iran.

Ai Cập từ lâu chỉ trích Qatar vì đã “chứa chấp” các thủ lĩnh của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và cho phép họ tiếp cận với các phương tiện truyền thông. Các nguồn tin ngoại giao cho rằng đây là “sự can thiệp của Qatar vào công việc nội bộ của các nước Arab,” đó là lý do thúc đẩy các động thái chống lại Qatar, bắt đầu bằng việc ngăn chặn các kênh truyền hình, báo chí và sau đó là chấm dứt quan hệ ngoại giao.

Theo một nguồn tin chính thức, tại hội nghị thượng đỉnh thế giới Arab-Mỹ diễn ra tháng trước, Ai Cập đã cung cấp cho Saudi Arabia và UAE những thông tin vững chắc để ủng hộ quan điểm cho rằng “Qatar có vai trò gây mất ổn định chính trị ở các quốc gia Arab.”

Nguồn tin này nói thêm nỗ lực hòa giải của Kuwait đã không giải quyết được vấn đề vì Qatar đã từ chối tuân thủ đầy đủ các yêu cầu cụ thể của Saudi Arabia bao gồm việc bàn giao các nhà hoạt động bị truy nã và đóng băng các tài khoản ngân hàng có liên quan.

Theo nhà khoa học chính trị Mostafa Kamel El-Sayed, những động thái vừa diễn ra cho thấy “sự không khoan dung của chính quyền Mỹ đối với tất cả các phong trào Hồi giáo,” bao gồm Hamas và Hezbollah được Qatar hậu thuẫn. Nó cũng chỉ ra rằng Saudi Arabia không cho phép bất kỳ sự hỗ trợ nào của khu vực đối với đối thủ Iran.

Ông El-Sayed tranh luận rằng Qatar đã phải chứng kiến động thái trả đũa kể từ cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo ở Riyadh, nơi một thoả thuận giữa chính quyền Trump và các cường quốc khu vực được định hình không cho phép sự trỗi dậy của Iran trong khu vực.

El-Sayed lập luận rằng “đã đến lúc Qatar phải xem xét lại” chính sách ngoại giao của mình có sự cân nhắc đến vai trò và vị trí của Mỹ cũng như các nước láng giềng trong GCC.

Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah (giữa), Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani (trái) và đại diện các nước Arập tại Hội nghị thượng đỉnh Arập ở Kuwait ngày 25/3/2014. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah (giữa), Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani (trái) và đại diện các nước Arập tại Hội nghị thượng đỉnh Arập ở Kuwait ngày 25/3/2014. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Khởi đầu của việc cô lập Qatar

Theo nhiều chuyên gia chính trị Ai Cập, quyết định của một số quốc gia Arab chấm dứt quan hệ với Qatar, quốc gia giàu tài nguyên khí đốt có thể là một khởi đầu của việc cô lập khu vực đối với Doha.

Cựu trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Hussein Hariedy bình luận rằng “các biện pháp này đã được đưa ra sau khi tất cả những nỗ lực hòa giải tại hội nghị thượng đỉnh thế giới Arab – Mỹ diễn ra trong tháng trước bị thất bại. Rõ ràng, Qatar không muốn thay đổi chính sách, dẫn tới việc các nước vùng Vịnh phải cắt mọi quan hệ với Doha”.

Bộ Ngoại giao Ai Cập thông báo rằng Cairo đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha vì sự khăng khăng của nước này chống lại Ai Cập và sự thất bại của tất cả các nỗ lực chấm dứt việc hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố, trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) hiện đang bị cấm hoạt động tại quốc gia Bắc Phi.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định rằng sự chấm dứt mối quan hệ với Qatar cũng bắt nguồn từ sự ủng hộ của nước này với tư tưởng cực đoan của Al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như những hỗ trợ của Doha cho các tổ chức khủng bố đang hoạt động tại bán đảo Sinai và các hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Ai Cập đe dọa đến an ninh quốc gia.

Ai Cập sẽ đóng cửa không phận, hải phận cũng như là các cảng biển vận tải đối với tất cả các phương tiện khởi hành từ Qatar nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.

Bahrain, Saudi Arabia và UAE cũng áp dụng biện pháp tương tự, cắt đứt tất cả liên kết bằng đường bộ, đường biển và đường không với quốc gia láng giềng vùng Vịnh.

Theo ông Hariedy, “những quyết định này sẽ giúp cô lập Qatar tại Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Liên đoàn Arab (AL)“. Chắc chắn Qatar “sẽ phải trả giá đắt”.

Những biện pháp này sẽ không chỉ tăng cường cô lập đối với chính quyền Qatar, mà cũng có tác động mạnh tới người dân nước này vì “Qatar nhập khẩu hầu hết thực phẩm từ Saudi Arabia, quốc gia duy nhất có chung biên giới với Doha”.

Tiến sĩ Mohammad Kamal, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Cairo, bày tỏ sự hoan nghênh đối với quyết định cắt đứt quan hệ với Qatar, coi đây là “một biện pháp tốt” và là “sự khởi đầu trong việc cô lập Doha”. Qatar phải chấm dứt hợp tác, hỗ trợ, cung cấp tài chính cho các phần tử khủng bố trên lãnh thổ của mình đồng thời cũng phải xem xét lại mối quan hệ với Iran, vốn đi ngược lại chính sách của các nước vùng Vịnh khác.

“Hiện tại, quả bóng đang được đẩy về phía Qatar. Các nước vùng Vịnh và Ai Cập đang chờ đợi phản ứng và các biện pháp trả đũa của Doha”, nhằm có cơ sở để đưa ra các quyết định tiếp theo.

Ngày 5/6, Yemen, chính phủ miền Đông Libya, Maldives đã theo bước Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc nước này ủng hộ tài chính và hỗ trợ các tổ chức khủng bố “nhằm mục đích làm mất ổn định khu vực”. Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng “đây là lời buộc tội không công bằng và thiếu căn cứ”.

Ngoài ra, được khuyến khích bởi cách tiếp cận mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với khu vực Trung Đông, Saudi Arabia và UAE cũng đang nắm lấy cơ hội để nhằm cô lập Qatar.

Học giả tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu Adam Baron phát biểu rằng đây chắc chắn là “một sự gia tăng căng thẳng chưa từng có tiền lệ trong GCC”. Qatar từ lâu đã có lập trường khác biệt trong một số vấn đề khu vực với các nước láng giềng như Saudi Arabia và UAE, đặc biệt là do mối quan hệ giữa MB. Trong khi Saudi Arabia, UAE và Ai Cập đều quy kết MB là một tổ chức khủng bố thì Qatar lại ủng hộ tổ chức này khiến Bahrain, Saudi Arabia và UAE triệu đại sứ về nước trong năm 2014. Tuy nhiên, Doha vẫn được cho là tiếp tục dung dưỡng nhiều lãnh đạo của MB.

Nhà nghiên cứu cấp cao tại cơ quan nghiên cứu Chatham House ở London, Jane Kinninmont, nhận định tình hình căng thẳng tái diễn hiện nay không liên quan đến “điều gì mới mà Qatar đã làm”. Tuy nhiên, với việc Riyadh và Abu Dhabi tăng cường quan hệ với chính quyền Trump, hành động chống lại Qatar dường như là một “nỗ lực nhằm nắm lấy một cơ hội”.

Nỗ lực xoa dịu tình hình

Giữa lúc căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các quốc gia láng giềng Arab vùng Vịnh bùng phát, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã kêu gọi đối thoại và cam kết đảm bảo mối quan hệ mạnh mẽ với Mỹ.

Chưa đầy 24 giờ sau khi Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, Yemen, chính phủ miền Đông Libya và Maldives quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc nước này bảo trợ khủng bố, Ngoại trưởng Qatar Rahman đã kêu gọi “một cuộc đối thoại cởi mở và trung thực” để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trong một bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình Qatar Al Jazeera, nhà ngoại giao này khẳng định Qatar sẽ không để tình hình “leo thang” và Doha vẫn là một đồng minh lâu năm của Mỹ bất chấp những nghi ngờ của Washington về sự gần gũi giữa Qatar với các nhóm như Hamas của Palestine hay tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) của Ai Cập.

Ông Abdul Rahman nhấn mạnh “mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ là chiến lược”. “Có những điều mà chúng tôi không tán đồng, tuy nhiên những lĩnh vực mà chúng tôi hợp tác nhiều hơn những lĩnh vực bất đồng.”

Qatar hiện là nơi đóng quân của căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại khu vực Trung Đông, nơi đây được coi là cơ sở quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq./.

Lãnh đạo các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tại hội nghị ở Manama, Bahrain ngày 6/12/2016. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lãnh đạo các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tại hội nghị ở Manama, Bahrain ngày 6/12/2016. (Ảnh: AFP/TTXVN)