Masayoshi Son

son1-1491272225-36.jpg

Đây là câu chuyện về những ý tưởng đằng sau quỹ 100 tỷ USD của SoftBank với Saudi Arabia

***

Masayoshi Son là một nhà đầu tư hay một doanh nhân?

Đằng sau tất cả những thương vụ và hoạt động chiếm trang nhất các mặt báo – như vụ mua lại nhà mạng Sprint của Mỹ và công ty thiết kế con chip ARM Holdings của Anh, cùng một cuộc gặp mặt sớm với tổng thống Donald Trump – giám đốc điều hành tập đoàn viễn thông Nhật Bản SoftBank Group có những hiểu biết sâu sắc rút ra từ hai nguồn lạ thường: đua ngựa và cá hồi.

Việc ông nghiêm túc thế nào với quỹ 100 tỷ USD mà SoftBank sẽ thành lập cùng Saudi Arabia, cùng nhiều quỹ khác được chứng minh rất rõ ràng trong các hành động của ông. Ngày 3/9 năm ngoái, ông Son đã gặp mặt phó Thái tử Mohammad bin Salman của Saudi tại Nhà khách chính phủ Akasaka ở Tokyo. Son đã đề xuất ý tưởng về quỹ này và hai người đã cùng nhau thảo luận. Hoàng tử Saudi đã cho cơ quan tin tức quốc gia công bố một bức ảnh ông và Son đang trò chuyện thân tình với nhau.

Đáng ra Son không có mặt ở Tokyo ngày hôm đó. Ông đã có lịch đến Vladivostok gặp người đứng đầu một công ty điện lực lớn ở Nga như một phần trong đoàn đại biểu doanh nghiệp của Nhật Bản tháp tùng Thủ tướng Shinzo Abe, người đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nga là Vladimir Putin. Nhưng Son đã hủy chuyến đi vào phút cuối – một bước đi chưa từng có tiền lệ. Với ông, cuộc gặp với hoàng tử quan trọng hơn nhiều.

Khoảng một tháng sau đó, vào ngày 3/10, Son tới Riyadh, thủ đô của Saudi. Ông đã ký kết thỏa thuận thành lập quỹ, bắt tay với các bộ trưởng Saudi và nhanh chóng ra sân bay bay về nhà trên chuyên cơ riêng. Chờ ông ở Tokyo là Tim Cook, giám đốc điều hành Apple.

Son kịp thời tránh được một cuộc hủy hẹn vào phút cuối nữa bằng cách đề nghị Cook xếp lại lịch gặp mặt. Cook, với một lịch trình chính xác từng phút cho lần đầu tới Nhật với tư cách giám đốc điều hành Apple, đã không được chuẩn bị cho một yêu cầu gấp gáp như thế. Nhưng khi gặp nhau, ông hoàn toàn đồng tình với dự án 100 tỷ USD.

Tại sao Son phải vội vàng như vậy? Tại sao một người đàn ông luôn gọi mình là một doanh nhân lại cần khoản đầu tư đó?

Chủ tịch Softbank Masayoshi Son giới thiệu thiết bị y tế mới Fitbit Flex tại Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chủ tịch Softbank Masayoshi Son giới thiệu thiết bị y tế mới Fitbit Flex tại Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không cần danh mục đầu tư

Câu trả lời – cũng như lý do vì sao công chúng cho rằng SoftBank giống một công ty đầu tư hơn – liên quan đến cái mà Son gọi là chiến lược “bầy đàn.”

Khi Son nhìn ra một cơ hội đầu tư mà ông cho là hứa hẹn, đầu tiên ông sẽ xây dựng một quan hệ đối tác vốn bằng cách đầu tư vào doanh nghiệp. Điều ông coi trọng là “mối liên kết qua một thiện chí chung,” hay sự tin tưởng lẫn nhau giữa các chủ doanh nghiệp. Với Son, sự tin tưởng lẫn nhau cần một mối quan hẹ đối tác về vốn dài hạn. Trung bình, SoftBank nắm giữ cổ phần của các công ty khác trong vòng 13 năm rưỡi.

SoftBank không có xu hướng đầu tư một số tiền nhỏ rồi bán cổ phần nhằm kiếm tiền nhanh. Tập đoàn cũng không dùng các danh mục đầu tư để tối thiểu hóa rủi ro như các quỹ đầu tư khác làm. Các kỹ thuật đầu tư như bán khống cổ phần chắc chắn không phải là lựa chọn của công ty. SoftBank không kỳ vọng sẽ kiếm được lợi nhuận từ thặng dư vốn.

Như một quy tắc, Son trở thành cổ đông lớn nhất của công ty mà SoftBank đầu tư vào. Mặc dù không can thiệp vào việc quản lý công ty, “tôi nghĩ [về việc kinh doanh của họ] như thể tôi đang điều hành công ty,” Son chia sẻ. Theo ông, chính qua quá trình này, “liên kết” được hình thành.

Son nói rằng ông muốn xây dựng một sự gắn bó qua đầu tư vì ông muốn tạo ra “một tập đoàn kinh tế có thể tồn tại qua 300 năm” – một tham vọng để công ty tồn tại lâu hơn thời kỳ mạc phủ Edo từ năm 1603 đến năm 1867, sau đó bị lật đổ bởi một nhóm những người ủng hộ chế độ quân chủ, trong đó có Ryoma Sakamoto, người mà Son kính trọng.

Ngành công nghiệp công nghệ thông tin – chiến trường chính của Son – đặc biệt đầy tính cạnh tranh, với nhiều công ty nổi lên rồi gục ngã. Phụ thuộc quá nhiều vào một ngành kinh doanh có thể gây tổn hại cho một công ty. Chiến lược bầy đàn của Son chính là phản đề cho điều đó. Mục tiêu là tạo ra một mạng lưới lỏng lẻo các công ty qua đầu tư để tồn tại trong thời đại kế tiếp và sau đó nữa. Quỹ đầu tư 100 tỷ USD với Saudi Arabia chính là thứ khiến mục tiêu đó trở nên khả thi.

Những khoản đầu tư của Softbank (tính bằng tỷ yen)
Những khoản đầu tư của Softbank (tính bằng tỷ yen)

Thuần chủng và sống sót

Khoảng bảy năm trước, nhóm chiến lược của SoftBank đã thực hiện một nghiên cứu độc đáo và báo cáo những ý nghĩa ẩn sau những phát hiện của họ với Son. Nghiên cứu của họ tập trung vào một câu hỏi: Tại sao nước Anh không còn giành chiến thắng đua ngựa tại một thời điểm nhất định?

Một con ngựa thuần chủng được cho là được xác định lần đầu năm 1791. Câu lạc bộ Jockey của Anh đã phê duyệt 456 con ngựa, và giống ngựa của chúng được đăng ký trong “Sách giống ngựa thuần chủng.” Ở Anh, vào đầu thế kỷ 20, chỉ những con ngựa có tổ tiên được đăng ký trong sách này mới được công nhận là thuần chủng. Sau đó, ngựa đua của Anh bắt đầu tụt lại so với những đối thủ mới nổi của Pháp và Mỹ.

Sự sụp đổ của ngành đua ngựa Anh là do quá chú trọng vào tính thuần huyết, Son kết luận. Ông nghĩ rằng cả ngựa đua và doanh nghiệp đều cần DNA mới để phát triển vững mạnh.

Nhưng tìm DNA của người chiến thắng không dễ. Son thường so sánh việc này với việc trứng cá hồi nở. Ông tin rằng trong số 2.000-3.000 trứng mà một con cá hồi cái đẻ mỗi lần, chỉ có một trứng cá đực và một trứng cá cái sống sót. Nếu số trứng sống sót nhiều hơn, cả con sông sẽ ngập tràn cá hồi. Nếu số trứng sống sót ít hơn, thì giống cá hồi sẽ tuyệt diệt. Nhưng có thể tìm ra con cá sống sót hay không? Câu trả lời có lẽ là không, ngay cả với người có mắt nhìn tiềm năng của con người như Son.

Thế giới đang bắt đầu tiến vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI). Son tin rằng cái được gọi là sự phi thường – tức trạng thái mà AI sẽ vượt trội trí tuệ của toàn bộ nhân loại – sẽ xảy ra trong vòng 30 năm tới. “Khi điều đó xảy ra, mọi ngành công nghiệp sẽ được định nghĩa lại,” Son nói. Chiến trường sẽ mở rộng đến vô hạn, và tìm được con cá hồi sống sót sẽ trở nên khó hơn nhiều.

Thời gian sẽ trả lời

Với quỹ mới, Son lên kế hoạch sẽ đầu tư vào tới 5.000 doanh nghiệp do những doanh nhân hứa hẹn điều hành. Họ sẽ phối hợp DNA của mình và tìm ra con cá hồi sống sót.

“Ngay cả khi không có “bầy đàn”, SoftBank vẫn sẽ tiếp tục trong vòng 30 năm nữa nếu bạn nhắm tới thành công đạt đỉnh trong vòng 30 năm,” Son nói. “Nhưng với 300 năm, cách đó không có tác dụng. Khi mọi người trong tương lai được đề nghị nêu tên một thứ Masayoshi Son đã sáng chế ra, tôi không muốn họ nói là con chip, phần mềm hay phần cứng, mà là một cơ cấu tổ chức có thể tiếp tục phát triển trong vòng 300 năm.”

Đó là tư duy đằng sau nhà đầu tư Son. Hơn bất kỳ ai, ông hiểu rằng mục tiêu của ông cũng không được hiểu rõ. “Mọi người thường chỉ trích SoftBank vì chỉ là một công ty đầu tư. Nhưng tôi nghĩ rằng bạn sẽ hiểu khi đến lúc – ít nhất là trong vòng 300 năm tới.”