Nước Pháp ngày nay là một đất nước bị chia rẽ mạnh mẽ. Không có lý tưởng quốc gia chung nào thúc đẩy Pháp; đất nước này đang mất phương hướng và đánh mất niềm tin vào tầng lớp chính trị của mình.
Vào tháng 4 và tháng 5/2017, vấn đề được đặt ra không chỉ là câu hỏi ai sẽ là chủ nhân tiếp theo của Điện Élysée: Mọi thứ còn xoay quanh định nghĩa mới về bản sắc tập thể và vai trò của một quốc gia trong thế kỷ 21.
“Pháp đang cảm thấy buồn chán”, đây là nhận định của nhà báo xã luận nổi tiếng Pierre Viansson-Ponté vào tháng 3/1968 – chỉ 2 tháng trước khi các cuộc bạo động sinh viên tại Paris và các nơi khác bùng nổ.
Ông miêu tả một đất nước gần như uể oải, bị truyền hình nhà nước làm cho u mê, với giới thanh niên không còn quan tâm tới các vấn đề thế giới và một tổng thống, Tướng Charles de Gaulle, dành thời gian khánh thành tượng đài và thăm quan các triển lãm nông nghiệp.
Quốc gia “không khốn khổ nhưng cũng chẳng giàu có”, “đắm chìm trong sự thờ ơ và trì trệ”. Nhưng điều gì có thể là vấn đề? Viansson-Ponté lập luận: “Đối với một dân tộc, sự buồn chán là mức gần nhất có thể tới hạnh phúc”. Ai lại mơ về chiến tranh, khủng hoảng hay đình công? Tuy nhiên theo ông, người Pháp “quá thường xuyên cho thấy rằng họ yêu sự thay đổi vì chính bản thân nó, với bất kỳ giá nào”.
Gần 50 năm sau, không khó để nhận thấy những dấu hiệu của một sự bùng nổ mới. Nước Pháp của năm 1968 có lẽ buồn chán; năm 2017 đất nước này về cơ bản cảm thấy quá mệt mỏi. Một sự pha trộn cảm xúc bao gồm tức giận, thất vọng và sợ hãi đang lan khắp đất nước. Và tất cả những cảm xúc này sẽ đóng một vai trò trong cuộc bầu cử tổng thống.
Câu hỏi mang tính quyết định là liệu sự bùng nổ này có dẫn tới một sự làm mới bản thân thực sự của nền dân chủ hay không, hay các lực lượng chính trị đen tối sẽ dễ dàng giành chiến thắng.

Những nguy cơ, nỗi lo sợ và sự vĩ đại
Người ta khó có thể miêu tả quá mức những nguy cơ. Lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhà lãnh đạo một đảng theo kiểu phátxít có thể có cơ hội điều hành nước Pháp. Để tránh hiểu lầm: Điều này không có nghĩa là Marine Le Pen sẽ có thể trở thành tổng thống tiếp theo của Pháp. Nhưng khả năng bà giành được vị trí cao nhất trong nhà nước là điều không thể bị bác bỏ. Chiến thắng của bà là điều hoàn toàn có thể xảy ra – và không chỉ vì các cuộc thăm dò, mà theo đó bà rõ ràng sẽ bị đánh bại ở vòng hai, nên được xem xét với sự thận trọng.
Vụ bê bối tài chính (“Penelopegate”) liên quan tới ứng cử viên của đảng Những người Cộng hòa, François Fillon, người đã để cho vợ mình nhận được tiền lương cao từ ngân quỹ quốc hội trước đây, đã châm ngòi cho sự tức giận mới. Và sự tức giận này lớn đến nỗi đã có những bình luận về một “cuộc khủng hoảng chế độ”, trong đó thậm chí cả cuộc bầu cử tổng thống cũng bị những hoài nghi làm lu mờ. Hình ảnh “người đàn ông trung thực” của Fillon, điều đã giúp ông giành chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Những người Cộng hòa, thực sự đã bị hủy hoại.
Nhìn chung, sự coi khinh đối với giới tinh hoa chưa bao giờ lớn như vậy. Tất cả những gì giống với giới quyền uy dường như đều là tính ngữ cho sự lừa dối và không có năng lực. Những công dân bình thường theo dõi vụ bê bối của Fillon đã tự hỏi: “Tại sao chúng ta phải nỗ lực kiếm tiền đủ sống trong khi các chính trị gia tiếp tục lừa dối và tiếp tục thăng tiến mà không bị cản trở?” Niềm tin vào các thể chế có xu hướng xuống gần tới mức 0 – với ngoại lệ là quân đội, thể chế vẫn có được danh tiếng tốt. Tất cả những điều này là một bữa tiệc dành cho các lực lượng dân túy.
Nỗi lo sợ của người Pháp ở 3 khía cạnh: nỗi lo sợ toàn cầu hóa, nỗi lo sợ trước sự biến mất của “bản sắc quốc gia” và nỗi lo sợ tiếp tục mất đi ảnh hưởng trên sân khấu châu Âu và thế giới.
Người ta có thể cảm nhận rõ ràng nỗi lo sợ của người Pháp ở 3 khía cạnh: nỗi lo sợ toàn cầu hóa, nỗi lo sợ trước sự biến mất của “bản sắc quốc gia” và nỗi lo sợ tiếp tục mất đi ảnh hưởng trên sân khấu châu Âu và thế giới. Đối với một đất nước tự nhận về mình thông điệp mang tính “phổ quát” và luôn cố gắng đạt được uy tín quốc gia, bất cứ điều gì khác là không xứng đáng.
Trong hồi ký của mình, Charles de Gaulle đã đưa ra lời so sánh Pháp với “Đức mẹ Madonna” và “công chúa trong chuyện cổ tích”: “Tâm trí cũng nói với tôi rằng Pháp không phải là Pháp nếu nước này không đứng ở vị trí hàng đầu, rằng chỉ có các nỗ lực tuyệt vời mới có thể bù đắp cho xu hướng tan rã của người dân chúng ta và rằng nước Pháp phải đặt ra một mục tiêu cao và đi theo con đường của mình với cái đầu ngẩng cao, nếu nước này không gặp nguy hiểm. Pháp không phải là Pháp nếu không có sự vĩ đại”.
“Xu hướng tan rã”: Pháp đang có quá nhiều hố sâu ngăn cách trong nội bộ. Toàn bộ các nhóm dân cư đang xung đột với nhau: người già với người trẻ, người có việc làm với người mất việc, nông thôn với thành thị, người không được đào tạo với người được đào tạo tốt, người nhập cư với người bản xứ. Đúng là những sự đối đầu này cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia khác, nhưng tại Pháp chúng ngày càng mang tính sống còn, vì sự bình đẳng và tính không thể chia cắt của các quyền công dân về cơ bản gắn liền với nhận thức về nền cộng hòa Pháp trong lịch sử.
Sau các cuộc tấn công khủng bố gần đây – các cuộc tấn công tồi tệ nhất mà quốc gia này từng trải qua kể từ khi cuộc chiến tranh Algeria kết thúc – xuất hiện nỗi lo sâu sắc rằng sự đoàn kết xã hội của Pháp có thể sụp đổ. Nhưng trên hết, hàng thập kỷ thất nghiệp hàng loạt đã để lại dấu vết rõ ràng. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay đang ở mức 10%, trong nhóm từ 18 đến 24 tuổi là 26%.
Theo các cuộc thăm dò, 64% người Pháp tin rằng thanh niên hiện nay có ít cơ hội hơn so với cha mẹ của họ. Đây rõ ràng là một mảnh đất màu mỡ cho bất cứ ai muốn đổ lỗi cho một nhóm dân số nào đó. Vào tháng 1, một cuộc thăm dò ý kiến cho kết quả là 62% số người được hỏi đồng tình với tuyên bố “Hồi giáo là một mối nguy hiểm đối với nền cộng hòa” – tuy nhiên một điều thú vị là có 55% tin rằng “nhập cư là một nguồn làm giàu văn hóa”.

Các quan điểm đối lập
Le Pen sẵn sàng sử dụng những nỗi lo sợ bị dồn nén này để làm lợi cho bản thân. Đó là lý do vì sao các cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 23/4 và 7/5 lại mang tính sống còn đến vậy; chúng là sự kiện khó dự đoán nhất và đồng thời có khả năng gây chấn động mọi thứ trong lịch sử hiện đại của Pháp.
Các quan điểm về Le Pen hoàn toàn đối lập nhau. 55% số người Pháp được hỏi cho rằng bà là “người đáng sợ”. Nhưng trong số các chính trị gia mà người dân tin tưởng rằng “thấu hiểu tốt nhất các vấn đề của người dân bình thường”, bà lại đứng ở vị trí hàng đầu. Một tổng thống thuộc phe cựu hữu không còn là một điều cấm kỵ tại Pháp nữa.
Vào đầu tháng 2, Le Pen dẫn đầu trong các cuộc thăm dò với tỷ lệ ổn định là 25% số phiếu trong vòng đầu tiên. Trước đó, bà đã bắn phát súng khởi động cho chiến dịch tranh cử của mình với một cuộc mít tinh lớn tại Lyon, với lời hứa chính là giới thiệu một hệ thống “ưu tiên quốc gia”. Le Pen năm nay 48 tuổi và rất quyết tâm leo lên đỉnh cao quyền lực – đối lập với cha bà, Jean-Marie Le Pen, người khá hài lòng với vị thế kẻ ngoài cuộc của mình.
Le Pen đang bán một ảo tưởng, nhưng điều đó không có nghĩa là người dân không tin vào ảo tưởng đó của bà
Với các khẩu hiệu và lời hứa theo chủ nghĩa bảo hộ, với nội dung bảo vệ nhà nước phúc lợi trước chính sách kinh tế “tân tự do” hay người nước ngoài, bà muốn tiếp cận các cử tri dễ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân túy ở cánh tả lẫn cánh hữu. Bà thể hiện bản thân như là tấm khiên bảo vệ chống lại bất cứ lực lượng bên ngoài nào mà bị cho là đối xử với Pháp như trẻ con, trước hết là Liên minh châu Âu.
Đương nhiên, Le Pen đang bán một ảo tưởng, nhưng điều đó không có nghĩa là người dân không tin vào ảo tưởng đó của bà. Nếu chiến dịch tranh cử của Fillon sụp đổ, bà sẽ hưởng lợi từ việc này. Cả sự chia rẽ và cấp tiến hóa bên phía cánh tả cũng có thể đem lại lợi thế cho bà, do một chính trị gia làm người ta nhớ tới lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn đã trở thành ứng cử viên của đảng Xã hội.
Việc Benoît Hamon giành chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Xã hội ngẫu nhiên trở thành lời phán quyết cuối cùng đối với nhiệm kỳ tổng thống của François Hollande. Chương trình tranh cử của Hamon nằm đâu đó ở giữa “độc lập về tư duy” và “không tưởng”, với thu nhập cơ bản do nhà nước đảm bảo, hợp pháp hóa cần sa và đánh thuế vào robot.
Macron – Người đem lại hy vọng
Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều người Pháp ủng hộ nền dân chủ đã đặt niềm hy vọng của họ vào chính trị gia 39 tuổi Emmanuel Macron. Họ ngày càng coi ông là một bức tường thành để chống lại Le Pen. Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của François Hollande, chính trị gia trung dung này đã bày tỏ thái độ phẫn nộ với tình hình nền chính trị Pháp và những khó khăn để cải cách đất nước.
Bộ trưởng Kinh tế trước đây của Hollande, với xu hướng cường điệu để gây ấn tượng, đã khởi động một chiến dịch tranh cử tương đối khác thường và phá vỡ công thức tả-hữu truyền thống. Chiến dịch vận động “En Marche!” (“Tiến bước!’) của ông đã có 170.000 thành viên kể từ khi được thành lập cách đây 10 tháng.
Bên cạnh sức trẻ của mình, một điểm đặc trưng của Macron là việc ông sử dụng các kỹ thuật tranh cử mà khiến người ta nhớ tới chiến dịch tranh cử của Barack Obama năm 2008, trong đó có việc sử dụng dữ liệu lớn (một tập hợp dữ liệu lớn để dự báo, phân tích hành vi người sử dụng), “bản đồ hóa” chính trị các khu vực trong thành phố, việc phái có chủ ý các nhà hoạt động tiếp cận trực tiếp với cử tri tại nhà.
Giống như Obama, Macron nhìn nhận bản thân đang đóng vai trò người đem lại hy vọng – trong các sự kiện tranh cử của mình, ông liên tục nhắc đến “chiến thắng của niềm hy vọng”. Macron muốn “hòa giải” người dân Pháp vượt qua các hố ngăn cách về chính trị, sắc tộc và tôn giáo.
Ông tiếp cận bộ phận cử tri thành thị, có liên kết với nhau, được giáo dục tốt, “được toàn cầu hóa” và vẽ ra bức tranh một nước Pháp quá mệt mỏi với “hệ thống cũ”, nhưng không cảm thấy sợ hãi. Ngược lại, Marine Le Pen lại tiếp cận những cử tri đã quá chán nản và lo sợ, và số lượng những người như vậy không hề nhỏ.

Vượt ra ngoài “bong bóng”
Để có thể đo lường tâm trạng của đất nước, điều quan trọng là phải rời bỏ Paris. Pháp từ lâu đã là một nhà nước tập quyền mạnh mẽ, điều này có nguồn gốc từ thời kỳ phong kiến, khi các quý tộc dành thời gian nghĩ ra các âm mưu chống lại nhau hay xin đặc ân từ nhà vua. Cả các tổng thống của nền cộng hòa thứ 5 cũng duy trì cái gọi là một hệ thống triều đình.
Truyền thông và giới quyền uy chính trị hoạt động trong một vòng tròn hẹp – và “vòng quay tin tức” của các kênh tin tức trên truyền hình đã lại củng cố tác động tiêu cực của tình hình này. Cử tri không còn muốn chấp nhận “bong bóng” giới quyền uy này nữa. Giới tinh hoa Paris có tiếng là chỉ bận tâm tới bản thân, thay vì chăm lo cho đời sống của người dân thường: công thức hoàn hảo để kích động sự tức giận của công chúng.
Tỉnh Tarn-et-Garonne phía Tây Nam nước Pháp nằm giữa một khu vực đồi núi đẹp như tranh với các vườn táo, vườn nho và các ngôi làng nhỏ. Du khách tới đây để thăm quan tu viện Thánh Pierre tại Moissac. Khu vực này trước đây do cánh tả thống trị, thế nhưng hiện nay lại là vùng đất của Le Pen. Đảng Mặt trận Quốc gia đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương tháng 12/2015 với không ít hơn 35% số phiếu. Tỷ lệ thất nghiệp cao và thành tích ngày càng tồi tệ hơn của khu vực công đã đem lại nỗi thất vọng tột cùng.
Giới tinh hoa Paris có tiếng là chỉ bận tâm tới bản thân, thay vì chăm lo cho đời sống của người dân thường: công thức hoàn hảo để kích động sự tức giận của công chúng.
Trong những năm qua, các nhà máy và doanh nghiệp nhỏ đã bị phá sản hay rời đi. Người dân lo ngại rằng họ phải đi những tuyến đường xa hơn để tới được phòng khám tiếp theo, rằng trường học sẽ phải đóng cửa do thiếu phương tiện và về mức lương thấp. Một cảm giác chung “rằng cuộc sống chúng tôi đã biết đang biến mất” và “không ai chăm lo cho chúng tôi” đang lan rộng khắp nơi. Người dân ở cả cánh tả lẫn cánh hữu đều cảm thấy thất vọng với chính phủ. Marine Le Pen chưa bao giờ nắm quyền lãnh đạo, vì vậy người dân ở đây quyết định đặt niềm tin vào bà.
Ngoài ra còn có một cảm xúc về sự bất an, một cảm xúc mới và có gốc rễ sâu xa. Các vụ tấn công khủng bố tại Paris và Nice đã gây chấn động toàn bộ đất nước. Tại Tarn-et-Garonne, tâm lý bài ngoại đang dần xuất hiện trong các cuộc nói chuyện về các cư dân có gốc gác Bắc Phi, mà phần lớn là con cháu của những người nhập cư tới khu vực này vào những năm 1950 để giúp thu hoạch mùa màng. Một nhóm nhỏ thanh niên theo đạo Hồi đã bị cực đoan hóa theo dòng Salafi và bị cơ quan an ninh theo dõi sát sao.
Cho dù đại đa phần cư dân nhập cư đã hòa nhập tốt vào xã hội sở tại, nhận thức của công chúng đã trở nên xấu đi. Đảng của Le Pen đã nhanh chóng lợi dụng tâm lý này để thu lợi. Tại các sự kiện của đảng, đám đông hò hét các câu nói: “Đây là đất nước của chúng ta!” hay “Chúng ta đang ở nhà”.
Đương nhiên những vấn đề này không chỉ xuất hiện ở Pháp. Cảm xúc chống giới quyền uy và một giới trung lưu bất mãn cũng hiện diện tại các nền dân chủ phương Tây khác. Họ đã khuyến khích Donald Trump tại Mỹ cũng như những người ủng hộ Brexit tại Anh, và họ thúc đẩy sự trỗi dậy của phe cực hữu tại các khu vực khác của châu Âu.

Thế nhưng cảm giác bị tổn thương mạnh mẽ này tại Pháp lại khá đặc trưng. Toàn cầu hóa đã làm suy yếu nhà nước, mà đã đóng một vai trò mạnh mẽ trong nền kinh tế quốc gia của Pháp kể từ thời Jean-Baptiste Colbert, Bộ trưởng Tài chính của “ông vua mặt trời” Ludwig XIV vào thế kỷ 17. Khi xét tới quá khứ thực dân của Pháp, chính trị bản sắc và các vấn đề của nhập cư đã tạo ra những sự cộng hưởng khá đặc biệt.
Cuối cùng, người ta không được phép quên rằng nguồn gốc của đảng Mặt trận Quốc gia nằm ở cuộc nội chiến Algeria. Chấn thương mà các phần tử khủng bố Hồi giáo sinh ra tại Pháp để lại đã châm ngòi cho các cuộc chiến mới về hệ tư tưởng và chính trị mà chỉ có ở Pháp, vì chúng xoay quanh hình thức chủ nghĩa thế tục của riêng Pháp – còn được gọi là “laïcité”. Người ta chỉ cần nghĩ tới “tranh cãi áo tắm burkini” được tranh luận quyết liệt trên tất cả các phương tiện truyền thông, mà tòa án sau đó phải ra quyết định chấm dứt.
Một số so sánh trên tầm quốc tế cũng gây tổn thương. Người Pháp nhận thức quá rõ rằng nền kinh tế đất nước họ đã bị Đức vượt qua từ cách đây gần 1 thập kỷ. Điều này củng cố sự chỉ trích đối với EU trong một số nhóm cử tri – và đây chính là nhóm cử tri mà Le Pen tiếp cận. Dự án châu Âu được cho là để nhân lên ảnh hưởng của Pháp, nhưng hiện nay EU hầu như không được coi là như vậy (cho dù đa số vẫn muốn ở lại EU).
Sau khi Pháp đánh mất đế chế của mình vào năm 1962, de Gaulle đã quyết đoán đi theo con đường hòa giải với Đức; năm 1963, ông đã ký với Thủ tướng Đức Konrad Adenauer Hiệp ước hữu nghị Đức-Pháp tại Điện Élysée. Giả sử rằng Marine Le Pen không thắng cử, một sự hồi sinh quan hệ đối tác Đức-Pháp có thể đóng góp chút ít vào việc chữa lành cảm nhận của Pháp về chính mình.
Cảm nhận, chứ không phải thực tế
Tuy nhiên, đây là một điều mỉa mai: Một số số liệu thống kê cho thấy, nếu nhìn nhận chính xác hơn, tình hình của Pháp không hoàn toàn tồi tệ như người dân nước này tin vào. Chẳng hạn, tỷ lệ nghèo đói của Pháp thấp hơn của Đức, Anh, Italy và Tây Ban Nha. Nhưng điều này không ngăn cản 87% người Pháp tin rằng một cú trượt xuống nghèo đói có thể xảy với bất kỳ ai vào bất kỳ thời điểm nào.
Cả sự bất bình đẳng về thu nhập cũng ít rõ rệt hơn so với các nước kể trên – thế nhưng người Pháp lại tin vào điều ngược lại. Tuy nhiên, theo quy tắc vàng của chính trị, cảm nhận quan trọng hơn thực tế. Và một số thực tế lại có tác động: Thu nhập theo đầu người trong thập kỷ qua chưa bao giờ đình trệ như vậy kể từ sau năm 1945.
Nước Pháp ngày nay là một đất nước rất chia rẽ, mà không có lý tưởng quốc gia chung nào thúc đẩy, mất phương hướng và mất niềm tin vào tầng lớp chính trị. Các hố ngăn cách rộng đã chia cắt những người tin vào sự mở cửa và những người mong muốn dựng lên một bức tường dọc theo biên giới quốc gia. Cuộc bầu cử tổng thống Pháp không chỉ đơn giản là một cuộc đua vào Điện Élysée – nó còn xoay quanh một định nghĩa mới về bản sắc tập thể và vai trò của một quốc gia trong thế kỷ 21.
Rất nhiều điều đang gặp nguy cơ: Trong thời đại của Brexit, Trump và chủ nghĩa dân túy, cuộc bầu cử là một bài kiểm tra cho việc bảo vệ nền dân chủ Pháp và sự tồn tại của EU. Nước Pháp ngày nay đang hoạt động bên bờ vực của một cơn chấn động chính trị với bản chất hoàn toàn khác với cơn chấn động năm 1968. Người ta hầu như không nghi ngờ gì về việc một thời khắc quyết định mang tính hỗn loạn đang tới gần.
Người Pháp cảm thấy quá mệt mỏi – và dẫn lời nói của Viansson-Pónte, có nguy cơ rằng người Pháp muốn sự thay đổi vì chính bản thân nó, mà không quan tâm tới phí tổn. Nhưng nhiều cử tri sẽ muốn tránh bước đi tập thể tới vực thẳm./.
