Marine Le Pen

lepen-1491097761-34.jpg

Từ đầu năm 2017, khi toàn bộ các nước phương Tây vẫn hoang mang, lo sợ, không biết ứng phó như thế nào đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, một cuộc khủng hoảng lớn hơn tiếp tục trỗi dậy nhanh chóng: Lãnh đạo chính đảng cực hữu được coi là “Trump của Pháp”, bà Marine Le Pen, có khả năng lớn để tạo nên lịch sử và trở thành tổng thống.

Căn cứ vào cơ chế bầu cử hai vòng của Pháp, vòng 2 nhất định phải có số phiếu hơn 50%, bất kỳ chính đảng cực hữu nào cũng không thể giành được quyền lực cao nhất. Trong cuộc bầu cử cách đây 4 năm, Đảng Mặt trận Quốc gia (FN) cực hữu của bà Le Pen đã giành được số phiếu cao nhất trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, nhưng thất bại trong vòng bầu cử thứ hai. Nguyên nhân là do các cử tri có truyền thống ủng hộ cánh tả hoặc cánh hữu bị những lời kêu gọi của các ứng cử viên của đảng phái khác nhau tác động nên thường hợp tác đối đầu với FN, tạo ra cục diện khiến đảng này thất bại.

Tuy nhiên, tình hình chính trị của Pháp biến đổi khó lường khi bước vào năm 2017, những sự kiện bất ngờ liên tục diễn ra. Các đảng cánh tả và cánh hữu đối mặt với cục diện không thể tái hiện thành công trong quá khứ.

Ứng cử viên có hy vọng thắng cử nhất của đảng Những người Cộng hòa (LR) Francois Fillon đã dính vào bê bối trả lương khống cho vợ. Khi làm nghị sĩ, Fillon đã tạo ra chức vụ để trả cho vợ gần 1 triệu euro tiền lương trợ lý. Hai con trai ông cũng được bố trí công việc liên quan đến pháp luật mặc dù họ chưa có bằng luật sư, đồng thời cũng nhận được lương vài chục nghìn euro.

Các vụ tấn công khủng bố rất có lợi cho đảng Mặt trận Quốc gia (FN) luôn nhấn mạnh vấn đề an ninh, chỉ trích tỷ lệ tội phạm cao do dân nhập cư gây ra.

Tuy Fillon tiếp tục bào chữa rằng hành động của ông không vi phạm luật pháp, nhưng hình ảnh của ông đã bị sứt mẻ nghiêm trọng, tỷ lệ ủng hộ giảm xuống thứ ba trong số các ứng cử viên tổng thống. Lịch sử Pháp sẽ lần đầu tiên xuất hiện cục diện hai đảng lớn truyền thống bị thua ngay từ vòng bầu cử đầu tiên. Trong tình hình đó, việc các cử tri do dự có tích cực đi bỏ phiếu hay không, những ứng cử viên tự do có tỷ lệ được ủng hộ thấp liệu có thể tác động đến cử tri của họ để liên kết ứng phó với bà Le Pen hay không là điều chưa rõ.

Đặc biệt là ứng cử viên tự do Emmanuel Macron quyết đối đầu với bà Le Pen, là ngôi sao mới nổi vừa ra khỏi Đảng Xã hội. Hành động “phản bội” của Macron có thể được nội bộ Đảng Xã hội và cử tri của đảng này thông cảm và ủng hộ hay không? Cử tri phái hữu có ủng hộ Macron, một người mới chỉ 39 tuổi, chưa từng lãnh đạo một đảng phái nào và mơ hồ về chính sách, lại làm cho mọi người nhớ đến sự lãnh đạo thất bại của Francois Hollande hay không? Đương nhiên điều này không thể biết được.

Khi sự kiện Fillon vẫn chưa chìm xuống, một vụ tấn công khủng bố ở mức độ rất thấp nhưng lại ở địa điểm nhạy cảm – Bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris, mục tiêu nhạy cảm, nơi có các quân nhân phòng chống khủng bố – tiếp tục tái diễn. Sau đó không lâu, cảnh sát lại phá vỡ âm mưu đánh bom khủng bố với mục tiêu là Paris. Các vụ tấn công khủng bố dù thành công hay thất bại thì cũng tiếp tục làm cho người Pháp ý thức được mối đe dọa tấn công khủng bố ở mọi nơi. Trên thực tế, chỉ trong năm 2016, cảnh sát Pháp đã phá vỡ 17 âm mưu tấn công khủng bố.

Các vụ tấn công khủng bố rất có lợi cho đảng Mặt trận Quốc gia (FN) luôn nhấn mạnh vấn đề an ninh, chỉ trích tỷ lệ tội phạm cao do dân nhập cư gây ra. Ngày 13/2/2017, bà Marine Le Pen, lãnh đạo FN, đã đến Đại lộ Anh quốc ở thành phố Nice của Pháp để tưởng niệm những nạn nhân của vụ khủng bố ở Nice vào năm 2016. Ý đồ lợi dụng vụ khủng bố để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri của bà là rất rõ ràng. Cựu thị trưởng thành phố Nice Estrosi đã chỉ trích bà kích động chủ nghĩa dân túy. Macron nhận được sự ủng hộ của dân chúng chủ yếu dựa vào chính sách kinh tế của ông. Khi tranh cử, ông rất ít đề cập đến lập trường an ninh và chống khủng bố của mình.

Các ứng cử viên hàng đầu trong cuộc Bầu cử Tổng thống Pháp: cựu Thủ tướng François Fillon- đại diện cánh hữu; cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon- đại diện cánh tả; bà Marine Le Pen- Chủ tịch đảng cực hữu “Mặt trận Quốc gia”; ứng cử viên trung dung- cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron và Nhà lãnh đạo phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchon (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các ứng cử viên hàng đầu trong cuộc Bầu cử Tổng thống Pháp: cựu Thủ tướng François Fillon- đại diện cánh hữu; cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon- đại diện cánh tả; bà Marine Le Pen- Chủ tịch đảng cực hữu “Mặt trận Quốc gia”; ứng cử viên trung dung- cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron và Nhà lãnh đạo phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchon (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi tâm lý hoang mang của mọi người lan rộng trên toàn quốc, Pháp lại xảy ra sự kiện “đâm vào hậu môn” vừa hoang đường vừa khiến mọi người phẫn nộ. Khi bị cảnh sát kiểm tra chứng minh thư, một người da đen 22 tuổi tên là Theo đã đánh nhau với bốn cảnh sát ở Paris và bị thương nặng. Cây gậy của một cảnh sát đã chọc vào hậu môn của Theo, khiến trực tràng của anh bị rách 10 cm, tổn thương trực tràng nghiêm trọng. Theo, người bị hại, nêu rõ cảnh sát đã lạm dụng bạo lực, lấy cây gậy chọc vào hậu môn của anh. Nhưng luật sư của cảnh sát lại cho rằng Theo không cẩn thận nên bị ngã, ngồi đúng vào cây gậy của cảnh sát gây “sự cố”.

Việc lạm dụng vũ lực đối với người da đen khi chưa có bất kỳ hành động phạm tội nào và việc giải thích một cách vô lý đã kích động những người da đen ở phía Bắc thủ đô Paris. Cuộc biểu tình của họ đã nhanh chóng trở thành cuộc bạo loạn liên tục trong nhiều ngày. Tuy Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhanh chóng đến thăm Theo, Theo rất cảm động và gia đình của anh đã kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh nhưng không thể làm thay đổi tình hình hỗn loạn đó. Từ sự kiện này có thể thấy, mâu thuẫn sắc tộc ở Pháp rất gay gắt, một đốm lửa nhỏ cũng có thể gây bùng cháy.

Trên thực tế, những sự việc tương tự như vậy xảy ra quá nhiều ở Pháp. Tháng 7/2016, một người da đen tên là Traore đã chết khi bị cảnh sát giam giữ. Thông tin do cảnh sát đưa ra là thanh niên này “bị bệnh tim kịch phát”. Nhưng những người chứng kiến khẳng định Traore bị cảnh sát đánh chết. Điều tra sau đó cho thấy người chết đã bị nhiều cảnh sát đè lên, ngạt thở và chết. Chỉ có điều, sự kiện này xảy ra trong mùa tranh cử nên có sự thay đổi về tính chất.

Sự kiện bất ngờ này đã làm dấy lên vấn đề sắc tộc vốn rất nhạy cảm trong xã hội Pháp. Đối với người dân tộc thiểu số, đây là vấn đề giành quyền bình đẳng nhưng đối với người da trắng vẫn chiếm vai trò chủ đạo thì đây một cuộc khủng hoảng sắc tộc: Căn cứ vào sự thay đổi về tỷ lệ sinh, Pháp rất nhanh bị Hồi giáo hóa và da màu hóa. Vấn đề sắc tộc là động lực thực sự để Trump lên nắm quyền. Mặc dù Trump nhiều lần quấy rối phụ nữ nhưng đa số phụ nữ da trắng lại bỏ phiếu cho ông.

Về tình hình châu Âu hiện nay, theo điều tra đối với 10 nước trong năm 2016 của Trung tâm nghiên cứu Pew, đa số người dân của 5 nước vẫn giữ đánh giá tiêu cực đối với đạo Hồi. Hungary, Italy và Ba Lan đều có tỷ lệ trên 66% số người được hỏi phản đối tôn giáo này. Điều tra của Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh cho thấy 55% người châu Âu muốn ngừng tiếp nhận người nhập cư mới.

Đảng FN của bà Marine Le Pen luôn luôn phản đối người nhập cư từ nước ngoài. Để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, phát biểu của bà đều đề cập đến vấn đề này. Tình trạng người da màu chết do cảnh sát đánh đập vẫn tiếp tục gây ra bạo loạn, bề ngoài là cảnh sát vi phạm nhân quyền, là thực thi pháp luật mang tính kỳ thị (Cảnh sát Pháp rất ít khi kiểm tra chứng minh thư của người gốc Hoa, người Hoa thường không đem chứng minh thư khi đi trên phố), nhưng vấn đề thực sự tác động đến Pháp vẫn là mâu thuẫn và khủng hoảng sắc tộc đằng sau đó. Các cuộc điều tra trong dân là nền tảng căn bản để bà Le Pen tạo ra lịch sử. Ứng cử viên của Đảng Xã hội Benoit Hamon chỉ trích Le Pen đổ thêm dầu vào lửa. Thực ra, Hamon nói rất đúng, chỉ cần bạo loạn leo thang thì Le Pen mới có lợi.

Có thể nói hàng loạt sự kiện xảy ra khi bước vào năm 2017 đều có lợi cho Marine Le Pen, cũng khiến tỷ lệ ủng hộ bà luôn ổn định ở vị trí cao nhất. Xem xét từ tình hình hiện nay, cho dù Francois Fillon nỗ lực thế nào thì cũng không thể có tín nhiệm để thắng cử. Cánh tả quá mệt mỏi vì sự bất lực của Hollande, cũng chỉ đóng vai trò phụ họa. Nếu trong thời gian tới, các vụ tấn công khủng bố và xung đột sắc tộc tiếp tục diễn ra, Marine Le Pen sẽ tái hiện được thành tích của Đảng Cộng hòa ở Mỹ. Một điều cần phải nhấn mạnh là bà đã được các nước lớn hàng đầu trên thế giới ủng hộ: Anh, Mỹ và Nga đều đứng về phía Le Pen.

Anh muốn bà Le Pen giành chiến thắng bởi vì khi đã rời khỏi EU thành công, để thoát khỏi cô lập, đàm phán tốt hơn với các nước EU, đương nhiên Anh mong muốn EU tan rã. Do đó, báo chí cho rằng Anh đang cầu nguyện cho “người phụ nữ đưa nước Pháp rút khỏi EU” (bà Le Pen). Hơn nữa nếu EU tan rã thực sự thì cũng chứng minh sự đúng đắn của Anh khi rời khỏi tổ chức này. Nếu EU hưng thịnh và phát triển sau khi Anh rời khỏi EU thì Anh có chịu được không?

Ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ủng hộ bà Le Pen. Ông công khai ủng hộ bà không chỉ vì trả ơn sự ủng hộ công khai của bà khi ông tranh cử, cũng không chỉ vì quan niệm chung của hai người về chống toàn cầu hóa, chống thương mại tự do, chống dân nhập cư, mà một điểm quan trọng hơn là EU tan rã cũng phù hợp với lợi ích của Mỹ. Đương nhiên, đây cũng là sự hợp lý của lịch sử khi Trump xuất hiện.

Bà Le Pen thuộc phe cực hữu nhưng lại được 3 nước lớn trong số 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an ủng hộ.

Nga ủng hộ bà Le Pen chủ yếu vì địa chính trị. Chỉ cần EU tan rã, mối đe dọa từ phía Tây của Nga không còn tồn tại. Tất cả những mối đe dọa như trừng phạt kinh tế, NATO mở rộng sang phía Đông đều sẽ biến mất. Đó chính là lý do vì sao Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khẳng định Mỹ, Nga, Trung Quốc và các tổ chức Hồi giáo cực đoan là mối đe dọa của EU.

Sở dĩ ông Juncker đề cập đến Trung Quốc là vì nhân tố kinh tế. Khả năng cạnh tranh mạnh mẽ của Trung Quốc là thách thức rất lớn đối với EU đang trong tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, Trung Quốc không mong muốn EU tan rã. Nguyên nhân không chỉ vì thế giới đa cực hóa, cân bằng sự hiện diện của Mỹ, mà còn do Trung Quốc đang kỳ vọng cùng với EU duy trì toàn cầu hóa và thương mại tự do. Đây là điểm khác biệt giữa Trung Quốc và các nước khác.

Le Pen thuộc phe cực hữu nhưng lại được 3 nước lớn trong số 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an ủng hộ. Nếu bà giành chiến thắng, chỉ có một mình Trung Quốc không mong muốn, tránh để Pháp trở thành quốc gia dân túy phương Tây.

Khi nói đến chế độ dân chủ của phương Tây, họ thường tuyên bố do nhân dân bỏ phiếu bầu cử nên ép buộc các chính khách phải xem xét lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế là giới tinh hoa ở các nước phương Tây ngày càng xa rời dân chúng, coi thường quần chúng. Giới tinh hoa chỉ quan tâm đến sự đúng đắn về chính trị và quan niệm giá trị trừu tượng. Vì sao logic của chính trị dân chủ phương Tây lại xa rời hiện thực? Câu hỏi này không thể trả lời được ngay nhưng giúp chúng ta hiểu phương Tây ngày nay, hiểu được vì sao Anh rời khỏi EU, vì sao một quốc gia như Mỹ lại nảy sinh ra Trump và vì sao Pháp có thể bầu ra một Donald Trump khác./.

Ứng cử viên Tổng thống Marine Le Pen phát biểu tại đại hội đảng cực hữu “Mặt trận Quốc gia” ở Brachay, đông bắc Pháp ngày 3/9/2016. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ứng cử viên Tổng thống Marine Le Pen phát biểu tại đại hội đảng cực hữu “Mặt trận Quốc gia” ở Brachay, đông bắc Pháp ngày 3/9/2016. (Ảnh: AFP/TTXVN)