Tite và “jogo apoiado”

000n298o-1490930520-68.jpg

Thất bại “sấp mặt” trước Đức ở World Cup 2014 cho thấy người Brazil đã bị bóng đá hiện đại bỏ lại sau lưng rất xa. Họ không thể bấu víu mãi vào ánh hào quang quá khứ mà cần phải học hỏi chính những đối thủ của mình, bắt kịp với thứ bóng đá hiện đại, của khoa học và sự chính xác thay vì chỉ biết đến ngẫu hứng.

Với một nền bóng đá từng 5 lần vô địch thế giới, chưa bao giờ thiếu vắng cả nhân tài lẫn sự kiêu ngạo thì đó là một thử thách thật sự khó khăn. Nhưng Brazil đã xuất hiện những con người của cách mạng.

Đầu tháng 11 năm 2016, trong cuộc họp báo do Liên đoàn bóng đá Brazil (CBF) tổ chức ở Rio de Janeiro, Emily Lima – người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ Brazil, đã nói: “Tôi muốn đem thứ bóng đá hay nhất và hiện đại nhất đến với tuyển Brazil. Tôi đã học tập được rất nhiều thứ từ nền bóng đá châu Âu, và tôi nghĩ chúng ta cần phải thay đổi một chút. Tôi cũng hy vọng ngài chủ tịch sẽ cho phép tôi được trao đổi ý tưởng với Tite, tôi tin ông ấy sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc của tôi.”

Hôm 29 tháng 3 vừa qua, cũng trong một cuộc họp báo khác, diễn ra tại sân vận động Arena Corinthians của bang Sao Paulo, sau khi phóng viên Mauro Naves của TV Globo thông báo Uruguay thua trận 1-2 trước Peru, người đàn ông mà Emily Lima từng mong muốn được trao đổi chuyên môn giơ hai tay hướng lên trên và thốt: “Đội ơn Chúa trời!”

Tite đội ơn Chúa Trời sau khi giúp Brazil trở thành đội đầu tiên giành vé dự World Cup 2018

Thất bại bất ngờ của La Celeste trước đội bóng trẻ Peru đồng nghĩa với việc Selecao chính thức trở thành đội đầu tiên trên thế giới giành vé đến với nước Nga mùa hè sang năm. Thành tích ấy, không đến từ Chúa trời, mà đến từ người đàn ông tin vào Chúa trời ấy.

Từ Foxborough đến Sao Paulo

Thất bại nhục nhã trước đội tuyển Đức ở bán kết World Cup 2014 đã biến cầu trường Mineirao của Belo Horizonte trở thành nơi nguyền rủa bên cạnh Maracana ở Rio (với thất bại 1-2 ở chung kết World Cup 1950) trong mắt người Brazil. Sau đấy, giông bão vẫn chưa buông tha người Brazil. Cái chạm tay của Ruidiaz bên phía Peru đẩy quả bóng vào mành lưới thủ thành Alisson đã đẩy luôn Brazil khỏi Copa America Centenario 2016 ngay từ vòng bảng. Lần đầu tiên kể từ năm 1987, Selecao phải rời cuộc chơi lớn nhất Nam Mỹ sớm đến vậy.

Tuy nhiên, chính trận thua đáng xấu hổ trước Peru đã lại mở ra một tương lai mà giờ đây là hiện thực đầy lạc quan cho nền bóng đá từng được xem là hùng mạnh nhất thế giới, nhưng cũng đang thất thế chưa từng thấy.

Khi Carlos Dunga ra đi, CBF quyết định lựa chọn Adenor Leonardo Bacchi, quen được gọi là Tite (đọc là chi-chi), một cái tên đã quá nổi tiếng tại Brazil và ắt những người yêu mến Chelsea không cảm thấy quá xa lạ.

Ngày Brazil có cuộc tiếp đón Paraguay ở lượt trận thứ 14 vòng loại World Cup vừa qua, cũng là ngày vị HLV 55 tuổi của Brazil trở lại với mái nhà xưa Arena Corinthians. Ở nơi đó, trong vai trò huấn luyện viên trưởng của Corinthians – một trong 4 gã khổng lồ của bang Sao Paulo đông dân nhất Brazil, Tite đã viết nên những chương chói lọi nhất trong lịch sử câu lạc bộ, cũng như làm nên tên tuổi của mình ở Nam Mỹ.

Chiến thắng 3-0 trước Paraguay đã đưa Brazil đến Nga sớm tới hơn 1 năm trời
Chiến thắng 3-0 trước Paraguay đã đưa Brazil đến Nga sớm tới hơn 1 năm trời

Thời điểm Tite vỗ tay đáp lại những khán đài Arena Corinthians đang reo hò tên ông, Brazil đang dẫn Paraguay 3-0. Chủ nhà chung cuộc giành chiến thắng với tỷ số đó, một chiến thắng ý nghĩa cho những lần đầu tiên, cho những lần thứ nhất.

Cuộc đấu trước Paraguay ghi nhận lượng người Brazil xem qua truyền hình nhiều nhất ở mọi giải đấu kể từ sau World Cup 2014, số tiền thu được từ việc bán vé vào sân cũng chỉ xếp sau trận chung kết Copa Libertadores 2013 giữa Atletico Mineiro với Olimpia. Brazil không chỉ là cái tên đầu tiên giành quyền đến xứ bạch dương, mà là duy nhất trong lịch sử, họ sẽ không bỏ lỡ một ngày hội bóng đá thế giới nào kể từ năm 1930.

Cùng với thất bại đã được dự đoán từ trước tại La Paz của Argentina trước Bolivia, lần đầu tiên kể từ tháng 5 năm 2010, Brazil sẽ trở lại với ngôi đầu bảng xếp hạng FIFA trong lần cập nhật tiếp theo. Và chiến thắng kia cũng khép lại 8 năm Brazil không thể thắng trước người Paraguay.

Những lần đầu tiên đó cho thấy niềm tin đã trở lại với người Brazil sau khi tụt xuống vực thẳm hồi World Cup 2014.

Tite: rõ ràng, dân chủ, xuất sắc và hiện đại

Những tràng pháo tay hay tiếng reo vang ở Arena Corinthians dành cho Tite đã có đến hai lần diễn ra chỉ trong tháng 3 năm nay. Hồi đầu tháng 3, trong trận đấu giữa Corinthians với Santos ở giải vô địch bang Sao Paulo, khi hình ảnh Tite dự khán được chiếu trên màn hình lớn sân vận động, hơn 3 vạn khán giả của chủ nhà đã đồng thanh hô vang “Ole, ole, ole, Tite, Tite”. Đáp lại, Tite với cốc nước trong một tay vẫy chào tay còn lại, ông thu tay về đặt vào ngực và đôi mắt trào ra nước mắt.

Các cổ động viên Corinthians hô vang tên Tite

Một khoảnh khắc xúc động với người đàn ông này và những người hâm mộ Corinthians, nhưng báo chí Brazil không để yên chuyện đó. Hàng loạt những cuộc tranh luận diễn ra, cho rằng với tư cách là một huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, Tite không nên xuất hiện và công khai bày tỏ tình cảm cho một đội bóng cụ thể. Những sự chỉ trích càng có sức nặng hơn, bởi lẽ Tite đã triệu tập rất nhiều cầu thủ Corinthians trong quá khứ lẫn hiện tại vào đội hình tuyển quốc gia.

Tất cả chỉ thực sự lắng dịu khi tuyển Brazil trở lại với chiến dịch đến nước Nga của mình vừa qua. Trong cuộc họp báo trước cuộc tiếp đón Paraguay hai ngày, không ai chờ đợi, nhưng Tite lên tiếng xin lỗi: “Tôi đã gọi điện và xin lỗi Dorival Junior (huấn luyện viên Santos) vì đã bày tỏ cảm xúc của mình ở trận đấu đó. Tôi biết mình không nên, nhưng bạn biết đấy, tôi cũng chỉ là con người.”

Rất rõ ràng và rạch ròi, năm 2012, cũng ở trận đấu giữa Corinthians với Santos, Tite đã từng chỉ trích chính cậu học trò quan trọng của ông hiện tại: “Thắng thua là một phần của cuộc chơi. Nhưng ăn vạ để kiếm lợi thế là điều không đúng. Hành động của Neymar sẽ chỉ là tấm gương xấu cho trẻ nhỏ, trong đó có cả con cháu tôi.”

Bốn năm sau, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Veja của bang Sao Paulo hồi tháng 9 năm ngoái, Tite không ngần ngại nhắc lại chuyện cũ: “Đúng thế, trong quá khứ tôi đã từng chỉ trích Neymar. Giờ đây nếu cậu ấy có phạm sai lầm nào, chúng ta sẽ phải tiếp tục phân tích để chỉ ra. Neymar đã thay đổi rất nhiều sau ngần ấy năm. Và tôi tin với độ tuổi này, cậu ấy vẫn sẽ còn tiến bộ hơn nữa.”

Tite cảm ơn Santos vì đã sản sinh ra Neymar
Tite cảm ơn Santos vì đã sản sinh ra Neymar

Neymar đã luôn là một trong những cái tên thi đấu xuất sắc nhất trong màu áo sắc vàng xanh thời Tite. Chứng kiến màn trình diễn của ngôi sao Barcelona, Tite phải thốt lên rằng ông biết ơn Santos đến cỡ nào vì đã sản sinh ra một tài năng như Neymar.

Trận đấu gặp Paraguay cũng là lần đầu tiên dưới thời Tite, chiếc băng đội trưởng trở lại cánh tay của Neymar kể từ sau khi anh tuyên bố từ bỏ vai trò thủ quân ở đội tuyển. Và chiếc băng thủ quân cũng là thứ in đậm dấu ấn Tite ở Brazil.

Từ khi lên nắm quyền, ông thực hiện chính sách xoay vòng chiếc băng thủ quân của Brazil. Không hơn một trận đấu nào vai trò thủ lĩnh trên sân thuộc về cùng một cái tên. Tite quan niệm, đội bóng của mình là một tập thể của những thủ lĩnh, chứ không riêng một cá nhân nào. Mỗi cầu thủ đều có trách nhiệm quan trọng với đội bóng, và điều này giúp duy trì sự đoàn kết đang được thể hiện rõ ở Selecao.

Không chỉ khác người tiền nhiệm Carlos Dunga ở vấn đề chiếc băng thủ quân đội bóng (Dunga từng tước vai trò này của Thiago Silva để trao cho Neymar), người đàn ông từng phải từ giã sự nghiệp cầu thủ năm 27 tuổi vì một chấn thương ở đầu gối còn thậm chí bày tỏ sự bất bình với việc bổ nhiệm Dunga dẫn dắt Brazil vào năm 2014. “Tôi đã không có cơ hội để trao đổi riêng với Scolari và Dunga. Với riêng Dunga, tôi nói thẳng luôn là tôi không đồng tình với việc CBF lựa chọn ông ấy. Nhưng tôi cũng nghĩ nếu cho ông ấy thêm cơ hội, có lẽ Dunga đã hoàn thành công việc của mình,” Tite nói với tạp chí Veja.

Bước ngoặt: Đi “du học” châu Âu

Cũng như Carlos Dunga, những đời HLV trước đây của Brazil tính từ 2001, ngoại trừ Carlos Alberto Parreira, Tite cùng Mano Menezes và Luiz Felipe Scolari đều đến từ bang Rio Grande do Sul. Hầu hết trong số này tiếp thu tư tưởng thực dụng và phong cách bóng đá thiên về phòng ngự.

Tifte đã giới thiệu cho bóng đá Brazil tài năng trẻ Gabriel Jesus
Tifte đã giới thiệu cho bóng đá Brazil tài năng trẻ Gabriel Jesus

Tite không hẳn là người theo trường phái này hoàn toàn. Nhưng ông cũng không có trách nhiệm để trở thành người hồi sinh lại thứ bóng đá đẹp “jogo bonito” của người Brazil. Bởi vốn dĩ, người Brazil hiểu rõ, Tite là một huấn luyện viên chịu nhiều ảnh hưởng từ châu Âu. Ở Corinthians hay Selecao bây giờ, Tite luôn đề cao những thứ: hiệu quả tối đa, phòng ngự chắc chắn, phản công chính xác ngay khi cần và đá đẹp khi có thể.

Cho đến trước năm 2015, Tite trở nên nổi tiếng ở Brazil bởi những thành công vang dội cùng Corinthians ở giải vô địch quốc gia Brasileiro Serie A, Copa Libertadores cùng Cúp Thế giới các Câu lạc bộ.

Năm 2012, bằng hệ thống 4-2-3-1 có thể biến chuyển thành 4-2-4-0 với tiền đạo cắm di chuyển dạt sang biên, hoặc 4-1-4-1 khi Paulinho thường xuyên dâng cao lên trên, Corinthians của Tite khiến Juan Roman Riquelme của Boca Juniors bị tê liệt hoàn toàn, để rồi giành chiến thắng chung cuộc 3-1 ở chung kết và lần đầu tiên đăng quang Copa Libertadores. Còn Riquelme thì quá thất vọng (cùng sự bất mãn với ông thầy Falcioni) phải tuyên bố chia tay đội bóng.

Chiến công ấy đưa thầy trò Tite đến với Club World Cup. Họ vào chung kết và giành chiến thắng 1-0 trước Chelsea của Rafa Benitez. Ngày đó, cây bút phân tích chiến thuật nổi tiếng Michael Cox (của ESPN) miêu tả Corinthians là đội bóng “châu Âu nhất của Nam Mỹ, minh chứng của thứ bóng đá phòng ngự thông qua di chuyển các vị trí trên sân và pressing thông minh.”

Tite nêm nếm những thứ gia vị của Scolari, Guardiola, Juergen Klopp, Conte vào nồi súp Brazil của mình (Tranh của báo O’Globo)
Tite nêm nếm những thứ gia vị của Scolari, Guardiola, Juergen Klopp, Conte vào nồi súp Brazil của mình (Tranh của báo O’Globo)

Tuy nhiên, sang đến năm 2013, thứ bóng đá của Corinthians dần trở nên nhàm chán trong mắt người hâm mộ và kém hiệu quả trên sân: họ ghi 27 bàn, thủng lưới 22 bàn, trải qua 10 trận hòa không bàn thắng, rơi xuống vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng quốc nội. Đó cũng là lúc Tite quyết định tạm nghỉ công tác huấn luyện và bắt đầu chuyến “du học” của mình ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Âu.

Tite mạnh dạn gạt bỏ những lời mời hấp dẫn (như dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản) để dành thời gian tích lũy những kiến thức của bóng đá hiện đại, điều rất thiếu đối với bóng đá Brazil.

Ông quan sát những buổi tập của Boca Juniors thời Carlos Bianchi; ông đến học tập chiến thuật từ những tên tuổi lớn của bóng đá cựu lục địa, quan sát Arsenal của Arsene Wenger, và đặc biệt tiếp thu kiến thức từ Carlo Ancelotti thời huấn luyện viên người Italy còn ở Real Madrid. Những sự phát triển của bóng đá hiện đại ở bên kia Đại Tây Dương đã ảnh hưởng rất nhiều đến Tite.

“Từ các đội tuyển như Đức và như Tây Ban Nha, tôi có thời gian để phân tích và nghiên cứu. Tôi muốn tìm hiểu tỉ mỉ cách thức vận hành của họ: những vị trí trên sân, sự chuyển tiếp từ phòng ngự sang tấn công, tốc độ,…”

“Thứ quan trọng nhất tôi học được ở châu Âu là hiểu về hệ thống 4-1-4-1. Từ các đội tuyển như Đức và như Tây Ban Nha, tôi có thời gian để phân tích và nghiên cứu. Tôi muốn tìm hiểu tỉ mỉ cách thức vận hành của họ: những vị trí trên sân, sự chuyển tiếp từ phòng ngự sang tấn công, tốc độ,… Và tôi đọc báo châu Âu rất nhiều, tôi cũng xem tất cả các trận đấu ở World Cup 2014, tôi muốn khám phá ra bí quyết của những đội bóng xuất sắc nhất.,” cũng những chia sẻ của Tite trên tờ Veja.

Sau khi đã nghỉ ngơi và học tập tại châu Âu, Tite trở về Brazil để vào cuối năm 2014, ông trở lại với ghế nóng Corinthians. Một năm sau, chức vô địch Brasileiro Serie A đến với thầy trò Tite một cách xuất sắc nhất sau những cách tân trong lối chơi. Khoảng 6 tháng sau, ông được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Brazil, trước sự tán đồng của hầu hết truyền thông và người hâm mộ đất nước này.

Vũ khúc Samba đã có nhiều thay đổi
Vũ khúc Samba đã có nhiều thay đổi

Ngày 02 tháng 9 năm 2016, Brazil của Tite có trận đấu đầu tiên ở vòng loại World Cup trước Ecuador tại sân đấu nằm ở thủ đô có độ cao lớn nhất so với mực nước biển (Quito). Trong cuộc họp báo trước trận, Tite phát biểu: “Cách tốt nhất để tôi có thể phục vụ đội tuyển quốc gia, đó là áp dụng chính những nguyên tắc trong cuộc sống của bản thân: rõ ràng, dân chủ, xuất sắc và hiện đại.”

Brazil với 4-1-4-1 và “jogo apoiado”

Trận đấu tại Quito cũng là lần đầu tiên những gương mặt như Gabriel Barbosa, Taison hay Giuliano được góp mặt ở chiến dịch đến nước Nga của Brazil. Và đặc biệt, là với viên ngọc Gabriel Jesus, người đã ghi 2 bàn vào lưới Ecuador trong chiến thắng 3-0 ngày hôm đó cho Brazil.

Tite đã từng kinh qua 11 câu lạc bộ khác nhau ở Brazil, ông hiểu rõ nền bóng đá quốc nội, và vì thế không quá ngạc nhiên khi hàng loạt những cầu thủ từ giải vô địch quốc gia Brazil và ít được biết đến ở châu Âu góp mặt trong đội hình. Nhưng thứ khiến giới chuyên môn và truyền thông Brazil chú ý đến nhiều, là việc Brazil đang vận hành theo hệ thống 4-1-4-1 quen thuộc của Tite.

Trong hệ thống ấy, Casemiro là “tiền vệ thứ nhất” (như cách gọi của Tite), cậu trò cưng tại Corinthians một thời là Paulinho cùng một cái tên cũ khác cũng của Corinthians là Renato Augusto nhô cao hơn, với hai cầu thủ tấn công ở hai cánh là Neymar và Willian (hoặc Coutinho), còn trên hàng công là Gabriel Jesus (hoặc Firmino khi cầu thủ của Man City gặp chấn thương). Những cái tên từng bị loại bỏ bởi Dunga trong quá khư như Dani Alves cùng Marcelo cũng trở lại. Còn ở trung tâm hàng thủ, Marquinhos đang trở thành linh hồn.

Sơ đồ chiến thuật thường được Tite áp dụng trong các trận đấu của tuyển Brazil (Nguồn: O‘Globo)
Sơ đồ chiến thuật thường được Tite áp dụng trong các trận đấu của tuyển Brazil (Nguồn: O‘Globo)

“Tite đến và thực hiện những điều chỉnh. Các cầu thủ không thật sự khác nhau, nhưng cách chơi bóng thì đã khác,” Neymar gần đây đã phát biểu như thế. Người đồng đội Marcelo, cầu thủ đã có một cú vẩy má bóng cuộn thành bàn vào lưới Paraguay vừa qua, cũng đồng tình: “Tôi nghĩ đây là một Brazil tuyệt nhất mình từng thấy. Chúng tôi rất biết ơn vì ‘Giáo sư’ Tite đã đến với đội tuyển. Ông ấy thay đổi Brazil gần như hoàn toàn.”

Lối chơi mới đang được nhìn thấy đó ở Brazil, không phải “jogo bonito”, mà là “jogo apoiado” như chính cách gọi của Tite. “Jogo apoiado là ý tưởng về thứ bóng đá di chuyển và chuyền bóng, bật và nhả, dựa vào những hình khối tam giác trên sân và tìm cách sáng tạo ở khu vực 1/3 cuối sân. Cánh trái chúng tôi sẽ có Neymar, Marcelo và Augusto. Hai hậu vệ cùng với tiền vệ thứ nhất tạo thành một tam giác nữa. Và ở cánh phải là Alves, Paulinho cùng Willian.”

“Chúng tôi phải luôn có một cầu thủ giữa các tuyến phòng ngự của đối phương để hỗ trợ trong khâu chuyền bóng. Còn khi mất bóng, tôi muốn làm sao cả 3 tuyến đều phải pressing một cách đúng thời điểm và đúng mức. Như các bạn có thể thấy, trước Ecuador, chúng tôi đã không pressing cường độ cao bởi điều kiện địa lý của sân đấu khiến cầu thủ mất sức rất nhiều,” Tite từng giải thích cho tờ Globo của Brazil hồi đầu tháng 9 năm ngoái.

Nếu “jogo bonito” tạo ra một liên tưởng về cái đẹp của bóng đá trong tâm trí người hâm mộ, giống như “la jeu à la Nantaise” của Chim hoàng yến Nantes thời kỳ đỉnh cao của đội bóng này ở Pháp, thì “jogo apoiado” mang đến một ý niệm về chiến thuật nhiều hơn. Trên thực tế, thuật ngữ này chỉ là cách người Brazil dùng tiếng Bồ Đào Nha đặt cho thứ bóng đá “juego de posicion” hay “positional play” trong tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, với đại diện tiêu biểu là Barcelona của Pep Guardiola trước kia. “Jogo apoiado” nếu dịch sát nghĩa, là “bóng đá hỗ trợ”.

Chiến thắng 3-0 trước Paraguay tiêu biểu cho lối chơi của Brazil thời Tite

Tờ Globo đã đúc kết ra “jogo apoiado” của Brazil sau 8 chiến thắng liên tiếp ở chiến dịch vòng loại World Cup đã qua như sau: Tite muốn các cầu thủ của ông phải biết cách tự đặt mình vào những vị trí thích hợp, vào những vị trí trở thành phương án chuyền bóng cho người đang cầm bóng. Các cầu thủ phải biết hỗ trợ lẫn nhau, bởi ngay cả khi một cầu thủ giỏi chuyền bóng nhưng có ít phương án, nguy cơ mắc sai lầm cũng sẽ tăng lên. Tương tự, nếu một cầu thủ không giỏi chuyền bóng, nhưng có các đồng đội xunh quanh ở cự ly gần sẵn sàng trở thành địa chỉ chuyền bóng, công việc sẽ dễ hơn. Tite đề cao việc triển khai bóng từ tuyến dưới cùng, ngay cả khi bị đối phương pressing – và hiện tại, Alisson đang làm rất tốt công tác chơi bóng bằng chân của mình. Đặc biệt với các tam giác trên sân được tạo ra, Brazil chú trọng vào những tình huống phối hợp, đập nhả 1, 2 tốc độ cao hai bên cánh, khi những cầu thủ ở đây được xem là nguồn sáng tạo chủ yếu thay vì bộ ba tiền vệ.

“Jogo apoiado” đề cao sự kết dính của tập thế, Neymar có thể được chú ý nhất, nhưng không có nghĩa là một căn bệnh phụ thuộc. “Tập thể trao quyền cho cá nhân. Nếu bóng đến chân Neymar và đối thủ kèm cậu ấy, thì cánh kia sẽ thông thoáng để Coutinho sẵn sàng tạo ra cơ hội. Fagner rồi Paulinho nữa sẽ xâm nhập vào sâu. Chúng tôi cứ để Neymar riêng một bên, cứ để cậu ấy bị cô lập, nhưng sẽ có khoảng trống cho người khác. Vì thế, cứ thoải mái mà kèm lấy Neymar,” Tite tự tin phát biểu.

Nếu nhìn lại trận đấu tại Montevideo (Uruguay – Brazil 1-4), khi huấn luyện viên Oscar Tabarez của Uruguay có những điều chỉnh trong hiệp 2 hòng ngăn chặn không cho Neymar có những pha đi bóng chéo vào trong từ cánh trái, cũng là lúc cơ hội đến từ Coutinho ở cánh đối diện, và chính Paulinho là người đã nổ súng với cú hat-trick ngày hôm đó.

Một cầu thủ đang thi đấu ở Trung Quốc như Paulinho (15) cũng có thể tỏa sáng dưới tay Tite
Một cầu thủ đang thi đấu ở Trung Quốc như Paulinho (15) cũng có thể tỏa sáng dưới tay Tite

“Rõ ràng là việc chơi bóng ở Trung Quốc luôn tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại sự nghiệp. Nhưng chúng tôi đánh giá kỹ lưỡng từng cầu thủ như Gil, Paulinho, Augusto hay Jadson. Đích thân con trai tôi (Matheus Rizzi Bachi) đến Trung Quốc để xem xét họ,” Tite từng tiết lộ cách đây chưa lâu về những canh bạc với các cầu thủ đang thi đấu ở Á Đông.

Chiến thắng trước Uruguay trong sự chứng kiến của khoảng 6 vạn cổ động viên chủ nhà cũng là lần đầu tiên dưới thời Tite, Brazil giành 3 điểm trong thế bị dẫn trước. Để rồi sau cuộc đấu ấy, kênh truyền hình ESPN đặt ra câu hỏi thăm dò qua trang Twitter của mình: Liệu Brazil có phải là đội tuyển quốc gia mạnh nhất thế giới thời điểm này? 69% người tham gia trả lời “Không”. Hiển nhiên là còn quá sớm để trả lời “Có” với câu hỏi này.

Trong ban huấn luyện của đội tuyển Brazil dưới thời Tite có một số cái tên nổi tiếng từng thành danh ở châu Âu như cựu tiền vệ của Arsenal Edu. Cầu thủ này từng có 15 lần khoác áo đội tuyển Brazil, khởi đầu và kết thúc sự nghiệp tại Corinthians. Lần cuối Tite dẫn dắt Corinthians cũng là lúc Edu đang làm giám đốc thể thao của câu lạc bộ. Và họ cũng “dắt nhau” lên Selecao. Cựu hậu vệ trái Sylvinho cũng gia nhập ban huấn luyện sau khi rời Inter dù được tiến cử thay chính Tite ở Corinthians. Còn huấn luyện viên thủ môn của Brazil hiện nay là thủ môn Claudio Taffarel, thủ môn có số lần khoác áo đội tuyển Brazil nhiều nhất với 101 trận, người hùng ở World Cup 1994.

8 trận đấu toàn thắng kể từ khi dẫn dắt Brazil ở vòng loại World Cup 2018, đó là một kỳ tích trong lịch sử bóng đá Brazil kể từ sau kỷ lục 6 chiến thắng liền của Brazil thời kỳ ngắn ngủi Joao Saldanha 1969. 24 bàn thắng và chỉ 2 bàn thua, Brazil thời Tite đã cho thấy sự sắc sảo và vững vàng đến chết người, nhưng cũng không kém phần đẹp mắt khi chất “jogo bonito” luôn được thắp nên để rực lửa đúng lúc nơi đôi chân những vũ công Samba. Người Brazil nói vui rằng, ngay cả khi trừ đi số điểm đội tuyển giành được dưới thời Dunga trước đó, Brazil của Tite vẫn dư sức đứng đầu (giành 9 điểm sau 6 trận thời Dunga).

Nhưng tất cả những điều trên sẽ chỉ cho thấy rằng Selecao và cả nền bóng đá đất nước này, nhờ Tite đang bắt đầu thay đổi, nhưng là so với phần còn lại của Nam Mỹ. “Jogo apoiado” không phải được nói đến đầu tiên nhờ Tite, nhưng nhờ người đàn ông này, mà người Brazil nói về “jogo apoiado” ngày càng nhiều. Và mùa Hè nước Nga 2018 sẽ là thời điểm, là nơi để thầy trò Tite được thử thách, được quảng bá thứ bóng đá không mới với châu Âu, nhưng vẫn cứ thích gọi bằng một cái tên mới nơi người Brazil.

Brazil chưa phải xuất sắc nhất, nhưng họ đã thay đổi nhất, vào thời điểm này – một cuộc chuyển mình lớn, đến từ tư duy thay đổi, đến từ Tite: vị HLV mang một chút của Pep, một chút của Klopp và một chút của những chiến lược gia khác để trở thành đầu bếp của món ăn Brazil mới mẻ.

9 trận toàn thắng của Brazil dưới thời Tite từ vòng loại World Cup đến giao hữu: Ecuador – Brazil 0-3 Brazil – Colombia 2-1 Brazil – Bolivia 5-0 Venezuela – Brazil 0-2 Brazil – Argentina 3-0 Peru – Brazil 0-2 Brazil – Colombia 1-0 (giao hữu) Uruguay – Brazil 1-4 Brazil – Paraguay 3-0

Cả Brazil đang phát cuồng vì Tite
Cả Brazil đang phát cuồng vì Tite

Lý lịch trích ngang

Tên đầy đủ: Adenor Leonardo Bacchi “Tite” Sinh ngày 25 tháng 5 năm 1961 (55 tuổi) Nơi sinh: Caxias do Sul, Brazil Cao 1m84, từng chơi vị trí tiền vệ phòng ngự khi còn là cầu thủ Sự nghiệp cầu thủ: Caxias (1978–1984), Esportivo-RS (1984-85), Portuguesa (1985-1986), Guarani (1986-1989) Sự nghiệp Huấn luyện viên: Guarany de Garibaldi (1990-1991), Caxias (1991-1992), Veranópolis (1992-1995), Ypiranga de Erechim (1996-1997), Juventude (1997-1998), Caxias (1999-2000), Gremio (2001-2003), São Caetano (2003-2004), Corinthians (2004-2005), Atlético Mineiro (2005), Palmeiras (2006), Al Ain (2007), Internacional (2008-2009), Al-Wahda (2010), Corinthians (2010-2013), Corinthians (2015-2016), Brazil (2016-?) Thành tích: Vô địch bang Gauho với Caxias năm 2000, với Gremio năm 2001, Cúp Brazil năm 2001 với Gremio, vô địch Copa Sudamericana năm 2008, bang Gaucho 2009 với Internacional, Vô địch Brasileiro Série A 2011, 2015, Copa Libertadores 2012, FIFA Club World Cup 2012, Recopa Sudamericana 2013 với Corinthians. Huấn luyện viên xuất sắc nhất Brasileiro Série A 2015.