Kiểm soát giá dược liệu, vị thuốc:

Vài thập niên gần đây, nhiều nước đã và đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, bào chế và sản xuất các chế phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để hỗ trợ, phòng ngừa và điều trị bệnh.

Hàng năm, doanh thu và nhu cầu của dược liệu, thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng tăng.

Sớm chuẩn hóa dược liệu

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013. Đây là cơ sở để triển khai các hoạt động của công tác phát triển dược liệu, nhất là hoạt động khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy lĩnh vực này ở Việt Nam.

Chính phủ đã xác định mục tiêu phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới, vì vậy nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu về lĩnh vực dược liệu.

Hoa atisô tím - một loại dược liệu rất tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Phạm Kha/TTXVN)
Hoa atisô tím – một loại dược liệu rất tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Phạm Kha/TTXVN)

Trong khi đó, giá dược liệu thì mỗi nơi một khác. Bởi vậy, cần thiết phải có những giải pháp để giải quyết vấn đề này hơn bao giờ hết.

Trong Hội nghị triển khai kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp Quốc gia năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, suốt thời gian dài, giá thuốc tại Việt Nam cao hơn mặt bằng chung so với các nước trong khu vực, dẫn đến số tiền mà Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các loại thuốc hàng năm rất cao.

Người đứng đầu ngành y tế thẳng thắn: “Không thể phủ nhận những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực đầu thầu trước đây đã khiến thực tiễn xảy ra những vấn đề giá thuốc hết ‘nhảy múa’ đến ‘tát nước theo mưa,’ chênh lệch giá thuốc giữa các vùng miền, giữa các bệnh viện đã gây bức xúc cho người dân.”

Không thể phủ nhận những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực đầu thầu trước đây đã khiến thực tiễn xảy ra những vấn đề giá thuốc hết “nhảy múa” đến “tát nước theo mưa” (Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến)

Phó giáo sư Trần Văn Ơn – Trưởng bộ môn Thực vật (Đại học Dược Hà Nội), Chủ tịch kiêm Giám đốc DKPharma Co. Ltd. – Bộ Y tế cho hay, thực trạng của việc chênh lệch về giá dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền phản ánh tính chuẩn hóa của dược liệu, người ta có thể dễ dàng giải thích rằng dược liệu này có chất lượng khác nhau.

Chẳng hạn như họ căn cứ vào độ lớn của dược liệu loại này to hơn, loại kia nhỏ hơn; hoặc tuổi của dược liệu, cái này già hơn, cái kia non hơn; hoặc là chủng loại của dược liệu, bởi Việt Nam là nước đa dạng sinh học cao, nên một loại dược liệu có thể có nhiều chủng loại khác nhau. Tất cả những điều đó phản ánh vẫn chưa được chuẩn hóa đầy đủ các dược liệu này như một hàng hóa: có bao nhiêu loại, chủng loại, chất lượng thế nào? Từ loại 1, loại 2, loại 3, loại 4, loại 5…thậm chí như ở Trung Quốc, họ chia ra tới 40 loại.

Đề xuất giải pháp để kiểm soát giá dược liệu/vị thuốc y học cổ truyền.

“Điều này cho thấy nếu chúng ta không tập trung vào nghiên cứu chuẩn hóa để tạo ra, khẳng định chắc chắn dược liệu loại A có bao nhiêu chủng loại, có bao nhiêu mức chất lượng khác nhau thì người sử dụng sẽ là người bị thua thiệt. Người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng đội giá vì bị nhập nhằng với mức chất lượng cũng như chủng loại khác nhau của dược liệu,” phó giáo sư Ơn chỉ rõ.

Để giải quyết tình trạng trên, phó giáo sư Ơn đề xuất trong giai đoạn tới ngành y tế nên tập trung rà soát lại các dược phẩm đang sử dụng để chuẩn hóa hơn. Chẳng hạn như mỗi một loại dược liệu phải xác định được mức chất lượng của nó là loại 1, loại 2, loại 3 là như thế nào cũng như có những chủng loại nào? Những chủng loại này giá cả của nó ra sao? Có như vậy Việt Nam mới chuẩn hóa được phần giá trong đấu thầu thuốc nói riêng cũng như trên thị trường nói chung, từ đó người sử dụng sẽ là người được hưởng lợi nhiều hơn.

Xem xét điều chỉnh lại giá

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Tá Tỉnh – Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) thừa nhận, giá dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền hiện nay quá chênh lệch. Khi cơ sở y tế gắn lợi ích vào đấu thầu thì rất khó phát hiện các vi phạm.

 Giá dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền hiện nay quá chênh lệch. Khi cơ sở y tế gắn lợi ích vào đấu thầu thì rất khó phát hiện các vi phạm.

Về giải pháp để điều chỉnh giá thuốc đông dược, theo vị đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sắp tới đơn vị này sẽ hướng tới điều chỉnh những nơi nào có giá thuốc đông dược cao phải xem xét lại và có thể yêu cầu cùng với Bộ Y tế đến kiểm tra xem có đúng không, nếu phát hiện khoản nào không chặt chẽ sẽ yêu cầu giảm giá.

“Đông dược/vị thuốc y học cổ truyền cũng như tân dược, nó không thể chênh nhau nhiều,” ông Tỉnh thẳng thắn.

Về việc đấu thầu thuốc, theo vị đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nên sửa quy định về ghi chép quản lý tốt hơn, nuôi trồng chế biến phải quy định chặt chẽ hơn, hiện nay kể cả bảo quản và nuôi trồng khâu nào cũng có thể không yên tâm.

Sắc thuốc tại một bệnh viện y học cổ truyền. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Sắc thuốc tại một bệnh viện y học cổ truyền. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Sắp tới, để tránh lãng phí quỹ bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp Cục Quản lý Y dược cổ truyền đề ra các giải pháp quản lý giá. Các đơn vị có giá trúng thầu cao phải xem xét nguyên nhân vì sao. Bên cạnh đó, tình trạng quay vòng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của từng lô dược liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp (C/O) hay Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn của nước sản xuất hoặc các tiêu chuẩn quốc tế (C/Q) cần sự vào cuộc của hải quan, thị trường ở khâu nhập khẩu và của Bộ Y tế trong khâu lưu thông và hậu kiểm tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

 Hiện tại chưa có quy định về kê khai giá đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, bởi vậy cả nhà cung cấp và cơ sở y tế đều bị động về nguồn cung do mặt hàng phụ thuộc rất nhiều vào thời vụ và phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu.

Theo Cục Quản lý Y học cổ truyền (Bộ Y tế), hiện tại chưa có quy định về kê khai giá đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, bởi vậy cả nhà cung cấp và cơ sở y tế đều bị động về nguồn cung do mặt hàng phụ thuộc rất nhiều vào thời vụ và phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu. Mặt khác giá dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền biến động rất nhiều theo thời vụ và thị trường dẫn tới tình trạng giá trúng thầu dược liệu, vị thuốc của các tỉnh thành phố chênh lệch nhau nhiều. Khung giá cũng như chất lượng dược liệu và vị thuốc giữa các vùng miền không đồng đều.

Nguyên nhân là do, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dược liệu còn thiếu nên hoạt động kinh doanh, sản xuất dược liệu vẫn dựa theo các quy định về quản lý thuốc tân dược, vì thế không thể quản lý được các hoạt động kinh doanh, sản xuất về dược liệu.

Nói về giải pháp để quản lý giá dược liệu, vị thuốc, phó giáo sư Trần Hồng Phương – Phó cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết: Về giá dược liệu, Cục Quản lý Y dược cổ truyền cũng rất quan tâm đến việc điều chỉnh, kiểm soát giá của dược liệu khi sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh, Cục cũng thường xuyên cập nhật giá dược liệu, vị thuốc.

Người dân khai thác cây cu ly... Theo y học, cây lông cu li có tác dụng rất tốt trong việc cầm máu, chữa các bệnh xương khớp. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)
Người dân khai thác cây cu ly… Theo y học, cây lông cu li có tác dụng rất tốt trong việc cầm máu, chữa các bệnh xương khớp. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Do vậy, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã xây dựng giá tham khảo về dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền cho các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo cung cấp dược liệu/vị thuốc y học cổ truyền chất lượng, an toàn, hiệu quả với mức giá thành hợp lý. Trên cơ sở đó, Cục phê duyệt giá kế hoạch cho các bệnh viện thuộc tuyến Trung ương và khuyến cáo chung cho các Sở Y tế để xây dựng giá kế hoạch.

Phó giáo sư Trần Hồng Phương nhấn mạnh, theo Thông tư 11, đấu thầu dược liệu, vị thuốc cho các cơ sở y tế công lập thì phải đấu thầu tập trung, nên nếu như các địa phương thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế thì dược liệu, vị thuốc khi cung cấp cho các đơn vị sẽ đạt chất lượng và có giá cả phù hợp.

Để tăng cường quản lý cung ứng, giá cả và sử dụng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các giải pháp về cơ chế chính sách như: hoàn thiện Thông tư quy định tiêu chí đánh giá về mặt kỹ thuật tại hồ sơ mời thầu cung cấp dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trong các cơ sở y tế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng dược liệu nhằm hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ hơn đối việc mua sắm các dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong các cơ sở y tế…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mặc dù hành lang pháp lý liên tục được thay đổi nhưng vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm về vấn đề giá thuốc qua kiểm tra, kiểm toán, đến nay chưa giải quyết xong gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ, công tác quản lý…

Để chấn chỉnh tình trạng trên, tiến tới hội nhập quốc tế, Bộ Y tế đã cử nhân sự học tập mô hình quản lý giá thuốc ở các nước châu Âu và thấy rằng việc quản lý mặt hàng thuốc của họ có ban riêng, bộ riêng, không nằm trong Bộ Y tế./.

Trưng bày dược liệu tại một cửa hàng. (Ảnh: TTXVN)
Trưng bày dược liệu tại một cửa hàng. (Ảnh: TTXVN)