Dược liệu đông y

Theo thống kê của ngành y tế, nhu cầu sử dụng dược liệu hàng năm ở Việt Nam vào khoảng từ 40-60.000 tấn dược liệu các loại, phục vụ y học cổ truyền và công nghiệp dược. Chính vì vậy, sản xuất dược liệu đã và đang mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc.

Tuy nhiên, có tới 80-85% dược liệu nhập khẩu từ nước ngoài theo đường tiểu ngạch. Do vậy, phần lớn nguồn dược liệu được thông quan không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, mà chỉ được đóng trong các thùng, bao tải.

“Nhập nhèm” ghi quy cách

Theo đánh giá của Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), vấn đề quản lý dược liệu nhập khẩu còn gặp rất nhiều khó khăn. Tại các hộ cá thể kinh doanh dược liệu trên địa bàn xã Ninh Hiệp (Huyện Gia Lâm, Hà Nội)và quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn các dược liệu trong các cơ sở đó đều không có hóa đơn mua hàng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp kinh doanh dược liệu và một số cơ sở sản xuất thuốc lại mua dược liệu từ các hộ kinh doanh dược liệu trên (trong đó hộ kinh doanh vẫn cung cấp đầy đủ cho các doanh nghiệp). Vì vậy, các dược liệu trong các doanh nghiệp kinh doanh dược liệu lại được hợp thức hóa bằng các hóa đơn bán hàng.

Trong các hồ sơ thầu, các doanh nghiệp kinh doanh dược liệu xuất trình các chứng từ, hợp đồng với các hộ kinh doanh cá thể để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, trong khi đó, các hộ kinh doanh cá thể lại không thể chứng minh nguồn gốc, hóa đơn của toàn bộ số lượng dược liệu trên.

Lý giải vì sao giá dược liệu chênh lệch trong thời gian qua, phó giáo sư Trần Hồng Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhấn mạnh, nguyên nhân là do Bộ Y tế đã quy định thuốc nhập khẩu vào Việt Nam phải có giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc và phiếu kiểm nghiệm đi theo từng lô dược liệu nên dược liệu đạt chất lượng có giá thành cao hơn dược liệu trôi nổi trên thị trường.

Việc các cơ sở khám chữa bệnh khi đấu thầu dược liệu để sử dụng cho người bệnh phải tìm nguồn dược liệu có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng nên giá thành sẽ cao hơn giá dược liệu đang bán trên thị trường.

Chuyên gia lý giải vì sao giá dược liệu/vị thuốc y học cổ truyền lại có sự chênh lệch?

“Giá dược liệu/vị thuốc y học cổ truyền tại kết quả đấu thầu chưa phản ánh được rõ xuất xứ và chất lượng thuốc.”

Ở một góc độ khác, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn chỉ rõ, có rất nhiều bất cập trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến y, dược cổ truyền cần phải được xem xét lại.Theo ông Sơn, giá dược liệu/vị thuốc y học cổ truyền tại kết quả đấu thầu chưa phản ánh được rõ xuất xứ và chất lượng thuốc.

Đơn cử như với dược liệu/vị thuốc Bạch truật, dữ liệu kết quả đấu thầu mới đây nhất của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống kê cho thấy cho thấy dược liệu/vị thuốc này có giá trúng thầu dao động rất lớn, từ mức thấp nhất chỉ hơn 134 nghìn đồng/kg (của nhà thầu trúng thầu Sơn Lâm ở Bình Dương), cho đến mức cao nhất là 863 nghìn đồng/kg (của nhà thầu trúng thầu Đồng Hưng Đường ở Hà Giang).

Đặc biệt, về nguồn gốc của dược liệu/vị thuốc Bạch truật, nhiều kết quả đấu thầu còn ghi “B-N”, không phân biệt được dược liệu nhập khẩu hay dược liệu trong nước. Các Công ty trúng thầu (như biểu đồ) ghi đường dùng/dạng bào chế cũng “muôn màu muôn vẻ” như: “thân rễ”, “thái phiến”, “thuốc phiến khô”, “sống” tới “sao vàng”, “phiến lát”, “thuốc chín”, “đã bào chế”, “uống” và có nhà thầu để trống không ghi thông tin gì… với nhiều mức giá khác nhau.

Bạch truật trúng thầu vào các cơ sở y tế với nhiều loại mức giá khác nhau – Theo Dữ liệu mới nhất của BHXHVN. Đơn vị tính: VNĐ/kg. (Đồ họa: Hoàng Long)

“Chính việc ghi quy cách, dạng dùng của dược liệu/vị thuốc tại kết quả đấu thầu không rõ ràng gây khó khăn giám định giá thanh toán,” vị đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhấn mạnh.

Thậm chí cùng một dược liệu/vị thuốc Bạch truật, nhưng Công ty Cổ phần Dược Trung ương Mediplantex lại có tới 6 mức giá trúng thầu khác nhau, tùy theo đường dùng/dạng bào chế: Thấp nhất là trúng thầu với giá 451 nghìn đồng/kg, cao nhất là loại “thái phiến” – trúng thầu với giá 745 nghìn đồng/kg. Còn các mức giá khác: 693 nghìn đồng/kg, 651 nghìn đồng/kg ,646 nghìn đồng/kg, 451 nghìn đồng/kg.

Cùng một dược liệu/vị thuốc Bạch truật, nhưng Công ty Cổ phần Dược Trung ương Mediplantex lại có tới 6 mức giá trúng thầu khác nhau

Bàn về câu chuyện giá dược liệu bất nhất, phó giáo sư Trần Văn Ơn – Trưởng bộ môn Thực vật (Đại học Dược Hà Nội), phân tích, qua số liệu tổng kết đấu thầu dược liệu trong các bệnh viện công lập từ phía Cơ quan bảo hiểm cho thấy, có 66 dược liệu có giá từ 300 nghìn đồng/kg trở lên. Nhiều vị trong số đó có giá chênh lệch khá lớn so với giá của nhà bán lẻ (đã tính VAT) trên thị trường, đặc biệt một số trong đó là các dược liệu dễ dàng trồng trọt ở Việt Nam với chi phí không quá cao (như Khổ sâm cho lá, Đơn mặt trời, Thiên môn Đông…)

Phó giáo sư Ơn cũng chỉ rõ một nguyên nhân khác khiến giá dược liệu bị đẩy lên cao đó là việc thuốc dược liệu bị mua theo kiểu quay vòng. Chẳng hạn như dược liệu Ích trí nhân, được Trung Quốc thu mua ở các tỉnh miền núi phía Bắc với giá vài chục nghìn đồng/kg nhưng lại được nhập từ Trung Quốc về Việt Nam với giá trung bình khoảng 400 nghìn đồng/kg (mức giá năm 2012).

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tự bào chế thuốc: Cơ cấu giá thành chưa chặt chẽ

Theo đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, về giá thuốc y học cổ truyền do cơ sở khám chữa bệnh tự bào chế: Việc thanh toán các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất và xác định cơ cấu giá thành sản phẩm đối với thuốc y học cổ truyền do cơ sở khám chữa bệnh tự bào chế chưa chặt chẽ, dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn so với sản phẩm tương tự trên thị trường. Một số cơ sở y tế chỉ định đồng thời cả thuốc tây y theo phác đồ điều trị với thuốc thang, thuốc chế phẩm y học cổ truyền không hợp lý, gây lãng phí nguồn lực.

Bởi công tác quản lý còn nhiều bất cập, thiếu kiểm soát chặt chẽ, do vậy, các cơ sở kinh doanh, chế biến thuốc đông y đang “đẩy” giá lên một cách khó kiểm soát…

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều cơ sở khám chữa bệnh có y học cổ truyền xây dựng cơ cấu chi phí giá thành sản phẩm không hợp lý. Mỗi cơ sở khám chữa bệnh có cách tính giá thành khác nhau, không thống nhất đối với một số chi phí như khấu hao tài sản nhân công… Thuốc tự bào chế có giá thành cao hơn so với thuốc có cùng chỉ định trên thị trường.

Hiện nay cả nước có khoảng 500 cơ sở kinh doanh, sản xuất dược liệu, thuốc đông y. Có thể thấy, đây là mặt hàng liên quan sức khỏe con người, tuy nhiên, do công tác quản lý còn nhiều bất cập, thiếu kiểm soát chặt chẽ, do vậy, các cơ sở kinh doanh, chế biến thuốc đông y đang “đẩy” giá lên một cách khó kiểm soát…

Đề cập đến vấn đề này, theo đại diện Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), từ trước tới nay, công tác quản lý dược liệu tại Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng. Do vậy, việc nâng cao công tác quản lý chất lượng dược liệu cũng như củng cố, xây dựng hệ thống lưu thông, cung ứng dược liệu là rất cần thiết và cấp bách, nhằm xây dựng và củng cố hệ thống thu mua dược liệu trong nước, khắc phục và quản lý tốt dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ngăn chặn việc dược liệu nhập lậu vào Việt Nam.

  • ttxvnkiemn-1515399287-22.jpg
  • ttxvnsl2-1515399380-94.jpg
  • ttxvndongy-1515399415-66.jpg