“Giá thuốc chưa song hành với chất lượng”

ttxvnnamli-1514537565-89.jpg

Việt Nam có một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, một tiềm năng lớn về tài nguyên cây dược liệu nói riêng và tài nguyên dược liệu (thực vật, động vật, khoáng vật) nói chung.

Điều này thể hiện ở sự đa dạng về chủng loại cây dược liệu (trong số hơn 12.000 loài thực vật Việt Nam thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc), vùng phân bố rộng khắp cả nước, có nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới.

Việc quản lý và phát triển dược liệu, kiểm soát chất lượng dược liệu ngày càng được quan tâm, nhiều chủ trương chính sách đã được triển khai.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tá Tỉnh – Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) để hiểu rõ hơn về những vấn đề xung quanh vấn đề dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.

Nguy cơ mất nhiều bài thuốc

– Ông đánh giá như thế nào về thuốc y học cổ truyền hiện nay?

Ông Nguyễn Tá Tỉnh: Về Danh mục thuốc y học cổ truyền, hiện nay theo thông tư 05 của Bộ Y tế, danh mục vị thuốc y học cổ truyền có 349 thuốc (cây con, tê giác cũng nằm trong y học cổ truyền, vi cá mập, cây tam thất gọi là thuốc y học cổ truyền), danh mục chế phẩm y học cổ truyền bao gồm 229 loại. Đồng thời, các Bệnh viện tùy theo thế mạnh, tự sản xuất phục vụ cho yêu cầu điều trị, từ các vị thuốc nằm trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế, nếu mà vị thuốc nằm ngoài danh mục không được thanh toán bảo hiểm y tế.

Hiện nay, có địa phương quan tâm đầu tư nên việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền được phát huy mạnh như Hải Dương, Hòa Bình. Cũng có nhiều địa phương thậm chí chi dành cho y học cổ truyền còn rất thấp như Bạc Liêu, Cà Mau…

Với thuốc đông dược, vấn đề chất lượng phải được quan tâm tất cả các khâu, kể cả thuốc tốt mà khâu sao tẩm, bảo quản không được chú ý thì nấm mốc phát triển … đều có thể gây hại cho người bệnh. 

Thuốc là một mặt hàng đặc biệt, cho nên chất lượng phải đảm bảo tuyệt đối. Với thuốc đông dược, vấn đề chất lượng phải được quan tâm tất cả các khâu, kể cả thuốc tốt mà khâu sao tẩm, bảo quản không được chú ý thì nấm mốc phát triển … đều có thể gây hại cho người bệnh.

– Theo ông, thuốc y học cổ truyền hiện nay có thế mạnh và tồn tại gì?

Ông Nguyễn Tá Tỉnh: Thế mạnh rất nhiều, đó là các vị thuốc Nam, bài thuốc Nam rất có giá trị được lưu truyền và phát huy trong điều trị rất tốt nhiều bệnh mà thuốc tân dược điều trị không hiệu quả như các bệnh về gan, thận, phong hàn, khớp…

Tuy nhiên, tồn tại trong y học cổ truyền hiện nay là vấn đề chất lượng, các nhà quản lý cũng như người dân chưa yên tâm.

Thứ hai là mất bài thuốc y học cổ truyền, gia truyền nhưng thất truyền, không hợp pháp hóa thành tài sản quốc gia, bài thuốc dân gian không được truyền lại thì nguy cơ sẽ mất đi vĩnh viễn. Có thể bản thân người nắm vững không phát huy, không giữ, nên dần dần các bài thuốc y học cổ truyền bị mai một.

Về nguyên liệu, theo tôi, chúng ta phải chú trọng hơn nữa, để thúc đẩy ngay các giải pháp nuôi trồng, lưu trữ nguồn gen, không thì có thể mất vĩnh viễn các cây thuốc quý, khó có thể duy trì được nền y học cổ truyền trong thời buổi hiện nay, khi mà thuốc tân dược đang phát triển rất mạnh, trong khi nguồn cung về dược liệu của Việt Nam hạn chế.

Trồng thử nghiệm giống nấm dược liệu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Trồng thử nghiệm giống nấm dược liệu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Giá đông dược bị ăn theo rất mạnh

– Vậy còn về câu chuyện giá thuốc y học cổ truyền hiện nay. Ông có ý kiến như thế nào?

Ông Nguyễn Tá Tỉnh: Giá thuốc đông y cũng là điều mà chúng tôi rất băn khoăn. Từ khâu mua sắm, cách ghi chép, không xác định rõ mua dược liệu nguồn gốc Bắc hay là Nam, mà ghi chung chung Bắc-Nam, như thế nghĩa là mua gì cũng được. Từ trước đến nay đa số vị Bắc đắt hơn vị Nam, một số vị Nam tốt hơn thì cũng phải mua giá không kém, nhưng phải rạch ròi.

Thứ hai là về công tác sơ chế, mua một nguyên liệu là dược liệu vừa mới nhập lên, rủa sạch khác với việc đã cắt lọc, gọt vỏ, thái, sơ chế. Hiện nay, trong vấn đề này cũng không ghi rõ trong yêu cầu nguyên liệu.

Thứ ba là giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chất lượng dược liệu (CO, CQ) có hay không có, nhưng có thật hay không? Hồ sơ có thật, nhưng thực tế thì ra sao? Việc này cùng không hề đơn giản, vì từ khâu chứng nhận, quá trình vận chuyển có quản lý chặt chẽ không, quy cách đóng gói có đảm bảo không?…

Về nguyên tắc, thuốc đầu vào doanh nghiệp phải đảm bảo, cam kết về chất lượng. Lúc đó không ai kiểm nghiệm xem đạt chất lượng mới mua. Tôi đưa tiêu chuẩn, anh phải đạt và chịu trách nhiệm và chứng minh bằng giấy chứng nhận của cơ quan quản lý, giá của dược liệu có nguồn gốc và chất lượng được kiểm định rõ ràng tốt thì phải đắt. Nhưng vừa qua dược liệu không có nguồn gốc rõ ràng cũng đẩy giá lên, ăn theo nên giá đông dược tăng rất mạnh.

Biểu đồ so sánh giá dược liệu/vị thuốc trúng thầu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương năm 2016 với giá trúng thầu năm 2014-2015 khi chưa có quy định doanh nghiệp phải cung cấp tài liệu CO/CQ khi tham gia đấu thầu  – Nguồn: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. (Đồ họa: Hoàng Long)

Nhiều vị thuốc tăng giá tới 60%

– Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

Ông Nguyễn Tá Tỉnh: Nếu năm 2016 so với năm 2014 thì nhiều vị tăng giá tới 50-60%. Có một tình trạng liên quan đến trách nhiệm của những hội đồng đấu thầu. Đó là họ phải xây dựng hồ sơ rất tỷ mỉ sau khi thuốc vào phải kiểm nhập tốt, đúng yêu cầu chất lượng theo hồ sơ mời thầu, nếu không làm được thì chất lượng bị trôi nổi.

Thời gian này không có gì tác động để thuốc đông dược tăng giá mà tự các hội đồng xây dựng giá kế hoạch với mong muốn mua đắt để được thuốc tốt nhưng thực tế không phải như vậy. Vì vậy hiện nay giá ở từng tỉnh khác nhau, chênh lệch lớn và điều này liên quan đến trách nhiệm của từng hội đồng. Những hội đồng đấu thầu thuốc nào xây dựng giá kế hoạch mua sắm sát sao hơn thì giá hợp lý hơn.

Hiện nay đánh giá chất lượng đông dược dựa vào cảm nhận, cảm quan là chính, vì vậy các cơ sở khám chữa bệnh phải thật sự trách nhiệm sát sao để đảm bảo chất lượng thuốc, còn nếu vị thuốc nào cũng kiểm nghiệm thì không làm nổi và rất tốn kém.

Tôi xin nhấn mạnh, kể cả kiểm nghiệm thì cũng là kiểm nghiệm mẫu đó thôi, sau đó không ai có thể biết được. Công việc giám sát vẫn là một cái gì đó rất khó khăn.

Tới đây Cục Quản lý Y dược cổ truyền và chúng tôi đồng thuận rất cao và sẽ đi kiểm tra một số tỉnh để xem lại giá.

Quản lý thuốc y học cổ truyền tại một bệnh viện. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Quản lý thuốc y học cổ truyền tại một bệnh viện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

– Có nhiều ý kiến cho rằng giá thuốc cao thì mới mua được thuốc có chất lượng tốt. Quan điểm của ông về điều này ra sao?

Ông Nguyễn Tá Tỉnh: Có người bào chữa rằng, giá thuốc cao thì thuốc mới chất lượng hơn. Tôi cho rằng chưa có gì đảm bảo được. Thậm chí trên cùng một địa bàn, bệnh viện này mua đắt hơn bệnh viện kia. Về việc quản lý thuốc đông dược của chúng ta hiện nay vẫn chung chung.

Có người bào chữa rằng, giá thuốc cao thì thuốc mới chất lượng hơn. Tôi cho rằng chưa có gì đảm bảo được. Thậm chí trên cùng một địa bàn, bệnh viện này mua đắt hơn bệnh viện kia. 

Để chất lượng thuốc y học cổ truyền tốt, thì các bệnh viện phải mua thuốc với tâm thế đi mua thuốc điều trị cho chính bệnh nhân của mình. Hội đồng sẽ phải là người tự quyết định, bệnh viện phải là người quyết định chất lượng của từng dược liệu, vị thuốc đó đảm bảo.

Một điều nữa là nếu không có CO/CQ thì giá phải theo giá thu mua. Hiện nay, giá dược liệu thu mua của người dân rất thấp.

Thứ ba nữa là về nguyên tắc đấu thầu, anh phải tham khảo giá trúng thầu còn hiệu lực cùng thời điểm. Chúng tôi cũng cung cấp, người cung cấp một cách vô tư, có người mua được cao, có người mua được thấp. Vậy tại sao Hội đồng của bệnh viện anh không chọn giá hợp lý mà lại chọn giá rất cao?

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bào chế, hoàn, tán thuốc đông y phục vụ điều trị cho người bệnh. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Bào chế, hoàn, tán thuốc đông y phục vụ điều trị cho người bệnh. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)