‘Ma trận’ giá cả dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ mua thuốc tây có thể so sánh về giá giữa cửa hàng này và cửa hàng kia, vì có cùng tên thuốc ghi trên đó. Còn giá dược liệu/vị thuốc y học cổ truyền với những lát, phiến… người bệnh khó có thể phân biệt được các tên gọi, các loại chứ chưa nói gì đến so sánh giá cả giữa các cửa hàng.

Bởi vậy, với giá cả của dược liệu/vị thuốc y học cổ truyền thì người bệnh, người dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nơi bán, nơi cung cấp thuốc.

Thực tế, giá dược liệu/vị thuốc y học cổ truyền được các doanh nghiệp nhập về hay việc giá thuốc đấu thầu chênh nhau giữa các tỉnh và chênh nhau ngay trong cơ cở khám chữa bệnh của một tỉnh hoặc giữa các địa phương là một trong những bất cập khiến nhiều người giật mình.

Có chuyên gia đã thẳng thắn: giá của nhiều loại dược liệu/vị thuốc y học cổ truyền hiện nay quá chênh lệch. Nguyên nhân là do, khi cơ sở y tế gắn chặt lợi ích vào việc đấu thầu thuốc thì rất khó phát hiện các vi phạm và khó giảm được giá.

Bài 1: Lạc vào “ma trận” giá dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền

Những năm gần đây, việc sử dụng thuốc từ dược liệu ngày càng có xu hướng phát triển.

Cùng với lời quảng cáo của các chủ cửa hàng, có đủ các loại thuốc chữa khỏi hết các bệnh, thậm chí cả bệnh hiểm nghèo thì giá cả của những loại đông dược/vị thuốc y học cổ truyền từ các công ty, tới các cơ sở y tế hay hệ thống bệnh viện vô cùng muôn màu, muôn vẻ, không khác gì “ma trận.”

  • anh1-1515400318-12.jpg
  • ttxvnsliba-1515400371-26.jpg

Dược liệu: Nơi 3,6 triệu đồng, nơi 8,6 triệu đồng

Theo thống kê từ Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế), hiện nay có 237 dược liệu có kê khai giá chi tiết tại đơn vị này.

Giá dược liệu của các doanh nghiệp nhập khẩu theo giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ từ đầu năm 2017 đến hết tháng Bảy cho thấy, rất nhiều loại dược liệu có cùng một tên nhưng giá lại chênh lệch rất lớn giữa các đơn vị khác nhau.

Chẳng hạn như Bạch cập (Thân rễ) – với tên khoa học là Dix Stemonae Tuberosae, có giá rất cao trong bảng giá các loại dược liệu và khi thống kê giá tại Cục Quản lý Y Dược cổ truyền có sự chênh lệch lớn giữa các công ty.


Giá các loại dược liệu phổ biến trong năm 2017 – Nguồn: Bộ Y tế. (Đồ họa: Hoàng Long)

Bạch cập (Thân rễ) của Công ty Cổ phần Đông Y dược Thăng Long có giá 3,9 triệu đồng/kg; Công ty TNHH Thiên Ân dược thì có mức giá là hơn 5,1 triệu đồng đồng/kg, còn giá của Công ty Cổ phần Dược liệu Việt Nam thì gần 8,7 triệu đồng đồng/kg, trong khi giá của Công ty Cổ phần Dược phẩm Khang Minh bán với giá thấp hẳn, chỉ hơn 3,6 triệu đồng/kg.

Với dược liệu Đan sâm (Rễ) – tên khoa học Radix Salviae Miltiorrhizae, được Công ty Cổ phần Dược phẩm Khang Minh báo với giá 64.000 đồng, Công ty cổ phần thương mại Dược vật tư y tế Khải Hà có giá là 203.000 đồng (gấp hơn 3 lần), Công ty dược phẩm OPC (177.000 đồng), Công ty TNHH Đông Dược Đồng Hưng Đường (206.000 đồng), Công ty cổ phần dược Trung Ương Mediplantex có giá là 154.000 đồng. Trong khi vẫn loại dược liệu đan sâm này, Công ty cổ phần Dược liệu Trường Xuân thì lại có mức giá thấp nhất – chỉ 23.000 đồng.

Về công tác đấu thầu dược liệu trong các bệnh viện công lập, phó giáo sư Trần Văn Ơn – Trưởng bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty DK Pharma (Bộ Y tế) cho hay, phân tích dữ liệu từ một số bệnh viện công lập trong nước cho thấy, có 239 dược liệu từ thảo dược được cung ứng cho các bệnh viện công lập qua bảo hiểm y tế năm 2012, trong đó tỷ lệ (số loài) từ thu hái tự nhiên, nhập khẩu và trồng trọt trong nước có tỷ lệ xấp xỉ nhau.

Phó giáo sư Trần Văn Ơn - Trưởng bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Phó giáo sư Trần Văn Ơn – Trưởng bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Phó giáo sư Trần Văn Ơn cho biết: “Qua nghiên cứu số liệu về giá của dược liệu trong bảo hiểm y tế, tôi nhận thấy nó chênh lệch nhau rất nhiều. Phổ biến ở mức 100% đến vài ba trăm % là chuyện bình thường, tuy nhiên, cá biệt có những dược liệu chênh nhau đến 20 lần, thậm chí là đến 30 lần.”

Phó giáo sư Ơn chỉ rõ, điều đáng lưu ý là giá của một dược liệu trúng thầu tại các bệnh viện công lập rất khác nhau, mức chênh lệch giá trung bình khoảng 6 lần, có 20 dược liệu có giá chênh lệch đến 10 lần. Điều này cho thấy việc quản lý (chất lượng, giá cả) các dược liệu cung ứng cho y học cổ truyền trong khối công lập chưa thống nhất.

Cá biệt, có những loại dược liệu có mức chênh giá khủng khiếp như Xuyên khung với mức chênh 41,1 lần. Giá xuyên khung nơi bán thấp nhất là 156.000 đồng/kg, nơi bán giá cao nhất là hơn 6,4 triệu đồng/kg.

Có 20 loại dược liệu có giá chênh lệch trên 10 lần giữa đơn vị thấp nhất và đơn vị bán giá cao nhất. Điển hình như dược liệu tên Huyền sâm có giá trung bình là 147.000 đồng/kg, giá thấp nhất là 30.000 đồng/kg, giá cao nhất là 331.000 đồng/kg.

Cá biệt, có những loại dược liệu có mức chênh giá khủng khiếp như Xuyên khung với mức chênh 41,1 lần. Giá xuyên khung nơi bán thấp nhất là 156.000 đồng/kg, nơi bán giá cao nhất là hơn 6,4 triệu đồng/kg.

Dược liệu Mạch nha với giá trung bình là 645.000 đồng/kg, có mức chênh lệch giá như sau: nơi giá thấp nhất là 40.000 đồng/kg, nơi giá cao nhất lên tới 1,4 triệu đồng/kg (chênh tới gần 36 lần).

Các dược liệu khác có mức giá chênh nhau hơn 20 lần như: Đăng tâm thảo (24 lần), Hậu phác (29 lần), Thạch xương bồ (27 lần), Thần khúc (26 lần), Mần trầu (20 lần)…


20 dược liệu có mức chênh giá khủng khiếp nhất (dữ liệu năm 2012). (Đồ họa: Hoàng Long)

Theo tìm hiểu, giá trúng thầu dược liệu mới nhất – năm 2017 có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh. Đơn cử như, điểm mặt với dược liệu ba kích tại 10 tỉnh thì có 10 mức giá khác nhau từ hơn 300 nghìn đồng đến hơn 1,4 triệu đồng/kg (Quảng Nam: 388.500 nghìn đồng, Thanh Hóa: 630 nghìn đồng, Điện Biên: 733 nghìn đồng… và cao nhất là Hà Nội – 1,4 triệu đồng/kg).

Với dược liệu ba kích tại 10 tỉnh thì có 10 mức giá khác nhau từ hơn 300 nghìn đồng đến hơn 1,4 triệu đồng/kg.

Giá trúng thầu 2017 với dược liệu Xuyên bối mẫu của Hà Nội là 3,6 triệu đồng/kg, trong khi đó của Lai Châu chỉ ở mức giá 1,7 triệu đồng. Tương tự, với dược liệu Trư linh, giá trúng thầu tại tỉnh Bến Tre là 600 nghìn đồng/kg, trong khi đó giá trúng thầu ở Hà Nội là hơn 3,1 triệu đồng; Lai Châu: 1,6 triệu đồng; Quảng Nam: 1 triệu đồng…

Giá một vị thuốc chênh nhau tới 438%

Không chỉ giá dược liệu chênh nhau “một trời một vực”, mà giá của các vị thuốc y học cổ truyền khi vào tới các bệnh viện cũng trong xu thế chung này.

Cùng một vị thuốc ba kích, tại Quảng Nam giá là 388.000 đồng/kg, nhưng ở Thanh Hóa lại có giá 630.000 đồng/kg, ở Điện Biên là 730.000 đồng/kg.

Vị thuốc đào nhân tại tỉnh Trà Vinh 357.000 đồng/kg, tại tỉnh Bình Dương giá lại cao gấp đôi, lên tới 840.000 đồng/kg.


Giá trúng thầu dược liệu theo địa phương, số liệu năm 2017 – Nguồn: BHXHVN. (Đồ họa: Hoàng Long)

Bên cạnh đó, giá vị thuốc giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên cùng một địa bàn cũng được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ ra với mức giá chênh lệch khá cao.

Trong cùng một địa bàn ở tỉnh Ninh Bình, giá vị thuốc trúng thầu tại Bệnh viện Quân y 5 và giá trúng thầu tại Sở Y tế Ninh Bình chênh khá lớn.

Tỷ lệ chênh giá một số thuốc y học cổ truyền giữa đấu thầu Sở Y tế Ninh Bình và Bệnh viện Quân y 5 như: vị thuốc Tang ký sinh chênh giá 438%, Dây đau xương chênh 426%, Ngũ gia bì chân chim chênh 348%, Phụ tử chế 259%, Quế chi 212%, Nhân trần 210%…

Trên cả nước, cùng một vị thuốc là Bạch truật, nhưng có tới 18 mức giá khác nhau, thấp nhất là 134.000 đồng/kg, cao nhất là 863.000 đồng/kg…

Cây dược liệu quý Giảo cổ lam được trồng tại Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)
Cây dược liệu quý Giảo cổ lam được trồng tại Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)