Chủ nghĩa dân túy

Cuối cùng thì kịch bản đáng lo ngại từng gây ra nỗi ám ảnh thường trực tại châu Âu từ đầu năm 2017 đã không xảy ra khi các đảng cực hữu-dân túy không trở thành lực lượng chính trị nắm chính quyền sau hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng ở Lục địa Già.

Thất bại của phe cực hữu-dân túy trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp hồi tháng Năm, sau việc đảng cực hữu Hà Lan chịu “thúc thủ” trước liên minh tự do trong cuộc tổng tuyển cử giữa tháng 3, phần nào giải tỏa được nỗi lo âu của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, tình trạng bất bình đẳng gia tăng trong xã hội, kinh tế sa sút, nhiều cuộc khủng hoảng chưa thể giải quyết tại châu Âu, cùng với tác động của việc cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rút nước này ra khỏi EU… đã tạo điều kiện để các chính đảng dân túy cực đoan nổi lên trên chính trường châu Âu, đe dọa sự ổn định, thống nhất và quá trình hội nhập châu Âu.

Nhưng nếu chỉ nhìn vào chiến thắng của các đảng phái chính thống trong các cuộc bầu cử ở châu Âu năm 2017 mà nhận định “chủ nghĩa dân túy đã hết thời” thì quả là quá vội vàng. Các cuộc bầu cử vừa qua đã phơi bày một thực tế đáng ngại là tư tưởng dân túy cực đoan, chống nhập cư, kỳ thị chủng tộc đã dâng lên như một “cơn thủy triều,” phần nào gạt ra một bên hoặc làm suy yếu đáng kể các đảng truyền thống khắp châu Âu.

Mặc dù có đường lối và chương trình nghị sự khác nhau, điểm chung của các đảng dân túy-cực hữu là thái độ chống lại giới tinh hoa chính trị truyền thống, đòi hỏi thiết lập một xã hội trật tự và hệ thống pháp luật cứng rắn.

Đảng cực hữu “Mặt trận Quốc gia” của bà Marine Le Pen (phải) giành được 33,4% số phiếu trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống và lần đầu tiên có tới 8 nghị sỹ tại hạ viện. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đảng cực hữu “Mặt trận Quốc gia” của bà Marine Le Pen (phải) giành được 33,4% số phiếu trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống và lần đầu tiên có tới 8 nghị sỹ tại hạ viện. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những yêu sách họ đưa ra ít nhiều đều liên quan với nhau: phản đối tình trạng nhập cư mất kiểm soát, giành lại chủ quyền quốc gia đã trao cho EU, phản đối toàn cầu hóa và dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài, chống lại giới lãnh đạo tham nhũng, giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập…, vốn là những vấn đề được cử tri châu Âu đặc biệt quan tâm.

Chỉ có điều giải pháp mà các đảng cực hữu-dân túy đề nghị cho các vấn đề đó hoặc là không khả khi, hoặc có khả năng gây ra cú sốc lớn phá hủy tất cả các thành quả kinh tế-xã hội mà châu Âu đạt được trong bao nhiêu năm nay, như đòi đưa đất nước ra khỏi EU hay Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trục xuất hoặc chấm dứt hoàn toàn người nhập cư. Dù vậy, trong bối cảnh kinh tế trì trệ, thất nghiệp cao, dòng người tị nạn ồ ạt và nguy cơ khủng bố đe dọa, thật dễ hiểu khi cử tri sẵn sàng bỏ phiếu cho các đảng này với hy vọng một sự thay đổi hoặc thể hiện sự phẫn nộ với giới cầm quyền quan liêu.

Một nghiên cứu của hãng Bloomberg công bố đầu tháng 12 cho thấy các đảng dân túy giành được bình quân 16% số phiếu trong các cuộc bầu cử ở châu Âu gần đây, tăng mạnh so với chỉ 11% cách đây một thập kỷ. Cá biệt, nhiều nơi đảng dân túy đã trở thành lực lượng chính trị lớn thứ hai, thậm chí lớn nhất nếu tính cộng tất cả xu hướng dân túy cánh tả và cánh hữu lại với nhau.

Điểm chung của các đảng dân túy-cực hữu là thái độ chống lại giới tinh hoa chính trị truyền thống, đòi hỏi thiết lập một xã hội trật tự và hệ thống pháp luật cứng rắn

Tại Pháp, đảng cực hữu “Mặt trận Quốc gia” của bà Marine Le Pen giành được 33,4% số phiếu trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống và lần đầu tiên có tới 8 nghị sỹ tại hạ viện, mặc dù hệ thống bầu cử Pháp rất khắt khe với các đảng nhỏ. Đảng “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) có xu hướng chống Hồi giáo, chống người nhập cư cũng tạo được đột phá khi lần đầu tiên giành ghế và có tới 94 nghị sỹ trong Quốc hội liên bang Đức, trở thành chính đảng lớn thứ ba trong cơ quan lập pháp Đức.

Sau cuộc tổng tuyển cử Áo vừa qua, thủ lĩnh đảng bảo thủ đắc cử Sebastian Kurz đã phải thỏa thuận liên minh với đảng Tự do (FPO) theo đường lối chống người nhập cư, khiến Áo trở thành quốc gia Tây Âu duy nhất có một đảng cực hữu tham gia chính phủ. Ngay ở Đông Âu, cuộc tổng tuyển cử mới nhất tại Cộng hòa Séc, đảng cực hữu SPD cũng giành tới 10% số phiếu.

Dù không giành được chính phủ, nhưng ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy đối với đời sống kinh tế-chính trị châu Âu vô cùng lớn. Ở mỗi nước, các chính đảng truyền thống buộc phải xem xét lại đường lối của mình. Sức ép của “dòng thác” dân túy đẩy các đảng cánh hữu điều chỉnh đường lối ngả sang hướng thiên hữu hơn nữa. Trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Anh, đảng Bảo thủ đã phải chấp nhận khẩu hiệu ủng hộ Brexit.

Ông Luigi Di Maio (phải) sau khi được Đảng Phong trào 5 Sao (M5S) theo chủ nghĩa  dân túy và kháng chính thống ở Italy bầu chọn làm ứng cử viên Thủ tướng của đảng  này tại cuộc họp ở Rimini ngày 23/9/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ông Luigi Di Maio (phải) sau khi được Đảng Phong trào 5 Sao (M5S) theo chủ nghĩa dân túy và kháng chính thống ở Italy bầu chọn làm ứng cử viên Thủ tướng của đảng này tại cuộc họp ở Rimini ngày 23/9/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ở Đức, liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo CDU/CSU đã phải xem lại chính sách cởi mở với nhập cư để chống lại ảnh hưởng đang lên của AfD. Sau cuộc tổng tuyển cử Áo vừa qua, để có thể giành chiến thắng, thủ lĩnh đảng bảo thủ Sebastian Kurz đã phải sử dụng chiêu bài “chống nhập cư.”

Sang năm 2018, EU có thể sẽ tạm yên với “nỗi ám ảnh” dân túy do không có một cuộc bầu cử lớn nào ở các nước thành viên, nhưng không vì thế mà “cơn sốt” này chấm dứt. Trái lại, nó có thể vẫn mở rộng ảnh hưởng nếu như giới cầm quyền không đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng của người dân và không giải quyết được những vấn đề gây bức xúc trong xã hội, bởi đây chính là những mảnh đất màu mỡ cho các đảng dân túy khai thác và giương cao khẩu hiệu.

Sang năm 2018, EU có thể sẽ tạm yên với “nỗi ám ảnh” dân túy do không có một cuộc bầu cử lớn nào ở các nước thành viên, nhưng không vì thế mà “cơn sốt” này chấm dứt

Trước thực tế trên, ở các nước EU hiện nay, cải tổ được coi là “chìa khóa” chống lại sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy cực đoan. Tin vui là tăng trưởng kinh tế của EU nói chung và Eurozone nói riêng đã hồi phục khá vững chắc trong những tháng gần đây, tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể. Chưa thể sớm đánh giá các biện pháp cải tổ đã có tác dụng, nhưng ít nhất nó cũng tạo ra lòng tin khá lớn đối với cử tri, đánh tan phần nào luận điệu của chủ nghĩa dân túy cực đoan.

Trên bình diện EU, xu hướng phản đối toàn cầu hóa, tự do hóa kinh tế, đòi tái lập chủ quyền quốc gia lan rộng đã tạo ra một cú hích mới đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải nghiêm túc xem lại tiến trình nhất thể hóa châu Âu.

Những tháng gần đây, nhóm các nước lớn trong EU gồm Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha đã thúc đẩy hàng loạt ý tưởng mới nhằm cải tổ Eurozone, ngăn chặn làn sóng nhập cư và nhất là tạo việc làm cho giới trẻ. Các đề xuất này sẽ được thảo luận và đi vào thực hiện trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu năm 2019./.

Biểu tình phản đối Hội nghị lãnh đạo các chính đảng và phong trào có quan điểm dân túy, dân tộc chủ nghĩa và chống người nhập cư tại Prague ngày 16/12/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Biểu tình phản đối Hội nghị lãnh đạo các chính đảng và phong trào có quan điểm dân túy, dân tộc chủ nghĩa và chống người nhập cư tại Prague ngày 16/12/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)