

Trong cơn khủng hoảng, những nữ doanh nhân đã chứng tỏ sức mạnh nội lực của mình. Giữa lúc tương lai mờ mịt nhất, họ vẫn tỏa sáng bằng năng lực tự thân để tìm hướng đi cho doanh nghiệp mình.
Không thể phủ nhận rằng người có sức ảnh hưởng và sự lan tỏa tinh thần tích cực ấy đến các thành viên VAWE chính là doanh nhân Thái Hương, hạt nhân của liên minh các nữ doanh nghiệp Việt Nam. Nếu nói các nữ lãnh đạo là bông hoa kiên cường thì bà Thái Hương chính là nhụy hoa, là sức mạnh tiềm ẩn của đóa hoa đó, là nơi gắn kết những cánh hoa để làm nên một tổng thể rực rỡ sắc hương.
Với sáng tạo nổi trội, đặc biệt là nhiệt huyết cống hiến hiếm thấy, có nhiều đóng góp quan trọng, mang tính cách mạng đối với nền nông nghiệp Việt Nam và cộng đồng, bà là một trong những “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” – danh hiệu cao quý được Đảng, Nhà nước phong tặng.
Tham vọng của “người đàn bà sữa”
Những Anh hùng Lao động được tôn vinh từ xưa tới nay đều là những người mang trong mình phẩm chất anh hùng, trong những hoàn cảnh xã hội thúc bách sẽ càng được tỏa sáng, làm nên nhiều kỳ tích, đóng góp vào những thành tựu to lớn của đất nước. Với nữ doanh nhân Thái Hương – “người đàn bà sữa quyền lực châu Á” tiên phong gánh vác sứ mệnh mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng- thì kỳ tích đó chính là việc không chỉ đưa sữa tươi Việt Nam “go global,” mà còn góp phần quan trọng kiến tạo những đường băng tuyệt vời cho nông nghiệp nước nhà cất cánh. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với một nền kinh tế mà nông nghiệp là thế mạnh như Việt Nam.
Với năng lực và bản lĩnh vượt trội của một doanh nhân, cùng nỗi niềm đau đáu cống hiến cho quê hương, đất nước, doanh nhân Thái Hương trong mọi ý tưởng ấp ủ, kế hoạch, chiến lược phát triển dường như luôn thấm đẫm khát khao mang lại cuộc sống chất lượng cho chính người dân Việt.

Tại buổi tiếp kiến của Chủ tịch Quốc hội với Đại biểu Thi đua yêu nước lần thứ X mới đây, Anh hùng Lao động Thái Hương một lần nữa đã thổ lộ: “Thiên nhiên đã ban tặng đất nước mình bốn mùa hoa trái xanh tươi, đủ điều kiện để trở thành bếp ăn tử tế cho thế giới, nhưng trước tiên ta phải làm một bếp ăn tử tế cho người Việt đã. Tôi sẽ làm được điều ấy.”
Nhìn lại thành tựu của TH, có thể nói Anh hùng Lao động Thái Hương là một hình mẫu lớn cho khát vọng rồng bay của doanh nghiệp – đã cống hiến cho đất nước Việt Nam chiếc “chìa khoá vàng” mở bung những sức mạnh tiềm tàng từ đất đai, khởi xướng một mô hình điển hình cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đất nước; đã và sẽ góp phần đưa hình ảnh nước ta ra thế giới bằng nền nông nghiệp công nghệ cao, với những nông sản xanh–sạch–hữu cơ, để Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới.”
Thiên nhiên đã ban tặng đất nước mình bốn mùa hoa trái xanh tươi, đủ điều kiện để trở thành bếp ăn tử tế cho thế giới, nhưng trước tiên ta phải làm một bếp ăn tử tế cho người Việt đã. Tôi sẽ làm được điều ấy.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam
Dưới con mắt của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các nhà khoa học, nhà quản lý, Việt Nam theo mọi lý thuyết phát triển không hề có lợi thế cho ngành bò sữa. Bởi lẽ bò sữa là ngành đòi hỏi có những đồng cỏ mênh mông, khí hậu ôn đới, kinh nghiệm và truyền thống chăn nuôi đại gia súc, thị trường có thói quen tiêu dùng sản phẩm từ sữa… Trong khi, Việt Nam không có những điều kiện đó.
Thế rồi, những khó khăn về điều kiện thiên nhiên với khí hậu khắc nghiệt, quanh năm nắng nóng tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An – nơi bà Thái Hương khởi dựng trang trại nuôi bò đã được hóa giải bằng một con đường duy nhất là đưa công nghệ hiện đại, tự động hóa, tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp để “chế ngự thiên nhiên,” mang lại hiệu quả sản xuất cao.
Theo đó, TH đã áp dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của quy trình khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch.” Đó là những công nghệ chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại hiện đại hàng đầu thế giới, trong đó có hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến nhất thế giới Afifarm của Israel; quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan,…
TH bắt đầu chuỗi sản xuất từ việc trồng cỏ nuôi bò. Những cánh đồng ngô, cỏ, hướng dương, cao lương bát ngát trên cao nguyên Phủ Quỳ là thức ăn của hơn 45.000 bò sữa ở cụm trang trại bò sữa TH ở Nghĩa Đàn. Tiếp đến là quy trình chăn nuôi bò sữa tập trung.
Nhiều người nói rằng bò sữa ở đây được chăm sóc chẳng khác gì những “bà hoàng.” Điều ấy cũng chẳng sai. Hàng ngày, bò được lên khẩu phần ăn cho mỗi chu kỳ và thường mỗi bữa ăn có đến cả chục món khác nhau. Thức ăn trước khi được đưa vào chế biến đều được kiểm tra kỹ càng. Chỉ những sản phẩm không chứa độc tố, không biến đổi gien mới được các chuyên gia nước ngoài đưa vào chế biến.
Không chỉ được ăn ngon, được chăm sóc sức khỏe bằng những công nghệ tân tiến và sống trong những trang trại sạch đẹp, các “nàng” bò còn được nghe nhạc giao hưởng mỗi ngày. Trước khi lấy sữa, bò được lùa qua nhiều cửa và ở mỗi cửa ấy đều có hệ thống xả nước tự động để bò tắm táp. Tắm sạch sẽ xong, cũng bằng hệ thống điều khiển tự động, các “nàng” bò dịu dàng nối nhau vào nơi vắt sữa. Bò được vắt sữa hoàn toàn tự động bằng 4 núm vú chân không. Sau khi vắt, sữa sẽ được chuyển đến bình thu gom sữa trung gian bằng hệ thống đường ống Inox và chuyển xuống các phễu lọc, đột ngột làm lạnh xuống dưới 4oC và được chuyển ngay đến bồn bảo quản sữa.




Đàn bò của TH True Milk được gắn chíp quản lý đàn, con chip này có thể cảnh báo được bệnh của bò – đặc biệt là bệnh viêm vú – trước 4 ngày. Khi có biểu hiện của bệnh trước 4 ngày, máy vắt sữa sẽ tự động “từ chối” vắt sữa đối với “cô bò” đó. Vì vậy, TH tự hào về dòng sữa tươi sạch được đo lường một cách chính xác và khoa học.
Dòng sữa tinh túy ấy được vận chuyển tới chế biến tại Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH và phân phối qua các kênh truyền thống, hiện đại cùng chuỗi cửa hàng TH true Mart của tập đoàn trên cả nước.
Cùng với tiến trình phát triển trang trại đó, TH true MILK đã có một bước tiến cao hơn trong tiến trình hướng tới sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường với sản phẩm sữa tươi organic tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ. TH cũng đã trở thành trang trại đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chuyển đổi và sản xuất sữa organic theo các tiêu chuẩn quốc tế này.
Việc TH vượt qua các khó khăn, khắc nghiệt về điều kiện thiên nhiên, thành công bằng công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa (một loại gia súc ôn đới) và thành công ngay trên mảnh đất nắng nóng Nghĩa Đàn đã cho thấy hiệu quả của ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên phạm vi quy mô lớn. Ứng dụng công nghệ cao không chỉ tăng năng suất trên một đơn vị diện tích canh tác mà còn tạo ra một nền sản xuất hàng hóa, tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần tạo bước đột phá cho cuộc cách mạng nông nghiệp nông thôn.
Đây cũng là định hướng hỗ trợ cho kế hoạch phát triển vùng chăn nuôi bò sữa và các mục tiêu tăng trưởng sản lượng sữa tươi (1,4 tỷ lít vào năm 2025) của Chính phủ; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước, hạn chế nhập sữa bột từ nước ngoài. Hướng đi này mang ý nghĩa “cách mạng” với ngành sữa trong bối cảnh một nước nông nghiệp mà mỗi năm chúng ta đã phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu sữa bột về pha lại – một nguyên nhân dẫn tới nhập siêu.

Sẵn sàng tiên phong
Đánh giá về việc tiên phong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của bà Thái Hương, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng đầu tư vào nông nghiệp là một lĩnh vực rủi ro và các nhà đầu tư thông thường luôn né tránh. Vậy mà, bà Thái Hương không những đầu tư vào nông nghiệp, mà còn đầu tư vào những vùng khó khăn nhất ở Việt Nam như vùng Nghệ An – vùng đất mà trước đây không ai nghĩ có thể xây dựng được trang trại nuôi bò sữa với quy mô lớn và vận hành chuỗi sản xuất khép kín ở vùng này, nhưng trên thực tế nó đã thành hiện thực: Không những quy mô lớn, công nghệ hiện đại mà sản phẩm chất lượng cao, đạt chuẩn mực của bất cứ người tiêu dùng khắt khe nào. Có thể nói, đó là khác biệt của bà Thái Hương.
Điểm khác biệt nữa là, bà Thái Hương đầu tư vào tỉnh miền núi và nhìn thấy những lợi thế ở đó mà người bình thường chỉ nhìn thấy núi non khó khăn hiểm trở, trùng trùng điệp điệp của các dãy núi. Cũng bởi cách nhìn đó, bà tự tin đầu tư để khai thác và phát triển, đầu tư các loại dược liệu và các loại trái cây để làm thuốc, sản xuất các loại nước uống như chúng ta thấy: nước gấc, chanh leo, những loại nước được bày bán rất đẹp mắt và chất lượng ngon được ưa thích trên thị trường.
Những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là để khai thác lao động rẻ tiền, chi phí thấp, còn bà Thái Hương đầu tư vào đó để cải thiện công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho họ
Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương
Đó là khác biệt. Vậy tại sao sự khác biệt này lại thành công? Bà Thái Hương có một sự đam mê: đam mê khai thác các thế mạnh, đam mê phát triển nông nghiệp, nhưng đằng sau đó là mong muốn vừa khai thác lợi thế, vừa xoá đói giảm nghèo, tạo công văn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Có lẽ đây là điểm cần phải đề cao và cần phải được đánh giá đúng mức những doanh nhân như bà Thái Hương.
“Những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là để khai thác lao động rẻ tiền, chi phí thấp, còn bà Thái Hương đầu tư vào đó để cải thiện công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho họ. Chúng ta cần phải vinh danh những doanh nhân như bà Thái Hương. Đây là điều vô cùng quan trọng, đi cùng với người dân, tạo ra công ăn việc làm mới, chuyển đổi ngành nghề cho vùng đó và người dân, chứ không đi khai thác chi phí lao động thấp để tạo ra lợi nhuận cho doanh nhân, cho nhà đầu tư,” ông Cung nhấn mạnh.
Ngoài ra, ở bà Thái Hương còn có một đặc điểm đáng nể phục là dù làm ở đâu cũng luôn luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, luôn luôn nghĩ đến chất lượng sản phẩm được kiểm chứng, được kiểm chứng bằng những nghiên cứu và thử nghiệm khoa học. Có những sản phẩm không chỉ được đánh giá bởi những cơ quan nghiên cứu của Việt Nam mà cả các Viện nghiên cứu ở nước ngoài. Điểm này rất quan trọng vì hiện nay thị trường “rất mở” và cạnh tranh với hầu hết thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Vì thế, nếu ngay từ đầu mình không làm tốt sẽ bị đánh bật ra ngoài thị trường, mà một khi đã bị bật ra khỏi thị trường thì khó mà quay trở lại.

Từ khi khởi dựng và phát triển đến nay, doanh nhân Thái Hương luôn dẫn dắt TH theo đúng giá trị cốt lõi “hài hòa lợi ích.” Giá trị này thể hiện ở mặt tài chính là TH không đặt vấn đề tối ưu hóa lợi nhuận lên hàng đầu, mà luôn thực hiện hài hòa lợi ích, trong đó có lợi ích của cộng đồng và người dân. TH cũng sẵn sàng chấp nhận thời gian hòa vốn dài hơn để đổi lại bài toán phát triển bền vững dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường.
Không những thế, TH còn thúc đẩy thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam, minh bạch hóa thị trường sữa – vì quyền lợi của người tiêu dùng. Minh chứng là, TH hiện là đơn vị đầu tiên của ngành sữa Việt Nam được phép ghi trên bao bì dòng chữ “sữa tươi sạch.” Đây cũng là đơn vị tiên phong ghi rõ xuất xứ nguồn nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm, trong bối cảnh người tiêu dùng chưa được thông tin rõ ràng về khái niệm sản phẩm “sữa dạng lỏng,” chưa phân biệt rõ ràng giữa sữa tươi và sữa hoàn nguyên (pha lại từ sữa bột) trên thị trường sữa Việt Nam.
Thực tế, sữa nước dạng lỏng chế biến từ sữa bột, hoặc sữa bột pha với nước thêm một phần sữa tươi hiện được gọi dưới tên chung là “sữa tiệt trùng.” Ít người tiêu dùng biết điều này và thường nhầm lẫn sữa tiệt trùng là sữa tươi, coi tất cả các sản phẩm sữa dạng lỏng đều là sữa tươi; cũng ít người biết rằng chất lượng sữa được quyết định bởi yếu tố nguyên liệu đầu vào hơn là công nghệ chế biến. Bởi vậy yếu tố sữa bột hay sữa tươi và quy trình chăn nuôi bò sữa như thế nào là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng các sản phẩm sữa.
Từ sự đấu tranh của cá nhân bà Thái Hương và TH, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã thấy sự cần thiết phải điều chỉnh chính sách để minh bạch hóa tên gọi của các sản phẩm sữa trên thị trường. Không chỉ giúp người tiêu dùng mua và hiểu đúng từng loại sữa, minh bạch hóa tên gọi sản phẩm sữa, mà TH còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, lợi ích cho ngành sữa, giúp sản phẩm sữa Việt Nam hội nhập quốc tế.
Đến nay, doanh nhân Thái Hương đã có thể tự hào khẳng định TH là đơn vị khởi xướng công cuộc minh bạch hóa thông tin về các sản phẩm sữa; đi đầu trong việc minh bạch về nguyên liệu đầu vào. Với TH True Milk, các sản phẩm đều được làm từ sữa tươi nguyên chất, với công nghệ tiên tiến hiện đại hàng đầu thế giới, đảm bảo vẹn nguyên những tinh túy của thiên nhiên, vì sức khỏe cộng đồng.
“Khi mình cạnh tranh được ở thị trường trong nước thì hoàn toàn có thể đi ra toàn cầu và bà Thái Hương đã làm như thế,” ông Cung nói thêm.

Đưa ly sữa Việt Nam ra thế giới
Khởi đầu khát vọng vươn ra biển lớn ấy là Dự án bảo tồn và trồng dược liệu, sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Tiếp đó là dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Nga, với tổng nguồn vốn đầu tư lên tới 2,7 tỷ USD. Đây cũng là dự án lớn nhất của Việt Nam đầu tư sang Nga tính đến thời điểm này.
Có người nói rằng ở Việt Nam có 2 Anh hùng “to lớn” và mạnh mẽ nhất. Đầu tiên là Anh hùng Phạm Tuân – người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này bay vào vũ trụ từ Liên Xô (Liên Bang Nga); thứ hai Anh hùng Lao động Thái Hương – người tạo ra “chìa khóa của đất đai” khi hiện thực hóa khát vọng đưa nông nghiệp công nghệ cao – Tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao sang “đất nước khổng lồ” để nâng tầm uy tín cho doanh nghiệp Việt.
Còn với doanh nhân Thái Hương, việc đầu tư lớn sang Nga chỉ vì điều tử tế: “Với đạo lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây, khi nước Nga bị cấm vận trong bối cảnh đang thiếu hụt khoảng 50% so với nhu cầu tiêu thụ sữa nội địa, tôi đã sang nước bạn đầu tư để thể hiện sự sẻ chia, tri ân với những hỗ trợ, đóng góp sức người, sức của mà nhân dân Liên Xô đã dành cho nhân dân Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc. Sự giúp đỡ chí tình này đã vun đắp trong tôi và những người dân Việt Nam một tình yêu nước Nga sâu nặng và tôi luôn mong ước một lần được đến nước Nga.”
Thái Hương là nữ doanh nhân tầm cỡ quốc tế với kế hoạch hành động hết sức hoàn hảo. Những đề xuất của bà mang tính thực tế cao
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Đó cũng là lý do, dự án này của TH tại Liên bang Nga đã được nhân dân 2 nước đánh giá là dự án kinh tế có ý nghĩa đặc biệt, là biểu tượng cao đẹp cho hợp tác kinh tế và tình hữu nghị Việt – Nga.
Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Đông, Tổng thống Nga Putin cũng đã dành lời khen ngợi cho nữ doanh nhân quyền lực của TH: “Thái Hương là nữ doanh nhân tầm cỡ quốc tế với kế hoạch hành động hết sức hoàn hảo. Những đề xuất của bà mang tính thực tế cao.” Cũng vì thế, trong phiên họp toàn thể của Diễn đàn, trước đại diện và nguyên thủ cấp cao của 60 quốc gia, Tổng thống Putin đã nhắc đến một doanh nghiệp Việt Nam đầu tư quy mô lớn vào lĩnh vực nông nghiệp tại Nga – tức là Tập đoàn TH. Bằng những lời lẽ trân trọng nhất, ông Putin đề nghị: “Chúng ta hãy ngợi khen họ bằng phần thưởng, đó là huân chương Hữu nghị.”
“Thái Hương là nữ doanh nhân tầm cỡ quốc tế với kế hoạch hành động hết sức hoàn hảo. Những đề xuất của bà mang tính thực tế cao” – Tổng thống Nga Putin nói về bà Thái Hương tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Đông diễn ra ở vùng Viễn Đông-Liên bang Nga năm 2017.
Cũng với khát vọng không ngừng vươn ra biển lớn, nữ doanh nhân Thái Hương còn mang các sản phẩm sang Mỹ – thị trường đẳng cấp cao nhất thế giới để thử nghiệm. Hay mới đây là chiến lược đầu tư thêm hai dự án có tổng vốn 88,5 triệu USD sang Australia gồm: dự án chăn thả đàn bò tự nhiên, trang trại chăn nuôi, trồng bông, hướng dương, ngô tươi sạch, du lịch trang trại; dự án chăn thả tự nhiên đàn bò, tăng cường năng lực trang trại theo hướng đầu tư hiệu quả, gia tăng lợi nhuận; trồng và chế biến nước ép xoài, tinh dầu từ gỗ đàn hương.
Việc Tập đoàn TH đầu tư các dự án sang Australia – quốc gia phát triển nông nghiệp mạnh mẽ và ở trình độ cao cho thấy TH tự tin vào năng lực của mình với triết lý: “Ngoài trời còn có trời!” theo nghĩa: đã cao nhưng còn có thể cao hơn được nữa – liên quan đến đặc sản, liên quan đến thị trường còn mở biên ra nữa.




Trước đó, TH cũng đã tiên phong khai mở con đường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa Việt Nam vào thị trường Trung Quốc – thị trường lớn thứ 2 thế giới. Tháng 10/2019, TH là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đạt đủ điều kiện về mọi mặt chất lượng, sản xuất, được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số giao dịch, cho phép xuất khẩu chính ngạch hai nhóm sản phẩm: Sữa tươi tiệt trùng nguyên chất và sữa tươi tiệt trùng bổ sung hương liệu tự nhiên sang thị trường nước này, theo Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã được ký kết.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá sự kiện xuất khẩu lô sản phẩm sữa tươi TH true MILK – lô sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc – một thị trường 1,4 tỷ dân, trị giá 30 tỷ USD mỗi năm, lớn thứ hai thế giới – có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lĩnh vực nông nghiệp, đánh dấu và khẳng định rằng chất lượng của TH true MILK nói riêng, hàng hóa nông sản của Việt Nam nói chung đã vượt qua những tiêu chí khắt khe của nước bạn. Bộ trưởng nhấn mạnh, sự kiện còn cho thấy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam đang đi đúng hướng.
Ngay từ khi ra đời, TH đã đi theo con đường làm ly sữa tươi sạch đẳng cấp quốc tế để “mang ly sữa Việt ra thế giới.” Trước khi xuất khẩu sữa tươi một cách chính ngạch, các sản phẩm dưới 80% sữa của TH đã có mặt tại thị trường Trung Quốc từ năm 2017. Cho tới nay, TH vẫn là đơn vị duy nhất của Việt Nam được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu các sản phẩm sữa tươi sang thị trường quan trọng này.
Việc Việt Nam xuất khẩu lô sữa tươi đầu tiên sang Trung Quốc, thực hiện chủ trương của Nghị định thư cũng đã mở ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến sữa của Việt Nam, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với nhiều thị trường tiềm năng khác như Nhật, Canada, Úc, Mỹ, Thái Lan,…
Sự tiên phong của TH đã giúp các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi bò sữa của Việt Nam có thể tự tin tăng cường đầu tư, phát triển đàn bò sữa để tạo nguồn sữa tươi nguyên liệu trong nước ngày càng nhiều hơn nữa nhằm khai thác tiềm năng, cơ hội mà thị trường Trung Quốc cùng nhiều thị trường tiềm năng khác đã mở ra. Và không chỉ có ngành sữa, sẽ còn nhiều nông sản khác của Việt Nam có khả năng vươn ra thế giới.
Sự quyết liệt và sáng tạo, mang lại những đóng góp quan trọng có tính cách mạng đối với nền nông nghiệp mà doanh nhân Thái Hương đã và đang làm, được phó giáo sư tiến sĩ Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam gọi là cách chơi “thái sơn áp đỉnh” – dùng đẳng cấp cao nhất để chinh phục tất cả các thị trường rộng lớn. Việc bà Thái Hương chọn lĩnh vực nông nghiệp để làm với công nghệ cao nhất và vươn ra thị trường thế giới với cả tổ hợp những chuỗi đột phá cho thấy bản lĩnh, trí tuệ của bà Thái Hương cũng như hiệu quả trong việc góp phần làm nên tên tuổi Việt Nam, một doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Người truyền cảm hứng
Con đường phát triển của TH và bà Thái Hương đã thực tiễn hoá một chân lý, một nguyên tắc lý luận: Đi sau hoàn toàn có thể vượt trước được.
Việt Nam đi sau với một nền nông nghiệp manh mún, lạc hậu nhưng để vượt được thế giới theo kiểu cải tiến, sửa đổi, bổ sung thì không bao giờ kịp. Nhưng bà Thái Hương đã mở lối đi riêng, đón đầu về công nghệ, đứng trên vai những người khổng lồ. Tư duy đó đã tạo ra cảm hứng phát triển, tự tin cho người Việt: “đi sau nhưng không thua kém ai hết nếu như biết chọn cách đi đúng.”
Tinh thần này không chỉ tạo niềm tin vững chắc cho người lao động trong Tập đoàn TH mà còn lan tỏa đến các doanh nhân nữ trong Hiệp hội VAWE, thúc đẩy họ có nhiều thành tựu hơn trong kinh doanh và cuộc sống. Nhiều “nữ tướng” trong Hiệp hội đã đạt những thành tựu lớn, được vinh danh bởi các danh hiệu cao quý và các giải thưởng quốc tế, như Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Top 50 doanh nhân quyền lực châu Á – nhiều năm liên tiếp, Nữ Doanh nhân ASEAN tiêu biểu, Nữ doanh nhân quyền lực – tại Diễn đàn Tri thức Thế giới (Hàn Quốc), Giải thưởng Doanh nhân có trách nhiệm cộng đồng (châu Á), Giải vàng Doanh nhân của năm “Stevie Award, Top 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi các ngành công nghiệp và khu vực, Top 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam và hàng trăm nữ doanh nhân được tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”…
Trong nhiệm kỳ 2021-2026, với sự dẫn dắt của Chủ tịch Hiệp hội – Anh hùng Lao động Thái Hương, VAWE đặt mục tiêu kết nối, mở rộng mạng lưới, gia tăng về số lượng, chất lượng hội viên nữ doanh nhân và các tổ chức đại diện nữ doanh nhân thông qua nâng cao kiến thức, năng lực của nữ doanh nhân, hỗ trợ doanh nghiệp hội viên phát triển sản xuất kinh doanh và xây dựng, phát triển quan hệ hợp tác, liên kết.
Cùng với đó, VAWE hợp tác cùng các Hiệp hội địa phương thúc đẩy văn hóa doanh nhân và khát vọng doanh nhân Việt, nâng cao năng lực lãnh đạo và phát triển bền vững doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển cộng đồng, tiếp tục lan tỏa những giá trị tích cực cho xã hội, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới.

Mới đây, trong khuôn khổ giải thưởng dành cho ngành trang sức thế giới Jewellery World Awards 2021– JWA tổ chức tại Dubai, doanh nghiệp PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch VAWE đã xuất sắc vượt qua hàng trăm doanh nghiệp lớn đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ để chiến thắng giải thưởng Nhà sản xuất, chế tác trang sức xuất sắc nhất của năm. Đến thời điểm hiện tại, PNJ là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất nhận được giải thưởng danh giá này. Năm 2019, bà Cao Thị Ngọc Dung đã được vinh dự nhận giải thưởng “Thành tựu trọn đời” của ngành kim hoàn châu Á.
Với cương vị trong Ban lãnh đạo VAWE, bà Cao Thị Ngọc Dung cũng tiên phong trong nhiều hoạt động kết nối, gắn kết và phát triển cộng đồng doanh nhân Việt Nam và dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động trách nhiệm xã hội với mục tiêu phát triển giáo dục, phát triển con người, cải thiện môi trường sống, kết nối các tổ chức, các doanh nghiệp để cùng tạo lập một xã hội phát triển bền vững. Có thể kể đến hoạt động ủng hộ tuyến đấu chống dịch, giúp đỡ đồng bào vùng dịch tại khắp các tỉnh thành. Trong thư ngỏ gửi các nữ doanh nhân, bà Thái Hương, Chủ tịch VAWE, ghi nhận tấm lòng cao đẹp của các Hiệp hội, Hội Nữ doanh nhân các tỉnh thành: “Các chị là minh chứng rõ nét của tinh thần Nữ doanh nhân Việt Nam thời đại mới. Chúng ta cùng chung tay đoàn kết để phòng chống dịch bệnh và cùng chúc cho nhau vượt qua thời khắc khó khăn này, để mỗi mái nhà, mỗi gia đình đều được đều được bình yên, để các doanh nghiệp do nữ làm chủ ngày càng phát triển thịnh vượng… Khó khăn chỉ là tạm thời. Tình yêu thương là mãi mãi”./.
Bài 1: VAWE: Hành trình 7 năm chắp cánh khát vọng của doanh nghiệp nữ
Bài 2: Nữ doanh nhân vững tay chèo ‘con tàu doanh nghiệp’ cưỡi sóng COVID-19
Bài 3: Doanh nhân nữ Việt Nam: Những bông hoa kiên cường ‘đi qua mùa bão’
Bài 4: Doanh nhân Thái Hương: Hạt nhân gắn kết các thành viên VAWE