Sau nỗi lo li tán là tương lai bất định. Những người Việt rời quê hương thứ hai với hai bàn tay trắng và không biết bao giờ mới được trở về nơi mình gắn bó để tiếp tục cuộc sống bình thường như trước kia.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, chị Bùi Thị Nga, người Hà Tĩnh, sang thành phố Donetsk của Ukraine sinh sống đã 34 năm cho biết suốt 8 năm qua tất cả những người Việt Nam sống ở Donetsk đều hiểu rõ thế nào là “sống trong vùng chiến sự”.

Chị cho biết: “Vâng, gọi là ‘đắp đổi qua ngày’ nói thật với anh là bán hàng tồn để ăn. Bởi vì hàng đi lấy về là không lấy được, qua biên giới là không đem về được. Cho nên chỉ có những thứ tồn đọng bán để ăn gọi là ‘đắp đuổi qua ngày.”

Một vấn đề đối với người Việt ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng đó là việc phải tòng quân. Chị Bùi Thị Nga kể: “Có thể có gia đình cả bố, cả con đều trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự. Và rất thương cho những bạn trẻ đó. Nói thật là không dám ra khỏi nhà luôn, và thậm chí là không dám ở nhà với bố mẹ luôn vì… gặp đâu là họ xách đi ở đây, đến nhà họ gõ cửa nếu có là họ đưa đi. Ra đường mà gặp là họ đưa lên xe đi luôn”. Chị Nga cũng cho biết các bạn thanh niên người Việt tốt nghiệp đại học ở Donetsk ra, bằng tốt nghiệp nhận được chẳng có giá trị vì không được công nhận ở Ukraine, “không ai công nhận ở đó là một đất nước”.

Chị Bùi Thị Nga quê Hà Tĩnh giơ tay ám chỉ đã 2 năm không được gặp chồng

Kể về tình cảnh chia li của gia đình mình, không cầm được nước mắt, chị Nga kể: “Như gia đình nhà tôi đây 3 người ở 3 nước, bố một nước, con một nước và mẹ một nước. Và 2 năm vừa rồi chúng tôi không gặp nhau. Vợ chồng, nói thật với anh là chỉ đúng một đoạn bên này với bên kia mà 2 năm rồi vợ chồng không thể gặp nhau”.

Nói trong hai hàng nước mắt, chị Nga còn kể lại kỷ niệm: ‘Anh chưa chứng kiến cảnh bọn em vừa bày mâm cơm ra để ăn thì đạn bắn, bởi vì không có báo động như ở Việt Nam mình, cũng không có báo động như ở Kiev bây giờ. Bắt đầu bắn thì lúc đấy đi xuống (hầm trú ẩn) … đi lên thì bát cơm rất ít đã trương đầy như thế này. Đêm con sốt cũng phải chui xuống hầm. Rồi mua thức ăn thì đồ ăn họ làm như thế nào mà nó sủi bọt lên …”.

Chị Nga bày tỏ: “Giờ nói thật với anh là bọn em rất cảm ơn Đảng với Nhà nước, cảm ơn Đại sự quán Việt Nam tại LB Nga … rất quan tâm đến chúng em.”

Ông Nguyễn Thanh Bình, một người Việt khác sơ tán từ thành phố Donetsk xác nhận: “Làm ăn thì đương nhiên rồi, 8 năm rồi khó khăn thì đã quen rồi. Khổ nó cũng quen rồi nhưng mà thấy sợ nhất là bom đạn. Mọi người chỉ cầu mong bình yên, không bom đạn thôi. Khó khăn thì có thể vượt qua, nhưng bom đạn thì khó tránh, khó nhìn. Có nhìn thấy đâu, có biết nó rơi lúc nào đâu. Nhiều khi ở giáp ranh không rơi mà rơi trong thành phố. Mình nghĩ là sợ nhất là lo cho tính mạng thôi, chứ còn khó khăn thì cũng quen rồi, mọi người cũng đã tự mình biết cần phải làm gì”.

Sự mệt mỏi hằn rõ trên nét mặt những người phụ nữ sơ tán từ Ukraine

Chị Vũ Thị Minh Nguyệt bâng khuâng sau 32 năm sống ở Ukraine. Chị Nguyệt sơ tán từ thành phố Kupiansk cách thành phố Kharkov 120km và có một con 24 tuổi, một con 28 tuổi sơ tán về phía Tây. Chị nói: “Thực ra là mình ở bao nhiêu năm thì mình thấy đó là quê hương thứ hai của mình rồi. Những mà từ đầu chiến sự thấy rất là hoang mang, rất là lo lắng. Lo lắng cho mình thì ít mà lo lắng cho các con thì nhiều. Bây giờ thì thấy các con nó tạm qua vùng nguy hiểm rồi thì mình cũng đỡ lo thôi, chứ thực sự là trong lòng vẫn lo. Về nhưng vẫn lo lắng, lưu luyến nơi mình ở bao nhiêu năm, tuổi thanh xuân của mình, tất cả mọi thứ của mình ở đấy nên minh cũng lưu luyến. Lưu luyến lắm nhưng mà thôi sự việc nó xảy ra như thế này thì mình cũng liệu thế nào cho nó hợp thì làm thôi”.  

Hiện đáng lo ngại nhất là những người Việt đang bị mắc kẹt ở thành phố cảng Mariupol thuộc miền Nam Ukraine. Cháu Ngô Minh Trí, sinh ra tại Mariupol, có ba mẹ hiện vẫn bị kẹt ở thành phố Mariupol cho biết đã một tuần nay nay cháu không thể liên lạc với ba mẹ ở Mariupol, điều kiện sống ở đó rất khó khăn: “Không có điện, không có nước. Ăn uống cũng khó khăn. Cô chú của cháu cũng vậy, cũng có mấy đứa nhỏ … cũng khó. Nhưng ba mẹ nói bình thường chắc là nói vậy để cháu đừng có lo”, Trí cho biết.

Cháu Anhia, thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn sơ tán từ Kupiansk thuộc tỉnh Kharkov

Kể về chặng đường tản cư của mình cùng gia đình, ông Đặng Văn Ngọc, sang Ukraine năm 1987, sống ở thành phố Kupiansk cách thành phố Kharkov 120km bày tỏ: “Sang qua biên giới Nga là thôi thấy thế là được rồi. Dù có khổ, có đói, có rét như thế nào nhưng mọi người an toàn về tính mạng là được rồi. Còn sức khỏe thì mệt nhưng mà không sao, tính mạng đã được an toàn”.

Ông Hoàng Minh Hồng, sống ở thành phố Kupiansk cách thành phố Kharkov 120km, ở Ukraine đã 35 năm cho biết tại Kupiansk có 14 người thì 1 người ở lại còn 13 người đã đi sơ tán, trong đó có 4 trẻ em. Ông Hồng cũng cho biết con ông, trong ngày 12/3, cũng đã được bố trí bay về Việt Nam.

Ông Hồng kể về chặng đường sơ tán của 13 người trong đoàn: “Nếu không có Sứ quán và các phòng ban thì mình có ra biên giới cũng không thể sang được. Về cũng không dám về bởi đường đi 70km nhưng toàn là cánh đồng, mà không có sóng Internet cũng không có sóng điện thoại gì cả … nói chung là ra đi thì cũng lo nhưng cứ liều vì không còn con đường nào khác. Cũng may mắn là gặp được cộng đồng bên Voronezh người ta cưu mang giúp đỡ, thôi thì cực kỳ luôn. Cảm thấy tình cảm vô cùng lớn lao”.

Đảng và nhà nước, các Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, Romania, và Liên bang Nga đang phối hợp với cộng đồng quyết liệt triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ bà con người Việt sinh sống ở Ukraine, nhanh chóng thoát khỏi vùng bom đạn, trở về nước hay tạm ổn định cuộc sống ở những nước thứ ba. Tại Nga, Tham tán Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng Ban Công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga cho biết, Đại sứ quán tiếp tục liên hệ chặt chẽ với nhà chức trách Nga để đón an toàn tất cả  những người Việt Nam tại các thành phố ở miền Đông Ukraine sơ tán qua.

Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Đặng Minh Khôi chụp ảnh lưu niệm với đoàn sơ tán từ Donetsk
Duy Trinh
Duy Trinh

Phóng viên thường trú TTXVN tại LB Nga