Ngần ngại mãi, anh Nguyễn Đăng Lư hít một hơi thật sâu rồi mạnh dạn bước vào khu nhà bếp của Trường Tiểu học Tô Múa (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) để… xin thực đơn.

Từ ngày Trường Tiểu học Tô Múa áp dụng thí điểm mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”, buổi tối về nhà, bé Nguyễn Gia Bảo con anh cứ chê cơm bố nấu không ngon như các cô ở trường.

“Cảnh gà trống nuôi con, sợ chăm con không được chu đáo nên dù hơi ngại tôi vẫn lên trường xin các cô công thức và thực đơn. Tôi chẳng thể nấu màu sắc, hấp dẫn được như ở trường nhưng ít ra, giờ tôi biết cách sắp xếp các loại thực phẩm phù hợp và đủ dinh dưỡng hơn”, anh Lư chia sẻ.

Những cách làm mới

Theo thầy Ngô Tiến Thự, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Múa, từ khi trường tham gia mô hình điểm, mỗi bữa ăn có giá 15.000 đồng nhưng có hôm lên đến 4 món nên học sinh ăn rất ngon miệng và thích thú. Đặc biệt, do thực đơn phong phú, khâu chế biến cũng được đào tạo bài bản hơn nên các món rau được chế biến ngon hơn, các em không còn “sợ” rau.

Bữa ăn của học sinh Trường Tiểu học Tô Múa (Sơn La) trong chương trình mô hình điểm. (Ảnh: PV)

“Điều quan trọng hơn nữa là sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh như anh Lư và của cả đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường về dinh dưỡng cho con trẻ. Từ đó, học sinh được chăm sóc tốt hơn không chỉ ở trường mà cả ở nhà,” thầy Thự hào hứng nói.

Nhớ về những ngày đầu tham gia dự án, thầy Thự cho biết, trường đã gặp rất nhiều khó khăn khi đời sống kinh tế xã hội của một xã miền núi như Tô Múa còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng được theo yêu cầu mong muốn của mô hình điểm, nhất là về giáo dục thể chất. Bên cạnh đó, nhận thức của đội ngũ giáo viên về dự án cũng chưa đầy đủ.

“Điều quan trọng hơn nữa là sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh như anh Lư và của cả đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường về dinh dưỡng cho con trẻ. Từ đó, học sinh được chăm sóc tốt hơn không chỉ ở trường mà cả ở nhà.”

Thầy Ngô Tiến Thự

Tuy nhiên, trường đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các đơn vị thực hiện Mô hình điểm. Những buổi tập huấn chuyên môn của chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia thể lực đã giúp cho cán bộ, giáo viên hiểu hơn về ý nghĩa của dự án với việc phát triển thể chất cho trẻ.

Cán bộ nhà bếp được đào tạo về nấu ăn, bữa ăn bình thường phụ huynh đóng 12.000 đồng nay được Mô hình điểm hỗ trợ thêm 3.000 đồng và sản phẩm sữa tươi để đảm bảo đủ dinh dưỡng theo nghiên cứu về khẩu phần của các chuyên gia dinh dưỡng. Nhà trường được trang bị thêm dụng cụ cho học sinh tăng cường vận động. Cả học sinh và phụ huynh cũng được bồi dưỡng về kiến thức dinh dưỡng và thể chất nên sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh thuận lợi hơn rất nhiều.

Không chỉ có những bữa ăn ngon, đủ chất, mô hình còn hỗ trợ học sinh sữa tươi mỗi ngày. (Ảnh: PV)

“Vì thế, vượt qua những e ngại ban đầu, trường đã nhận được sự ủng hộ của giáo viên, phụ huynh và khi triển khai đã thực hiện được toàn diện. Nếu trước đó, có 90/125 học sinh ăn bán trú ở trường, số còn lại tự mang cơm nhà, thì chỉ sau 9 tuần thực hiện mô hình thí điểm, toàn trường có 123/125 học sinh ăn bán trú,” thầy Thự chia sẻ.

Tương tự, tại trường mầm non Sơn Ca (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi), thực đơn được xây dựng dựa trên thực phẩm sẵn có ở địa phương và được thay đổi theo từng tuần với sự tham vấn của các chuyên gia dinh dưỡng.

Theo cô Phan Thị Thuận, Hiệu trưởng nhà trường, bữa cơm của trẻ nhiều món hơn, có đủ canh, rau, món mặn- trong đó rau xanh được bổ sung nhiều hơn. Nếu như trước đây, bữa trưa của các con chủ yếu là ăn cơm thì nay chế biến thêm các món phở, miến, mỳ Ý để thay đổi khẩu vị và khiến trẻ háo hức, thích ăn, ăn tốt hơn.

Quan sát bữa ăn của trẻ ở Trường Mầm non thực hành Hoa Hồng, trường đại diện tham gia dự án ở Hà Nội, phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhận định bữa ăn đã đáp ứng được tới 95% theo tiêu chuẩn đề ra. Theo bà Nhung, bữa ăn của học sinh không chỉ phải đáp ứng tiêu chí năng lượng mà còn có tiêu chí về các vi chất dinh dưỡng khác, vì vậy bữa ăn phải đa dạng, có trên 10 loại thực phẩm, trong đó có sữa tươi và các chế phẩm từ sữa tươi.

Cán bộ, giáo viên, phụ huynh và đặc biệt là cán bộ nhà bếp của các trường tham gia mô hình điểm được tập huấn về dinh dưỡng cho trẻ. Các trường cũng được hỗ trợ trang thiết bị, được hướng dẫn, giám sát trong quá trình thực hiện. (Ảnh: PV)

Không chỉ can thiệp về  dinh dưỡng, mô hình điểm cũng đảm bảo yêu cầu quan trọng là trẻ được vận động thể lực ít nhất 60 phút mỗi ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, với các hoạt động phù hợp.

Theo tiến sỹ Đào Thị My, Hiệu trưởng Trường mầm non thực hành Hoa Hồng, tham gia mô hình, trẻ được vận động nhiều hơn trong các buổi học. Những bài tập vận động được thiết kế khoa học và vui nhộn bởi các chuyên gia với những giáo cụ nhiều màu sắc vừa giúp tăng thể lực cho trẻ, rèn luyện sự khéo léo, dẻo dai, vừa giúp trẻ có tinh thần thoải mái hơn, năng động hơn.

Đây cũng là chia sẻ của cô Phan Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca. Theo cô Thuận, các bài tập vận động giúp trẻ tiêu hao năng lượng nhiều hơn, nhanh đói bụng hơn.

Kiến thức về dinh dưỡng được giáo viên lồng ghép dạy cho trẻ thông qua các bài học hàng ngày, như các bài học vận động với mô hình rau củ quả, giúp trẻ dần ý thức được vai trò của từng loại thực phẩm và háo hức chờ đến bữa ăn, ăn ngon hơn.

Học sinh được tăng cường vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày với các bài tập phù hợp, được nghiên cứu và hướng dẫn bởi các chuyên gia về thể chất. (Ảnh: PV)

“Trẻ em cần được vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày, càng tốt hơn nếu là vận động ngoài trời. Đó là yêu cầu mà chúng tôi nỗ lực thực hiện khi nhà trường triển khai mô hình”, cô Thuận chia sẻ.

Tăng cường vận động cho trẻ nhiều hơn cũng là điều các cán bộ, giáo viên Trường Mẫu giáo mầm non quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng luôn cố gắng thực hiện kể từ khi tham gia Mô hình điểm. “Trẻ có nhiều thời gian vận động hơn và có một số trò chơi vận động mới lạ, kết hợp với một số đồ dùng thiết bị của đề án nên các con rất thích,” cô Nguyễn Thị Trang, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, béo phì

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), đối với trẻ nhỏ, khẩu phần ăn, chế độ ăn rất quan trọng.

Đánh giá cao mô hình điểm, bà Hiền nhận định việc có chế độ dinh dưỡng hợp lý, có bổ sung thêm sữa tươi trong khẩu phẩn ăn, kết hợp với các bài tập vận động thường xuyên của học sinh trong nhà trường đã giúp trẻ ngày càng phát triển về tầm vóc và thể lực.

Điều này đã được minh chứng rất rõ qua những thay đổi về các chỉ số cân nặng, chiều cao của trẻ ở các trường thực hiện Mô hình điểm (trường can thiệp) chỉ sau một năm, qua tham chiếu với các trường đối sánh (riêng Trường Tiểu học Phú Cát, tỉnh Thừa Thiên Huế không thực hiện được cân đo sau can thiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.)

“Việc có chế độ dinh dưỡng hợp lý, có bổ sung thêm sữa tươi trong khẩu phẩn ăn, kết hợp với các bài tập vận động thường xuyên của học sinh trong nhà trường đã giúp trẻ ngày càng phát triển về tầm vóc và thể lực.”

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền

Kết quả cân đo ở thời điểm đầu trước và sau khi triển khai dự án ở tất cả các trường can thiệp cho thấy cả 10 trường đều giảm tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì. Trong đó có trường giảm tới 5% như Trường Mầm non 1 (Hải Phòng) giảm tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì từ 15,89% xuống 10,07%. Tỷ lệ này ở Trường Tiểu học Lê Lợi (An Giang) giảm từ 50,87% xướng 46,74%.

Trong khi đó, ở các trường đối sánh, tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì đều tăng lên (trừ Trường Mầm non Hùng Vương, Hải Phòng)

Tương tự, tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng ở hầu hết các trường can thiệp đều giảm. Còn ở nhiều trường không can thiệp, chỉ số này lại tăng lên hoặc có giảm nhưng mức độ giảm ít hơn so với trường can thiệp.

Bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng của các em nhỏ ở Trường Tiểu học Tô Múa. (Ảnh: PV)

Ví dụ, tại Thái Bình, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi ở Trường Mầm non Lê Tư Thành (trường can thiệp) giảm gần 2% nhưng tỷ lệ giảm ở Trường Mầm non Duyên Hà (trường đối sánh) chưa đến 1%.

Tại Sơn La, tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng gầy còm và nhẹ cân ở Trường Tiểu học Tô Múa (trường can thiệp) đều giảm khoảng 3%, nhưng các tỷ lệ này ở trường đối sánh là Tiểu học Tây Tiến lại tăng nhẹ.

Theo thầy Ngô Tiến Thự, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Múa, những chỉ số là minh chứng rõ nhất cho thấy hiệu quả rõ rệt mà mô hình đem lại cho trường sau một năm triển khai.

Tại Hà Nội, tiến sỹ Đào Thị My, Hiệu trưởng Trường mầm non thực hành Hoa Hồng cũng phấn khởi cho biết: “Sau một năm áp dụng Mô hình điểm, đánh giá kết quả cuối năm học, chúng tôi hoàn toàn không có trẻ nhẹ cân, không có trẻ béo phì. Đó là điều rất đáng mừng.”

Thay đổi nhận thức về sức khỏe học đường

Báo cáo tổng kết dự án sau một năm thực hiện cho thấy mô hình đã đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra trên cả ba phương diện: dinh dưỡng, thể chất và truyền thông.

Cụ thể, trong hoạt động truyền thông, 100% cán bộ quản lý, nhân viên nhà bếp, y tế và 94,4% giáo viên được truyền thông hoặc tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn. Có 97,9% phụ huynh học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đối tượng thụ hưởng với trên 90% ý kiến khảo sát đánh giá hữu ích, trong đó 77% phụ huynh, 87% nhân viên y tế, 70% nhân viên nhà bếp và gần 60% giáo viên đánh giá ở mức rất hữu ích. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có 95,4% phụ huynh học sinh đã phối hợp với nhà trường trong việc tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ.

Cán bộ nhà bếp được dạy về dinh dưỡng và nấu ăn đảm bảo dinh dưỡng. (Ảnh: PV)

Về bữa ăn học đường, mô hình đã cung cấp 400 thực đơn được xây dựng cân đối, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn, phù hợp với khẩu vị, đạt được sự yêu thích của học sinh và gia đình. Mô hình khuyến khích bếp ăn các trường sử dụng các loại thực phẩm tự nhiên sẵn có tại địa phương.

Về hoạt động thể chất, mô hình đã xây dựng được hai nhóm bài tập và trò chơi tăng cường hoạt động thể lực phù hợp lứa tuổi, thu hút được sự tham gia tích cực của trẻ.

Các số liệu điều tra về dinh dưỡng và thể chất cuối kỳ cho thấy các hoạt động của mô hình đã có tác động tốt đến sự phát triển tầm vóc và thể lực của trẻ (ít nhất 95% học sinh mẫu giáo và tiểu học đạt chuẩn thể lực theo đánh giá của mô hình).

“Sau một năm áp dụng Mô hình điểm, đánh giá kết quả cuối năm học, chúng tôi hoàn toàn không có trẻ nhẹ cân, không có trẻ béo phì. Đó là điều rất đáng mừng.”

Tiến sỹ Đào Thị My, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, Hà Nội.

100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bếp và y tế cho rằng các hoạt động của Mô hình đã góp phần nâng cao sức khỏe và tầm vóc cho trẻ. Gần như 100% phụ huynh hài lòng với sự thay đổi tích cực của con mình.

Bên cạnh niềm vui khi các chỉ số trẻ thừa cân, béo phì hay suy dinh dưỡng được cải thiện, theo lãnh đạo các trường, điều quan trọng hơn và có giá trị lâu dài, bền vững hơn là mô hình đã thổi một luồng gió mới, làm thay đổi không chỉ các bữa ăn, các hoạt động thể lực cho trẻ mà thay đổi cả trong cả tư duy, tầm nhìn về dinh dưỡng học đường, thể chất học đường của toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh và cả học sinh.

Mô hình còn tác động thay đổi nhận thức của phụ huynh về dinh dưỡng, giúp trẻ không chỉ được chăm sóc tốt ở trường mà cả ở nhà. (Ảnh: PV)

Từ sự thay đổi trong nhận thức, mỗi cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh đều có sự thay đổi trong hành động khi biết chú trọng hơn đến vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho bản thân, cho gia đình trong cuộc sống hàng ngày, từ những việc nhỏ nhất như lựa chọn thực phẩm cẩn trọng hơn, đa dạng hơn, chọn cách chế biến đảm bảo dinh dưỡng hơn. Theo đó, phạm vi tác động của mô hình không chỉ trong các nhà trường mà lan tỏa ra toàn xã hội, đối tượng thụ hưởng không chỉ có các em học sinh mà cả cộng đồng.

Đánh giá về Mô hình sau một năm thí điểm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Ngô Thị Minh nhấn mạnh: “Mô hình đã thực sự thành công, là bước đi bài bản và sáng tạo trong thực hiện Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình điểm đã giải quyết bài toán kép vừa thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì, vừa thiếu dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng lâu dài đến tầm vóc người Việt.”

Trước những kết quả đạt được của Mô hình sau một năm triển khai, tiến sỹ Đàm Quốc Chính, Giám đốc văn phòng Ban điều phối Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 cho rằng Mô hình như một cuộc cách mạng tại Việt Nam về dinh dưỡng học đường khi kết hợp vấn đề dinh dưỡng với tăng cường thể lực cho trẻ em, học sinh.

“Trước đây chúng ta mới chỉ có các nghiên cứu riêng về dinh dưỡng hoặc riêng về thể chất. Trên thế giới mới có một số nước thực hiện các mô hình tiếp cận cùng lúc cả 3 yếu tố: dinh dưỡng, thể lực và nguồn lực/nhân lực thực hiện. Mô hình điểm có cả 3 yếu tố đó và còn làm tốt hơn ở hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức đến tận gia đình và nhà trường. Thành công đó cần được duy trì bằng chính sách”, ông Chính nói./.

Bài 3: Nhân rộng Mô hình, tạo cơ sở cho quyết sách quốc gia