Cậu học trò miền núi Lường Văn Vũ lặng lẽ nhìn phần cơm trưa mang theo đã nguội ngắt của mình, chỉ có ít rau với cá khô, rồi lại liếc sang bàn bên cạnh, nơi có khay cơm canh nóng hổi đang nghi ngút và thơm nức mùi thức ăn vừa nấu.

Vũ thèm cảm giác được bê khay inox có những ô tròn, vuông nhỏ xinh, trong đó đặt những thức ăn đầy màu sắc, ấm nóng. Cơm, canh thì được xin thêm thoải mái.

Đó là khay cơm của các học sinh ăn bán trú ở Trưởng Tiểu học Tô Múa, một trường thuộc khu vực khó khăn của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, từ khi trường áp dụng thí điểm mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” năm 2020.

Bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng của học sinh Trường Tiểu học Tô Múa khi tham gia mô hình điểm

Cô Hà Thị Thắm, giáo viên chủ nhiệm lớp Vũ, cho biết bố mẹ Vũ đi làm thuê, bữa có bữa không nên gia cảnh khó khăn. Hàng ngày, Vũ mang cơm ở nhà đến trường nhưng rất ít thức ăn. Nhiều hôm cô giáo phải sẻ thức ăn của mình cho Vũ.

“Thương con và được sự động viên của thầy cô, bố mẹ Vũ sau đó đã quyết định cho Vũ ăn bán trú ở trường cùng các bạn. Vũ thích lắm,” cô Thắm chia sẻ.

Theo thầy Ngô Tiến Thự, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Múa, những bữa ăn đủ dinh dưỡng đã giúp Trường Tiểu học Tô Múa giảm đến 2% tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng thấp còi, tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng gầy còm giảm gần 3% chỉ sau một năm.

Sự thay đổi đó cũng là mục tiêu hướng đến của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn TH khi phối hợp triển khai thí điểm mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam.”

Chia sẻ về lý do quyết định thực hiện mô hình này, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, xúc động cho biết khi thấy trẻ nhỏ phải ăn những bữa ăn trưa tạm bợ đạm bạc như Vũ, bà đã không thể cầm lòng.

“Nhìn bữa ăn trưa không đảm bảo dinh dưỡng của các em học sinh, nhìn vóc dáng nhỏ bé, gầy còm của các em, tôi thương vô cùng. Tôi thấy mình cần phải làm điều gì đó để giúp cho các em có những bữa ăn học đường chất lượng hơn, cải thiện vóc dáng của trẻ em Việt Nam hôm nay, những chủ nhân đất nước ngày mai,” nữ Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH chân thành chia sẻ.

Khi tìm hiểu, bà được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thực hiện Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025.”

Đề án đặt mục tiêu “nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực phù hợp đối với cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên, trẻ em, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh nhằm dự phòng các bệnh không lây nhiễm; thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp đối với trẻ em, học sinh, sinh viên.” Đây cũng chính là mục tiêu mà nữ Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH hướng đến.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký kết hợp tác.

Vì thế, với sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng, bà Thái Hương đã quyết định kết hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Đề án 41 với hoạt động trọng tâm đầu tiên là mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”.


Bài 1: Thách thức kép về dinh dưỡng trẻ em

Bài 2: Thổi luồng gió mới

Bài 3: Nhân rộng Mô hình, tạo cơ sở cho quyết sách quốc gia