Sảnh đón khách tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26, ngoài mô hình quả địa cầu lơ lửng thì còn có một biểu đồ được vẽ đơn giản với 4 mũi tên: Pandemic, Climate, Conflict, Economy (Đại dịch, Khí hậu, Xung đột, Kinh tế).

Hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu, gồm cả những cường quốc lớn nhất, ngày nào cũng nhìn thấy tấm banner đó, như nhắc nhở họ rằng Biến đổi Khí hậu chính là một trong những mối quan tâm lớn nhất của nhân loại.

Việt Nam, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Biến đổi Khí hậu, đương nhiên cũng thể hiện những cam kết mạnh mẽ của mình trong nỗ lực cùng cả thế giới “cứu lấy Trái Đất.”

Phát biểu trước các lãnh đạo thế giới ở COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.”

Vì sao Việt Nam phải cải tạo ngành nông nghiệp?

Nếu coi Trái Đất như cơ thể của người mẹ, thì phục hồi tự nhiên không chỉ còn là nhiệm vụ, mà còn là sứ mệnh bắt buộc của nhân loại. Cách mạng nông nghiệp đã giúp loài người thoát khỏi cảnh thiếu ăn, an ninh lương thực được đảm bảo ở hầu hết mọi ngõ ngách trên Trái Đất. Nhưng mặt trái của nó là những cánh đồng cằn cỗi, những mảnh ruộng bạc màu bởi đất đai – nguồn tài nguyên quý giá nhất, đã bị vắt kiệt.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì nông nghiệp chính là một trong những lĩnh vực gây ra phát thải khí nhà kính nhiều nhất tại Việt Nam, chỉ sau lĩnh vực năng lượng. Trong đó, ngành canh tác lúa và đất nông nghiệp phát thải nhiều nhất.

Thế nên, để đạt được Net Zero tới năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 thì ngành nông nghiệp phải có những bước đi mang tính cách mạng, như trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Muốn vậy, “khoa học phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau,” người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Cụ thể, theo hướng dẫn triển khai Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) được Bộ Tài nguyên Môi trường gửi các Bộ, ngành thì lĩnh vực nông nghiệp sẽ phải: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; thay đổi phương thức sử dụng đất; công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Nông nghiệp Tái sinh là lời giải

Chiến lược nói trên cũng trùng với quan điểm Nông nghiệp Tái sinh (Regenerative Agriculture), khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đã trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển. Đây là một hướng làm nông nghiệp tập trung xung quanh các nguyên tắc khoa học, với mục tiêu bảo tồn và phục hồi đất trồng cùng hệ sinh thái của đất.

Nông nghiệp tái sinh mang tới nhiều lợi ích cho nông dân, môi trường và xã hội, giúp cải thiện tình trạng “sức khoẻ” cũng như độ phì nhiêu của đất. Đồng thời, nó giúp lưu giữ carbon trong đất trồng và thân cây, qua đó giảm lượng phát thải CO2 vào bầu khí quyển. Về lâu dài, nông nghiệp tái sinh giúp tăng độ chống chịu với biến đổi thời tiết của đất nông nghiệp, qua đó bảo vệ tốt hơn sinh kế của người nông dân.

Đến đây, sẽ có người đặt câu hỏi liệu ở Việt Nam đã có nông nghiệp tái sinh hay chưa, và nếu có là từ bao giờ. Câu trả lời là nếu phóng tầm mắt vào những cánh đồng càphê tại Tây Nguyên, thủ phủ ngành càphê không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới thì chúng ta sẽ phần nào đó hình dung ra được khái niệm nông nghiệp tái sinh một cách rõ nét nhất, thông qua dự án NESCAFÉ Plan của Nestlé, đến nay đã tròn 10 năm.

Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh “mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm.” Nestlé cũng bắt đầu với nông dân, xem xét kỹ bối cảnh ở địa phương, nhằm đạt mục tiêu tối đa hoá lợi ích môi trường và thu nhập của những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.”

Và thành quả chính là việc hơn 21.000 trang trại càphê thuộc chuỗi cung ứng của NESCAFÉ đã đạt chứng chỉ chất lượng 4C với sự hợp tác hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh (PAEC). Bằng việc áp dụng các quy phạm canh tác bền vững, nông dân trồng càphê đã giảm được 40% nước tưới và 20% lượng phân bón/thuốc trừ sâu hóa học; và tăng thu nhập từ 30%-100% bằng các mô hình xen canh phù hợp.

NESCAFÉ Plan cũng hợp tác với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm Tây Nguyên (WASI) phân phối hơn 53 triệu cây giống càphê kháng bệnh năng suất cao tới nông dân tại năm tỉnh Tây Nguyên: Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng và Kon Tum. Điều này đã giúp làm mới lại hơn 53.000 ha diện tích trồng càphê già cỗi và cho năng suất thấp, cũng như hỗ trợ mạnh mẽ cho chương trình quốc gia về cải tạo diện tích càphê của chính phủ.

Nhưng con số chỉ là con số. Với một chương trình ý nghĩa như thế, tốt nhất hãy nghe chính những người nông dân nói về dự án đang giúp họ cũng như chính mảnh đất nuôi dưỡng mình “tái sinh.”


Suốt 20 năm gắn bó, vườn cây càphê đã cùng gia đình ông Nguyễn Đăng Khởi trải qua biết bao thăng trầm. Từ những ngày thoát nghèo nhờ cây càphê, cả gia đình hân hoan với niềm vui mỗi mùa thu hoạch. Theo năm tháng, cả gia đình lại thấp thỏm lo âu vì vườn càphê ngày thêm già cỗi, ra sức chăm sóc nhưng năng suất vẫn thấp, không như mong đợi.

Cho đến khi NESCAFÉ Plan đến với Lâm Đồng, chương trình đã mở ra cho gia đình ông Nguyễn Đăng Khởi một bước ngoặt lớn.

“Chương trình cung cấp cho chúng tôi cây giống càphê chất lượng và còn hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới để giảm thiểu chi phí chăm sóc mà cây càphê vẫn đạt năng suất cao, cho hạt càphê giàu giá trị. Nhờ gắn bó với NESCAFÉ Plan đến nay tôi đã có 3 hecta càphê đạt năng suất ổn định, cuộc sống gia đình tôi được cải thiện hơn trước rất nhiều,” ông Nguyễn Đăng Khởi chia sẻ.

Gia đình ông Nguyễn Đăng Khởi là một trong hàng trăm nghìn người nông dân Tây Nguyên đã gắn bó gần như cả cuộc đời với cây càphê. Cây càphê không chỉ là nguồn sống của họ mà còn là tình yêu và niềm tự hào của biết bao thế hệ nông dân ở Tây Nguyên.

Tái sinh bền vững cây càphê Tây Nguyên

Càphê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Kim ngạch xuất khẩu càphê những năm gần đây đều trên 3 tỷ USD, chiếm 3% GDP. Càphê sản xuất tại Việt Nam được tiêu thụ tại hơn 80 quốc gia. Trong suốt nhiều năm, Việt Nam vẫn luôn là nước xuất khẩu càphê lớn thứ hai trên thế giới và là nhà sản xuất càphê Robusta hàng đầu.

Tại Tây Nguyên, ngành càphê tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 600.000 nông hộ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo, nhất là tại các cộng đồng dân tộc thiểu số và các vùng cao nguyên khác.

Suốt nhiều năm là quốc gia sản xuất càphê Robusta hàng đầu thế giới, những năm gần đây càphê Việt Nam đã gặp phải những vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài. Từ năm 2010, ngày càng nhiều diện tích đất càphê già cỗi xuất hiện tại các tỉnh Tây Nguyên khiến năng suất sụt giảm tới 50%, ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng và chất lượng của hạt càphê trong nước và xuất khẩu.

Diện tích càphê già cỗi ngày càng tăng ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng của càphê Việt. Thêm vào đó, đa phần nông dân còn canh tác và thu hái theo phương pháp truyền thống, thiếu quy trình chuẩn và chưa áp dụng khoa học-kỹ thuật vào các khâu chăm sóc nên càng hạn chế việc cải thiện chất lượng của càphê.

Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), kiêm Giám đốc Văn phòng Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững ở Việt Nam (PSAV) cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cơ quan địa phương đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi và triển khai một số dự án quan trọng nhằm giải quyết các thách thức mà người trồng càphê phải đối mặt trong việc xây dựng ngành công nghiệp càphê bền vững và thúc đẩy thị trường xuất khẩu càphê của Việt Nam. 

“Một trong những sáng kiến quan trọng và dài hơi nhất là quan hệ hợp tác với NESCAFE Plan thông qua các Trung tâm Khuyến nông tỉnh (PAEC) và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm Tây Nguyên (WASI),” ông Đỗ Anh Tuấn cho hay.

Được khởi động từ 2011, chương trình NESCAFÉ Plan thuộc công ty Nestlé Việt Nam đã phối hợp với những chuyên gia càphê từ Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã ra đời với sứ mệnh tiếp tục duy trì và phát triển bền vững càphê Robusta qua nhiều thế hệ nông dân Việt Nam.

Trong vòng 11 năm qua, các cán bộ nông nghiệp của Nestlé và PAEC, WASI đã đào tạo hàng trăm nghìn nông dân trồng càphê về các quy phạm canh tác tốt nhất và bền vững tại các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai.

Chương trình đã trang bị cho nông dân trồng càphê các kiến thức và kỹ thuật thích hợp để nâng cao chất lượng hạt càphê theo cách bền vững hơn, xây dựng các kỹ năng mềm cho nông dân và chia sẻ thông tin thị trường để giúp nông dân làm quen với chuỗi giá trị toàn cầu.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thuận, cán bộ hỗ trợ nông nghiệp cho NESCAFÉ Plan tại Gia Lai chia sẻ NESCAFÉ Plan được triển khai theo mô hình hỗ trợ kỹ thuật thực hành nông nghiệp, sản xuất bền vững. Chương trình tổ chức các lớp học theo nhu cầu của bà con và theo từng giai đoạn phát triển của cây càphê với chủ đề: Kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, cắt cảnh, ủ vỏ càphê làm phân vi sinh, kỹ thuật giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý cỏ dại, thu hoạch, chất lượng càphê sau thu hoạch…

“Các lớp học đều được triển khai tại hiện trường nên người nông dân dễ dàng chia sẻ, áp dụng kiến thức trên vườn và mang lại hiệu quả tốt hơn. Hàng tháng cán bộ chương trình đều kết hợp với các nhóm trưởng đi thăm nông hộ để tư vấn, hỗ trợ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt nhất,” chị Thuận nói.

Những kỹ thuật được học từ các cán bộ nông nghiệp NESCAFÉ Plan như tăng cường phân hữu cơ vi sinh và phân ủ từ vỏ càphê và phụ phẩm nông nghiệp, giảm lượng phân bón vô cơ đã giúp bà con nông dân bảo vệ và tăng sức khỏe cho đất.

“Những nông hộ khi tham gia chương trình đã giảm 20% lượng phân bón vô cơ, tăng lượng phân hữu cơ trên vườn, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc hóa học và đi đến không sử dụng, đặc biệt là thuốc diệt cỏ để bảo tồn nguồn đất,” chị Thuận cho hay.

Bên cạnh đó, các khuyến cáo và kỹ thuât tưới tiết kiệm nước, sử dụng chai nước và lon sữa để theo dõi độ ẩm và lượng nước tưới cũng giúp người dân tiết kiệm được 40% lượng nước tưới… những người nông dân không những giảm chi phí đầu vào mà còn góp phần bảo vệ môi trường trong vườn và môi trường xung quanh nhờ quản lý rác thải tốt hơn.

Các mô hình trồng xen hợp lý với tiêu, bơ, sầu riêng và một số cây ăn trái cũng đã giúp nông dân tăng thu nhập 30-100% so với các vườn cây trồng thuần càphê. Kỹ thuật trồng xen cũng đã góp phần giữ lượng carbon lại trong đất cao hơn lượng phát thải khi canh tác trên mỗi hecta càphê nếu trồng thuần. Cây che bóng cũng là cây chắn gió trong mùa khô, giúp cải thiện điều kiện sinh thái vườn cây, làm giảm nhiệt độ và độ bốc hơi trong vườn và đồng thời là cây cố định đạm nên cải thiện cầu trúc đất và có thêm dưỡng chất cho cả cây trồng xen và cây càphê.

Ngoài lợi ích giảm chi phí đầu vào tăng thu nhập, NESCAFÉ Plan còn duy trì hoạt động tập huấn, cập nhật các kiến thức mới nhất về canh tác càphê tiên tiến tại Việt Nam và trên thế giới, trong đó ưu tiên quản lý nông nghiệp tái sinh bằng các công cụ số như FARMS và Nhật ký nông hộ số nhằm giúp nông dân có các kiến thức quản lý kinh tế nông hộ.

Nhờ những khoá học thiết thực, gần gũi với nông dân trông càphê, số lượng nông hộ tham gia NESCAFÉ Plan tăng nhanh theo từng năm. Một cộng đồng trồng càphê bền vững đang ngày càng mở rộng, cùng với đó là hơn 53.000 hecta càphê già cỗi đã được tái sinh, đem lại những hạt càphê có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, NESCAFÉ Plan và WASI, đã phân phối hàng chục triệu cây giống càphê kháng bệnh năng suất cao tới nông dân tại năm tỉnh Tây Nguyên: Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng và Kon Tum. Điều này đã giúp làm mới lại hơn diện tích trồng càphê già cỗi và cho năng suất thấp, cũng như hỗ trợ mạnh mẽ cho chương trình quốc gia về cải tạo diện tích càphê của Chính phủ.

Một cộng đồng trồng càphê bền vững đang ngày càng mở rộng, cùng với đó là hơn 53.000 hecta càphê già cỗi đã được tái sinh, đem lại những hạt càphê có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Gieo tận tâm, hái thành quả

Càphê là cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên, trên 90% diện tích trồng càphê của Việt Nam tập trung ở vùng này. Vì thế khi nói đến giá trị của cây càphê không phải chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị về mặt sinh thái, môi trường.

Trước thực trạng canh tác lãng phí nước và lạm dụng phân hóa học làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và hạt càphê, NESCAFÉ Plan hướng tới giúp nông dân các kỹ thuật canh tác càphê bền vững, giúp bảo tồn đất và nước, nâng cao sản lượng càphê.

Nhớ lại những ngày chưa tham gia vào NESCAFÉ Plan, ông Nguyễn Chí Thành (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) chỉ biết canh tác càphê dựa theo quán tính, nhiều lúc chi phí đầu tư quá mức nhưng hiệu quả không tăng, nỗi lo lắng cứ lớn dần lên khi đầu như nhiều vào chăm sóc nhưng mỗi năm càphê lại càng thêm già cỗi, năng suất vẫn thấp.

Khi tham gia NESCAFÉ Plan vào năm 2014, ông Thành mới vỡ lẽ không phải cứ bón nhiều phân là tốt mà có khi còn làm hại cây càphê. Đến nay sau hơn 6 năm tham gia chương trình, kỹ năng định lượng phân bón, nước tưới đã thành thục, ông Thành chia sẻ: “Trước đây canh tác theo quán tính chỉ được 3 tấn/hecta nhưng giờ đã tăng lên 4 tấn/hecta.”

Còn đối với chị Lê Thị Hoài (thôn 9, xã Nhân cơ, Huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), tham gia vào chương trình đã được 8 năm, từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ với bao kiến thức mới thì giờ đây đã thuộc làu và thực hành nhuần nhuyễn những kỹ thuật bấm cạnh đúng thời vụ, tưới nước tiết kiệm, hái càphê chín đạt năng suất cao, cách giảm bớt bón phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ bằng ủ vỏ càphê…

“Từ khi tham gia chương trình tôi hỏi được rất nhiều kiến thức giúp tăng sản lượng của cây càphê, tăng thu nhập bằng trồng thêm cây xen giữa là sầu riêng và đặc biệt là giữ gìn môi trường trong sạch,” chị Hoài chia sẻ.

Trong hành trình hơn 10 năm triển khai tại Việt Nam, dự án toàn cầu NESCAFÉ Plan đã gắn kết chặt chẽ với nông dân về cải thiện phương pháp trồng trọt, chất lượng kinh tế cho các nông hộ, duy trì một môi trường canh tác bền vững. 

Ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk đánh giá NESCAFÉ Plan là một trong những đơn vị chứng nhận 4C (một hệ thống chứng nhận toàn cầu về trồng và sản xuất càphê bền vững) triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiệu quả nhất, đã chứng nhận được cho hơn 4.000 hộ với sản lượng 22.000 tấn.

NESCAFÉ Plan đã xây dựng một cộng đồng trồng càphê bền vững với 21.000 nông hộ và 274 trưởng nhóm nông dân. Kết quả này đã ngày một gia tăng chất lượng và giá trị cho hạt càphê Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho càphê Robusta thế giới.

“Dự án được đánh giá hiệu quả cao với các chương trình đào tạo sát với thực tế, từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản theo quy chuẩn,” ông Nguyễn Đắc Hiển nói.

Thành quả của hành trình hơn 10 năm tận tâm của NESCAFÉ Plan với 246.000 khoá đào tạo cho hơn 300.000 nông hộ, hỗ trợ hơn 53 triệu cây giống tối ưu là 53.000 hecta diện tích càphê già cỗi được tái sinh và 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ càphê quốc tế 4C.

NESCAFÉ Plan đã xây dựng một cộng đồng trồng càphê bền vững với 21.000 nông hộ và 274 trưởng nhóm nông dân. Kết quả này đã ngày một gia tăng chất lượng và giá trị cho hạt càphê Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho càphê Robusta thế giới.

Đáng chú ý, những nông hộ tham gia chương trình đã góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường bền vững khi tiết kiệm được 40% lượng nước tưới và giảm 20% lượng phân bón và thuốc trừ sâu. Về mặt xã hội, dự án đã nâng cao cai trò và vị thế của người nông dân, đặc biệt là phụ nữ, thông qua việc đào tạo đội ngũ trưởng nhóm nông dân, phát triển đội ngũ nông dân kế thừa, với cam kết tối thiểu 50% là trưởng nhóm nữ.

Trong những năm gần đây và sắp tới, cây càphê vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Nguyên. Nhờ sự hỗ trợ của NESCAFÉ Plan, cây càphê đã tiếp tục sứ mệnh giúp người nông dân Tây Nguyên làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Dự án không chỉ dừng lại tại cánh đồng trông càphê mà còn cả ở trong sản xuất, nhà máy Nestle Trị An với công nghệ hiện đại đi tiên phong trong việc sử dụng nhiên liệu sinh khối đảm bảo 100% chất thải sau sản xuất càphê được tái sử dụng làm năng lượng sinh khối thay thế 73% nguồn nguyên liệu làm chất đốt để vận hành lò hơi, giảm 96% lượng chất thải phát sinh và giảm trung bình 22.600 tấn khí nhà kính CO2 mỗi năm trong sản xuất góp phần giảm tác động tiêu cực của chất thải đến môi trường.

Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc công ty Nestlé Việt Nam nhấn mạnh trong suốt 25 năm qua tại Việt Nam, Nestlé đã và đang tạo nhiều giá trị chung cho cộng đồng cũng như phát triển các hoạt động bền vững của công ty và chương trình NESCAFÉ Plan là một ví dụ thành công điển hình.

“Chúng tôi tự hào khi chương trình NESCAFÉ Plan tại Việt Nam đã mang đến những tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của ngành càphê trong nước, góp phần nâng cao giá trị hạt càphê Việt trên thương trường thế giới trong suốt 10 năm qua, trở thành mô hình tiêu biểu của chương trình NESCAFÉ Plan toàn cầu. Những thành quả mà NESCAFÉ Plan đạt được ngày hôm nay là động lực để chúng tôi tiếp tục phát triển và mở rộng chương trình NESCAFÉ Plan trong thời gian tới.”

Trong thời gian tới, chương trình NESCAFÉ Plan sẽ đẩy mạnh việc áp dụng những cải tiến khoa học công nghệ trong việc canh tác và thu hoạch càphê, giúp hạt càphê Việt Nam đạt những tiêu chuẩn cao ở các thị trường phát triển; gia tăng sản lượng chế biến sản phẩm càphê cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; nghiên cứu và phát triển những sản phẩm càphê mới đáp ứng những thị hiếu mới của người tiêu dùng.

NESCAFÉ Plan sẽ tiếp tục đóng góp vào canh tác càphê bền vững, phát triển tăng cường liên kết chuỗi, và gia tăng chất lượng và giá trị cho hạt càphê Việt Nam.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng doanh thu xuất khẩu càphê lên 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời duy trì vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu càphê đứng thứ hai thế giới. Các chương trình như NESCAFÉ Plan đã trở thành một nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của chuỗi giá trị càphê Việt.

Bài: Hồng Kiều<br>Thiết kế: Thanh Trà<br>Concept: Võ Hoàng Long
Bài: Hồng Kiều
Thiết kế: Thanh Trà
Concept: Võ Hoàng Long

Hình ảnh, video từ dự án NESCAFÉ Plan, TTXVN