MEGASTORY by VIETNAMPLUS

Cửa Sinh Tử

Cánh cửa phòng hồi sức tích cực mở ra. Bước vào bên trong là một khung cảnh hoàn toàn khác biệt. “Tôi chững người lại, không biết phải làm gì đầu tiên.” Đó là tâm sự của phóng viên Ngô Trần Hải An khi anh vứt bỏ nỗi sợ hãi thường tình của con người để bước vào cánh cửa mà nhiều người ví von là “cánh cửa sinh tử”, nơi lằn ranh giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh.

Nhưng phải bước qua cánh cửa đó, chúng ta mới thấu hiểu được nỗi vất vả và sự dấn thân của các y bác sĩ đang gồng mình bảo vệ sự sống cho cộng đồng. Đã bao lâu rồi họ chưa được về nhà? Đã bao lâu rồi họ chưa có bữa cơm gia đình? Đã bao lâu rồi họ chưa nhìn thấy ánh mặt trời lúc bình minh hay hoàng hôn? Thay cho tiếng cười đùa là những tiếng tít tít của đống thiết bị y tế vô hồn, mà nhịp nhanh chậm của âm thanh ấy gắn liền với sinh mạng của nhiều người. Các y bác sĩ đang phải chiến đấu, theo đúng nghĩa của từ này, để giành giật sự sống cho các bệnh nhân, trong cuộc chiến với những kẻ thù vô hình ngày càng hung hãn hơn với nhiều biến thể.

Cuộc chiến ấy đã được Ngô Trần Hải An ghi lại qua ống kính máy ảnh, để chúng ta thấy được phần nào nỗi vất vả của những y bác sĩ, cũng như sự cam go trong cuộc đấu tranh giành giật sự sống cho các bệnh nhân COVID-19.

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.Hồ Chí Minh

(Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM được trưng dụng từ một phần của Bệnh viện Ung bướu Cơ sở 2)

Hàng chục y bác sỹ bịt kín trang phục bảo hộ trắng toát trong bầu không khí hết sức khẩn trương. Bệnh nhân nằm trong một căn phòng với đầy đủ các máy móc hiện đại, tiếng tít tít vang lên đều đặn khô khốc. Những bệnh nhân rung cả thân thể lên để thở, có người nằm mê man. Những tràng ho liên tục vang lên với thứ âm thanh ám ảnh.

Đi qua từng căn phòng

Mỗi căn phòng đều có đội ngũ y bác sỹ đang tập trung xử lý các ca bệnh. Chng ấy con người lúc nào cũng phải căng não lên để tiếp nhận thông tin của bệnh nhân và xử lý.

Mỗi căn phòng đều có đội ngũ y bác sỹ đang tập trung xử lý các ca bệnh. Chứng ấy con người lúc nào cũng phải căng não lên để tiếp nhận thông tin của bệnh nhân và xử lý.

Bác sỹ Chuyên khoa II Trần Thanh Linh-đội trưởng Đội chi viện Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Bệnh viện Hồi sức. Bác sỹ Linh thường được biết đến với cái tên thân quen “Bác sỹ 91” vì từng điều trị thành công cho BN91 phi công người Anh. Bác sỹ Linh tự nhận anh luôn trong tình thế sẵn sàng vì nhiều ca nguy cấp có thể đến nơi đây bất cứ lúc nào. Một bệnh nhân khi nhìn thấy anh Linh đến khẽ thều thào: “Bác sỹ ơi tôi không muốn chết! Bác sĩ cứu tôi!” Câu nói cứ lặp đi lặp lại khiến bầu không khí chùng xuống, anh điềm tĩnh vỗ về động viên cho bệnh nhân yên tâm.

Các bệnh nhân hồi phục

Đêm dần về khuya, êkip trực vẫn chưa nghỉ, bác sỹ Linh đưa phóng viên lên tầng 4 và 5 để kiểm tra các bệnh nhân đã hồi phục. Khi anh hỏi thăm, họ khó đáp lời lại vì còn mệt và phải thở máy nhưng đôi mắt của mỗi người bệnh tràn đầy sự biết ơn.

Đến khi quay lại tầng hai. Nơi góc phòng tối, hai nhân viên đã hoàn tất công đoạn cuối cùng để tiễn đưa một bệnh nhân vừa giã biệt cuộc đời, không gian lạnh lẽo, màn đêm tĩnh mịch, không một tiếng động nào vang lên ngoài tiếng xịt của vòi phun khử khuẩn.

Bác sĩ Linh gỡ khẩu trang những vết dây băng quá chặt hằn đỏ in sâu lên gương mặt anh.

Anh Linh lúc này cũng thật sự đã thấm mệt mỏi, anh đi về phía phòng nghỉ. Nhìn anh cô đơn lẻ loi cúi đầu bước trên hành lang sao buồn quá đỗi.

Phóng sự ảnh này giúp mọi người hiểu hơn sự hi sinh thầm lặng của các y bác sĩ thật sự lớn lao, có những hình ảnh tưởng chừng như đầy tiêu cực nhưng hãy dành cái nhìn rộng lượng để thấy nó đem lại cho chúng ta sự thấu hiểu và tỉnh thức.

Thấu hiểu sự hi sinh thầm lặng của các y bác sĩ. Và tỉnh thức chúng ta về sự nghiêm trọng của dịch bệnh mà hãy gìn giữ bản thân mình, tỉnh thức chúng ta hãy thôi những suy diễn hoang đường để rồi lại trĩu nặng tâm tư, và tỉnh thức chúng ta hãy trân trọng cuộc sống này.

Thấu hiểu sự hi sinh thầm lặng của các y bác sĩ. Và tỉnh thức chúng ta hãy trân trọng cuộc sống này.

Dù bạn có là ai thì sẽ có những “sát na” mà bạn ngộ ra mọi thứ là vô thường, bởi thế hãy rộng lòng vị tha, trân quý cuộc sống, yêu thương người thân.

Đừng để một ngày hối tiếc đến hai tiếng “Giá như” còn không thể thốt thành lời./.

Tác giả: Ngô Trần Hải An<br>Thiết kế: Thanh Trà
Tác giả: Ngô Trần Hải An
Thiết kế: Thanh Trà