Alexander Zverev và HCV Olympic: Quần vợt Đức bay lên

Bức ảnh đẹp nhất làng quần vợt hôm nay chụp một chàng thanh niên vạm vỡ với mái tóc vàng, tay giương cao tấm huy chương màu vàng, miệng cười rất tươi nhưng mắt ngân ngấn lệ. Chàng trai mặc trên mình áo đấu của Adidas có ghi chữ “Germany” ở chính giữa. Đó là Alexander Zverev, một tay vợt mang 100% dòng máu Nga, nhưng đã vui sướng tột độ khi mang về vinh quang cho đất nước anh sinh ra và lớn lên.

Dấu ấn của người Đức

Tiếp nối những bậc tiền bối huyền thoại như Steffi Graf, Boris Becker, tay vợt trẻ Alexander Zverev đã làm nên kì tích cho chính bản thân mình cũng như niềm tự hào cho người Đức với chiếc HCV Olympic Tokyo sau chiến thắng cách biệt 6-3, 6-1 trước đối thủ người Nga mà suýt chút nữa, nếu không có cú hích nào của số phận, thì đó có lẽ đã là đồng đội của anh – Karen Khachanov.

Olympic này có lẽ sẽ là một trong những ký ức đáng nhớ nhất sự nghiệp của Zverev. Niềm vui không chỉ đến từ việc giành thêm một huy chương giá trị nhất cho đoàn thể thao Đức, mà vì để có được nó, anh đã vượt qua cửa ải khó khăn nhất: đánh bại tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic. Nhìn biểu cảm của Zeverev sau khi trận bán kết đó kết thúc, người hâm mộ hẳn sẽ thấy dường như tay vợt người Đức thấy việc đánh bại Djokovic sung sướng hơn cả việc giành chức vô địch giải đấu nào đó. Anh đã đổ gục xuống sân mà khóc.

Alexander Zverev giành huy chương vàng đơn nam quần vợt Thế vận hội Tokyo 2020 tại Ariake Tennis Park, Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh Reuters)

Khi được hỏi về việc ôm Djokovic trên lưới sau khi trận đấu kết thúc, Zverev trả lời: “Tôi đã nói với anh ấy rằng anh ấy là người vĩ đại nhất mọi thời đại, và anh ấy sẽ như vậy. Tôi biết anh ấy đang theo đuổi một cột mốc lịch sử, nhưng trong những khoảnh khắc như thế này, tôi và Novak đang ở rất gần nhau. Tôi cảm thấy tiếc cho Novak, nhưng anh ấy đã giành được 20 Grand Slam,  hàng tá chức vô địch Masters hay bất cứ thứ gì, đôi khi bạn không thể có được tất cả mọi thứ. Tôi đã tưởng như không ai có thể đánh bại anh ấy ở sự kiện này thế nên giờ đây tôi rất hạnh phúc.“

Đây không phải lần đầu tiên Zeverev đánh bại Nole ở một trận đấu quan trọng. Anh từng khiến tay vợt người Serbia phải hứng chịu thất bại ở ATP Finals tại London năm 2018. Nhưng Zeverev vẫn luôn tiệm cận ở ngưỡng ngôi sao, vẫn chỉ là một trong số những NextGen được đánh giá cao mà chưa thể vượt qua một phần cái bóng của Big Three. Anh mới chỉ lọt vào duy nhất một trận chung kết Grand Slam nhưng lại để thua Dominic Thiem. Đó là US Open năm ngoái.  Thế nên HCV Olympic này là một cột mốc quan trọng cho Zeverev khi mà anh đã được nếm trải hương vị của người chiến thắng sau cùng ở một giải đấu lớn.

Chẳng thế mà tay vợt số 5 thế giới đã xúc động mà chia sẻ: “Chiến thắng này có ý nghĩa lớn lao hơn bất kỳ điều gì trong thế giới quần vợt – thể thao. Bạn thi đấu vì tất cả những người khá, đại diện cho đất nước của bạn. Vinh quang không phải của riêng bạn, mà còn dành cho mọi người. Sẽ không còn cảm giác nào tuyệt vời hơn những gì tôi đang tận hưởng”.

Trong khi một lần nữa, sức nóng và độ ẩm ở Tokyo khiến cho các vận động viên cảm thấy mệt mỏi hơn (32-37 độ C), Zeverev đã chỉ mất 79 phút đồng hồ để kết liễu mọi giấc mơ của Khachanov.  Zverev cùng với Steffi Graf là những tay vợt người Đức hiếm hoi giành HCV ở nội dung đánh đơn. Graf từng thành công ở Olympic 1988 và đó cũng là năm mà cô đạt được thành tích Golden Slam (vô địch cả bốn danh hiệu Grand Slam và Olympic trong cùng một năm). Djokovic cũng đã đặt kỳ vọng lập được kỳ tích đó cho đến khi bị chặn đứng bởi Zverev. Tay vợt giành HCB Khachanov nhận xét về đối thủ: “Cậu ấy đã chơi một giải đấu không thể tin được. Tôi cũng đã thi đấu tốt, nhưng anh ấy đơn giản là tuyệt vời hơn, tất cả đều phải công nhận điều này.” 

Ở Olympic, quần vợt không phải bộ môn có tính quan trọng như bơi, điền kinh – những hạng mục có thể mang lại nhiều huy chương hơn cho các đoàn thể thao. Chẳng thế mà việc Zverev giành HCV không phải một sự kiện nóng hổi đủ với người Đức để truyền thông đưa anh lên trang nhất. Nhưng nếu gạt bối cảnh Olympic sang một bên, thì chiến thắng của Zverev, đặc biệt là sau khi đã đánh bại Djokovic đang rất tham vọng một thuyết phục cho thấy, đã tới lúc người Đức có thể tin tưởng hơn ở “đứa con cưng” của họ.

ZVEREV LÀ AI?

Alexander “Sascha” Zverev sinh năm 1997 tại Hamburg, Đức. Nhưng cha mẹ của anh lại là những người Nga nhập cư từng là các tay vợt chuyên nghiệp thi đấu cho Liên Xô cũ. Với sự sụp đổ của Liên bang  Xô Viết sắp xảy ra, bà Irina – mẹ của Zverev đến Đức để thi đấu tại một giải đấu vào năm 1990, với chồng mình đi cùng với tư cách HLV.  Họ được mời ở lại Đức để làm công việc huấn luyện môn khúc côn cầu.

Zverev bắt đầu chơi quần vợt khi mới 3 tuổi. Nói về những kí ức tuổi thơ của mình, tay vợt 24 tuổi chia sẻ: “Khi đó tôi chừng hơn một tuổi gì đó, cứ nhặt bừa cây vợt nhỏ trong nhà rồi đánh bóng khắp căn hộ. Kể từ đó, bố mẹ bắt đầu đưa tôi ra sân khi họ làm việc. Tôi đã rất thích.“ Lên 5 tuổi, Zverev bắt đầu tập luyện nghiêm túc, ít nhất nửa tiếng một ngày. Cậu bé Sascha ngày đó thường chơi với anh trai Mischa hơn 10 tuổi – cũng là một tay vợt chuyên nghiệp. Nói về em trai mình, Mischa Zverev kể lại: “Cậu ấy sẽ không chấp nhận rằng mình đang thua, và không muốn hiểu điều đó. Cậu ấy sẽ không bao giờ rời sân nếu như không thắng tôi.“

Zverev là cựu số 1 thế giới lứa tuổi thanh thiếu niên. Sự kiện quần vợt đầu tiên anh tham gia là vòng sơ cấp của Liên đoàn Quần vợt Quốc tế (ITF)  đầu năm 2011 khi anh mới 13 tuổi. Gần đầu năm 2012, Zverev đã giành được danh hiệu ITF đầu tiên của mình tại Fujairah Junior Championships, một giải đấu hạng 4 cấp thấp thuộc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Ở tuổi 24, Zverev còn khá nhiều thời gian để tạo một sức bật lớn hơn nữa so với những gì anh đã làm. Dù cái bóng của Big Three, mà đặc biệt là Djokovic vẫn đang phủ kín quần vợt, khiến cho tới vài thế hệ tay vợt trong gần 2 thập kỷ qua phải ngậm ngùi để ta nghĩ tới một cuộc lật đổ. Nhưng có thể, từng bước, từng bước một, Zverev cũng sẽ có được điều mình muốn, như là chiến thắng vừa qua.

Quần vợt Đức đã „yên ắng“ một thời gian đủ dài, đặc biệt là phía các tay vợt nam. Giờ đây, Zverev đã chứng minh được rằng mình xứng đáng được mang theo những trách nhiệm và kỳ vọng ấy để tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tích lớn hơn trong tương lại. HCV Olympic mới chỉ là bắt đầu, cho một hành trình còn nhiều thăng trầm phía trước.

Zverev là tay vợt Đức đầu tiên giành HCV đơn nam. Trước Anh, tennis Đức đã có 2 HCV Olympic, của Steffi Graf ở nội dung đơn nữ tại Olympic Seoul 1988, của cặp đôi Boris Becker và Michael Stich tại nội dung đơn nam ở Olympic Barcelona 1992.

Yến Nhi
Yến Nhi