Bài học từ sự thất bại của
“hình mẫu chống dịch” Đài Loan
Từng là một hình mẫu của cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2, Đài Loan (Trung Quốc) nay lại thất bại trong việc phản ứng hiệu quả với một đợt bùng dịch COVID-19 lớn.
Trước đây, khi hầu hết các nước trên thế giới có hàng trăm triệu ca nhiễm và hàng triệu ca tử vong do dịch COVID-19, 23,5 triệu dân ở hòn đảo Đài Loan vẫn duy trì cuộc sống tương đối bình thường nhờ phản ứng chống dịch quyết liệt từ sớm, giúp nơi đây đi qua 250 ngày không có một ca mắc nào trong cộng đồng.
Đài Loan đã vận động hành lang để tham gia vào cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dựa vào thành công không thể phủ nhận và chuyên môn của mình cùng khẩu hiệu “Đài Loan có thể giúp đỡ”.
Nhưng giờ đây, ván cờ đã lật ngược, và Đài Loan lại đang cần sự trợ giúp, sau khi một đợt bùng phát bắt nguồn từ các nhân viên hàng không hồi tháng 4 đã khiến dịch lan rộng ra toàn hòn đảo. Chính quyền có vẻ đã bị bất ngờ bởi điều mà họ nghĩ không bao giờ sẽ xảy ra: nơi từng là hình mẫu chống dịch dường như đã không chuẩn bị đầy đủ để phản ứng khi dịch bùng phát mạnh.
Tính đến nay, Đài Loan đã ghi nhận hơn 11.000 ca nhiễm và 260 ca tử vong, hơn 90% trong số này xuất hiện từ giữa tháng 5.
Bị ảnh hưởng bởi những đơn đặt hàng vaccine không đảm bảo số lượng, sự thiếu hụt vaccine trên toàn cầu và các vấn đề địa chính trị, hiện mới có chưa đầy 3% trong số 23,5 triệu dân trên hòn đảo này được tiêm chủng.
Hôm thứ Hai vừa qua, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã có bài phát biểu trên truyền hình từ văn phòng nhằm trấn an người dân rằng 750.000 liều vaccine mà Mỹ hứa hẹn sẽ sớm được giao đến.
“Chúng tôi đã cho rằng mình có thể kiểm soát tình hình”
Nhiều chuyên gia y tế và xã hội đã chia sẻ với tờ Guardian rằng khi các làn sóng lây lan dịch xuất hiện trên toàn thế giới, chính quyền đã không cập nhật những kiến thức khoa học mới xung quanh các chủng virus mới với độc lực cao hơn, ví dụ như tầm quan trọng của việc thông gió để chống lại sự lây lan khí dung; hiệu quả của việc xét nghiệm hàng loạt, hay các tấm gương của một số quốc gia đã cách ly xã hội từ sớm và quyết liệt.
Một số người cảm thấy Đài Loan đã trở thành “nạn nhân cho chính sự thành công của mình”.
Giáo sư Chen Chien-jen thuộc trung tâm nghiên cứu gen Academia Sinica cho biết, chính quyền nghĩ rằng họ đã kiểm soát được đại dịch với hệ thống truy vết tiếp xúc và xét nghiệm chính xác, nhưng lại bị thách thức bởi tốc độ lây lan nhanh chóng của chủng Alpha lần đầu được phát hiện tại Anh, và bị choáng ngợp sau sự kiện siêu lây nhiễm hôm 9/5 – tức Ngày của Mẹ trên đảo.

“Chúng tôi đã nghĩ rằng có lẽ mình có thể kiểm soát tình hình ở quy mô nhỏ, nhưng virus thực sự hiểm độc,” ông Chen, người từng giữ vị trí lãnh đạo Cơ quan Y tế hòn đảo Đài Loan trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, và hiện là cố vấn chính quyền, cho hay.
Trung tâm chỉ huy Phòng chống dịch bệnh trung ương (CECC) của Đài Loan cho biết đã tham vấn với các chuyên gia quốc tế và chính phủ các nước trong suốt đại dịch, nhằm phát huy khả năng chống chọi hiện có, cập nhật các chiến lược và giám sát các nguồn lực có sẵn, nhưng thừa nhận: “Mặc dù chúng tôi đã kiểm soát biên giới một cách hiệu quả, thực tế vẫn còn nhiều điều cần cải thiện trong các nỗ lực phòng chống dịch bệnh ở nội địa.”
Giáo sư Chi Chunhuei, giám đốc Trung tâm y tế toàn cầu thuộc Đại học bang Oregon cho biết: “Ban đầu, chính quyền đã mất cảnh giác, không chỉ với đợt bùng phát mà còn với cả quy mô của nó, vì vậy họ đang phải sấp ngửa huy động mọi nguồn lực để ngăn chặn, bao gồm các bệnh viện và các cơ sở xét nghiệm.”
“Một trong những vấn đề ở đây là hầu hết mọi người ở Đài Loan đã có phần tự mãn.”
Giáo sư Chi cho biết 11 tháng duy trì cuộc sống bình thường cùng bốn lần thoát nạn (chuyến ghé cảng của tàu Diamond Princess, một đợt bùng phát trên tàu hải quân Đài Loan, một phi công bị nhiễm bệnh hồi tháng 12, và ổ dịch ở bệnh viện Taoyuan hồi tháng 1) đã khiến cộng đồng và cả chính quyền “tự tin thái quá” về khả năng chống dịch của mình. Ngay cả khi có sự lây lan trong cộng đồng, người dân vẫn ngồi chật kín các hàng quán và đi du lịch trong Ngày của Mẹ.
Mười ngày sau, tức ngày 19/5, CECC đã báo cáo 264 ca nhiễm mới và yêu cầu Đài Loan nâng mức độ cảnh báo lên cấp 3 trong thang bốn cấp, hạn chế tụ tập, bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng và đóng cửa các cơ sở kinh doanh giải trí và trường học, nhưng vẫn cho phép các nhà hàng tiếp tục đón khách ăn tại chỗ.
CECC cũng khuyến khích những người sử dụng lao động bố trí cho nhân viên làm việc tại nhà, nhưng không bắt buộc thực thi, và cũng không lập tức công bố mức hỗ trợ tài chính cho người làm việc hay người chăm sóc từ xa.

Một trong những lý do chủ yếu gây nên sự phức tạp là việc không có khả năng phân tích đầy đủ các xu hướng dịch bệnh, do sự tồn đọng hàng chục nghìn kết quả xét nghiệm từ 169 trạm xét nghiệm nhanh đã bị quá tải.
Đến cuối tháng 5, số kết quả tồn đọng bắt đầu giảm bớt. Nhưng kết quả là đã có thêm hàng trăm ca mắc COVID-19 mới được phát hiện thông qua xét nghiệm, được bổ sung vào số liệu tổng hợp tình hình dịch bệnh. Sự tăng vọt số người nhiễm khiến một số người đặt câu hỏi liệu Đài Loan có nên áp dụng phong tỏa nghiêm ngặt hơn vào thời điểm này hay không.
“Từ quan điểm phân tích dữ liệu, tình hình thật căng thẳng,” Chase W Nelson, một nhà sinh vật học tính toán người Đài Loan tại Academia Sinica cho biết.

“Tôi không nghĩ rằng kết quả này khiến mọi thứ trở nên bất khả thi, nhưng bạn cần phải cẩn thận trong việc sử dụng số liệu đã điều chỉnh khi nói về các xu hướng, vì số liệu ngày hôm nay sẽ luôn bị đánh giá thấp một cách nghiêm trọng hơn so với ngày hôm qua.”
Trở lại năm 2020
Các thành phố trên khắp thế giới đã thử điều mà Đài Loan từng làm – giữ cho nền kinh tế mở cửa trong khi vẫn áp đặt các hạn chế gần như là phong tỏa. Một số nơi, như Melbourne, phải trải qua giai đoạn phong tỏa dài hơn và gây nhiều thiệt hại. Lần tiếp theo khi phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, họ phong tỏa mạnh hơn và sớm hơn trong một thời gian ngắn.
Nhưng chính quyền Đài Loan dường như không ủng hộ biện pháp quyết liệt này, và đã nhiều lần định nghĩa lại các yếu tố kích hoạt dẫn đến quyết định phong tỏa.
“Phòng chống dịch bệnh có nhịp điệu riêng, và không phải lúc nào áp dụng các biện pháp mạnh cũng đều mang lại hiệu quả. Chúng ta phải cân nhắc mức độ tuân thủ của cộng đồng và áp đặt các lệnh hạn chế phù hợp để tránh gây ra quá nhiều tổn hại cho xã hội,” CECC nhận định và cho rằng nâng cảnh báo lên cấp độ 4 không nhất thiết đồng nghĩa với việc phong tỏa.
Chen cho rằng New Zealand – quốc gia từng có vài đợt phong tỏa nghiêm khắc nhưng thành công – là một “hình mẫu tốt” cho Đài Loan, nhưng “chúng tôi không muốn thực hiện các biện pháp hạn chế quá chặt chẽ”.

Giáo sư Yen Muh-yong, giám đốc khoa truyền nhiễm tại bệnh viện Cheng Hsin cho biết đã có những cải thiện lớn kể từ khi bắt đầu đợt dịch, nhưng ông muốn có một sự “phân khúc tín hiệu” tại Đài Loan dựa trên số ca mắc và mức độ rủi ro, cùng các giới hạn phong tỏa kéo theo đó.
Ông cho biết bản thân vẫn lo ngại rằng các đơn vị chăm sóc đặc biệt đang có nguy cơ bị quá tải khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, làm tăng rủi ro dịch bệnh lây lan vào cộng đồng.
“Điều đó đã xảy ra ở thành phố New York và bắc Italy… Bạn phải chặn đứng sự truyền nhiễm, vậy nên câu trả lời là phong tỏa. Một sự phong tỏa cần thiết và được lên kế hoạch tốt.”
Phản ứng chống dịch hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào sự tuân thủ của cộng đồng, nhưng lại vấp phải sự không hài lòng của các doanh nghiệp, với việc nhân viên của họ phải làm việc tại nhà.
Lãnh đạo Cơ quan Y tế Đài Loan hiện nay là Chen Shih-chung mới đây đã khiến giới trẻ nổi giận khi nói rằng “sự tự mãn” của những người trẻ tuổi đã dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ lây lan virus ở nhóm này. Trên mạng, nhiều người trẻ phản bác rằng họ nhiễm bệnh vì bị buộc phải làm việc trong những văn phòng không thoáng khí, bởi chính quyền không bắt buộc phải làm việc từ xa, và bởi nhiều người trẻ mắc bệnh không bộc lộ triệu chứng.
Sự bùng phát dịch ngày càng tăng ở cộng đồng người lao động nhập cư sinh sống trong các ký túc xá đông đúc đã dẫn đến những cáo buộc rằng chính quyền đã phản ứng quá chậm chạp để bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Các cuộc đối thoại ở Đài Loan hiện nay xoay nhiều quanh vaccine, nhưng đây là bài toán không dễ giải.
“Tôi nghĩ rằng chính quyền đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc (về vaccine) một cách quá muộn màng,” tiến sĩ Peter Chang, tổng giám đốc Liên minh Y tế Toàn cầu Đài Loan, nhận định.
“Họ cho rằng chúng tôi rất chăm đeo khẩu trang và mọi người cũng rất nghiêm chỉnh chấp hành giãn cách xã hội, vậy nên không sao cả.”
Nhiều quốc gia từng đạt được thành công sớm trong đại dịch cũng đã phải vật lộn để mua và phân phối vaccine, nhưng Đài Loan lại vấp phải nhiều rắc rối hơn, bao gồm cả những vấn đề về địa chính trị.
CECC nói với tờ Guardian rằng họ đang nỗ lực hết mình để ngăn chặn dịch bệnh, nhưng “sự tiếp cận công bằng với các loại vaccine có hiệu quả mới là giải pháp tối thượng nhằm kết thúc đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.”
Nhật Bản hiện đã chuyển hơn 1,2 triệu liều vaccine, và các thượng nghị sĩ Mỹ cũng đã bay đến Đài Loan vào tuần trước để thông báo về sự giúp đỡ của Mỹ cũng như nhấn mạnh vào sự ủng hộ của hai đảng lớn nhất nước với Đài Loan.
Tuy nhiên hơn hai tuần sau khi nâng mức độ cảnh báo lên cấp 3, số ca nhiễm ở Đài Loan vẫn chưa giảm mạnh. Vào thứ Hai vừa rồi, cảnh báo lại được gia hạn một lần nữa, tới hết tháng 6.
Giáo sư Chi cho rằng cấp độ 3 là đủ nghiêm ngặt, và hoài nghi khả năng thực hiện bất kỳ điều gì hơn thế của chính quyền, nhưng cũng nói rằng hiện không có thông điệp đủ rõ ràng về cách mà mọi người có thể tự bảo vệ bản thân khỏi cái mà ông gọi là “sự lây nhiễm vô hình” từ những người không có triệu chứng đang chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng.
“Bạn phải giả định rằng bất kỳ ai không sống chung một nhà với mình đều có thể là người mang virus,” ông nói. “Trong vòng hai tuần tới hoặc lâu hơn, đừng tụ tập trong nhà với những người không sống cùng bạn.”