Siêu dự án cao tốc Bắc-Nam

lasontuy-1608864970-75.jpg

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ lựa chọn nhà thầu tốt nhất để làm dự án cao tốc Bắc-Nam, đảm bảo đại dự án này sẽ là công trình mẫu mực và là cú hích mở toang cánh cửa thu hút đầu tư, đảm bảo mục tiêu thúc đẩy kinh tế-xã hội, giảm tai nạn giao thông.

Không có “đất diễn” cho nhà thầu yếu kém

Xuất phát từ tình hình thực tiễn, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam. Theo đó, giai đoạn 2017-2020 đầu tư 654km đường bộ cao tốc trên các đoạn Cao Bồ (Nam Định)-Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị)-La Sơn (Thừa Thiên Huế), đoạn Nha Trang (Khánh Hòa)-Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tổng số vốn cho 11 dự án thành phần đã được Quốc hội thông qua (sau khi điều chỉnh) là 99.475 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án thành phần đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước (dài 120,5km vốn đầu tư là 49.821 tỷ đồng) và 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP (533,7km có vốn đầu tư 49.354 tỷ đồng).

Tổng số vốn cho 11 dự án thành phần đã được Quốc hội thông qua (sau khi điều chỉnh) là 99.475 tỷ đồng

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 27/7/2020 (triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 của Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư), Bộ Giao thông Vận tải đã dồn toàn lực để tiến hành thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu các gói thầu… đảm bảo tuân thủ trình tự và quy định pháp luật.

Theo đó, để được đánh giá là đạt điểm kỹ thuật, các nhà thầu/liên danh nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu về thời gian hoạt động xây dựng công trình giao thông lớn hơn hoặc bằng 5 năm. Ngoài ra, yêu cầu nhà thầu có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự được đánh giá trong vòng 5 năm gần đây (trong đó nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh phải đáp ứng kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự có giá trị do nhà thầu đảm nhận lớn hơn hoặc bằng 70% phần công việc thực hiện tại gói thầu đang xét). Đối với nhà thầu liên danh, việc đánh giá tính đáp ứng về kinh nghiệm căn cứ vào phạm vi công việc, tỷ lệ tham gia của từng thành viên…

Về nguồn lực tài chính, các nhà thầu được yêu cầu phải có xác nhận của tổ chức tín dụng có số dư tiền gửi với hạn mức tối thiểu (được xác định theo quy mô gói thầu) và cam kết phong tỏa số tiền này để thực hiện gói thầu đang xét (không xác nhận chung cho gói thầu khác).

Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Về số lượng thành viên liên danh, hồ sơ mời thầu quy định không quá 3 thành viên trong một gói thầu. Nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận công việc nhiều nhất và từng thành viên phải đảm nhận lớn hơn hoặc bằng 25% giá trị gói thầu. Các nhà thầu chính được quyền thuê nhà thầu phụ nhưng tỷ lệ giao thầu phụ không quá 30% giá trị hợp đồng và nhà thầu chính phải thực hiện các công việc quan trọng chính yếu của gói thầu (tùy theo tính chất gói thầu để quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu).

“Dự án phải tổ chức tuyển chọn được các nhà thầu có năng lực tốt về nhân lực, trang thiết bị và tài chính, có kinh nghiệm để thi công đồng thời lựa chọn được các tư vấn giám sát đảm bảo năng lực, trách nhiệm cao; đáp ứng được những giải pháp bao gồm cả giải pháp về công nghệ nhằm đảm bảo công tác giám sát tiến độ của dự án một cách chặt chẽ, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng,” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định.

“Cánh cửa hẹp” với đầu tư PPP

Trong khi tiến độ triển khai 6 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công đang trong tầm kiểm soát, thậm chí có nhiều cơ hội để rút ngắn thời gian triển khai thì 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam lại bị “hẹp cửa” đầu tư PPP do tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó đoán định.

Cụ thể, 3 dự án đầu tư công đã được khởi công trong giai đoạn giữa năm 2019 đến tháng 2/2020 gồm các đoạn Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 được tập trung hoàn chỉnh các thủ tục, đến nay các dự án đã đồng loạt triển khai thi công. Đối với 2 dự án thành phần Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, tiến độ theo hợp đồng đã ký kết hoàn thành tháng 12/2021. Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 là cầu lớn, kết cấu cầu dây văng sẽ hoàn thành cuối năm 2023.

Vào ngày 30/9/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức khởi công đồng loạt nốt 3 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam theo hình thức đầu tư công gồm đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây và phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2022.

Đề cập tới 5 dự án cao tốc Bắc-Nam được đầu tư theo hình thức PPP trong trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư và huy động được vốn tín dụng, Bộ Giao thông Vận tải cam kết sẽ hoàn thành đưa vào khai thác 3 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Nha Trang-Cam Lâm vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Riêng 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt và Cam Lâm-Vĩnh Hảo hoàn thành đưa vào khai thác đầu năm 2023 do có công trình cầu, hầm đường bộ lớn).

Thi công cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Thi công cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hiện nay, 3 dự án thành phần PPP có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, đang trong quá trình thẩm định hồ sơ kỹ thuật và dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020 và khởi công các dự án đầu năm 2021 gồm Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo. Ngược lại, 2 dự án đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu buộc phải hủy thầu do không lựa chọn được nhà đầu tư sau khi tổ chức đấu thầu.

Có thể nói công tác triển khai 5 dự án cao tốc Bắc-Nam theo hình thức PPP đã được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện một cách bài bản ngay từ việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của trên 130 tổ chức và doanh nghiệp; lựa chọn các đơn vị tư vấn giao dịch hàng đầu trên thế giới như Deloitte, Ernst&Young, Castalia chuẩn bị hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng.

Đặc biệt, công tác lựa chọn nhà đầu tư đã được thực hiện qua 2 giai đoạn là sơ tuyển và đấu thầu để đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm cũng như đảm bảo có đủ thời gian để nhà đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị hồ sơ dự thầu và làm việc với các tổ chức tín dụng.

Khác so với các dự án BOT giai đoạn trước đây, phía Bộ Giao thông Vận tải đánh giá các dự án cao tốc Bắc-Nam đã được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù nhằm hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng như triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng bằng vốn Nhà nước, đến nay đạt khoảng 92% khối lượng; hiệu quả tài chính được cải thiện rõ rệt do có sự tham gia vốn Nhà nước trung bình chiếm 51% tổng vốn đầu tư (khoảng 19.987/39.426 tỷ đồng của 5 dự án).

Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Mặt khác, mức lãi suất huy động vốn vay tính toán trong hồ sơ mời thầu xác định bằng bình quân trung bình lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn của 3 ngân hàng thương mại nên phù hợp với thị trường; việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, đảm bảo cạnh tranh, minh bạch…

Ngoài ra, tuyến đường này được đầu tư xây dựng mới, áp dụng hình thức thu phí kín nên đảm bảo công bằng, có sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ; mức thu phí sử dụng dịch vụ được quy định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ; tổng vốn đầu tư trong hồ sơ mời thầu được xác định theo thiết kế kỹ thuật, dự toán được duyệt nên chi phí đầu tư được kiểm soát chặt chẽ hơn.

“Công tác triển khai các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo hình thức PPP đã được triển khai một cách bài bản, kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định pháp luật, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai thành công dự án còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường, đặc biệt là khả năng huy động tín dụng,” Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Thành bại chờ… ngân hàng

Tại 3 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, dù tất cả các ứng thầu đều có thư cam kết cho vay vốn của ngân hàng, nhưng để tiến đến việc ký được hợp đồng tín dụng vẫn còn một khoảng cách rất lớn.

Lường trước được các khó khăn này, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại để trao đổi về các cơ chế triển khai dự án. Theo đó, các ngân hàng đều bày tỏ nhận thức được trách nhiệm trong việc ưu tiên xem xét, cung cấp tín dụng cho dự án quan trọng quốc gia.

Tuy nhiên theo quy định pháp luật về tín dụng, việc cho vay thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành, các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn.

Ngoài ra, phía Bộ Giao thông Vận tải cũng nhìn nhận các nhà đầu tư trúng sơ tuyển ở dự án này cũng đồng thời trúng sơ tuyển ở một số dự án khác. Do đó, căn cứ mức độ hấp dẫn, năng lực vốn chủ sở hữu và khả năng huy động vốn tín dụng, nhà đầu tư có quyền quyết định lựa chọn dự án để nộp hồ sơ dự thầu.

“Nếu sau 6 tháng nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng sẽ phải chấm dứt hợp đồng” (Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể)

Với các dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, theo yêu cầu tại Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.

“Nếu sau 6 tháng nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng sẽ phải chấm dứt hợp đồng. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện các thủ tục theo quy định để chuyển đổi hình thức đầu tư nên có thể đến năm 2022 mới bắt đầu triển khai thi công,” Bộ trưởng Thể đưa ra cảnh báo.

Nhằm giải quyết những khó khăn về huy động vốn tín dụng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc tại các dự án BOT. Ngoài ra, những cơ chế mới trong Luật Đầu tư theo phương thức PPP được áp dụng sẽ là tiền đề, tạo niềm tin và môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia các dự án theo phương thức PPP trong thời gian tới.

Đoạn La Sơn-Túy Loan. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Đoạn La Sơn-Túy Loan. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến hai dự án PPP cao tốc Bắc-Nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu buộc phải hủy thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam không lựa chọn được nhà đầu tư. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Nếu trường hợp 2 dự án PPP trên được chuyển đổi sang đầu tư công sẽ đẩy lên con số 8 đoạn cao tốc theo hình thức đầu tư công. Điều này cho thấy việc huy động hình thức đầu tư PPP đã bị hẹp lại rất nhiều và chưa thể hiện thực hóa đầu bài đề ra là huy động nguồn vốn xã hội hóa cùng với ngân sách Nhà nước để đầu tư các đại dự án giao thông.

Trên thực tế, dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực rất lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Tính đến hết năm 2020, cả nước mới đưa vào khai thác khoảng 1.163km đường bộ cao tốc so với yêu cầu 2.000km.

“Nếu làm được các dự án của cao tốc Bắc-Nam, đặc biệt là các công trình đang triển khai thì chúng ta có được gần 2.000km cao tốc” (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc)

“Nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước. Nếu làm được các dự án của cao tốc Bắc-Nam, đặc biệt là các công trình đang triển khai thì chúng ta có được gần 2.000km cao tốc,” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại lễ khởi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 vào sáng 30/9.

Đánh giá cao vai trò là mũi đột phá chiến lược của ngành Giao thông Vận tải, Thủ tướng yêu cầu liên Bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan trong nhiệm kỳ tới phải thông suốt tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau cùng một loạt các dự án cao tốc kết nối liên vùng khác để cuối năm 2025 tiến tới có ít nhất 5.000km cao tốc.

“Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông là dự án trọng điểm Quốc gia và là dự án mẫu mực trong quản lý, giám sát, tổ chức thi công, phòng chống tiêu cực trong quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng, tiến độ,” Thủ tướng chỉ đạo./.

Đoạn La Sơn-Túy Loan. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Đoạn La Sơn-Túy Loan. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 với nội dung chủ yếu giai đoạn 2017-2020 đầu tư 654km đường bộ cao tốc trên các đoạn Cao Bồ (Nam Định)-Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị)-La Sơn (Thừa Thiên Huế), đoạn Nha Trang (Khánh Hòa)-Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, trong đó gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện dự án; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách; phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước và 8 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP).

Do phát sinh một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi triển khai các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, đặc biệt là việc huy động vốn tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần từ phương thức PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây.

Như vậy, trong tổng số 11 dự án thành phần đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, có 6 dự án thành phần đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP.