Cổ tích giữa đời thường

vnpgiacmo-1607327796-69.jpg

Ngồi trên xe khách suốt 18 tiếng đồng hồ từ Quy Nhơn (Bình Định) ra Hà Nội nhưng Trương Xuân Lâm và Nguyễn Thị Hoa không hề tỏ ra mệt mỏi. Ra Thủ đô Hà Nội lần này, họ sẽ được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) tổ chức đám cưới trong mơ – điều mà họ chưa làm được dù đã “về một nhà” cách đây bốn tháng vì nghèo khó…

Đôi vợ chồng khuyết tật sinh năm 1989 nhẹ nhàng dìu nhau tới sảnh lớn của hội trường. Cô gái chỉ nặng 35kg lúc nào cũng bám chặt vào tay chồng, bé nhỏ trong chiếc váy cưới lộng lẫy, thì thào: “Em cứ nghĩ mình đang mơ.” Anh Lâm thì tự tin hơn, và luôn miệng khẳng định rằng: “Hôm nay là ngày vợ xinh nhất!”

Từ chuyện tình cổ tích…

Trương Xuân Lâm sinh ra trong một gia đình nghèo ở Quy Nhơn. Mẹ mất sớm, bố lại đau yếu luôn nên chàng trai đã phải bươn chải mưu sinh từ rất sớm.

Học hết phổ thông, Lâm ra thành phố tìm việc làm. Anh không còn nhớ mình đã trải qua bao nhiêu công việc nữa. Đến năm 22 tuổi, anh tới thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân tại một nhà máy. Những tưởng từ đây, anh có một công việc ổn định để tự lo cho bản thân và đỡ đần cho bố, rồi còn thành gia lập thất như những người đàn ông khác vậy mà số mệnh đã đưa cuộc đời anh rẽ sang một hướng hoàn toàn khác.

Trương Xuân Lâm và Nguyễn Thị Hoa đều xuất phát điểm không được như mọi người nhưng họ đều đến với nhau bằng tình yêu thương thực sự. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trương Xuân Lâm và Nguyễn Thị Hoa đều xuất phát điểm không được như mọi người nhưng họ đều đến với nhau bằng tình yêu thương thực sự. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đôi mắt đượm buồn, Lâm kể, vào ngày 3/12/2011, trong khi đang sửa máy trong công ty thì một người đồng nghiệp không biết đã ấn nút vận hành. Chỉ trong một khoảnh khắc, anh còn chưa kịp cảm nhận được nỗi đau thì cánh tay đã bị nghiền nát.

Lâm đã khủng hoảng tâm lý suốt nhiều tháng sau đó. Anh không dám soi gương, không dám nhìn vào cánh tay mình. Cứ đêm đến, anh lại khóc vì lo sợ: Rồi đây tương lai của mình sẽ ra sao. Hễ nhắm mắt là anh lại tưởng tượng ra đủ thứ chuyện không hay.

Rất lâu sau đó, chàng trai vốn có tính tự lập từ rất sớm ấy đã vực dậy tinh thần. Anh đã đọc nhiều sách báo về người khuyết tật, tìm hiểu về những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Anh lại tìm cách đi làm, đi bán hàng rong vì cuộc đời dù sao cũng không cho phép anh ủ dột, đau khổ mãi được. Anh phải đứng dậy và sống tiếp.

Anh tham gia nhiều hội nhóm của những người cùng hoàn cảnh trên mạng xã hội. Rồi một ngày tình cờ, anh được biết chị Nguyễn Thị Hoa, cô gái nhỏ nhắn, dễ thương, nhìn qua ảnh thì có nước da trắng trẻo và chiếc răng khểnh rất duyên. Anh tìm cách làm quen và trò chuyện với Hoa qua mạng xã hội.

Hoàn cảnh khó khăn nên họ chưa từng nghĩ đến một lễ cưới với đầy đủ nghi thức như những cặp đôi khác.

Từ đó, anh được hiểu thêm nhiều hơn về cô. So với Hoa, có lẽ Lâm còn may mắn hơn nhiều vì ít ra thì anh cũng có một mái nhà, còn Hoa là trẻ mồ côi bị bỏ rơi ngay từ khi sinh ra. Cô gái có hoàn cảnh đáng thương ngay từ khi chào đời ấy đã được đưa về Trung tâm Nuôi dưỡng Người già và Trẻ khuyết tật tại Ba Vì.

Hoa đã lớn lên ở đó và dần dần phát hiện ra rằng, đầu gối mình bị tật khiến cô không thể co chân lên được. Thể trạng của cô cũng rất nhỏ bé, chỉ nặng 35kg. Ấy vậy mà tại Trung tâm, Hoa cũng rất nhanh nhẹn phụ giúp các cô giáo tại khu nuôi dạy trẻ mầm non. Năm 2013, Hoa được giới thiệu về Trung tâm Vì ngày mai tại An Dương Vương (Hà Nội) để học nghề may.

Cặp đôi tuy cách xa nhau về địa lý nhưng lại đến với nhau bằng cả con tim chân thành. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cặp đôi tuy cách xa nhau về địa lý nhưng lại đến với nhau bằng cả con tim chân thành. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Qua một thời gian trò chuyện thấy hợp nhau, anh Lâm thổ lộ tình cảm của mình và muốn hai người về chung một nhà. Hoa cảm động và họ quyết định hẹn hò nhau lần đầu tiên.

Hôm đó, anh Lâm đã bắt xe khách chạy một mạch từ Quy Nhơn để gặp bạn gái. Thời điểm đó, Hoa lại đang ở trung tâm trên Ba Vì. Xe tới nơi thì trời cũng đã tối. Lạ nước, lạ cái, trong túi cũng không có nhiều tiền, chàng trai miền Trung cứ đi bộ rất lâu để tìm một nhà trọ, định ngủ lại qua đêm rồi sáng hôm sau vào tìm gặp Hoa, mà không thể tìm được. Anh Lâm đành ngủ nhờ ở mái hiên một nhà dân gần đó. Biết chuyện, chị Hoa càng cảm động hơn. Tình yêu cứ thể nảy nở rồi họ quyết định đi đăng ký kết hôn.

Hoàn cảnh khó khăn nên họ chưa từng nghĩ đến một lễ cưới với đầy đủ nghi thức như những cặp đôi khác. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng, tìm được một người phù hợp, đồng cảm với mình đã là tốt lắm rồi.

…tới những giấc mơ có thật

May mắn đã bất ngờ đến với Hoa và Lâm khi Trung tâm Vì ngày mai – nơi chị Hoa cư trú và học nghề may – đã làm hồ sơ đề nghị Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) giúp họ tổ chức một lễ cưới tập thể cùng những cặp đôi khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn khác. Đây là lần thứ 3 chương trình này diễn ra tại Hà Nội. Từ đó, giấc mơ về một đám cưới đủ đầy cứ dần dần thành hình.

Trương Xuân Lâm và Nguyễn Thị Hoa hạnh phúc bên nhau trong ngày diễn ra lễ cưới tập thể. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trương Xuân Lâm và Nguyễn Thị Hoa hạnh phúc bên nhau trong ngày diễn ra lễ cưới tập thể. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng ngày 12/11/2020, các cặp cô dâu, chú rể khuyết tật đã tham gia buổi chụp ảnh tại hồ Hoàn Kiếm để chuẩn bị cho lễ cưới tập thể.

Ngày chụp ảnh cưới diễn ra vào một buổi sáng đẹp trời, vì thế, có rất nhiều du khách dạo bộ và tham quan hồ Hoàn Kiếm. Có người thấy lạ lẫm “vì sao có nhiều cô dâu chú rể chụp ảnh đến thế?” Cũng có người tinh ý nhận ra ngay điều đặc biệt của những cặp đôi này. Bởi cùng với bộ vest phong độ, nam tính, tà áo cưới thướt tha, lộng lẫy… là chiếc kính đen, chiếc gậy, hay những bước chân chẳng được bình thường.

“Dù thân thể có khiếm khuyết, nhưng những cặp vợ chồng đến với chương trình này đều rất thương yêu nhau. Bạn có thể thấy ngay ở đây những người vợ làm đôi mắt, đôi chân cho chồng. Có người chồng dù không nhìn thấy gì, nhưng nụ cười luôn rạng rỡ và liên tục khen vợ rất đẹp. Họ còn mang theo con đến, để con chứng kiến thời khắc hạnh phúc của bố mẹ. Còn gì tuyệt vời hơn khi chương trình đã lan tỏa những điều đẹp đẽ và nhân văn ấy đến tất cả chúng ta, sau gần 3 mùa tổ chức?” bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, Phó Trưởng ban tổ chức chương trình xúc động chia sẻ.

Dù thân thể có khiếm khuyết, nhưng những cặp vợ chồng đến với chương trình này đều rất thương yêu nhau

Quả thực, có rất nhiều cặp vợ chồng đã xây dựng mái ấm cùng nhau và có con nhưng họ chưa từng biết thế nào là một đám cưới. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương và anh Nguyễn Văn Nam (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) đã sống chung 6 năm và có con gái 5 tuổi, nhưng đến giờ mới chính thức được tổ chức lễ cưới.

Trước đó, họ còn ngại ngần không muốn đăng ký làm đám cưới bởi họ nghĩ mình đều đã nhiều tuổi, sống với nhau đã lâu rồi, con cái cũng có rồi, “rình rang mà làm gì.” Nhưng rồi, được bạn bè trong nhóm người khuyết tật tại địa phương động viên tham gia, chị Hương cũng đã được mặc bộ váy cô dâu.

Các cặp vợ chồng khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn tại lễ cưới tập thể. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các cặp vợ chồng khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn tại lễ cưới tập thể. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cô con gái Nguyễn An Nhiên rất “biết việc,” em đỡ váy cho mẹ, cầm nạng giúp mẹ khi mẹ mệt (chị Hương bị mất một chân do ảnh hưởng từ căn bệnh ngày bé mắc phải). Anh chị cho biết, đến tham dự chương trình mới thấy, còn nhiều mảnh đời giống mình quá. “Chương trình đã cho chúng tôi có thêm nhiều người bạn và thấy tự tin, bớt mặc cảm với cuộc sống,” anh Nam tâm sự.

Ngày 6/12 tại Hà Nội, lễ cưới tập thể mang tên “Giấc mơ có thật” đã hiện thực hóa mong mỏi được làm đám cưới của những cặp vợ chồng khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Khi giai điệu bản nhạc “Wedding March” vang lên, chú rể Trương Xuân Lâm đỡ cô dâu Nguyễn Thị Hoa lên sân khấu để cùng thực hiện nghi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời họ. Từ nay, họ sẽ chính thức trở thành vợ chồng. Điều đặc biệt là có 45 cặp đôi khác cũng đang cùng chia sẻ khoảnh khắc này với họ. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng vào lúc này, họ đều cảm thấy hạnh phúc trào dâng, giấc mơ về một mái ấm đủ đầy đang dần dần hiện hữu trước mắt họ.

Những chú rể bảnh bao trong bộ vest đen, các cô dâu rạng rỡ trong chiếc váy cưới. Họ đang tay trong tay bước lên sân khấu để thực hiện các nghi lễ của một lễ cưới.

Niềm vui của các cặp vợ chồng trong ngày vui nhất đời họ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Niềm vui của các cặp vợ chồng trong ngày vui nhất đời họ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những bước đi không hề dễ dàng nhưng nụ cười thì rạng rỡ hơn bao giờ hết. Mọi khó khăn được gác lại một bên, nơi đây chỉ còn tình yêu và niềm hạnh phúc. Những cô dâu, chú rể quay sang nhìn nhau, cười ngượng ngùng rồi lại quay đi, rồi họ rụt rè hôn lên má nhau và ôm nhau thật chặt. Khoảnh khắc ấy, khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng đều rưng rưng xúc động.

Cô gái bé nhỏ tỏ ra xúc động, sau ngày hôm nay Hoa và Lâm sẽ chính thức là vợ chồng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cô gái bé nhỏ tỏ ra xúc động, sau ngày hôm nay Hoa và Lâm sẽ chính thức là vợ chồng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chị Hoa chia sẻ: “Em rất xúc động. Cô gái nào cũng mơ ước một ngày được khoác lên mình chiếc váy cô dâu. Hôm nay, em rất hạnh phúc vì giấc mơ đã trở thành sự thật.”

Lan toả hạnh phúc

Bà Lê Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Vì ngày mai, nơi đã giúp đỡ vợ chồng chị Hoa-anh Lâm đến với đám cưới tập thể, xúc động khi chứng kiến cô gái bé nhỏ rạng rỡ ôm bó hoa cưới. Trước đó, bà cũng đứng ra làm vài mâm cơm ấm cúng thân mật tại trung tâm để tiễn Hoa về nhà chồng.“Hoa là một cô bé hiền lành, xinh xắn, chăm chỉ, luôn hòa đồng, nhiệt tình tham gia các hoạt động của trung tâm. Tôi rất vui khi con tìm được nhân duyên của cuộc đời mình,” bà xúc động nói.

Bà Dương Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Trưởng ban tổ chức chương trình, cho biết: “Mỗi người đều có hoàn cảnh và điều kiện sống riêng. Không phải ai cũng may mắn được trải nghiệm lễ cưới và sự thăng hoa trong những thời khắc quan trọng trong cuộc đời.”

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Chính vì lẽ đó, chương trình này là sự tiếp nối nghĩa cử nhân văn và kêu gọi sự quan tâm, hành động nhiều hơn nữa vì sự hòa nhập, phát triển, khuyến khích sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của người khuyết tật. Tôi hy vọng chương trình thường niên này sẽ lan tỏa ra toàn quốc để tất cả mọi người đều có thể chạm tới hạnh phúc của mình,” bà nói.

Họ dám ước mơ và khát khao chạm tới được ước mơ của mình

Bà Linh tâm sự đã chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động qua 3 năm tổ chức chương trình. Họ là những người khiếm khuyết về hình thể nhưng có ý chí và tâm hồn tuyệt vời, họ dám ước mơ và khát khao chạm tới được ước mơ của mình. Bản thân bà cảm thấy chính mình học được ở họ rất nhiều, cảm thấy có nhiều năng lượng hơn, để tiếp tục duy trì chương trình.

“Nhìn vào họ, mỗi chúng ta đều thấy trân quý hơn hạnh phúc mà mình đang có. Qua chương trình, chúng tôi cũng muốn lan tỏa ý nghĩa nhân văn rằng: Dù trong hoàn cảnh khó khăn đến mấy, bạn vẫn sẽ tìm được một nửa của mình,” bà chia sẻ./.

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)