Nối tiếp dòng chảy hào hùng

biaanhat-1600049075-43.jpg

Thông tấn xã Việt Nam

Trong 75 năm hình thành và phát triển, Thông tấn xã Việt Nam không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một hãng thông tấn quốc gia, cả trong thời chiến lẫn thời bình, mà còn để lại những dấu ấn đậm nét trong lịch sử báo chí nước nhà, tạo nên dòng thông tin sống động, không bao giờ ngừng chảy…

Hơn 30 năm qua, gần như ngày nào ông Hòa (ở An Dương, Hà Nội) cũng đều đặn mua tờ báo giấy Thể thao & Văn hóa. “Thời thế thay đổi, nhiều thông tin tôi có thể đọc được qua internet, xem truyền hình, nhưng mua báo giấy không chỉ là một thói quen khó bỏ,” ông Hòa tâm sự. “Lý do là những ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã bồi đắp cho tôi rất nhiều kiến thức, cho cả các con, cháu tôi nữa.”

Ông Hòa kể, trước đây ông còn mua cả tờ Tin tức, Người đưa tin UNESCO, Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế thế giới. “Những tờ báo khổ nhỏ nhưng đầy ắp thông tin quý giá, măng sét hình như được vẽ tay, độc đáo lắm,” ông bồi hồi chia sẻ.

Dừng chân ở sạp báo trên phố Phan Huy Chú hay Hàng Trống vào đầu giờ sáng, có thể gặp nhiều người giống như ông Hòa. Đa phần trong số họ vẫn còn nhớ như in những bản tin được dán trước cổng Thông tấn xã Việt Nam hơn 30 năm về trước, khi giải vô địch bóng đá thế giới năm 1982 (Espana’82) đem cơn sốt túc cầu tới đất nước khi ấy vẫn còn vô vàn khó khăn sau chiến tranh.

“Nhà tôi ở Cầu Giấy, khi ấy là ngoại thành nên không thường xuyên có báo. Nhưng bằng nhiều cách, tôi vẫn được đọc tờ Tin nhanh Espana’82 khá đầy đủ. Chính tờ Tin nhanh, rồi sau này là báo Thể thao & Văn hóa đã bồi đắp kiến thức để nhiều năm sau, tôi có mặt ở cabin bình luận tại các giải đấu bóng đá lớn,” bình luận viên Vũ Quang Huy, gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình cả nước kể lại.

Thử nghiệm để đột phá

“Sau năm 1975, đất nước thống nhất, nhân dân ta có nhiều nhu cầu, trong đó có nhu cầu được thông tin. Chúng ta đặt ra câu hỏi: TTXVN cần đưa thông tin trực tiếp đến bạn đọc được không? Đấy là một vấn đề và cũng là nhiệm vụ của ngành. Ban lãnh đạo của Thông tấn xã rất nhạy cảm trước sự đổi mới về nhu cầu thông tin và đã nghĩ đến ý tưởng đó,” nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Trần Mai Hưởng chia sẻ về ý tưởng cho ra đời các tờ báo của ngành thời kỳ sau Giải phóng.

“Và rồi năm 1982, thời điểm chín muồi đã đến, chúng ta có thể biến ý tưởng ấy thành sản phẩm cụ thể khi TTXVN thực hiện bản tin trực tiếp đầu tiên về Espana’82. Lần đầu tiên hãng thông tấn nhà nước làm các bản tin về một giải bóng đá quốc tế, cung cấp tin nhanh, một điều với người dân có lẽ rất mới và lạ,” ông Hưởng nhấn mạnh.

Theo bình luận viên Vũ Quang Huy, Espana’82 là kỳ World Cup đầu tiên được truyền hình trực tiếp trên truyền hình Việt Nam, nhưng chưa đầy đủ. Hơn nữa, thời đó không phải nhà ai cũng có TV và mạng lưới toàn cầu World Wide Web (www) thậm chí còn chưa ra đời. Thế nên, bản Tin nhanh của TTXVN thực sự là dấu mốc quan trọng đối với lịch sử báo chí lẫn lịch sử bóng đá Việt Nam, khi không chỉ cung cấp thông tin, mà còn đem tới những khái niệm, kiến thức mới mẻ.

“Lần đầu tiên hãng thông tấn nhà nước làm các bản tin về một giải bóng đá quốc tế, cung cấp tin nhanh, một điều với người dân có lẽ rất mới và lạ”

“Đó là một bước đột phá của báo chí thể thao thời bấy giờ trong việc tiếp cận với thế giới. Thông tin nhanh nhạy trong bối cảnh các phương tiện báo chí khác còn đang nghèo nàn và lạc hậu. Tin nhanh TTXVN, tuần báo Thể thao & Văn hoá là kênh quan trọng để cập nhật thông tin nóng hổi, và còn định hướng đam mê cho nhiều người làm báo thể thao sau này,” bình luận viên Vũ Quang Huy quả quyết.

Theo ông Trần Mai Hưởng, đấy chính là một cuộc thử nghiệm. TTXVN nhận ra rằng xã hội có nhu cầu thông tin rất lớn và chúng ta có thể đáp ứng trực tiếp được, thay vì chỉ đơn giản là thông tin cho các báo, các kênh thông tin trong nước và nước ngoài như đang thực hiện.

Thành công của bản tin Espana’82 là tiền đề để TTXVN cho ra đời tờ Tuần tin Văn hóa thể thao quốc tế (sau này là báo Thể thao & Văn hóa) và năm 1983 là tờ Tuần Tin Tức (sau là báo Tin tức), tiếp đó là tuần tin Khoa học kỹ thuật Kinh tế thế giới (sau là Khoa học & Công nghệ).

Nguyên Tổng giám đốc Lê Quốc Trung cho hay, trong giai đoạn hoàng kim của các tờ báo in TTXVN (2001-2003), lượng phát hành của báo Tin tức và báo Thể thao & Văn hoá lên tới trên 340.000 bản/ngày. Thậm chí, báo Tin tức phát hành cả ngày nghỉ, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Nhìn lại thời kỳ sôi nổi ấy, ông Trần Mai Hưởng đánh giá, những thế hệ lãnh đạo của TTXVN đã phải có quyết tâm chính trị rất cao khi cho ra đời những tờ báo có ảnh hưởng lớn đến làng báo chí nước nhà.

“Khi còn sống, nguyên Tổng giám đốc Đỗ Phượng có nói khi chúng ta làm báo Thể Thao & Văn Hóa rồi Báo Tuần Tin tức rồi là Khoa học kỹ thuật Kinh tế thế giới, ranh giới giữa cái đồng ý và không đồng ý của cấp trên chưa được rõ ràng. Lúc đó chúng ta phải đưa những người lãnh đạo ra để ‘đứng mũi chịu sào’, bác Đào Tùng thì phụ trách báo Tuần tin tức, bác Đỗ Phượng phụ trách báo Thể thao & Văn hóa hay bác Nguyễn Đức Giáp phụ trách Khoa học kỹ thuật Kinh tế thế giới.”

“Điều đó thể hiện được quyết tâm chính trị rất cao, vượt qua những cái ranh giới của những ý kiến trái chiều để đạt được mục đích phát triển của mình. Đấy là quyết tâm, dám đặt uy tín của mình vào những cái mới để từ đó tạo ra lòng tin và cái hậu thuẫn cho anh em người ta làm,” ông Trần Mai Hưởng khẳng định.

“Ba ấn phẩm này tiêu biểu cho một sự đột phá về mặt thông tin của ngành chúng ta trong thời kỳ chuẩn bị đổi mới. Tư duy này rất là đúng, thể hiện tầm nhìn và khả năng đổi mới của ban lãnh đạo thời kỳ ấy. Đó là những đổi mới và là những đổi mới thành công.”

Lá cờ đầu trong công cuộc phòng chống tham nhũng

Nhưng không chỉ đổi mới về cách thức truyền tải thông tin chính thống đến với bạn đọc, TTXVN còn giương cao cả ngọn cờ chống tiêu cực trong giai đoạn “đêm trước Đổi mới.”

“Ngay từ khi ra số đầu tiên ngày 14/5/1983, Tuần tin tức đã được biết đến như một tờ báo đi đầu trong phong trào chống tham nhũng,” nguyên Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Trung kể lại với giọng điệu sôi nổi. “Báo đã dần dần tạo dựng được một vị thế vững chắc trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, đóng góp một tiếng nói đầy trách nhiệm vào sự nghiệp Đổi mới do Đảng, Nhà nước khởi xướng.”

Các loạt bài điều tra “Vùng than trước ngưỡng cửa báo động,” loạt bài về vụ ông Hà Trọng Hòa, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa thời kỳ đó… là những tác phẩm báo chí gây chấn động đối với công chúng lúc ấy.

Ông Lê Quốc Trung kể, ngay sau khi bài viết về vùng than được đăng tải, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã lập tức chỉ đạo kiểm tra và xử lý vụ việc từ thông tin mà Tuần Tin tức đã đưa. Còn ở Thanh Hóa, ông Hà Trọng Hòa thì bị khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương, cách chức Bí thư Tỉnh ủy.

Các loạt bài điều tra “Vùng than trước ngưỡng cửa báo động,” loạt bài về vụ ông Hà Trọng Hòa, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa thời kỳ đó… là những tác phẩm báo chí gây chấn động đối với công chúng lúc ấy.

Từ đây, rất nhiều người dân đã coi tờ Tuần Tin tức như một địa chỉ đỏ để tìm đến chia sẻ thông tin và đón đọc. Rất nhiều vụ việc sai phạm của nhiều nhân vật, nhiều ngành, nhiều địa phương đã bị đưa lên mặt báo.

“Để làm được những việc này vào lúc đó, phải nói là các phóng viên cực kỳ dũng cảm. Đấu tranh chống tiêu cực ở những cấp thấp đã khó rồi vì bấy giờ nhiều báo chỉ mạnh về việc khen ngợi, ca ngợi thôi, chuyện chống tiêu cực thì không mạnh mẽ lắm,” ông Lê Quốc Trung nhớ lại. “Lên bài với bằng chứng cụ thể, phản ánh được tiêu cực một cách rõ nét lại là một câu chuyện khác. Phải có kỹ năng làm báo rất tốt mới có thể đi vào con đường phóng sự điều tra.”

Ông Lê Quốc Trung kể, ở những số đầu tiên của loạt bài về tình trạng mất dân chủ ở đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Tuần tin tức chỉ mới nêu vấn đề chung. “Ban đầu cũng có một số ý kiến phản đối, không hề dễ dàng khi đề cập vấn đề nhạy cảm, nhưng kết quả cuối cùng như chúng ta thấy, sau loạt bài của báo, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Hà Trọng Hòa đã bị cách chức.”

“Có thể nói, TTXVN là đơn vị báo chí lớn đầu tiên đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện tiêu cực ở mức như vậy,” ông Lê Quốc Trung nhấn mạnh.

“Nếu năm 1982, tờ Tuần tin tức ra đời ngay thì chưa chắc đã thành công,” ông Trần Mai Hưởng đánh giá. “Năm 1983, TTXVN mới quyết định ra Tuần tin tức, sự kiện này giúp cho vị thế TTXVN được nâng lên rất cao: có thể làm thông tin trực tiếp, có hiệu quả, phê phán bí thư tỉnh ủy như vậy, được xã hội đón nhận và được người ta tôn trọng vì cái tầm, không chỉ là chuyện “đánh đấm” lặt vặt, mà đánh thẳng vào một quan chức cấp cao.”

Không chỉ có đấu tranh chống tiêu cực, tờ Tuần tin tức thời kỳ ấy còn phản ánh những bất cập trong cả cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, làm hạn chế sự phát triển của đất nước. Những thông tin này có đóng góp không nhỏ vào Chỉ thị số 100 về vấn đề khoán trong các hợp tác xã nông nghiệp của Trung ương, sau đó là nghị quyết 10 về hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp (“khoán 10”) trước Đại hội Đảng lần thứ VI.

Sau mốc năm 1982-1983, TTXVN cho ra đời một lúc 3 tờ báo in thì năm 1991 có thể được coi là dấu mốc thứ hai với 2 ấn phẩm mới là Tin tức buổi chiềuViệt Nam News. Ngày hai tờ báo ra số đầu cũng là ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ VII.

Gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Ảnh: Mai Chí Vũ/Vietnam+)
Gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Ảnh: Mai Chí Vũ/Vietnam+)

Với tờ Việt Nam News, lần đầu tiên chúng ta có một tờ báo tiếng Anh được xuất bản hàng ngày, nhắm tới đối tượng bạn đọc nước ngoài, đáp ứng nhu cầu thông tin đối ngoại trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới, nâng cao vị thế của TTXVN. Giai đoạn 1995-2000, Việt Nam News đã phát hành hàng chục nghìn bản, có những lúc lên 32 trang, có đủ các ấn phẩm ngày-tuần-tháng, tiếp cận hàng triệu độc giả châu Á qua hệ thống Asia News. Không những thế, báo còn thu hút rất nhiều quảng cáo quốc tế, có mặt ở các chuyến bay, khách sạn lớn, mang lại nguồn thu rất lớn cho ngành.

Cùng với đó, trước luồng chảy thông tin như vũ bão, việc ra báo tuần không đáp ứng đủ nhu cầu bạn đọc, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Vì thế, tờ Tin tức buổi chiều đã được khai sinh, đem tới một khái niệm báo chí hoàn toàn mới. “Bán cho tôi một tờ tin chiều,” cho tới tận bây giờ, những người bán báo ở Phan Huy Chú vẫn nghe văng vẳng câu nói ấy của khách hàng, dù thời gian đã trôi xa.

Tin tức buổi chiều đã lấp đầy khoảng trống thông tin quốc tế diễn ra trong khoảng thời gian từ 0 giờ đến 12 giờ hàng ngày, thời điểm các báo phát hành buổi sáng đều đã cắt tin, trong khi truyền hình chưa phát triển như bây giờ, báo mạng thế giới còn chưa được khai sinh.

Ông Lê Quốc Trung đánh giá, đây có thể coi là quyết định mạnh dạn, sáng suốt và hợp lý của đội ngũ lãnh đạo TTXVN trong công tác thông tin, đặc biệt là các thông tin quốc tế. Bởi tờ Tin tức buổi chiều đã lấp đầy khoảng trống thông tin quốc tế diễn ra trong khoảng thời gian từ 0 giờ đến 12 giờ hàng ngày, thời điểm các báo phát hành buổi sáng đều đã cắt tin, trong khi truyền hình chưa phát triển như bây giờ, báo mạng thế giới còn chưa được khai sinh.

Những sự kiện lớn như chính biến ở Liên Xô, hay Mỹ tấn công Iraq, vụ khủng bố 11/9, Mỹ đưa quân vào Afghanistan… đều được tờ Tin tức buổi chiều cập nhật kịp thời và “nóng sốt.” Không chỉ bạn đọc, mà nhiều cơ quan báo chí khác cũng chờ đợi “Tin chiều” ra sạp để “xào nấu” cho số báo hôm sau.

“Tôi còn nhớ khi đang công tác trong Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực trước cửa đơn vị phát hành báo của TTXVN (phố Nguyễn Thị Minh Khai) đông nghịt người, họ đứng đầy ngoài đường chỉ để chờ mua tờ báo buổi chiều,” ông Lê Quốc Trung bồi hồi nhớ lại. Cảnh tượng ấy có lẽ khó lặp lại trong lịch sử báo chí nước nhà, nhất là khi mà kỷ nguyên báo in đã phải nhường chỗ cho các phương tiện truyền thông hiện đại khác.

Ngày 1/1/1999, để thích nghi với tình hình mới cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, tờ Tin tức ra đời, trên cơ sở sáp nhập báo Tuần Tin tứcTin tức buổi chiều, đồng thời vẫn tiếp tục phát hành buổi chiều. Thương hiệu Tin tức tiếp tục tròn vai của một tờ báo chính trị-xã hội với thông tin chính thống “nhanh, đúng, trúng, hay.”

Tiếp nối dòng chảy bằng công nghệ hiện đại

“Nhìn chung chúng ta cũng có những quyết định phù hợp. Cũng có những ý tưởng mà ban đầu mình nghĩ là đúng, nhưng trong quá trình thì nó thay đổi và không phù hợp nữa. Phát triển đồng nghĩa với việc chúng ta tạo ra những cái mới và dám điều chỉnh, thậm chí là từ bỏ những cái cũ khi không còn hợp thời,” ông Trần Mai Hưởng đúc kết.

Điều ông Trần Mai Hưởng nhắc tới là thời điểm khi mạng internet ngày càng trở nên phổ biến, nhu cầu đọc báo của độc giả cũng dần thay đổi. Năm 2009, ban lãnh đạo TTXVN quyết định dừng tờ Tin tức buổi chiều, và vài năm sau đó thì đến lượt các tờ Khoa học & Công nghệ, Chân trời UNESCO chấm dứt sứ mệnh lịch sử.

Song cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác lại mở ra, TTXVN luôn có những điều chỉnh kịp thời để đưa ra những mô hình mới, phù hợp với tình hình mới. “Ở góc độ nghề nghiệp, TTXVN nhìn nhận đây chính là cơ hội để thay đổi, cải tiến phương thức làm báo thời hiện đại, tránh theo lối mòn và hướng đến mục tiêu đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất,” Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi nhìn nhận.

Đến năm 2008, VietnamPlus ra đời giữa lúc có những e ngại về việc tờ báo điện tử có thể ảnh hưởng đến quá trình cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trong nước.

Tuy nhiên, “thực tế đã chứng minh đấy là chủ trương đúng đắn,” nguyên Tổng giám đốc Trần Mai Hưởng nhận định. “Đây chính là một dấu mốc của TTXVN trong quá trình phát triển, thể hiện rõ việc bên cạnh nhiệm vụ cơ bản, TTXVN vẫn có thể phát triển đáp ứng nhu cầu mới, làm tốt nhiệm vụ thông tin đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ mà ta thấy ngày càng trở nên nặng nề và phức tạp hơn. VietnamPlus mang được thông tin đi xa, dịch ra nhiều ngữ, đến với đông đảo bạn đọc nước ngoài. Điều quan trọng là uy tín của cơ quan được lan tỏa trong cộng đồng.”

Không chỉ phát huy vai trò báo điện tử chính thức của TTXVN, VietnamPlus còn luôn tiên phong trong đổi mới-sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến, gồm cả trí tuệ nhân tạo, dẫn đầu xu thế bằng những loại hình báo chí hiện đại như báo chí dữ liệu, báo chí thị giác… Dù mới chỉ sắp tròn 12 năm tuổi, song VietnamPlus đã có 8 năm liên tiếp giành giải Báo chí Quốc gia, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế của các tổ chức hàng đầu như OANA (giải sáng tạo thông tấn với sản phẩm Chatbot), WAN-IFRA (RapNewsPlus đoạt giải Digital First trong khuôn khổ Giải thưởng Độc giả Trẻ Thế giới).

VietnamPlus đã có 8 năm liên tiếp giành giải Báo chí Quốc gia, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế của các tổ chức hàng đầu như OANA (giải sáng tạo thông tấn với sản phẩm Chatbot), WAN-IFRA (RapNewsPlus đoạt giải Digital First trong khuôn khổ Giải thưởng Độc giả Trẻ Thế giới).

Nguyên Tổng giám đốc Lê Quốc Trung cũng cho rằng toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ dẫn đến sự ra đời của nhiều loại hình thông tin hiện đại: “Với tốc độ truyền tải thông tin nhanh chưa từng có, TTXVN sẽ phải cố gắng và quyết tâm rất nhiều để duy trì vị thế hãng thông tấn quốc gia và hướng tới trở thành tập đoàn truyền thông đa phương tiện.”

Dẫn chứng là năm 2010, Thông tấn xã Việt Nam cho ra mắt kênh Truyền hình Thông tấn (Vnews), thay cho trung tâm nghe nhìn trước đây. Sau 10 năm, Vnews cũng trở thành một kênh thông tin trụ cột của ngành trong thời kỳ đổi mới, có cả bản tin tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha.

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh trình bày tham luận tại Diễn đàn Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế cho báo chí (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh trình bày tham luận tại Diễn đàn Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế cho báo chí (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Thực tế, đối ngoại vẫn luôn là nhiệm vụ quan trọng, cũng như là thế mạnh của TTXVN, ngay từ khi mới thành lập cũng như trong những năm chiến tranh. Tờ Báo Ảnh Việt Nam, bản tin đối ngoại Vietnam HebdoVietnam Weekly chính là “cuộc tập dượt” để cho ra đời các tờ báo Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam cũng như báo điện tử đa ngữ VietnamPlus, trong đó ấn bản mới nhất là tiếng Nga đã chính thức hòa mạng từ tháng 3/2020.  

Và đương nhiên, trong dòng chảy ấy, công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, đồng thời thể hiện sức mạnh cũng như sự sáng tạo của những người làm báo thông tấn. Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn của OANA cho ứng dụng Chatbot, dự án chống tin giả, những thử nghiệm cho công nghệ ra lệnh bằng giọng nói… mà TTXVN đang tiến hành là minh chứng sống động nhất cho nhận định rằng “TTXVN đang nằm trong dòng chảy thông tin, bắt kịp sự phát triển của truyền thông thế giới” như lời của Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi.

Khi cơn sóng thần kỹ thuật số ập đến, Thông tấn xã Việt Nam đã cưỡi trên ngọn sóng lớn nhất.

Thực hiện: Thúy Hà, Hồng Hạnh, Minh Anh, Tá Hiển

Video: Phan Hải Tùng Lâm, Lã Ngọc Sơn

Đồ họa – thiết kế: Thanh Trà, Nguyễn Trường, Trung tâm dữ liệu và đồ họa

Cột mốc phát triển của TTXVN

Bấm nút bên trái để xem các cột mốc